Những đại gia ngoại nào đang chi phối thị trường sơn Việt Nam?
Cuộc chơi thị trường sơn nằm trong phần lớn tay các doanh nghiệp ngoại đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan,.. với 65% thị phần.
Cuộc chơi thị trường sơn nằm trong phần lớn tay các doanh nghiệp ngoại đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan,.. với 65% thị phần. Thị trường bất động sản nóng trở lại với các công trình xây dựng mọc lên khắp nơi cũng là dấu hiệu khả quan cho ngành công nghiệp sơn.
Hiện Việt Nam có hơn 60 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sơn với tốc độ tăng trưởng của ngành đạt mức 6-8% giai đoạn 2008-2012 tuy nhiên phần lớn cuộc chơi nằm phần lớn trong tay các doanh nghiệp ngoại đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan,.. với 65% thị phần.
Hầu hết các hãng sơn lớn nhất thế giới như AkzoNobel, PPG hay Dupont đều có mặt tại Việt Nam từ rất sớm.
AkzoNobel
Theo Hiệp hội sơn và chất phủ thế giới, AkzoNobel là hãng sơn lớn nhất thế giới. Năm 2014 với doanh thu hơn 14,3 tỷ USD cùng với lượng nhân viên lên tới 47.200 người. AkzoNobel là công ty đa quốc gia sản xuất hóa chất có trụ sở tại Hà Lan. Công ty này có lịch sử khá lâu đời về sáp nhập và chia tách, một số mảng của AkzoNobel hiện tại xuất hiện từ thế kỷ 17.
Mặc dù là một công ty châu Âu nhưng mảng kinh doanh sơn của công ty này tại khu vực này (30%) năm 2013 lại đứng sau châu Á Thái Bình dương (35%). AkzoNobel có nhiều công ty con đảm nhiệm những thương hiệu riêng nổi tiếng như Dulux, Levis paint, eka, Dry-Flo,...
Tại Việt Nam, nhắc đến AkzoNobel ít ai biết đến nhưng thương hiệu sơn Dulux và Maxilite của công ty này lại khá phổ biến. AkzoNobel cũng đã có nhà máy sản xuất tại Việt Nam đặt tại KCN Mỹ Phước 2 huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Sản lượng của AkzoNobel Việt Nam hiện ở mức 30.000 tấn/năm.
PPG
PPG được thành lập năm 1883 tại Mỹ, hiện là hãng sản xuất sơn trong lĩnh vực giao thông vận tải, công trình lớn nhất thế giới. Năm 2014, doanh thu của PPG đạt 15,4 tỷ USD, đứng thứ 190 trong danh sách Fortune 500. Hiện công ty này có 156 nhà máy sản xuất sơn trên thế giới, trong đó khu vực Châu Á thái bình dương có 33 nhà máy.
Tại Việt Nam, PPG ít có những thông tin quảng bá thương hiệu nhưng lại hiện diện tại nhiều công trình lớn như Apex Tower, Royal City, sân bay Đà Nẵng, sân bay Cần Thơ. Nguyên nhân có thể lý giải là các sản phẩm sơn của PPG gồm sơn công nghiệp Sigma, sơn tôn mạ màu, sơn bột tĩnh điện,... có đối tượng khách hàng lớn thay vì khách hàng tiêu dùng thông thường vì vậy mức độ nhận diện của người tiêu dùng thường ít hơn.
Sherwin-Williams
Theo xếp hạng của Hiệp hội Sơn và chất phủ thế giới, Sherwin-Williams là công ty lớn thứ 4 trong lĩnh vực này, được thành lập năm 1866 tại Mỹ. Doanh thu năm 2014 của Sherwin-Williams đạt 11,13 tỷ USD với lượng nhân viên gần 40.000 người. Những thương hiệu nổi tiếng của Sherwin-Williams gồm Dutch Boy, Krylon, Minwax, Thompson's, Water Seal. Hãng sơn này cũng đã có mặt tại Việt Nam tuy nhiên cũng lượng thông tin cũng khá ít ỏi chỉ gồm địa chỉ tại Qui Nhơn và Bình Dương.
DuPont
DuPont là công ty hóa chất thành lập năm 1802 tại Mỹ có tên đầy đủ là E. I. du Pont de Nemours and Company vốn lấy tên từ nhà sáng lập Eleuthère Irénée (E.I.) du Pont. Ông học chuyên sâu về công nghệ sản xuất hóa học từ nhà hóa học nổi tiếng Antoine Lavoisier sau đó dùng kiến thức để pha chế ra những sản phẩm có chất lượng, quan tâm tới an toàn của người lao động. Trải qua 2 thế kỷ, dòng họ DuPont đã xây dựng nên đế chế sơn lớn thứ nhất thế giới, xếp hạng 73 trong danh sách Fortune 500. Năm 2014 doanh thu của tập đoàn này đạt 34,7 tỷ USD.
DuPont đặt chân vào Việt Nam từ năm 1994 và mở rộng hoạt động kinh doanh nhiều sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho khách hàng nội địa trong nhiều ngành quan trọng như nông nghiệp, ô tô, xây dựng, công nghiệp đóng gói. Hiện DuPont có 2 đơn vị tại Việt Nam gồm DuPont Far East Inc. và DuPont Vietnam Limited. Nhà máy của DuPont được đặt tại khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương.
Valspar
Năm 1806 một người đàn ông có tên Samel Tuck mở một cửa hàng kinh doanh sơn đặt tên Paint and Color trên đường phố Boston. Đến năm 1820, Valspar thành lập và trải qua 2 thế kỷ trở thành công ty sơn, chất phủ lớn thứ 6 thế giới với hơn 9.500 nhân viên tại 25 đất nước. Valspar hiện cũng là nhà cung cấp chất phủ cho vỏ lon nước giải khát và máy móc như: Coca-Cola, Budweiser, John Deere,... hay các dự án lớn như Trung tâm hội nghị Hồng Kông, Bảo tàng Getty,... Năm 2014, Valspar đạt doanh thu 4,5 tỷ USD.
Valspar thành lập tại Việt Nam từ tháng 11 năm 2002 với nhà máy đặt tại khu công nghiệp Amata, Biên Hòa, Đồng Nai cung cấp sơn phủ gỗ cho đồ nội thất xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ. Đến năm 2007, Valspar hợp tác với Spanyc thành lập công ty cổ phần và xây dựng thêm nhà máy tại Hưng Yên.
Nippon
Nippon là công ty sản xuất sơn đầu tiên của Nhật Bản được thành lập bởi Komyosha năm 1881. Hiện Nippon sản xuất sơn và chất phủ trong nhiều lĩnh vực từ ô tô, công trình xây dựng, linh kiện điện tử, máy móc, sơn đường đến sơn tàu thủy,... Năm 2013, doanh thu của Nippon đạt 3,026 tỷ USD với lượng nhân viên hơn 6.600 người.
So với các thương hiệu sơn khác, Nippon là thương hiệu ghi dấu ấn từ lâu với người tiêu dùng Việt Nam từ slogan "Sơn Nippon-sơn đâu cũng đẹp" đến mới đây là quảng cáo có sự hiện diện của ngôi sao như Johnny Trí nguyễn và Ngô Thanh Vân.
4 Oranges
Đây là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài của tập đoàn Asia Leader International Investment thuộc Thái Lan. Năm 2004, 4 Oranges đầu tư nhà máy có công suất 100 triệu lít sơn và 60 nghìn tấn bột trét mỗi năm với kinh phí 14,5 triệu USD. Đây là một trong 3 nhà máy sản xuất sơn lớn nhất Đông Nam Á hiện nay và lớn nhất tại Việt Nam.
Những thương hiệu phổ biến đối với người tiêu dùng của 4 Oranges gồm sơn MYKOLOR, SPEC, BOSS, EXPO. Theo thông tin từ công ty này thì hiện 4 Oranges giữ khoảng 30% thị phần và đặt mục tiêu tăng trưởng 15% trong năm nay.
Ngoài những tên tuổi trên, một số công ty sơn lớn khác trên thế giới như BASF, TOA, Jotun,... cũng đã có mặt tại Việt Nam khiến bức tranh ngành sơn càng trở nên đa sắc hơn bao giờ hết.
Kim Thủy
Nguồn Trí thức trẻ