Thị trường dầu ăn: Nhân tố mới Kido
Với quy mô 30.000 tỷ đồng, thị trường dầu ăn đang thu hút sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.
Dầu "sôi"
Ngày 25/6, thị trường dầu ăn chứng kiến sự góp mặt của một tên tuổi mới - dầu đậu nành Tiara của Công ty TNHH ICOF Vietnam. Sự xuất hiện của thương hiệu đến từ Malaysia này càng làm cho thị trường dầu ăn trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Bởi trước đó, ngày 22/6, Kinh Đô đã ký kết với nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới là Felda Global Ventures (FGV) và Tập đoàn Indo-Trans Logistics Coporation (ITL) thành lập liên doanh sản xuất dầu ăn từ cọ lớn nhất Việt Nam sau khi đã mua 51% cổ phần tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex).
Chia sẻ về lý do tham gia thị trường, ông Lee Nio Kwee, Tổng giám đốc Công ty TNHH ICOF Vietnam, cho rằng, với mức tăng trưởng bình quân 8%/năm, tổng lượng dầu thực vật tiêu thụ ước khoảng 850.000 tấn (khoảng 9,2kg/người) trong năm nay và dự kiến tăng lên 1,57 triệu tấn (16,2kg/người) vào năm 2020, thị trường Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng.
"Với thu nhập đang tăng cao, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe, vì vậy chúng tôi tung ra dòng dầu đậu nành nguyên chất Tiara với nhiều đặc tính nổi trội", ông Lee Nio Kwee nói.
Theo các chuyên gia trong ngành, ICOF Vietnam sẽ là một đối thủ mới đáng gờm cho các DN sản xuất và kinh doanh dầu ăn.
Bởi ICOF Vietnam là công ty chuyên về kinh doanh và phân phối của Công ty Inter-Continental Oils&Fats Pte. Ltd, trực thuộc Tập đoàn Musim Mas (Singapore), một trong những nhà sản xuất dầu cọ lớn thế giới.
Hiện tại, những sản phẩm này được nhập khẩu từ Malaysia nhưng sắp tới sẽ được sản xuất tại nhà máy mà Tập đoàn Musim Mas và Vocarimex đầu tư xây dựng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Được cấp phép vào tháng 3/2013, với vốn đầu tư 71,5 triệu USD (Musim Mas chiếm 70% cổ phần, Vocarimex 30%), nhà máy này có công suất lên đến 1.500 tấn/ngày, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2016 và sẽ trở thành nhà máy sản xuất dầu ăn lớn nhất Việt Nam (các nhà máy sản xuất dầu ăn hiện đang hoạt động chỉ ở mức 700 - 800 tấn/ngày).
Trước ICOF Vietnam, cuối năm 2014, thị trường cũng đã chứng kiến sự xuất hiện của Ranee, một thương hiệu dầu ăn do DN trong lĩnh vực bất động sản và thủy sản Sao Mai đầu tư.
Ra sau nên tập đoàn này không nhảy vào mảng dầu thực vật mà sản xuất dầu động vật: tinh dầu cá tra.
"Dù chi phí marketing lớn nhưng vì đi sau nhưng chúng tôi không ngại đầu tư. Ngoài mở thị trường nội địa, chúng tôi đã và đang quảng bá và đẩy mạnh xuất khẩu tinh dầu cá tra sang Singapore, Malaysia và Trung Quốc", đại diện Tập đoàn Sao Mai, cho biết.
Sắp xếp lại thị trường
Từ bỏ mảng bánh kẹo, Kinh Đô quyết tâm thâm nhập vào thị trường có quy mô lớn gấp 12 lần là thực phẩm thiết yếu.
Hiện thực hóa kế hoạch, mới đây, Kinh Đô đã đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Kido (KDC) và triển khai chiến lược chiếm lĩnh thị trường dầu ăn vốn đã có sự góp mặt của rất nhiều "ông lớn".
Để thực hiện tham vọng đó, Kido đã ký kết với nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới FGV, trong đó Kido chiếm đến 55% cổ phần.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, liên kết với FGV, Kido chọn cách "đứng trên vai người khổng lồ” vì FGV là một trong những tập đoàn trồng và sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.
Với sự hợp tác này, Kido không chỉ cung cấp sản phẩm dầu ăn ra thị trường mà còn phân phối nguyên liệu sản xuất cho các DN khác.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kido chia sẻ, hiện quy mô thị trường dầu ăn Việt Nam khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó, đến 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, phần lớn từ Malaysia và Indonesia.
Do vậy, việc hợp tác này sẽ giúp liên doanh mới chiếm thị phần nhanh và mạnh hơn tại Việt Nam, đặc biệt là lợi thế về giá dầu nguyên liệu nhập khẩu.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện có khoảng 40 DN sản xuất, kinh doanh dầu ăn, trong đó, dầu cọ chiếm 70%, dầu đậu nành chiếm 23% còn lại là các loại dầu khác.
Ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Kido, cho rằng, lâu nay KDC chỉ mới khảo sát thị trường cũng như động thái của đối thủ và giờ mới là giai đoạn chính thức đầu tư.
Hiện công ty có nguồn tiền mặt lên đến gần 10.000 tỷ đồng, trong đó gần 2.000 tỷ được đầu tư cho sản xuất mì gói, dầu ăn.
Vì thế, Kido hoàn toàn có thể thực hiện được chiến lược của mình. Trong đại hội cổ đông diễn ra ngày 26/6, ông Trần Lệ Nguyên, cam kết sẽ đưa doanh số của công ty quay trở lại mức 5.000 tỷ đồng sau hai năm nữa và lợi nhuận sẽ lên 600 tỷ đồng sau ba năm.
Sự tự tin của Kido là có cơ sở khi khảo sát của Công ty Nghiên cứu Thị trường Epinion công bố vào cuối năm 2014 cho thấy, mức độ trung thành của người tiêu dùng đối với ngành hàng dầu ăn không cao.
Hầu hết những người khảo sát đều cho biết, trong ba tháng gần nhất họ đã sử dụng ba nhãn hiệu dầu ăn khác nhau.
Với nguồn tiền lớn cộng với hệ thống phân phối rộng và am hiểu thị trường, các chuyên gia thương hiệu cho rằng, Kido hoàn toàn có thể thực hiện được tham vọng của mình.
Bởi, cũng giống như các DN nước ngoài, Kinh Đô là tập đoàn kinh doanh chuyên nghiệp nên khi đầu tư đã tính toán rất kỹ về lợi nhuận và có những chiến lược chắc chắn.
Còn theo ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Masso Group, việc chuyển hướng của Kinh Đô từ mảng "ăn chơi" (bánh kẹo) sang hàng thiết yếu (mì gói, dầu ăn, gia vị) là hướng đi khôn ngoan.
Với những ngành hàng này, sản phẩm không có sự khác biệt, giá cả cũng không nhiều khác biệt, do đó, thắng hay không tùy thuộc vào sự quảng bá hình ảnh và tận dụng kênh phân phối, bán hàng.
"Vấn đề của Kido là làm sao để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu như thế nào để hấp dẫn người tiêu dùng. Nguyên tắc cạnh tranh là luôn có sự đào thải những tên tuổi cũ và du nhập những tên tuổi mới. Vì thế, Kido vẫn có cơ hội thắng, tuy nhiên việc này phụ thuộc vào năng lực và cách thực thi", ông Thẳng nhận định.
Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn