Thị trường smartphone Việt Nam: Ẩn số Oppo
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2013, thương hiệu Oppo là một hiện tượng được các nhà bán lẻ đánh giá khá tốt trong hai năm trở lại đây do chương trình tiếp thị bài bản và chịu đầu tư lâu dài.
Thị trường smartphone tại Việt Nam hai quý liên tiếp giảm doanh số khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu thị trường này đã phát triển chạm ngưỡng hay chưa, các hãng mới xâm nhập thị trường còn cơ hội đê phát triển hay không?
Thực tế, thị trường đã chứng kiến sự ra đi của các dòng smartphone giá rẻ đến từ Trung Quốc. Các thương hiệu Việt Nam do FPT hay Viettel cung cấp cũng không có chỗ đứng trên thị trường so với các thương hiệu lớn.
Nhiều hãng điện thoại xuất hiện sau này như Oppo, Asus hay Coolpad đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm từ những thất bại này. Đáng chú ý trong số này là thương hiệu Oppo khi nhanh chóng đi lên từ con số 0 để trở thành đối thủ đáng gờm của nhiều thương hiệu khác.
Ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Truyền thông của Oppo Việt Nam cho biết, hãng định nghĩa các sản phẩm của mình là phân khúc thời trang và gắn liền với các hoạt động của giới trẻ.
Chính vì thế, thay vì tiếp cận khách hàng qua các kênh công nghệ, hãng đã chọn các kênh giải trí, thời trang ngay từ lúc đầu tiếp cận thị trường Việt Nam.
Giống như những hãng khác, Oppo chọn đại diện cho thương hiệu là các ca sĩ có tiếng nhưng không dựa vào tên tuổi của họ để quảng cáo sản phẩm mà thay vào đó cùng với họ sản xuất ra các sản phẩm giải trí phục vụ khách hàng chung là giới trẻ.
Hiện Oppo là tài trợ truyền thông cho hai chương trình dành cho giới trẻ khá có tiếng trong thời gian qua là The Remix, The Voice. Ông Cường cho biết trong thời gian tới, Oppo sẽ đầu tư mở Học viện The Voice giúp thí sinh trong việc thi tuyển.
"Đối với các ca sĩ, chúng tôi đồng hành cùng họ chứ không đơn thuần là nhà tài trợ. Còn đối với khách hàng, Oppo là sản phẩm bên cạnh công nghệ tốt mà còn thời trang và luôn có mặt trong các trào lưu giải trí cho giới trẻ”, ông Cường nói.
Bên cạnh việc phát triển hình ảnh để định vị thương hiệu, Oppo chú trọng đến khâu bảo hành sản phẩm.
Theo ông Cường, thống kê tính đến nay có khoảng 2.000 điểm bán hàng nên mục tiêu trong năm 2015 là mở 36 điểm bảo hành ở các tỉnh - thành do chính Công ty trực tiếp tuyển dụng nhân viên và điều hành. Hiện đã có hơn 24 cửa hàng được mở.
Cách làm này đã phần nào phát huy tác dụng. Theo thống kê của IDC, quý IV/2014 và quý I/2015, Oppo từ con số 0 đã vươn lên vị trí thứ ba các hãng smartphone bán nhiều nhất ở thị trường Việt Nam, qua mặt các đối thủ nặng ký khác như Sony, LG và Asus.
Một thông tin khá thú vị là cơ cấu doanh thu của Oppo khá đồng đều, theo đó 70% đến từ các sản phẩm có mức giá từ 5 triệu đồng trở xuống và 30% còn lại là các sản phẩm có giá từ 8 đến 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, đại diện một số thương hiệu smartphone lớn cho rằng, cần phải có thời gian mới xác định được vị trí của Oppo. Hiện nay, Oppo đang tung tiền nhiều để làm tiếp thị nên có hiệu ứng bán hàng tốt.
Khi giảm hoặc dừng các hoạt động này mới có thể đánh giá chính xác thị hiếu thực sự của người dùng về thương hiệu có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được định vị giá cao này.
Công Sang
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn