Thị trường smartphone Việt Nam: Đủ rộng cho tất cả?
Theo dự báo mới đây của Hãng Nghiên cứu thị trường IDC, doanh thu từ mảng kinh doanh smartphone ở Việt Nam trong 5 năm tới vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Mặc dù con số dự báo không còn cao như các năm trước nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu của thị trường smartphone ở Việt Nam vẫn được IDC đánh giá là cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đất chật vẫn chen chân
Hồi tháng 8/2014, Wiko, thương hiệu smartphone của Pháp chính thức gia nhập thị trường Việt Nam. Gần một năm kể từ ngày tham gia, đa phần các sản phẩm của Wiko vẫn nằm ở phân khúc từ 6 triệu đồng trở xuống.
Trước đó một năm, Alcatel, một hãng điện thoại khác của Pháp cũng gia nhập thị trường nhưng sau hơn hai năm có mặt, phần lớn dòng điện thoại của Alcatel vẫn nằm ở mức giá trung bình.
Thực ra, bài toán thị trường của Wiko, Alcatel không có gì là lạ. Trước đó, hàng loạt điện thoại Trung Quốc khi tham gia vào thị trường Việt Nam khoa trương rầm rộ bằng các mẫu smartphone cao cấp nhưng hiện vẫn quanh quẩn ở phân khúc giá phổ thông và trung cấp.
Gần đây nhất là Huawei, có buổi ra mắt khá hoành tráng hồi đầu năm, nhưng theo ghi nhận tại các điểm bán lẻ và trên các trang web Thế Giới Di Động, Viễn Thông A hay FPT Shop, sản phẩm của thương hiệu đến từ Trung Quốc này hiện vẫn chưa có sức mua đáng chú ý nào.
Theo đại diện của Lenovo Việt Nam, rất khó để các hãng mới bán điện thoại trên 6 triệu đồng vì sẽ vấp phải cạnh tranh từ các mẫu smartphone đã qua sử dụng hoặc xách tay của Apple, Samsung hay Sony.
Chính vì thế, nói là cơ hội luôn có nhưng các mẫu điện thoại mới thường tập trung ở phân khúc dưới 6 triệu đồng mà nếu tính mật độ cạnh tranh thì còn dày đặc hơn cả phân khúc trung và cao cấp.
Nếu ở phân khúc cao cấp chỉ có vài cái tên như Apple, Samsung, Sony, HTC..., thì phân khúc thấp, con số này ít nhất là gấp hai lần, có thể kể như Oppo, Asus, Lenovo, Huawei, Mobistar, Q-Mobile, Wiko, Phillips...
Đó là chưa kể đến các thương hiệu cao cấp củng tham gia mở rộng thị trường với các dòng smartphone trung cấp như Samsung, Nokia, Sony, HTC...
Trước bối cảnh như vậy, một số hãng bắt đầu chuyển kênh phân phối như mở rộng mảng bán hàng trực tuyến.
Điển hình như Lenovo hợp tác với trang Lazada Việt Nam bán độc quyền mẫu điện thoại A7000 hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Gần đây, Alcatel hợp tác độc quyền với Lazada Việt Nam bán mẫu Alcatel Flash Plus.
Tuy nhiên, kết quả được giới trong ngành dự báo chẳng mấy khả quan.
Theo đại diện một hãng điện thoại không muốn nêu tên, tính luôn Lazada và các kênh trực tuyến của các chuỗi cửa hàng bản lẻ hiện nay, một tháng chỉ có cỡ hai chục ngàn mẫu điện thoại các loại được bán, theo đó các hãng ít tên tuổi bán được vài ngàn cái/tháng là cao.
"Người mua đồ công nghệ ở Việt Nam vẫn có thói quen trải nghiệm trước khi mua sản phẩm nên các kênh trực tuyến hiện vẫn chưa phát huy được thế mạnh. Việc bán trực tuyến có tác dụng tiếp thị nhiều hơn", vị này nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Sơn, Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam, cho biết, bên cạnh doanh số, việc hợp tác với Lazada Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp nhiều khách hàng biết đến các sản phẩm của Lenovo.
Đã vậy, sự cạnh tranh ở phân khúc trung cấp được dự báo sẽ gay gắt hơn trong thời gian tới khi một số hãng tên tuổi bắt đầu tấn công vào phân khúc dưới 8 triệu đồng như Samsung với mẫu A5 và gần đây là Sony củng đưa ra mẫu M4 Aqua với mức giá 6,5 triệu đồng.
Không đầu tư, khó thành công
Ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc hệ thống cửa hàng Mai Nguyên, cho rằng, thị trường smartphone Việt Nam dễ với những ai chịu đầu tư và khó với những ai xem thị trường này dễ tính.
Asus, Oppo là hai ví dụ điển hình, đều có kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam bài bản từ khâu tiếp thị cho đến chăm sóc các nhà phân phối.
Kết quả là nếu cách đây hơn một năm, các mẫu điện thoại của Oppo rất khó bán thì hiện nay sức tiêu thụ ở Mai Nguyên khá tốt. Cũng như vậy, do hiểu tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam nên các sản phẩm của Asus luôn có được sự quan tâm nhất định.
Theo ông Nguyên, người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn và có nhiều lựa chọn hơn. Vì vậy, họ quan tâm đến các hãng có thiết kế bắt mắt, truyền thông đều đặn và sản phẩm phải thực sự tốt.
Việc chạy đua phần cứng và giá thành không có nhiều ý nghĩa nếu phần mềm của thiết bị hoạt động không đồng bộ.
Bên cạnh đó, giống như người tiêu dùng, sự hấp dẫn của thị trường smartphone Việt Nam giúp các nhà bán lẻ có nhiều đối tác để lựa chọn. Các nhà bán lẻ có xu hướng hợp tác với các doanh nghiệp có chính sách giá, hỗ trợ bán hàng, chế độ bảo hành tốt.
Củng theo ông Nguyên, các hãng mới nên cân nhắc trong việc đầu tư, có nên đầu tư vào các thành thị vốn đã chật cứng người bán hay đầu tư vào các tỉnh chưa được nhiều hãng khai thác?
"Có thị phần ở Việt Nam không khó. Quan trọng là các hãng có chịu đầu tư và quyết tâm làm hay không thôi", ông Nguyên nói.
Tương tự, ông Mai Phú Phong, Giám đốc chuỗi cửa hàng PhonGee, cho rằng, Việt Nam luôn là thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất smartphone nếu biết cách khai thác.
Trong đó đặc biệt chú ý là cuộc đua về tiếp thị, xây dựng hình ảnh thương hiệu và mở rộng kênh phân phối.
Khi được hỏi về cuộc đua về giá và cấu hình của các hãng điện thoại của Trung Quốc hiện nay, ông Phong cho rằng, yếu tố giá cả vẫn đóng vai trò chủ đạo ở khu vực ngoại thành.
Nhưng giá cả phải đi kèm với điều kiện là chất lượng đảm bảo nếu không thì sẽ không bền vững. "Nếu các hãng mới có đủ khả năng cạnh tranh về chất lượng phần cứng lẫn phần mềm, về dịch vụ bán hàng và sau bán hàng, với mức giá hợp lý cho từng phân khúc thì không có lý do gì họ không chiếm được thị phần", ông Phong nói.
Về phần mình, IDC cho rằng, các hãng điện thoại mới nên tập trung xây dựng hệ sinh thái riêng để tạo lợi thế cạnh tranh. Một trong đó là kết hợp với các nhà phát triển ứng dụng trong nước để tạo ra các ứng dụng phục vụ tốt nhu cầu bản địa.
Đây là cách đã được nhiều hãng tính đến nhưng doanh số quá kém ở thị trường Việt Nam khiến họ không mấy mặn mà đầu tư. IDC cho rằng, để giành được thị phần, các hãng cần phải cân nhắc về vấn đề này.
Smart device tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới
IDC dự báo thị trường các thiết bị di động thông minh bao gồm smartphone, tablet ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trong giai đoạn 5 năm tới.
Cụ thể, doanh thu thị trường smartphone trong năm 2015 sẽ đạt 2,4 tỷ USD (tương đương 15 triệu chiếc) và 3,6 tỷ USD (tương đương 28 triệu chiếc).
So với doanh thu 2,2 tỷ USD trong năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng smartphone trong năm 2015 là 10% và hơn 60% từ đây cho đến hết năm 2019.
Trong lần báo cáo này, IDC củng công bố Top 3 thương hiệu smartphone trong quý I/2015.
Theo đó, xét về mặt thiết bị bán ra, Samsung đứng đầu với 35,2% (tăng so với 24,3% quý IV/2014), Microsoft 24,2% (tăng so với 21,6% quý IV/2014), và OPPO 10,4% (giảm so với 10,6% hồi quý IV/2014).
Tuy nhiên, khi xét về tổng giá trị bán ra trong quý I/2015 thì có sự thay đổi nhỏ.
Đứng thứ nhất về giá trị bán ra tiếp tục là Samsung với 35,6% tổng giá trị (tăng so với 30,1% quý IV/2014). Tuy nhiên, ở vị trí thứ hai là sự xuất hiện của Apple với 24,4% tổng giá trị (tăng so với 16,7% hồi quý IV/2014).
Nguyên nhân do trong quý IV/2014, FPT đẩy mạnh hai dòng sản phẩm là iPhone 6 và 6 Plus khiến tổng giá trị bán ra của sản phẩm này tăng mạnh.
Thứ ba là Microsoft với 15,4% (tăng so với 14,8% hồi quý IV/2014).
Đây là kết quả của việc tung ra hàng loạt mẫu điện thoại Lumia ở phân khúc tầm trung của Microsoft.
Công Sang
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn