Đôi điều về phát sampling
Sampling, phát sampling hay phát mẫu thử là một hình thức marketing mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng vì họ được dùng thử sản phẩm để cảm nhận và tự cân nhắc quyết định mua hàng.
Khi một người khách bước vào một siêu thị, được một cô PG chào đón ở bên ngoài cửa và gởi tặng bạn một túyp kem đánh răng nhỏ hay vài miếng băng vệ sinh gói trong hộp quà xinh xắn, chắc chắn họ sẽ rất háo hức vì được nhận quà và mong muốn dùng thử ngay. Tương tự, một quầy giới thiệu thức uống mới hay một loại khoai tây chiên chắc chắn sẽ rất đông khách nếu cho khách hàng dùng thử đồ ăn hay đồ uống trong những chiếc ly giấy nho nhỏ. Sampling, phát sampling hay phát mẫu thử là một hình thức marketing mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng vì họ được dùng thử sản phẩm để cảm nhận và tự cân nhắc quyết định mua hàng.
Phát sampling rất quen thuộc đối với những lãnh vực như hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ uống... vì tính chất của những hàng hóa này là dễ lấy mẫu thử, dễ tiêu dùng.
Trong lãnh vực làm sampling có 2 thuật ngữ thông dụng là phát Door to door và phát Face to face. Phát Door to door là việc phát mẫu thử đến tận từng hộ gia đình, trước kia có nhiều công ty thực hiện tuy nhiên gần đây không còn nhiều công ty thực hiện nữa do tính chất phức tạp trong khâu thực hiện. Phát Door to door đòi hỏi khả năng quản lý nhân sự và quản lý quy trình phát tốt để đảm bảo mẫu sản phẩm đến được từng nhà, không có sự cố như phát trùng, phát ăn gian. Chi phí phát door một mẫu thử lớn hơn giá trị của mẫu rất nhiều lần, nhưng chưa chắc đã tiếp cận được đúng khách hàng. Chẳng hạn trong một gia đình, người phụ nữ là người quyết định mua dầu gội cho gia đình, nhưng có thể người nhận nó có thể là người chồng, người con hay ông bà già, và cuối cùng nó không tiếp cận được đúng người ra quyết định.
Vì vậy nhiều người làm marketing ưu tiên hình thức phát Face to face hơn, tức là đứng một chỗ như siêu thị, trường học... và phát cho những người đi qua đi lại, vì với hình thức này, họ tiếp cận đúng đối tượng khách hàng mình cần, ví dụ người đi mua sắm tại siêu thị, hơn nữa, vừa tiết kiệm nhân lực lại hạn chế những sự cố có thể xảy ra.
Có một số nơi làm sampling thông dụng như sau:
- Siêu thị, chợ, tiệm tạp hóa: Đây là nơi có thể phát bất cứ mặt hàng nào, lại có thể kích thích mua hàng ngay vì hàng hóa có bán sẵn. Đây là nơi phát sampling rất thông dụng cho nên bạn dễ dàng trong việc xin phép, xin báo giá và được hỗ trợ một cách chuyên nghiệp từ chủ địa điểm
- Nhà hàng, quán ăn, quán cafe, quán bar: Phù hợp để mời dùng thử các sản phẩm như đồ uống, thuốc lá, mỹ phẩm...
- Tòa nhà văn phòng: Có thể giới thiệu các loại mỹ phẩm, cafe uống liền, một số tòa nhà bạn có thể chỉ cần lobby lực lượng bảo vệ, tuy nhiên cũng có nhiều tòa nhà bạn cần xin phép Ban quản lý tòa nhà
- Trường học, nhà văn hóa: Có thể cho dùng thử sản phẩm dành cho giới trẻ, thức ăn, đồ uống, đĩa cài đặt phần mềm, game...
- Bệnh viện, trung tâm thể dục, thẩm mỹ viện: Thích hợp để phát các loại sữa, thực phẩm chức năng bồi bổ sức khỏe, làm đẹp, tăng giảm cân...
- Các hội chợ triển lãm, Event đông người: Một dịp tụ tập đông người là nơi tốt để phát sampling nhưng cần chắc chắn là bạn có sự đồng ý của người tổ chức Event đó để tránh sự ngăn cản làm ảnh hưởng đến kế hoạch.
- Đính kèm báo, tạp chí: Các mẫu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... với đặc tính nhỏ gọn có thể được đính kèm các tạp chí mà độc giả là khách hàng tiềm năng của sản phẩm.
Bạn cũng có thể tổ chức phát sampling dưới hình thức đổi quà, chẳng hạn đổi vỏ hộp sản phẩm cũ lấy sản phẩm mới, đổi giấy vụn lấy sản phầm để góp phần bảo vệ môi trường. Một số công ty còn có chiến dịch đổi sản phẩm cũ của các đối thủ để lấy sản phẩm của mình, đây là việc làm khôn ngoan để lôi kéo khách hàng của đối thủ cạnh tranh chuyển sang sử dụng sản phẩm của mình.
Để kết lại, tôi xin kể cho các bạn câu chuyện này: Một công ty mỹ phẩm Việt Nam nọ, chất lượng sản phẩm trước giờ được đánh giá khá cao nhưng doanh số càng ngày càng giảm sút do bị cạnh tranh bởi sản phẩm của các tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia. Công ty quyết định tổ chức phát sản phẩm của mình để khách hàng dùng thử, họ tin rằng khi trải nghiệm chất lượng của sản phẩm của công ty, chắc chắn sẽ mua hàng. Tuy nhiên sau một chiến dịch phát door tốn kém khắp khu vực phía đông thành phố, họ thấy rằng doanh số không hề có sự thay đổi. Sau đó họ cử nhân viên đi thăm dò ý kiến một số hộ dân đã được nhận mẫu thử thì được phản hồi là do sản phẩm được đóng gói trong một bao bì không hề bắt mắt, trông chẳng khác gì gói gia vị nêm mì tôm, lại quá ít chẳng bõ bèn để dùng nên họ chẳng có hứng thú dùng thử, ai cũng đều quẳng vào một góc. Như vậy, một chiến dịch phát door tốn kém đã không đem lại hiệu quả chỉ vì công ty tiết kiệm chi phí sản xuất bao bì tốt và tiết kiệm cả sản phẩm dùng thử bên trong.
Như vậy chúng ta thấy, phát sampling là cơ hội rất tốt để tiếp cận trực tiếp khách hàng cho nên bạn cần có sự đầu tư trong việc thiết kế vỏ hộp, tờ rơi... có đầy đủ các thông tin để gây chú ý cho khách hàng và thúc đẩy họ ra quyết định.