Vì sao hàng Việt “chật vật” vào siêu thị?

Dù các siêu thị khẳng định số lượng hàng Việt Nam vẫn chiếm ưu thế nhưng sự lép vế của hàng Việt là điều không thể phủ nhận.

Vậy, vì sao hàng Việt vẫn “vắng bóng” trong các siêu thị? Có thể thấy, so với các nhãn hàng nước ngoài, hàng hóa của DN trong nước không có nhiều lợi thế khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Điều này không khó hiểu vì các DN lớn thường có chi phí quảng cáo mạnh, chiết khấu cao và có quy trình sản xuất cũng như chất lượng hàng hóa đáp ứng yêu cầu của siêu thị.

Bên cạnh đó, muốn có một kệ hàng trong siêu thị không phải đơn giản vì siêu thị yêu cầu nhà cung cấp phải hỗ trợ giá kệ, hỗ trợ trưng bày, tín dụng, đổi hàng… Trong khi đó, hầu hết DN Việt Nam đều là DN nhỏ nên những yêu cầu của nhà phân phối khiến DN sẽ khó đáp ứng. Thậm chí, những DN lớn, có tên tuổi của Việt Nam cũng gặp phải khó khăn này. Tôi đã từng trao đổi với lãnh đạo của Cty May Nhà Bè, họ nói rằng, bán hàng vào hệ thống siêu thị nước ngoài không có lãi do phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu của siêu thị. Nói vậy để thấy rằng, kể cả DN lớn của Việt Nam như May Nhà Bè – DN lớn thứ 2 trong ngành may mặc mà còn thấy khó khăn, huống gì DNNVV.

Vì sao hàng Việt “chật vật” vào siêu thị?

Hàng Việt vẫn “vắng bóng” trong các siêu thị

Chưa kể đến, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập sâu hơn vào các Hiệp định thương mại tự do, thuế suất NK nhiều mặt hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực ASEAN (với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN – AEC) sẽ về 0%, hàng hóa trong nước sẽ còn khó cạnh tranh hơn. Hàng NK hiện cao hơn hàng trong nước nhưng khi thuế suất về 0%, sản phẩm NK khi đó sẽ bằng hoặc thấp hơn sản phẩm trong nước. Ví dụ như mặt hàng hoa quả, Thái Lan có phần vượt trội hơn, vì thế, mặt hàng này sẽ khó khăn tiêu thụ trong nước.

Là DN chủ yếu kinh doanh hàng dệt may, trong đó có sản phẩm khăn mặt, khăn nhà bếp, chất tẩy rửa…, dù đã XK sang một số thị trường như Pháp, Áo, Đan Mạch, Nhật Bản, nhưng để đưa hàng vào hệ thống siêu thị trong nước CTCP quốc tế VAG gặp không ít khó khăn vì sau gần một năm đàm phán, CTCP quốc tế VAG mới có cơ hội đưa hàng của mình vào chuỗi siêu thị của VinMart. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với hệ thống siêu thị rất khó khăn và khi tiếp xúc lại phát sinh những vấn đề “nhạy cảm” khác.

Kinh nghiệm tiếp xúc với các hệ thống siêu thị tôi thấy rằng, lãnh đạo siêu thị đưa ra những tiêu chí rất rõ ràng cho DN muốn đưa hàng vào siêu thị nhưng hệ thống triển khai ở phía sau lại không hoàn toàn “mở” như vậy. Những vấn đề “nhạy cảm” được một số DN khác nhắc đến là phần chi phí “bôi trơn”, hoặc “lót tay” để được giải quyết sớm, hoặc là phải có mối quen biết…

Nguyễn Công Minh - Chủ tịch HĐQTCTCP quốc tế VAG
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp