Thế Giới Di Động: Tự làm nên tương lai của chính mình

Sức mạnh nào đã khiến cho Thế Giới Di Động vượt qua hàng loạt cái tên lớn như Vinamilk hay Masan để thống lĩnh bảng xếp hạng Top 50 của năm 2015?

Dường như ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế Giới Di Động (TGDĐ - .MWG) rất tự tin khi chia sẻ câu chuyện chiến lược của Công ty trước lễ vinh doanh “50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” do NCĐT công bố ngày 19.6 vừa qua, khi không hề từ chối trả lời bất kỳ một câu hỏi nào. Khuôn mặt điềm tĩnh, giọng cười lớn, sảng khoái, ông tỏ ra phấn khích vì “đứa con tinh thần” của mình và hàng ngàn nhân viên TGDĐ đã vượt qua nhiều đối thủ “sáng giá” như Công ty Vinamilk hay Tập đoàn Masan để giành ngôi vị quán quân trên bảng xếp hạng nêu trên. Sự đánh giá đều dựa trên các thành tựu kinh doanh, được phản ánh qua các chỉ số doanh thu và lợi nhuận 3 năm gần nhất.

"Chú bò mộng" TGDĐ chật vật với M&A

Năm 2014 vừa qua, TGDĐ đã ghi một dấu ấn đặc biệt. Trong khi sức mua của nền kinh tế vẫn còn chậm, doanh thu thuần của công ty này đã tăng đến 65% so với năm 2013, đạt đến 15.000 tỉ đồng. Và lợi nhuận sau thuế đạt 674 tỉ đồng, gấp 2,6 lần so với năm trước. Ông Nguyễn Đức Tài cũng bày tỏ tham vọng sẽ vượt ngưỡng doanh thu 1 tỉ USD doanh thu ngay trong năm nay.

Cột mốc 1 tỉ USD dường như nằm trong tầm tay của TGDĐ. Nhưng câu hỏi đặt ra với công ty này là sau khi đã trở thành doanh nghiệp tỉ USD, với giá trị vốn hóa thị trường hiện đã xấp xỉ 500 triệu USD, “chú bò mộng” TGDĐ liệu còn có thể chạy nhanh trước sức ép khá lớn của ngành bán lẻ vốn có tỉ suất sinh lời không cao.

Thế Giới Di Động: Tự làm nên tương lai của chính mình

Trong Ðại hội cổ đông thường niên hồi đầu năm 2015, ông Tài đã làm “dậy sóng” thị trường khi tuyên bố sẽ thực hiện một số thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) để tạo giá trị tăng trưởng mới. Tuy vậy, chia sẻ với NCĐT lần này, ông lại băn khoăn cho biết ban lãnh đạo TGDĐ vẫn chưa quyết định được một thương vụ M&A nào cả. Trong lúc đó, không khí mua bán vẫn đang diễn ra hết sức sôi động trong ngành bán lẻ điện tử - điện máy, như việc Central Group thâu tóm thành công 49% cổ phần Công ty Nguyễn Kim. Thậm chí, có nguồn tin cho rằng họ sẽ thâu tóm tiếp hệ thống bán lẻ điện máy Pico ở miền Bắc.

Câu chuyện M&A của TGDĐ có chút khác biệt, không phải chỉ vì họ là phía chủ động đi mua. Theo ông Tài lý giải, mỗi khi đặt lên bàn cân giữa 2 chiến lược, hoặc mua lại một công ty khác, hoặc là tiếp tục tự xây dựng thì dường như sự lựa chọn thứ hai luôn lấn át.

“Thực tế, chúng tôi đã từng nghĩ đến việc mua lại một chuỗi bán lẻ với giá tốt. Họ sở hữu gần 100 cửa hàng với tổng trị giá chỉ có 300 tỉ đồng. Nhưng khi so sánh với phương án tự xây thì tôi thấy để có 100 cửa hàng này, mình chỉ cần mất 6 tháng và chi phí khoảng 100 tỉ đồng, nghĩa là tiết kiệm hơn gấp 3 lần. Chúng tôi nghĩ mình có năng lực xây dựng tốt với chi phí thời gian và tiền bạc rẻ hơn. Sự tin tưởng này có phần gây khó cho chính chúng tôi trong việc ra quyết định M&A”, ông Tài nói.

Thị trường này đang có khá nhiều doanh nghiệp sống vật vờ, tiến không được mà thoái cũng không xong, lúc nào cũng trong tâm thế chờ ngóng có người mua lại để vớt vát.

Nhận định của ông Tài còn phản ánh một hiện thực của thị trường bán lẻ điện máy. Đó là việc thị trường này đang có khá nhiều doanh nghiệp sống vật vờ, tiến không được mà thoái cũng không xong, lúc nào cũng trong tâm thế chờ ngóng có người mua lại để vớt vát. Chính vì vậy, theo ông Tài, nếu thực hiện M&A, TGDĐ chủ yếu chỉ mua phần xác (chủ yếu là địa điểm kinh doanh). Còn phần hồn, tức các bí quyết kinh doanh, gần như là con số 0.

Bên cạnh đó, xuất phát từ văn hóa doanh nghiệp khác nhau nên trên bàn đàm phán, TGDÐ chỉ đồng ý giữ lại các nhân viên bình thường mà không giữ lại cấp quản lý của công ty bên bán vì quan ngại sẽ khó hòa hợp. “Dĩ nhiên, điều này đã khiến một số doanh nghiệp bên bán không đồng tình. Và đến giờ chúng tôi vẫn chưa có thương vụ nào thành công!”, ông Tài cười và tiết lộ một cách thoải mái.

Sau những toan tính bất thành với M&A, “chú bò mộng” TGDĐ vẫn đang ngày đêm tự nỗ lực để xây dựng. Ông Tài cho biết TGDĐ hiện có 6 Giám đốc vùng miền trên toàn quốc và những người này hoàn toàn có khả năng xây dựng hệ thống. “Nếu đặt chỉ tiêu mở 100 cửa hàng thời gian tới, mỗi người trong số họ sẽ “gánh” khoảng gần 20 cửa hàng trong 6 tháng. Mục tiêu này cũng dễ dàng đạt được, vì thực tế chỉ trong một tháng, năng lực của họ có thể mở thêm được đến 30 cửa hàng”, ông tiếp lời.

Nửa đầu năm nay, số lượng cửa hàng kinh doanh các thiết bị di động của TGDĐ đã tăng thêm gần 100 cửa hàng, đạt tới con số gần 450 cửa hàng. Số lượng siêu thị Điện Máy Xanh, một chuỗi kinh doanh sản phẩm điện máy mới của TGDĐ, cũng đã tăng nhanh lên 27 siêu thị. Nếu tính theo thị phần, công ty này đã đạt khoảng 35% thị phần bán lẻ điện thoại di động và xấp xỉ 5% đối với thị trường điện máy.

Vì vậy, TGDÐ có lý do để tiếp tục bước đi với chiến lược truyền thống trong 10 năm qua là tự xây dựng. Nhìn lại lịch sử công ty này, hẳn bất kỳ nhà kinh doanh nào cũng phải thừa nhận rằng, sự thành công của TGDÐ mang nền tảng rất lớn từ các nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, trong đó nổi bật là Chủ tịch Nguyễn Đức Tài.

Thế Giới Di Động: Tự làm nên tương lai của chính mình

ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế Giới Di Động

Tầm nhìn của nhà lãnh đạo: Dám lỗ để lấy lãi

Người đàn ông này, sau khi tốt nghiệp đại học năm 1991, đã trải qua 8 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính ở các công ty nước ngoài. Bước ngoặt đã xảy đến sau đó khi ông chuyển sang làm việc cho mạng điện thoại di động S-fone. Chính trong môi trường viễn thông này, Nguyễn Đức Tài có cơ hội nghiên cứu mô hình phát triển mạng di động của các quốc gia khác, cách thức mà họ hoạt động, bán buôn, cũng như trình độ của Việt Nam trong tương quan so sánh.

Những năm 1990, giá điện thoại tại Việt Nam là hơn 1.000 USD/cái, cước điện thoại mỗi tháng cũng là 500 USD. Đó là vấn đề lớn, vì ngay các thị trường lân cận như Thái Lan, Hồng Kông, giá điện thoại lại rất rẻ. Dưới con mắt quan sát của Nguyễn Đức Tài, điều gì đó bất ổn đang diễn ra. Ông biết rằng Việt Nam sẽ phải chuyển đổi nhận thức và điều chỉnh định hướng chiến lược đối với thị trường viễn thông. “Chắc chắn rồi sẽ phải phát triển giống như các quốc gia lân cận. Vì nếu không, hạ tầng sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế”, ông Tài nhớ lại.

Từ những suy nghĩ ban đầu, ông cùng 4 thành viên khác đã sáng lập nên TGDĐ với vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 1 tỉ đồng. Tháng 5.2004, những cửa hàng có màu vàng đen lạ mắt chuyên bán điện thoại bắt đầu xuất hiện ở TP.HCM. Tông màu này được lựa chọn do tình cờ ông Tài có đọc tài liệu về một doanh nghiệp bán lẻ ở Anh với biểu tượng màu sắc tương tự rất bắt mắt.

Bán lẻ là phục vụ khách hàng, muốn thành công chỉ có một cách duy nhất là làm gì, đưa ra chiến lược gì cũng phải đặt khách hàng vào vị trí trung tâm.

Thuở “khai thiên lập địa”, TGDĐ đã đề ra nguyên lý kinh doanh rất căn bản. Ðó là “xem khách hàng là đối tác chứ không phải nhìn vào túi tiền của họ”. Theo ông Tài, bán lẻ là phục vụ khách hàng, muốn thành công chỉ có một cách duy nhất là làm gì, đưa ra chiến lược gì cũng phải đặt khách hàng vào vị trí trung tâm. Các chính sách bán hàng theo đó mà hiện thực hóa. Điển hình là TGDĐ cho phép khách hàng trả lại hàng đã mua trong 14 ngày, thậm chí chỉ vì lý do đơn giản là khách hàng cảm thấy khó xài và không thích nữa, mà chỉ cần trả phí trị giá khoảng 10% giá sản phẩm. Thậm chí trong trường hợp bất khả kháng, Công ty sẽ không tính phí khách hàng khi thu lại sản phẩm, dù đã quá hạn 14 ngày nói trên. Những sản phẩm thu lại sau đó được bán cho thị trường, nhưng với giá chỉ còn 70-80% so với giá gốc ban đầu.

“Điều này đồng nghĩa là chúng tôi sẽ chịu lỗ. Dĩ nhiên đã có một số cổ đông hỏi vì sao chúng tôi lại làm thế. Tôi trả lời rằng, Công ty sẽ chịu lỗ trong lần này, nhưng hành động đó sẽ tiếp tục kéo khách hàng đến với chúng ta trong những lần sau. Và điều này về tổng thể là mang lại lợi nhuận”, ông Tài nói.

Nghệ thuật quản trị nguồn lực ở TGDĐ cũng đáng để ghi nhận. Theo quan điểm của ông Tài, từ rất lâu, người đi làm thuê thường suy nghĩ họ chỉ là người làm thuê, ít quan tâm đến việc làm sao để doanh nghiệp phát triển. “Chỉ có người làm thuê chuyên nghiệp, tức sẽ nhận được kết quả tương xứng với những gì mình làm, là có năng lực làm việc hiệu quả. Và TGDĐ đã thiết kế chính sách theo hướng đó, nghĩa là làm sao phải khiến họ mang trong mình tâm lý giống như đang làm chủ cửa hàng của riêng họ. Đó cũng là lý do giải thích cho doanh thu một cửa hàng của TGDÐ cao hơn đối thủ đến 30-50%”, ông khẳng định.

Nhưng điều quan trọng nhất với một nhà lãnh đạo là sự gương mẫu. “Hãy hình dung một việc đơn giản là khi thấy sàn nhà có rác, nếu bạn không tự giác nhặt lên thì cấp dưới của bạn sẽ rất khó bị thuyết phục để làm điều đó. Thực tế, các nhà quản lý, nhân viên ăn mặc tươm tất của TGDÐ còn sẵn sàng lau rửa kính cửa hàng hằng ngày, mặc dù Công ty có thừa khả năng thuê một đơn vị lau chùi chuyên nghiệp”, ông cho hay.

Thế Giới Di Động: Tự làm nên tương lai của chính mình

Trong giai đoạn 2004-2008, Nguyễn Đức Tài là người chịu trách nhiệm chính trong hoạt động của TGDĐ, từ duyệt mặt bằng, đàm phán với nhà cung cấp, tuyển dụng cho đến quyết định giá cả bán ra. Suốt thời gian này, 40 cửa hàng TGDĐ đã ra đời.

Dần về sau, ông Tài mới chuyển giao quyền điều hành. Tính từ năm 2011 đến nay, TGDĐ đã có 6 trụ cột quản lý ở 6 vùng miền. Việc chuyên môn hóa trong công việc được thực hiện và nhờ đó, tốc độ mở rộng hệ thống ngày càng đẩy nhanh. Gần 1 năm nay, Nguyễn Đức Tài cũng đã chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc và hiện đang ngồi trong Hội đồng Quản trị với vai trò định hướng chiến lược.

Tương lai của Thế Giới Di Động: Không chỉ có di động!

Ngày nay, chuỗi bán lẻ TGDĐ đã “phủ sóng” đến 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Quan điểm mở rộng kinh doanh của ông Tài khá chặt chẽ và thực tiễn. Ông cho biết, mỗi cửa hàng mới ra đời phải đảm bảo tạo được giá trị EBITDA dương (tức lợi nhuận thu về đủ để trang trải chi phí cho cửa hàng) sau 3 tháng, nếu không sẽ đóng cửa ngay lập tức. “Nguyên nhân không thành công chủ yếu là do chọn địa điểm sai, chứ thương hiệu của chúng tôi thì đã phổ biến và mô hình kinh doanh cũng đã có cụ thể. Kinh doanh bán lẻ phải rất quyết liệt trong việc ra quyết định”, ông Tài khẳng định.

Mục tiêu của TGDĐ là đạt đến 600 cửa hàng trong 2 năm tiếp theo. Con số này là giới hạn cuối cùng trong kinh doanh bán lẻ các thiết bị di động của TGDĐ. “Chúng tôi không muốn mở quá nhiều để rồi xảy ra tình trạng dư thừa và cửa hàng này sẽ ăn phần của cửa hàng khác”, ông chia sẻ.

Nguyễn Đức Tài

Ông Nguyễn Đức Tài nhận giải thưởng dành cho doanh nghiệp đứng đầu Top 50 của Nhịp Cầu Đầu Tư

Điều này cũng không quá khó hiểu, khi Việt Nam đang có khoảng 60 triệu thuê bao trong tổng dân số 90 triệu dân. Những đối tượng không sử dụng thuê bao chủ yếu là người già, trẻ em và người có thu nhập nhấp. Vì vậy, tiềm năng có thể cũng chỉ còn khoảng 10 triệu thuê bao mới. Thế nên, nếu so với tốc độ tăng trưởng thuê bao các năm trước, tốc độ hiện tại và trong tương lai sẽ không còn nhiều hấp dẫn. Thị trường điện thoại di động, theo đánh giá của ông Tài, sẽ bước vào giai đoạn thay thế, tức người tiêu dùng trung bình sẽ thay thế sản phẩm sau khoảng 2 năm.

Lúc này, thị phần mà TGDĐ đặt mục tiêu trên thị trường bán lẻ điện thoại di động là 40%. Ông Tài tính rằng, nếu TGDĐ đẩy thị phần lên mức cao hơn nữa, có thể hiệu quả kinh doanh sẽ giảm. “Cũng giống như việc bạn có một chiếc xe máy 100 phân khối, được thiết kế để chạy 100-120 km/giờ. Nhưng khi bạn chạy nhanh hơn, đến 150 km/giờ thì sẽ đốt nhiều xăng hơn, dẫn đến chi phí nhiều hơn. Trong khi với chuỗi kinh doanh điện máy, cơ hội còn rất lớn. Ở các vùng sâu, vùng xa, khi thương hiệu các hãng điện máy chưa tiếp cận được với người dân, TGDÐ hoàn toàn có cơ hội. Và chúng tôi đang tập trung vào chiến lược mới, đó là kinh doanh chuỗi bán lẻ điện máy”, ông nói tiếp.

Điện Máy Xanh: Đi tìm "đại dương xanh"

Như vậy có thể thấy, chuỗi Điện Máy Xanh sẽ quyết định phần lớn đến sự sống còn của TGDĐ trong những năm tiếp theo. Mô hình này được TGDĐ quan tâm phát triển ra sao?

Nếu đi vào chi tiết, thị trường bán lẻ điện máy có hai mô hình phổ biến. Thứ nhất là mô hình hoạt động với diện tích lớn, ví dụ như chuỗi điện máy Pico hay Nguyễn Kim. Họ sở hữu những trung tâm có diện tích khoảng 3.000-5.000 m2. Hai là mô hình nhỏ hơn, khoảng 600-1.000 m2 như Điện Máy Xanh hay Điện máy Chợ Lớn.

Thế Giới Di Động: Tự làm nên tương lai của chính mình

“Chúng tôi chọn mô hình nhỏ vì tin rằng, chỉ có mô hình này mới có thể đi xa khắp các tỉnh thành. Ðặc biệt là ở những khu vực ngoại thành và các tỉnh, nơi có nhu cầu cao mà chưa có hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp phục vụ. Nếu xuống Long An và nói xây dựng một trung tâm điện máy có diện tích 5.000 m2 thì nắm chắc sẽ thua. Những trung tâm lớn như thế chỉ phù hợp với đô thị lớn. Chúng tôi đang đặt kế hoạch giai đoạn 2016-2017 sẽ hoàn tất việc phủ sóng mô hình này trên toàn Việt Nam”, ông Tài chia sẻ.

Tham vọng của TGDĐ được hiện thực hóa trong bối cảnh khó khăn của ngành bán lẻ điện máy ở các đô thị. Ở phía Bắc, nhà bán lẻ Trần Anh đối mặt với lợi nhuận rất thấp. Ở phía Nam, chuỗi Nguyễn Kim đã bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Trên toàn quốc, chuỗi Pico đang thu hẹp quy mô. Đó là chưa kể đến hàng chục nhà bán lẻ điện máy nhỏ hơn đã rời khỏi thị trường “không kèn không trống”. Theo đánh giá của nhiều nhà bán lẻ có tên tuổi, sự khó khăn bắt nguồn từ chi phí vận hành ngành này khá cao (chi phí kho bãi, vận chuyển, dịch vụ), trong khi suất sinh lợi thấp.

Sẽ cần thời gian để kiểm chứng hiệu quả của Điện Máy Xanh trong việc khai phá các thị trường mới. Tuy nhiên, ông Tài cho biết trước mắt, suất sinh lợi từ các sản phẩm điện máy bán lẻ của Ðiện Máy Xanh dao động khoảng 12-17%, cao hơn so với nhiều hãng trong cùng ngành. Bên cạnh đó, về lâu dài, theo tiết lộ của ông Tài, TGDĐ cũng đang nghiên cứu thêm một chuỗi bán lẻ mới và sẽ được trình làng trong thời gian tới. Mô hình này sẽ là bán lẻ một sản phẩm hữu hình mới, không phải là điện thoại hay điện máy nhưng sẽ vận dụng toàn bộ kinh nghiệm vận hành hệ thống bán lẻ mà TGDÐ đã tích lũy trong quá khứ. Và đó cũng là một con bài chủ lực của TGDĐ trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Nguyễn Sơn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư