Bao bì nhựa mềm: Cuộc giải phẫu âm thầm

Hai doanh nghiệp đầu ngành là Nhựa Tân Tiến và Nhựa Rạng Đông đều đưa ra thay đổi về chiến lược, cùng các động thái liên quan đến cơ cấu sở hữu.

Ngành bao bì nhựa mềm đang chứng kiến sự thay đổi lớn. Điều này được thể hiện rõ qua những chuyển biến tại 2 trong số những công ty đứng đầu ngành là Nhựa Tân Tiến (TTP) và Nhựa Rạng Đông (RDP). Cả 2 ông lớn này đều đưa ra những thay đổi về chiến lược, cùng với các động thái liên quan đến cơ cấu sở hữu.

Nghị quyết Đại hội cổ đông mới đây của Rạng Đông đã cho phép ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty được sở hữu tối đa 65% cổ phần có quyền biểu quyết ở Rạng Đông mà không phải chào mua công khai. Ông Hồ Đức Lam hiện thực hóa vấn đề này bằng việc đăng ký mua gần 5,8 triệu cổ phiếu RDP bắt đầu từ 12.6-11.7. Nếu giao dịch diễn ra, ông Lam sẽ sở hữu 64,74% vốn tại Rạng Đông, nắm quyền chi phối Công ty.

Bao bì nhựa mềm: Cuộc giải phẫu âm thầm

Một cơ sở sản xuất bao bì

Tân Tiến cũng có hướng đi tương tự khi tìm cách mở rộng cửa cho cổ đông lớn nhất gia tăng sở hữu tại Công ty. Trong Đại hội cổ đông vừa qua, cổ đông Tân Tiến đã đồng ý cho Công ty Đại Tân Long được mua cổ phiếu TPP vượt trên 25% vốn mà không phải chào mua công khai. Đại Tân Long là cái tên khá mới. Công ty này ra đời gần 2 năm nhưng cũng gần ngần ấy thời gian đóng vai trò là cổ đông lớn nhất tại Tân Tiến (hiện nắm hơn 27% vốn). Trên giấy đăng ký kinh doanh, Đại Tân Long hoạt động đa ngành, có lĩnh vực kinh doanh chính là hỗ trợ dịch vụ tài chính và không liên quan tới nhựa.

Từ sau khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rút vốn khỏi Rạng Đông và Tân Tiến, cơ cấu sở hữu ở 2 công ty này đã chuyển sang hướng tập trung hơn. Đơn cử, 4 cổ đông lớn nhất ở Rạng Đông đều là cá nhân và đang nắm trên 80% cổ phần tại công ty này.

Tại Tân Tiến, ngoài thay đổi về chủ sở hữu, Công ty còn lên phương án mua lại 3 triệu cổ phiếu quỹ cho mục đích hỗ trợ cổ đông thoái vốn khi Tân Tiến tiến hành hủy niêm yết tự nguyện. Theo thông tin công bố, Tấn Tiến rời sàn để thực hiện tái cơ cấu công ty.

Hiện tại, Tân Tiến và Rạng Đông đều đang gặp khó khăn, cần đến sự điều chỉnh linh hoạt trong chiến lược. Theo báo cáo cáo thường niên năm 2014, cả 2 công ty đều không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra. Thậm chí Rạng Đông còn bị lỗ hơn 3 tỉ đồng trong quý II/2014. Tính cả năm, lợi nhuận đạt 22,7 tỉ đồng, giảm 13% so với năm trước đó.

Ông Hồ Đức Lam cho biết 2014 là năm nhiều thách thức khi nguồn nguyên liệu cho ngành nhựa bị biến động, phụ thuộc vào nước ngoài. Trên thực tế, khoảng 80% nguyên liệuBao bì nhựa mềm: Cuộc giải phẫu âm thầm đầu vào của các công ty bao bì nhựa Việt Nam đều dựa vào nhập khẩu và nguyên liệu chiếm đến 60-70% giá thành sản xuất. Do đó, ngoài việc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu, các công ty bao bì nhựa còn đối mặt với rủi ro tỉ giá. Rạng Đông và Tân Tiến cũng không ngoại lệ.

Theo ông Lê Minh Cường, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tân Tiến, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá bình quân liên ngân hàng từ 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD (áp dụng từ ngày 7.5.2015) cũng là một khó khăn cho Tân Tiến trong thời gian tới.

Nhưng khó khăn lớn nhất đối với Tân Tiến là các doanh nghiệp cùng ngành chấp nhận giảm lợi nhuận thông qua giảm giá bán để giành khách hàng. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa bao bì và chủ yếu tập trung ở phía Nam. Đó là chưa kể áp lực cạnh tranh từ sản phẩm Trung Quốc và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Đối thủ của Tân Tiến có thể kể đến Liksin, Bao bì Nhựa Sài Gòn hay Dai Nippon, Fuji Seal (Nhật). Năm 2013, Dai Nippon và Fuji Seal đều đưa nhà máy đi vào hoạt động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác thị trường của Tân Tiến.

Dù đã cố gắng thực hiện nhiều biện pháp như giảm giá bán để giữ thị trường, tăng năng suất để đảm bảo doanh thu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao trong sản xuất để tìm kiếm lợi nhuận... nhưng theo ông Cường, Tân Tiến vẫn phải chấp nhận chia sẻ thị phần với các đối thủ.

Mục tiêu cho năm 2015 của Tân Tiến là duy trì lượng đơn hàng ổn định từ các khách hàng quen thuộc như Unilever Việt Nam, Ajinomoto, Vedan, Miwon, Acecook, Trung Nguyên, Kinh Đô, Bayer Vietnam, Vinamilk... Công ty cũng tìm đường xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á (Philippines, Indonesia, Thái Lan...) và Nhật.

Xuất khẩu cũng là con đường mà Rạng Đông đang đẩy mạnh. Theo kế hoạch, Công ty cố gắng đạt 107,9 tỉ đồng giá trị xuất khẩu năm 2015, tăng 61,7% so với năm trước. Nghĩa là mảng xuất khẩu từ chỗ chiếm chưa tới 7% doanh thu dự kiến sẽ vọt lên khoảng 9% doanh thu của Rạng Đông. Xét cơ cấu 5 nhóm sản phẩm của Rạng Đông gồm bao bì nhựa, giả da, màng mỏng, tôn ván và áo mưa thì sản phẩm giả da đang chiếm ưu thế trong xuất khẩu. Bao bì nhựa của Rạng Đông vẫn phục vụ chủ yếu cho thị trường nội địa. Trong năm 2015, bao bì nhựa dự kiến sẽ chiếm tỉ trọng cao nhất, ước khoảng 50% doanh thu.

Bao bì nhựa mềm: Cuộc giải phẫu âm thầm

Theo Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, sản xuất bao bì tại Việt Nam sẽ vẫn duy trì tăng trưởng bình quân từ 15-20%/năm. Vì thế, cơ hội của ngành sản xuất bao bì Việt Nam còn nhiều. Hiện tại, ngoài chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, Rạng Đông còn chi ra hơn 3,6 tỉ đồng cho công tác nghiên cứu sản phẩm, trong đó ưu tiên đầu tư nghiên cứu dòng sản phẩm nhựa bao bì có chất lượng cao hơn và thân thiện với môi trường.

So với 3-4 năm trước, Rạng Đông đã có những thay đổi lớn về cơ cấu sản phẩm, thị trường tiếp cận. Công ty không còn coi dòng sản phẩm truyền thống gồm áo mưa và tôn ván nhựa là chủ lực, thay vào đó là sản phẩm bao bì nhựa, màng mỏng và giả da.

Riêng Tân Tiến điều chỉnh hoạt động theo hướng vẫn chú trọng duy trì mối quan hệ lâu dài với những khách hàng lớn. Cụ thể là tăng cường công tác hậu mãi, dịch vụ chăm sóc khách hàng để khai thác tốt thị trường, điều chỉnh giá bán hợp lý nhằm duy trì thị trường mà vẫn đảm bảo lợi nhuận. Trong năm 2015, Tân Tiến sẽ chi ra khoảng 2,2 triệu euro và 1,24 triệu USD để đầu tư máy móc thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

Viết Nguyên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư