CùngMua tham gia vào thị trường bán lẻ
Chính thức sáp nhập từ đầu năm 2014, hai công ty thương mại điện tử chuyên kinh doanh sản phẩm và dịch vụ giảm giá NhómMua và CùngMua đang dần ổn định hoạt động kinh doanh.
Đáng chú ý hơn, nửa năm sau thời điểm sáp nhập, CùngMua bất ngờ công bố phát triển hệ thống bán lẻ Cmart song hành cùng chương trình hội viên Premium. Theo đó, quyền lợi Premium cho phép hội viên được phép mua hàng với giá gốc từ nhà sản xuất tại hệ thống Cmart. Đây là lần đầu tiên một công ty thương mại điện tử của Việt Nam quyết định đầu tư phát triển chuỗi bán lẻ.
Tròn một năm hệ thống Cmart ra đời, NCĐT đã trao đổi với ông Hồ Quang Khánh, Tổng Giám đốc NhómMua và CùngMua, để tìm hiểu về hoạt động của Cmart cũng như định hướng của nhóm công ty này trong thời gian tới.
* Tham gia phát triển chuỗi bán lẻ Cmart, phải chăng CùngMua muốn cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi và hệ thống siêu thị?
Xét về quy mô và mức độ đầu tư, Cmart chưa thể so sánh được với mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị. Nhưng về mặt sản phẩm thì đúng là có cạnh tranh. Cmart cho phép các hội viên Premium của CùngMua mua hàng tiêu dùng nhanh với giá gốc lấy từ nhà sản xuất, đồng thời mua các sản phẩm khuyến mãi với giá tốt hơn cả giá niêm yết trên website CùngMua. Đổi lại, khách hàng phải trả 98.000 đồng/năm để được trở thành hội viên Premium. Mô hình này học theo cách làm của nhà bán lẻ hàng giá rẻ Costco ở Mỹ.
* Mua hàng ở các siêu thị cũng được tích lũy điểm và có quyền lợi hội viên. Cmart sẽ mang đến những giá trị nào đặc biệt hơn thế?
Với siêu thị, khách hàng phải mua hàng theo giá niêm yết của nhà bán lẻ trước rồi mới được nhận chiết khấu như phiếu giảm giá hay quà tặng vào cuối năm. Còn với Cmart, chỉ cần bỏ ra trước 98.000 đồng là khách hàng có quyền mua hàng tiêu dùng theo giá gốc của nhà sản xuất trong vòng một năm, đồng nghĩa với việc chúng tôi không có lãi từ việc bán các sản phẩm đó.
Mặt khác, nếu tỉ suất lợi nhuận trung bình của các nhà bán lẻ là khoảng 10%, khách hàng mua hàng ở Cmart sẽ tiết kiệm được 10% chi phí đó. Nghĩa là họ chỉ cần mua 1 triệu đồng tiền hàng ở Cmart, tương đương chi phí nhu yếu phẩm 1-2 tháng, là đã lấy lại được số tiền 98.000 đồng bỏ ra để mua hội viên Premium. Như vậy, những người có nhu cầu mua nhu yếu phẩm thường xuyên sẽ có động lực lớn để mua sắm tại Cmart. Hội viên còn được tích lũy 2% trên mỗi hóa đơn ở Cmart hoặc CùngMua, hoàn lại vào cuối kỳ hội viên theo dạng tiền trong tài khoản.
Lợi nhuận của CùngMua ở mô hình này sẽ đến từ phí hội viên Premium và việc kinh doanh các sản phẩm khác tại hệ thống Cmart, bên cạnh các sản phẩm giá gốc. Ví dụ như các sản phẩm, dịch vụ có khuyến mãi trên website CùngMua nhưng bán với giá thấp hơn nữa ở Cmart. Với nhóm hàng này, mức lợi nhuận tối đa sẽ chỉ là 10-15%.
Số hội viên Premium của Cmart đang ở mức vài chục ngàn và tỉ lệ đăng ký tiếp sau năm đầu tiên là hơn 70%.
* Chương trình hội viên Premium và hệ thống Cmart đã được Công ty vận hành được một năm. Khách hàng hiện đón nhận ra sao?
Hiện tại, số hội viên Premium của chúng tôi ở mức vài chục ngàn và tỉ lệ đăng ký tiếp sau năm đầu tiên là hơn 70%. Qua tìm hiểu, một phần lý do khiến các khách hàng gần đây không đăng ký tiếp là do họ chưa nắm được thông tin mới về chiến lược sản phẩm của Cmart. Từ khi Cmart bắt đầu tập trung bán hàng tiêu dùng nhanh cách đây 2 tháng, tỉ lệ hội viên Premium đăng ký mới cũng tăng nhanh đáng kể. Nhằm khuyến khích thử nghiệm, trong 100 ngày đầu tiên sau khi mua hội viên Premium, khách hàng có thể yêu cầu hoàn lại tiền vì bất cứ lý do nào. Tuy nhiên, khách hàng của CùngMua đều là những người tiết kiệm trong chi tiêu, nên mô hình Cmart rất phù hợp với họ.
* Từ thương mại điện tử mở rộng sang chuỗi bán lẻ, CùngMua giải quyết bài toán chi phí vận hành mặt bằng Cmart thế nào?
Địa điểm mở cửa hàng Cmart không cần vị trí đẹp. Chúng tôi nhắm đến những địa điểm nằm giữa khu dân cư đông đúc, có diện tích dưới 100 m2 và chi phí đầu tư chỉ vài trăm triệu đồng mỗi cửa hàng. Chi phí vận hành mỗi cửa hàng Cmart hiện là dưới 100 triệu đồng/tháng. Trước mắt, mỗi cửa hàng mới mở ra đều đạt điểm hòa vốn đầu tư sau 1 tháng. Theo tính toán, trung bình 95/100 khách hàng bước vào Cmart sẽ phát sinh hóa đơn mua sắm.
Lợi thế của chúng tôi là nắm rõ dữ liệu khách hàng của mình, nên có thể lên kế hoạch mở các cửa hàng Cmart mới ở những khu vực thuận tiện cho họ. Việt Nam hiện cũng chỉ có 2 đô thị chính với mật độ dân số rất đông đúc, nên không quá khó để Cmart phát triển hệ thống.
* NhómMua đã về chung một nhà với CùngMua sau biến cố lớn từng khiến khách hàng phải e ngại. Tình hình hoạt động năm ngoái của 2 Công ty ra sao?
Đến cuối năm 2014, tổng doanh số cả 2 Công ty tăng trưởng 30%. Còn 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
* Ông nhìn nhận thế nào về tương lai của mô hình kinh doanh sản phẩm và dịch vụ giảm giá trực tuyến? Mục tiêu hoạt động của 2 Công ty trong năm nay cụ thể ra sao?
Lĩnh vực này còn có tiềm năng tăng trưởng rất nhiều. Thứ nhất, thương mại điện tử là xu hướng. Thứ hai, mọi người đều thích giảm giá và khuyến mãi. Mô hình kinh doanh kết hợp được những yếu tố này theo tôi là ổn. Với chuỗi Cmart, yếu tố giảm giá và khuyến mãi đặc biệt cho khách hàng sẽ được đẩy mạnh. Tôi tin người tiêu dùng sẵn sàng đi mua hàng nếu giá thật sự tốt và nơi bán không quá xa.
NhómMua và CùngMua sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng doanh số. Riêng hệ thống Cmart, hiện chúng tôi đã có 8 cửa hàng tại TP.HCM, 1 cửa hàng tại Hà Nội và 1 cửa hàng tại Đà Nẵng. Đến cuối năm nay, mục tiêu sẽ là đạt tổng cộng 50 cửa hàng Cmart tại Việt Nam, có lẽ sẽ tập trung chủ yếu ở TP.HCM.
Hà Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư