Samsung “đánh mất mình” dù thị trường smartphone bùng nổ
Theo báo cáo mới nhất của Gartner, thị trường smartphone toàn cầu tăng trưởng 20% theo năm, tuy nhiên doanh số Samsung tiếp tục suy giảm.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner, doanh số smartphone Samsung trong quý I/2015 là hơn 81 triệu máy, giảm từ 85 triệu máy so với cùng kỳ năm 2014, ngay cả khi doanh số smartphone toàn cầu nhảy vọt từ 281 triệu lên 336 triệu máy.
Trong khi đó, mọi công ty khác trong top 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất đều tăng trưởng vững vàng, đáng chú ý nhất là Apple với doanh số tăng từ 43 triệu máy lên 60 triệu máy, tỉ lệ tăng 72,5%.
Kết quả của Apple không có gì đáng ngạc nhiên nếu xét tới thành công bứt phá của iPhone 6 và 6 Plus. Các nhà phân tích còn dự đoán doanh số iPhone trong năm nay thậm chí còn cao hơn bao giờ hết. Như vậy, "trăm người vui chỉ có một người buồn". Samsung đang đánh mất thị phần vào thời điểm toàn thế giới đang đổ xô đi mua điện thoại thông minh.
Gartner chỉ ra tăng trưởng tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á – Thái Bình Dương, Đông Âu, khu vực MENA (Trung Đông – Bắc Phi) – là yếu tố chính thúc đẩy với doanh số tăng 40% theo năm. Khi người dùng mua smartphone, họ không tìm kiếm các thương hiệu cao cấp như Samsung mà chính các công ty nội địa là người được hưởng lợi nhiều nhất. Xiaomi là ví dụ điển hình: từ một hãng vô danh, Xiaomi đã trở thành startup giá trị nhất thế giới chỉ trong vòng 5n năm.
Samsung đánh mất bản sắc?
Các nhà phân tích của Oppenheimer nhận định nhà sản xuất smartphone Hàn Quốc đang thực hiện chiến lược sai lầm. Tháng 4/2015, Samsung tung ra Galaxy S6 nhằm cứu vãn tình hình. Hãng loại bỏ vỏ nhựa truyền thống, chọn thiết kế cao cấp hơn từ kính và kim loại, đơn giản hóa các tính năng, loại bỏ các điểm mạnh vốn có như chống nước hay pin tháo rời.
Tuy nhiên, kể từ khi bán ra, phản ứng của thị trường khá lãnh đạm. Trang tin Hàn Quốc Yonhap News đưa tin cả Galaxy S6 và 6 Plus mới xuất xưởng 10 triệu máy tới thời điểm này. Trong khi phiên bản trước, Galaxy S5, dù bị chê tơi tả vẫn xuất 11 triệu máy trong cùng khung thời gian. Điều đáng chú ý đây mới là số lượng xuất xưởng và chưa phải số liệu bán ra thực tế nên con số còn có thể thấp hơn.
Trong nghiên cứu của mình, họ chỉ ra Samsung thất bại khi khác biệt hóa bản thân. Theo đó, Samsung mới tập trung thay đổi ở phần cứng như CPU, màn hình cong, vỏ kim loại, cảm biến vân tay, camera mà chưa chú trọng đến nâng cao trải nghiệm người dùng hay không có giá trị gia tăng nào đối với người dùng hiện tại.
Nói dễ hiểu, Samsung chưa cho khách hàng lý do để mua Galaxy S6. Trước đây, họ nổi bật ở thiết bị màn hình lớn cao cấp, hấp dẫn đối tượng giàu có.
Nhưng nay, Apple đã đuổi kịp, cung cấp iPhone màn hình lớn tương tự. Samsung đã đánh mất lợi thế đó. Tại phân khúc bình dân, sự thiếu khác biệt của Samsung lại làm cho các hãng như Xiaomi được đà lấn tới vì họ bán ra sản phẩm ngang ngửa về chất lượng nhưng giá thấp hơn nhiều.
Không có gì bất biến
Chỉ vài năm trước, Samsung là thế lực dường như không thể chạm đến, là đối thủ duy nhất của Apple. Ngày nay, vị trí đó đang lung lay. Theo số liệu mà IDC công bố đầu tháng này, sự sụp đổ thể hiện rõ nhất tại thị trường Trung Quốc. Thị phần Samsung giảm mạnh chỉ trong 1 năm, rơi từ vị trí đầu bảng xuống thứ 4 về doanh số.
Các chuyên gia của Oppenheimer tin rằng bản sắc không phải vấn đề riêng của Samsung mà là của toàn bộ hệ sinh thái Android khi "không thể đưa ra giải pháp cạnh tranh giúp lật ngược xu thế" chống lại iPhone. Thực tế, Apple chứng kiến thị phần tăng đáng kể khi khuyến khích người dùng chuyển từ Android qua iOS. Dữ liệu của Gartner chỉ ra thị phần Android giảm 1,9% từ quý I/2014 đến quý I/2015.
Một điều khả quan hơn là còn rất nhiều người không đủ khả năng chuyển đổi lên iOS, đặc biệt tại các nước mới nổi. Như vậy, các nhà sản xuất thiết bị Android bình dân vẫn đang được an toàn. Tuy nhiên, Samsung không được may mắn như thế.
Du Lam / BI
Nguồn ICT News