Nestlé gặp khó ở châu Phi: Do thị trường hay năng lực?
Hãng Nestlé mới đây đã ra thông báo cắt giảm 15% nhân sự tại châu Phi khi nhận ra khu vực này không phải là một "châu Á thứ hai" với sức tăng trưởng của tầng lớp trung lưu thấp, theo CNBC.
Ông Cornel Krummenacher - Giám đốc điều hành của Nestlé tại châu Phi nói với tờ Financial Times: "Chúng tôi từng nghĩ khu vực này sẽ là một "Châu Á thứ hai" nhưng sau đó nhận ra rằng tầng lớp trung lưu ở đây chiếm tỷ lệ quá nhỏ và không đem lại sự tăng trưởng rõ rệt".
Được biết, Nestlé - công ty thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới - hiện có khoảng 11.000 lao động trên 21 quốc gia tại châu Phi, bao gồm Kenya, DR Congo and Angola, theo Reuters.
Động thái cắt giảm này đi ngược lại câu chuyện tăng trưởng mức tiêu thụ nguyên liệu của châu Phi - hiện đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong việc tìm kiếm một thị trường mới có tốc độ tăng trưởng cao.
Thông tin trên một lần nữa nhấn mạnh sự khó khăn của các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường cận Sahara vốn bị chi phối bởi các công ty gia đình hùng mạnh phát triển dựa trên lợi thế am hiểu thị trường nội địa cùng phương thức bán hàng giá rẻ phù hợp với từng quốc gia.
Ông Krummenacher cho biết, doanh thu trong khu vực này đã sụt giảm nặng nề nếu so sánh với mức dự báo tăng trưởng ban đầu vào năm 2008 - thời điểm mà Nestlé đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào châu Phi để xây hàng loạt nhà máy mới nhằm mở rộng hoạt động sản xuất với mục đích tăng gấp đôi doanh thu sau mỗi giai đoạn ba năm.
Thay vì vậy, trong năm nay, Nestlé đã phải đóng cửa toàn bộ các chi nhánh tại Rwanda và Uganda, cùng với việc cắt giảm sản phẩm xuống còn một nửa, và dự kiến có thể đóng luôn 15 cửa hàng tiếp theo vào cuối tháng 8 tới.
Ông Krummenacher cho biết sẽ rất may mắn nếu công ty đạt được mức tăng trưởng 10% hàng năm trong tương lai.
Ông nói: "Hiện tại chúng tôi không đủ tiền để chi trả hóa đơn hàng tháng. Do đó, thông qua việc cắt giảm này, chúng tôi hy vọng sẽ tạo nên bước đột phá trong năm tới". Ông cũng cho biết thêm Nestlé đã phải vay từ trụ sở chính tại Thụy Sĩ và các ngân hàng địa phương mới đủ tiền trả lương cho công nhân và thu mua nguyên liệu.
Năm 2011, một bảng khảo sát từ Ngân hàng Phát triển Châu Phi cho biết châu lục này có 330 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu.
Tuy nhiên, năm ngoái, một bảng khảo sát từ ngân hàng Standard - được ông Krummenacher nhấn mạnh trong suốt buổi phỏng vấn - đã công bố rằng chỉ có 15 triệu người thuộc tầng lớp này trên 11 quốc gia tại châu Phi, trong đó Kenya - quốc gia hiện có 44 triệu dân, thì con số này chỉ là 800.000.
Hoạt động cắt giảm của Nestlé tương phản với một số đối thủ cạnh tranh tại địa phương khi họ vẫn đang tiếp tục mở rộng công việc kinh doanh. Nhiều trung tâm mua sắm mới vẫn được khai trương trên khắp châu lục trong năm 2015, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn có tên tuổi như Walmart hay Carrefour.
Aly-Khan Satchu, một chuyên gia tư vấn đầu tư tại Nairobi - thủ đô của Kenya, cho biết: "Tôi nghĩ Nestlé đã đặt ra mục tiêu quá lớn và kết quả hiện tại không tốt như họ kỳ vọng. Thêm vào đó, hãng đã tạo ra những sản phẩm không phù hợp với thị trường và tầng lớp trung lưu ở đây cũng không có sức tăng trưởng "thần kỳ" đến vậy".
Nestlé cũng không phải là công ty nước ngoài đầu tiên bị thu hút bởi tầng lớp trung lưu ở châu Phi và sau đó bị đánh bại bởi điều kiện hoạt động khắc nghiệt. Coca-Cola, Cadbury và Eveready cũng đang phải cắt giảm nhân công hoặc đóng cửa nhiều nhà máy tại Kenya trong vài tháng trở lại đây.
"Đô thị hóa thường là mảnh đất màu mỡ thu hút các nhà sản xuất, tuy nhiên trong trường hợp này, việc có quá nhiều người dân (theo nghĩa đen) lại đồng nghĩa với việc họ phải sống trong khu ổ chuột, và tất nhiên là họ không đủ tiền để chi tiêu", ông Krummenacher nói.
Ước tính có khoảng 2/3 trong tổng số 4 triệu dân tại Nairobi sống trong các khu dân cư tạm bợ.
Ông Krummenacher cũng đề cập đến nguyên nhân cơ sở hạ tầng yếu kém, cũng như nạn tham nhũng, lũ lụt, bạo động và mức khấu hao tiền tệ ở khu vực này.
Một nhà phân tích bán lẻ có trụ sở tại Kenya không muốn nêu tên cho biết: "Sự thật là khối thu thập ròng và phân khúc tầng lớp trung lưu giàu có thực sự không tập trung ở đây, trong khi Nestlé và những hãng khác lại đang thất thế trong cuộc chiến với các công ty trong nước. Đây là những người vốn có lợi thế từ sự ủng hộ của người dân địa phương, dành thời gian và tiền bạc đầu tư nâng cấp bao bì, xây dựng các tiêu chuẩn và tạo ra thương hiệu đủ sức cạnh tranh hơn với các công ty nước ngoài".
Có ít nhất 4 chuỗi siêu thị lớn trong khu vực đã tung ra nhãn hiệu riêng với giá rẻ và đáng tin cậy - như thương hiệu Blue của Nakumatt, siêu thị lớn nhất ở châu Phi với 53 cửa hàng - đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các công ty đa quốc gia như Nestlé.
Ông Krummenacher cũng cho biết sắp tới đây công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm chính như thức ăn dạng viên (súp), sữa bột; và cắt giảm bớt các mặt hàng cao cấp như thức ăn cho vật nuôi, bánh kẹo, cà phê Nespresso dạng viên nén và thậm chí cả các loại ngũ cốc ăn sáng, mặc dù những đối thủ cạnh tranh trên thị trường vẫn đang hài lòng với mức tăng trưởng của mặt hàng này.
Catherine Mudachi - đại diện thương hiệu Weetabix có trụ sở tại Kenya, sở hữu 80% trong tổng số 2.700.000 tấn ngũ cốc hàng năm cho biết: "Có năm, mức tăng trưởng của chúng tôi lên tới hai con số. Thị trường ngũ cốc tuy vẫn còn nhỏ nhưng rõ ràng nhiều người đang thay đổi thói quen và chắc chắn có sự tăng trưởng".
Nestlé cũng đang phải chịu một sức ép khác khi buộc phải đóng cửa nhà máy ở Ấn Độ sau thông tin bị các nhà chức trách nước này khởi tố hình sự vì mì ăn liền Maggi của hãng chứa hàm lượng chì quá cao.
Vân Thảo
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn