Ngành đồ uống thúc đẩy tiêu dùng tăng trưởng trở lại

Tuy ngành hàng tiêu dùng có dấu hiệu phục hồi song các nhà bán lẻ vẫn còn tỏ ra lo ngại về tăng trưởng trong tương lai.

Doanh số bán hàng của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong quý I/2015 đã phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 3,4% về khối lượng bán hàng, 4% về giá trị sau đợt suy giảm mạnh trong năm 2014.

Theo khảo sát của Nielsen tại sáu thành phố chính gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng, thức uống là nhân tố chính khiến tăng trưởng phục hồi. Các nhóm ngành như thực phẩm và sản phẩm chăm sóc gia đình cũng đã có dấu hiệu phục hồi trong quý I/2015.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ của Nielsen Việt Nam cho rằng mặc dù ngành hàng tiêu dùng có dấu hiệu phục hồi song chỉ số niềm tin của các nhà bán lẻ chỉ ở mức 71 điểm, cho thấy các nhà bán lẻ vẫn còn tỏ ra lo ngại.

Theo báo cáo của Nielsen, 80% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam vẫn đến từ kênh thương mại truyền thống bao gồm 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ trên cả nước. Điều này cho thấy Việt Nam là một trong những thị trường phúc tạp nhất trong việc xây dựng chiến lược phân phối và hậu mãi cho các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh.

Ngành đồ uống thúc đẩy tiêu dùng tăng trưởng trở lại

Ngoài ra, mặc dù chỉ chiếm 30% nhưng các cửa hàng truyền thống đã đóng góp vào 80% doanh số của các danh mục sản phẩm dẫn đầu. Vì vậy, các nhà sản xuất phải xác định được đúng mục tiêu để có chỗ đứng trong thị trường bán lẻ Việt Nam.

Sự thành công hay thất bại của một thương hiệu hoặc sản phẩm nằm trong tay các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Nghiên cứu gần đây của Nielsen cho hay, chỉ có 70% các cửa hàng bán lẻ truyền thống thực hiện đúng các yêu cầu của nhà sản xuất trong việc phân phối sản phẩm. Hảo Hảo, Vinamilk và Coca-Cola là ba thương hiệu được các nhà bán lẻ truyền thống yêu thích nhất. Hơn một nửa số chủ cửa hàng cho biết họ sẽ tích trữ các sản phẩm nhiều hơn, và giới thiệu các sản phẩm này cho người mua hàng.

Bà Quỳnh cho biết thêm, các nhà bán lẻ chủ yếu quan tâm đến những yếu tố tác động trực tiếp đến việc kinh doanh của họ, chẳng hạn như việc dự trữ hàng hóa, lợi nhuận, hỗ trợ dịch vụ khách hàng. Do đó, các nhà sản xuất nên tập trung vào việc xác định các cửa hàng mục tiêu, và thực hiện xuất sắc việc triển khai các hoạt động trong cửa hàng.

Trường Văn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư