YouTube “lớn nhanh” trên vai “người khổng lồ” Google

Google bị gọi là “gã khờ” khi mua YouTube nhưng sự thật có đúng như vậy?

Khi Google mua YouTube năm 2006, mạng chia sẻ video còn non trẻ và vấp phải vô số khó khăn về tài chính lẫn pháp lý. Tuy nhiên, nhờ sự hậu thuẫn từ “ông lớn” Google, YouTube đã phát triển và vươn lên mạnh mẽ, trở thành mạng lưới video trực tuyến lớn nhất thế giới.

Cuộc chiến bản quyền

Rắc rối đầu tiên cần giải quyết chính là vấn đề bản quyền của YouTube. Cùng ngày với ngày thương vụ được công bố, YouTube thông báo đã ký hợp đồng với Sony BMG, CBS, Universal Music Group. Hai tuần sau đó, cuộc “thảm sát” chính thức bắt đầu với 30.000 video bị gỡ bỏ đồng thời khỏi YouTube sau khi nhận được yêu cầu từ một nhóm chủ sở hữu Nhật Bản.

Quan trọng nhất, ít nhất 1 tháng trước khi vụ thâu tóm diễn ra, Google đã nỗ lực để xử lý vấn đề bản quyền cho YouTube. Hãng phát triển “Content ID”, “cảnh sát” bản quyền cho cả video và âm thanh. Kế hoạch của Google là tạo ra cơ sở dữ liệu khổng lồ của tất cả nội dung bản quyền trên thế giới. Chủ sở hữu nội dung hợp pháp sẽ tải dữ liệu lên cơ sở này và Content ID dùng chúng để xác định các bản sao chép lậu trên YouTube.

YouTube “lớn nhanh” trên vai “người khổng lồ” Google

Trận chiến pháp lý giữa Google và Viacom kéo dài 7 năm.

Thử nghiệm Content ID không được triển khai đầy đủ cho đến tháng 10/2007 và trong thời gian này, những chủ sở hữu bản quyền đã “ngửi” thấy mùi tiền. Kiện YouTube như một công ty độc lập không có nghĩa lý gì vì bản thân YouTube không thực sự có đồng tiền nào. Trong khi đó, lượng tiền mặt 10 tỷ USD của Google ngay lập tức biến YouTube thành gã nhà giầu sở hữu túi tiền không đáy.

Hãng truyền thông Viacom lên tiếng vào tháng 2/2007. Công ty sở hữu kênh MTV và Comedy Central yêu cầu Google gỡ bỏ 100.000 video khỏi YouTube. Các clip The Daily Show và Chappelle’s Show đều được yêu thích nhưng không clip nào được cấp phép.

Google ra thông báo sẽ tuân thủ và gỡ clip nhưng đến tháng 3/2007, quan hệ giữa hai bên tan vỡ. Viacom cuối cùng kiện đòi Google bồi thường 1 tỷ USD vì YouTube không thèm đếm xỉa đến luật sở hữu trí tuệ. Đây là cuộc kiện tụng kéo dài, phức tạp và không có hồi kết.

Góp phần trầm trọng hóa vấn đề, Google khẳng định Viacom liên tiếp và âm thầm tải nội dung lên YouTube trong khi công khai phàn nàn về sự hiện diện của các video đó. Theo Google, Viacom hiểu rõ giá trị của YouTube vì mục đích quảng bá song vẫn muốn kiện YouTube vì vi phạm bản quyền. Google cho biết Viacom “thuê không ít hơn 18 hãng marketing khác nhau để tải nội dung lên website. Họ làm như chúng bị đánh cắp hay rò rỉ. Họ mở tài khoản YouTube bằng địa chỉ email. Họ gửi nhân viên đi nơi khác để tải clip từ máy tính nhằm không để lại dấu vết”.

Trận chiến này kéo dài 7 năm. Phán quyết quan trọng nhất được đưa ra năm 2010 khi Tòa án Quận Nam New York (Mỹ) tuyên bố YouTube thắng, dẫn tới một số phiên phúc thẩm trong vài năm sau và Google tiếp tục thắng vài trận nữa trước Viacom. Sau cùng, hai công ty dàn xếp kiện tụng năm 2014.

YouTube “lớn nhanh” trên vai “người khổng lồ” Google

Trung tâm dữ liệu và hệ thống quảng cáo

Trong khi các vụ kiện tiếp diễn, một vấn đề lớn khác Google cần giải quyết là biến YouTube thành mảng kinh doanh có lãi. Bất kỳ công ty nào mua YouTube cũng phải trả tiền băng thông, chi phí kiện tụng nhưng Google tỏ rõ tầm quan trọng nhờ vào tài chính.

Trước khi được mua lại, YouTube “đốt” khoảng 2 triệu USD/tháng riêng cho băng thông. Trong khi đó, Google là người tiên phong trong công nghệ trung tâm dữ liệu, cho phép giảm đáng kể chi phí hoạt động YouTube.

Cuốn sách “In the Plex” của Steven Levy mô tả chi tiết nhiều sáng kiến của Google. Kể từ đầu những năm 2000, Google đã mua các đường cáp quang rẻ tiền để kết nối trung tâm dữ liệu. Nhờ đó, Google tiết kiệm được không ít tiền và sở hữu cáp quang nhiều hơn bất kỳ ai trên thế giới. Ngoài mạng lưới khủng này, Google còn có trung tâm dữ liệu khắp trái đất. Giảm khoảng cách mà dữ liệu phải di chuyển không chỉ tăng tốc dịch vụ mà còn có chi phí rẻ hơn việc phải chạy nhờ mạng của người khác. Đến năm 2003, Google mới dự định xây trung tâm dữ liệu riêng.

Tại thời điểm đó, trung tâm dữ liệu truyền thống phải lắp điều hòa cho toàn bộ phòng. Trong trung tâm riêng, Google đặt máy chủ đấu lưng nhau, tạo ra các lối đi xen kẽ mát mẻ, tiết kiệm lượng lớn chi phí làm mát, nguồn chi phí chính của trung tâm dữ liệu. Google nhận ra nhiệt độ tiêu chuẩn 68 độ quá thấp. Máy chủ vẫn hoạt động tốt trong phòng 80 độ.

Nhiệt độ phòng cao tăng áp lực lên máy chủ nhưng Google tự phát triển tất cả máy chủ riêng và sử dụng các linh kiện giá rẻ, bị nhà sản xuất khác từ chối. Nếu một phần bị hỏng, nó không trở thành vấn đề vì trung tâm dữ liệu Google hoạt động như một máy chủ khổng lồ với hàng tấn dư thừa. Khi một máy chủ bị gián đoạn, phần mềm sẽ xác định nó, đưa về trạng thái ngoại tuyến, năng lực giảm nhẹ. Sau đó, kỹ sư sẽ được cử đến khắc phục sự cố ngay lập tức.

YouTube “lớn nhanh” trên vai “người khổng lồ” Google

Một trung tâm dữ liệu của Google

Chi phí chạy trung tâm dữ liệu chính xác của Google được bảo vệ kỹ lưỡng nhưng Levy ước tính nhờ phần mềm hoàn hảo, sở hữu cáp quang riêng và công nghệ bảo trì, chi phí chỉ vào khoảng 1/3 so với đối thủ khác. Nhờ đó, chi phí băng thông hàng tháng của YouTube đã giảm từ 2 triệu xuống còn 666.000 USD.

Trung tâm dữ liệu không phải thứ duy nhất YouTube “được nhờ” Google. Hãng tìm kiếm Internet sở hữu nền tảng quảng cáo lớn nhất trên Web và do Google nắm trong tay cả YouTube lẫn nền tảng quảng cáo, nó cắt giảm được chi phí trung gian. Tất cả lợi nhuận từ YouTube đều không phải chia sẻ với đối tác khác.

Tháng 1/2007, Google và YouTube thông báo gói quảng cáo mới. Cuối cùng YouTube cũng bắt đầu hiển thị quảng cáo video thay vì các quảng cáo chạy chữ và banner như bình thường. Quảng cáo video mang lại nhiều tiền hơn banner và mọi người ghé thăm YouTube đều xem được chúng. Công ty còn tung ra quảng cáo overlay, hiển thị đè lên trên một video khi đang phát. Cả hai loại đều không chỉ có mặt trên YouTube.com mà còn áp dụng khi nhúng video vào website khác.

Tiền này không chỉ chảy vào túi YouTube. Google còn thông báo kế hoạch chia sẻ doanh thu với các nhà sản xuất nội dung. Nếu video của họ được ưa chuộng và hiển thị quảng cáo trên đó, họ sẽ thu về tiền quảng cáo. Như vậy, YouTube không chỉ là địa chỉ xem video mà người sáng tạo nội dung còn có thể xây dựng cả một sự nghiệp trên nền tảng YouTube.

Dù vậy, Google vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo Wall Street Journal, YouTube vẫn chưa mang lại lợi nhuận như mong muốn. Song, sở hữu website lớn thứ 3 trên Internet (chỉ sau Google.com và Facebook) mang lại nhiều lợi thế cho Google.

YouTube thúc đẩy Web và Google về phía trước

YouTube “lớn nhanh” trên vai “người khổng lồ” Google

YouTube Kids, mạng video dành cho trẻ em

Khi các vấn đề về tài chính và pháp lý được bỏ lại phía sau, Google và YouTube có thời gian để phát triển dịch vụ cho người dùng. Tháng 3/2008, YouTube hỗ trợ video độ phân giải 480p. Hỗ trợ HD đến vào năm 2009. Yêu cầu phải tiết kiệm dữ liệu đưa tới một loạt sáng kiến mới.

Ban đầu, website phụ thuộc nặng nề vào Flash nhưng bắt đầu thí nghiệm video HTML5 từ đầu năm 2010. Đầu năm 2015, YouTube đưa HTML5 thành mặc định trên gần như mọi trình duyệt. Google cũng mua lại công ty giải mã video On2 và dự án WebM. Mục tiêu là tạo ra định dạng video nguồn mở, chất lượng cao và không mất phí sử dụng cho thế giới Web. Sau khi mua On2 tháng 8/2009, Google công khai mã nguồn của On2, VP8, và xóa bỏ tranh chấp bản quyền với MPEG LA, chủ sở hữu bộ giải mã H.264.

Kế nhiệm VP8 là VP9 được tiếp nhận rộng rãi tại YouTube. Năm 2014, người dùng đã xem “hơn 25 tỷ giờ video VP9”. Google cho biết lượng băng thông tiết kiệm được so với H.264 cho phép người xem video chất lượng cao với cùng băng thông bỏ ra. Công ty còn phát triển công nghệ hiển thị video 4K, 60 khung hình/giây trên YouTube.

YouTube còn là người tiên phong sử dụng WebP, bộ giải mã hình ảnh của Google dựa trên bộ giải mã VP8. WebP giúp YouTube tiết kiệm 20% băng thông, tăng tốc độ tải 10%.

Ngày nay, YouTube có sứ mệnh đưa video đến thế giới tương lai. Nó hỗ trợ video 4K, 3D và video thực tế ảo 360 độ cho những thiết bị như Google Cardboard và Gear VR. Hãng tấn công các thị trường mới như YouTube Kids cho trẻ em và sẽ sớm cạnh tranh với Amazon Twitch bằng dịch vụ phát các trận game trực tuyến. Kế hoạch kiếm tiền đang trong giai đoạn triển khai với các chương trình trả tiền như YouTube Music Key. Google còn được cho là đang phát triển dịch vụ xem video không quảng cáo với các thuê bao tính phí.

Khi không còn gì vướng bận và nguồn lực tài chính dồi dào của Google, tương lai của YouTube vô cùng xán lạn.

Du Lam
Nguồn ICT News