GoPro sẽ hết độc tôn thị trường camera thể thao?
Khi smartphone ngày càng phổ biến và được trang bị chức năng quay phim, các loại camera thông thường đang dần bị lãng quên. Thế nhưng, có một công ty đã nghĩ khác.
Nhận ra ai cũng muốn ghi lại những khoảnh khắc độc đáo, đáng nhớ như lướt sóng, đạp xe mạo hiểm xuống đồi, nhưng sợ đánh rơi smartphone và không an toàn cho bản thân khi vừa thực hiện, vừa bị phân tâm quay những cảnh này, GoPro giới thiệu một loại camera mới có thể gắn vào bất kỳ bề mặt nào như nón bảo hiểm, tay cầm xe đạp.
Sản phẩm này được đón nhận rộng rãi và mang về cho GoPro 72,5% thị phần ở Mỹ, 56,7% thị phần toàn cầu của thị trường camera thể thao. Theo IDC, thị trường này được dự báo sẽ đạt mức doanh số 2,9 tỉ USD vào năm 2018. Thế nhưng, vị trí thống trị của GoPro cũng bị thách thức bởi iON Cameras (hiện nắm 7% thị phần), Sony (2,9%) và nhiều công ty khác như HTC, TomTom, Xiaomi và cả Apple.
Sự trỗi dậy của iON, Sony VÀ HTC
Trong tháng vừa rồi, iON Cameras và Contour, 2 công ty chuyên sản xuất camera thể thao như GoPro vừa tuyên bố sáp nhập. Động thái này khiến GoPro không khỏi lo lắng khi liên minh mới hiện có tổng cộng 10.000 cửa hàng tại 40 quốc gia. Bên cạnh đó, một trong những chiến lược trọng tâm của liên minh này là nâng cấp các thiết bị phần cứng, phần mềm của camera để người dùng có thể quay, chỉnh sửa, chia sẻ và lưu trữ nội dung bằng công nghệ điện toán đám mây một cách đơn giản và dễ dàng nhất.
Xu hướng nâng cấp phần cứng của camera cũng được Sony theo đuổi bấy lâu nay, đặc biệt là công nghệ ghi hình với độ phân giải 4K với tốc độ ghi hình cao, đồng thời hạ giá bán để thu hút khách hàng.
Hiện tại, mẫu camera mới nhất của GoPro là Hero 4 Black được bán với giá 500 USD, trong khi giá bán mẫu X1000V của Sony là 450 USD. HTC tham gia cuộc chiến này bằng mẫu camera RE, được bán với giá 200 USD nhưng có độ phân giải thấp hơn sản phẩm của hai đối thủ.
Nhờ sinh sau đẻ muộn mà sản phẩm của Sony có góc quay rộng hơn, nhẹ hơn, nhưng to hơn và pin có thời lượng lâu hơn. Tuy nhiên, cách bố trí các nút chức năng của GoPro vẫn khoa học và hiệu quả hơn. Khác với 2 đàn anh, HTC chú trọng vào khả năng đồng bộ hóa dữ liệu của sản phẩm hơn, đồng thời lựa chọn thiết kế đơn giản nhưng trực quan hơn.
TomTom, tiếng nói từ nước Anh
Vốn là một công ty sản xuất thiết bị định vị vệ tinh, TomTom sở hữu một sức mạnh thiết kế phần cứng rất đáng gờm và vừa ra mắt TomTom Bandit, một chiếc camera thể thao có giá 299.99 bảng Anh (tương đương 460 USD) cùng nhiều tính năng vượt trội. Chiếc camera này được trang bị ống kính góc rộng, bộ cảm biến 16 MP cùng khả năng chống thấm nước đến độ sâu 50 m. Quan trọng nhất, chiếc camera này còn có khả năng xử lý và biên tập video chỉ trong vài phút.
“Với những chiếc camera thể thao hiện có, để biên tập video, đầu tiên phải phải tải hàng Gigabyte dữ liệu sang một máy tính có cấu hình mạnh. Quá trình này sẽ mất nhiều thời gian. Rồi bạn cần chọn những khoảnh khắc nổi bật, dựng thành một câu chuyện và chỉnh sửa để hoàn thiện. Toàn bộ quá trình này có thể mất nhiều giờ. Nhưng với camera TomTom Bandit, quá trình xử lý sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn”, Slobodan Stanisic, kỹ sư trưởng của TomTom, cho biết.
Và Xiaomi, đối thủ tiềm năng từ Trung Quốc
Sau khi khuấy động thị trường smartphone với các sản phẩm giá rẻ, Xiaomi chuyển mục tiêu sang thị trường camera thể thao và tấn công trực diện vào GoPro.
Theo IDC, thị trường camera thể thao được dự báo sẽ đạt mức doanh số 2,9 tỉ USD vào năm 2018.
Tháng 5 vừa qua, hãng này vừa ra mắt dòng camera Yi Action với giá 64 USD nhằm thay thế Hero, dòng máy thấp nhất của GoPro, đang được bán với giá 130 USD. So với Hero, Yi Action nhẹ hơn, có bộ nhớ trong lớn hơn và sở hữu nhiều tính năng xử lý video mạnh mẽ hơn. Yi Action cũng sở hữu ống kính có độ phân giải 16 MP, có khả năng quay video chuẩn HD ở tốc độ 60 khung hình/giây. Trong khi đó, thông số tương ứng của Hero chỉ là 5 MP và 30 khung hình/giây.
Dù hiện tại Xiaomi chưa có kế hoạch tung Yi Action ra ngoài thị trường Trung Quốc, nhưng sự xuất hiện của sản phẩm này đã khiến giá cổ phiếu của GoPro sụt giảm 5%. Ðây cũng là vật cản lớn cho chiến lược mở rộng sang thị trường châu Á của GoPro.
Tuy vậy, Marc Einstein, chuyên gia nghiên cứu công nghệ truyền thông và thông tin thuộc Frost & Sullivan, tỏ ra khá bình thản trước sự tham gia của Xiaomi. Bởi theo ông, sản phẩm của Xiaomi khó chinh phục người tiêu dùng ở các thị trường đã phát triển. Thế nhưng, ông đặc biệt lo ngại cho GoPro nếu Apple hay Samsung quyết định tham gia thị trường này.
Hiểm họa từ Apple
Hãng thông tấn Reuters khiến nỗi lo của GoPro thêm trầm trọng khi mới đưa tin Apple vừa nhận được bằng sáng chế về loại camera có thể đeo trên cơ thể. Loại camera này sẽ có khả năng chống nước, ghi được âm thanh và hình ảnh dưới nước và có thể được tích hợp vào đồng hồ đeo tay. Trang tin Patently Apple cho biết bằng sáng chế này là quyền sở hữu trí tuệ mà Apple mua lại từ Eastman Kodak vào tháng 11.2013, trong khi bản thân Kodak cũng nhờ sáng chế ấy mà sản xuất một dòng camera thể thao có khả năng chống thấm nước với tên gọi PlaySport. Với bằng sáng chế này cũng như sức mạnh hiện có, Apple hoàn toàn có khả năng tham gia vào thị trường camera thể thao, nếu hãng này muốn.
Tại Code Conference (hội nghị có ảnh hưởng nhất đối với lĩnh vực truyền thông và công nghệ của thế giới), CEO Nick Woodman của GoPro cho biết ngoài việc không ngừng cải tiến và nâng cấp chất lượng của các dòng camera thể thao hiện có, Công ty đã đủ năng lực để sản xuất máy bay không người lái và sẽ khởi đầu một mảng hoạt động mới: môi trường thực tế ảo (VR).
Để thực hiện tham vọng này, GoPro vừa mua lại công ty thực tế ảo Kolor của Pháp để sở hữu những phần mềm cho phép kết hợp hình ảnh thông thường thành “hình ảnh ở dạng hình cầu”. Tương tự như Google Dashboard hay Oculus Rift, người dùng có thể xem nội dung trên máy tính cá nhân hoặc smartphone với ứng dụng Youtube 360 hay Kolor.
Dù mức độ thành công của phương án mới còn chưa rõ ràng, nhưng ban lãnh đạo GoPro đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án này để tiếp tục mở rộng sản phẩm và độ phủ của Công ty trong những lĩnh vực kinh doanh có liên quan đến hình ảnh.
Hoàng Trung
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư