Thua ở Trung Quốc, tỷ phú Thái tấn công thị trường Việt Nam
Các tỷ phú Thái lan đang dồn dập ra tiền cho các vụ thâu tóm DN Việt Nam. Nguy cơ Việt Nam thành một thị trường ‘sân sau’ là nơi tiêu thụ hàng hóa của DN Thái.
Thông tin từ giới kinh doanh điện máy cho biết, tập đoàn Central Group của tỷ phú Chirathivat, người giàu nhất Thái Lan, đã tiếp tục thâu tóm thành công hệ thống siêu thị điện máy Pico của Việt Nam.
Hiện thương vụ này đã hoàn tất, nhưng chưa có tiết lộ về tỷ lệ cổ phần mà Central Group mua lại. Tuy nhiên, một số nhận định cho biết có thể cũng giống với thương vụ Nguyễn Kim, Central Group mua lại 49% số cổ phần của Pico.
Như vậy, trong vòng hơn1 năm qua Central Group đã có sự hiện diện rất mạnh mẽ tại Việt Nam. Mở trung tâm mua sắm mang tên Robins đầu tiên tại Hà Nội, vào tháng 4/2014, vài tháng sau đó, "Cá mập" này tiếp tục chi thêm 4 triệu USD mở trung tâm thứ 2 tại TP HCM. Cả ở 2 trung tâm này, hàng Thái Lan luôn chiếm số lượng lớn.
Đầu năm 2015, Central Group mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim với hệ thống 21 siêu thị điện máy trên cả nước.
Lộ trình này cho thấy những bước đi bài bản của Central Group để mở rộng tầm hoạt động tại Việt Nam, sau những thất vọng tại thị trường Trung Quốc.
Với tiềm lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm quản lý tốt, Central Group đang khẳng định tham vọng trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn, thâu tóm thị trường bán lẻ nhiều tiềm năng của Việt Nam.
Một số ý kiến cho biết, hệ thống siêu thị Nguyễn Kim có tầm phủ sóng mạnh tại khu vực phía Nam, nhưng phía Bắc vẫn còn yếu ớt. Chính vì vậy, việc mua cổ phần của Pico, sẽ giúp Central Group chiếm lĩnh thị trường khu vực Hà Nội và miền Bắc dễ dàng hơn, tạo thế cạnh tranh với các đối thủ khác.
Nguyễn Kim đã đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cửa hàng điện máy lên hơn 50 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2019. Pico hiện có 6 siêu thị, với sự "tham gia" của Central Group cũng sẽ thực hiện kế hoạch nâng số siêu thị lên hơn 20 trong thời gian tới.
Theo dự báo, thị trường bán lẻ của Việt Nam có thể đạt doanh số 100 tỉ USD/năm vào 2016, trong đó ngành hàng điện tử tiêu dùng có doanh số khoảng 10 tỷ USD.
Bán lẻ được cho là lĩnh vực kinh doanh "béo bở" nhất tại Việt Nam, từ lâu đã được các nhà đầu tư Thái Lan nhòm ngó và ngày càng thâm nhập mạnh.
Chính tỷ phú Chirathivat đã từng nhận định, với dân số 90 triệu người, trong đó hơn 60% ở độ tuổi lao động, sẽ mở ra một nguồn khách hàng vững chắc cho bất cứ DN nào muốn đặt chân vào thị trường bán lẻ ở Việt Nam.
Theo dự báo của hãng nghiên cứu Statista (Đức), thị trường bán lẻ của Việt Nam có thể đạt doanh số 100 tỉ USD/năm vào 2016, trong đó ngành hàng điện tử tiêu dùng có doanh số khoảng 10 tỷ USD và con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo.
Hàng loạt các tập đoàn bán lẻ lớn trong khu vực coi Việt Nam là thị trường trọng yếu khi Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) hình thành vào cuối năm nay.
Thuận lợi đang đến với các tỷ phú Thái, bởi sự bùng nổ của các trung tâm điện máy trong mấy năm qua, đã khiến áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Giá cả nhiều sản phẩm điện máy rơi xuống mức quá thấp, lợi nhuận không còn đáng kể, nhiều DN bán lẻ điện máy Việt Nam đang trong tình trạng tài chính rất khó khăn. Không ít DN đang phải gánh khoản nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng, liên tục bị các ngân hàng và công ty bảo hiểm đưa ra cảnh báo, đây là điều rất đáng lo ngại.
Khi khó khăn chồng chất, thì việc bán một phần, hoặc toàn bộ vốn chủ sở hữu, là điều khó tránh khỏi. Trong thế bị động đó, chắc chắn lợi thế sẽ thuộc về các nhà đầu tư, sẽ mua được với giá rẻ.
Theo giới kinh doanh, những năm tới đây, xu hướng mua bán, “thu gom” hoặc sáp nhập DN trong lĩnh vực kinh doanh điện máy nói riêng và bán lẻ nói chung tại Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ. Sau đó, thị trường sẽ định hình ra những DN mạnh và có sức cạnh tranh, nhưng rất có thể người Thái sẽ chiếm đa số trong lĩnh vực kinh doanh này.
Khi đã chiếm đa số, cũng có nghĩa là các nhà đầu tư Thái Lan sẽ nắm quyền chi phối và điều hành theo hướng của họ, không chỉ bán những sản phẩm sẵn có mà sẽ tận dụng để đưa hàng hóa vào. Sự thâm nhập của hàng Thái có thể sẽ tạo ra nguy cơ lấn át hàng trong nước, đe dọa lợi thế "sân nhà" của hàng Việt.
Các quan chức Thái Lan đang coi Việt Nam là một trường hợp thất bại "điển hình và đau lòng" trong xúc tiến thương mại, khi các sản phẩm "made in Thailand" chưa thâm nhập được nhiều. Với những thương vụ thâu tóm "khủng", diễn ra liên tục, thời gian tới điều này chắc sẽ thay đổi.
Trần Thủy
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư