Sôcôla 'Made in Vietnam' - Sân nhà không ngọt ngào

Ngành hàng sôcôla năm 2014 đã thu hút thêm 52.000 hộ tiêu dùng mới. Nhiều dự báo, nhu cầu tiêu dùng sôcôla sẽ tiếp tục nóng đến năm 2020.

Khối nội trỗi dậy

Nếu như trước đây thị trường sôcôla Việt Nam định vị dưới những cái tên trong ngành bánh kẹo như: Kinh đô, Bibica, Hữu nghị... thì nay thực trạng đã khác. Hàng trăm chủng loại bánh, kẹo, thức uống... làm từ "vàng đen" cacao đang được các doanh nghiệp (DN) bày bán khắp các hệ thống siêu thị lớn nhỏ trên cả nước.

Tại Big C (Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), hai dãy hàng chưa đến 25m đã có sản phẩm của gần 30 DN. Đa phần những công ty này đều nhập khẩu và phân phối sôcôla, bánh kẹo liên quan đến cacao từ những thương hiệu nổi tiếng như Guylian, Ducdo, JulesDestrooper, Cémoi, Callebaut, Dobla...

Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều những thương hiệu ngoại, các DN trong nước đã đầu tư bài bản cho các sản phẩm chế biến từ cacao. Trong đó, phải kể đến Công ty TNHH Boniva - thương hiệu được xem là tiên phong tại Việt Nam với sản phẩm sôcôla tươi 100% bơ cacao cao cấp với nguyên liệu của Bỉ và các nước có bề dày lịch sử sản xuất sôcôla nguyên liệu.

Sôcôla Made in Vietnam - Sân nhà không ngọt ngào

Công ty Vinacacao, DN tư nhân đầu tiên của Việt Nam sản xuất các sản phẩm từ hạt cacao, phân phối ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang Thái Lan, Hàn Quốc...

Công ty TNHH Đại Hiền Tâm (thương hiệu Mark and Milk) đã đưa ra thị trường các loại sôcôla thanh, sôcôla hộp, sôcôla trẻ em... Công ty CP Lai Phú (thương hiệu Chocolate Gillia) đầu tư mạnh vào khâu phân phối, đưa hàng vào các siêu thị và cửa hàng Metro, Co.opMart, Lotte Mart, Maximark, Aeon, Citimart, Bsmart, Family mart...

Sự đầu tư nghiêm túc của các DN trong nước đã làm thay đổi cục diện của ngành sôcôla Việt Nam. Sau gần 8 năm có mặt tại thị trường, Công ty TNHH TM Lá Phong, đơn vị đang sở hữu bản quyền sản xuất và phân phối các sản phẩm liên quan đến sôcôla của Graphics (Úc) và Callebaut (Bỉ), đã nâng mức tăng trưởng từ 0% lên gần 200% cho đến thời điểm hiện tại ở các phân khúc Horica (nhà hàng, khách sạn), coffee shop, bakery (tiệm bánh) và quà tặng.

Sản phẩm của thương hiệu này đang hướng đến nhóm khách hàng DN và các tiệc cưới. Không chỉ vậy, nguyên liệu và sản phẩm của Callebaut do United Visson phân phối cũng chiếm gần 1/2 số lượng nhà hàng, khách sạn hiện hữu tại TP.HCM.

Đánh giá mức tăng trưởng của thị trường, ông La Vĩ Lương, Giám đốc Điều hành Công ty United Visson và Công ty TNHH TM Lá Phong, cho rằng, vì người tiêu dùng (NTD) Việt vẫn chưa hiểu cặn kẽ về chất lượng sôcôla nên dù thị trường tiềm năng nhưng chưa tăng trưởng đột biến cho đến thời điểm hiện tại.

Sôcôla Made in Vietnam - Sân nhà không ngọt ngào

"Theo kế hoạch tiến sâu vào Việt Nam, Graphics sẽ tiếp tục khai phá thị trường Hà Nội và một số các tỉnh - thành phố khác. Dự kiến, sẽ có thêm 3 cửa hàng được mở đến cuối năm 2015, nâng tổng số cửa hàng của Graphics Việt Nam lên 8. Bên cạnh việc tiếp tục cung ứng các sản phẩm mới ra thị trường, Graphics Việt Nam sẽ đẩy mạnh khai thác khách hàng siêu thị với mức giá mềm hơn và phù hợp với số đông NTD", ông Lương cho hay.

Khác biệt hay là...

Theo một khảo sát từ Kantar Worldpanel, ngành hàng sôcôla năm 2014 được đánh giá có mức tăng trưởng gấp đôi về khối lượng tiêu dùng so với năm 2013.

Cũng trong năm 2014, ngành hàng này đã thu hút thêm 52.000 hộ tiêu dùng mới. Và hiện đã có nhiều DN FDI định vị tại thị trường Việt, đóng vai trò trung gian xuất khẩu lẫn chủ động cung cấp các sản phẩm sôcôla thành phẩm cho thị trường nội địa.

Ông Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Công ty Vinacacao, chia sẻ: "Đối với một ngành hàng, sự có mặt của nhiều thương hiệu, DN chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh nhưng như vậy sẽ giúp NTD nhận biết nhiều hơn về cacao, sôcôla, hàng sẽ bán được tốt hơn".

Song, khi đánh giá lại thực trạng ngành sôcôla Việt, ông Liêng cho rằng, các sản phẩm từ sôcôla "made in Vietnam" vẫn còn quá truyền thống theo hướng tiêu dùng cốt lõi. Ngay như Vinacacao, dù chiếm tới 25% sản lượng cacao nguyên liệu nhập về Việt Nam mỗi năm (khoảng 50 triệu USD/năm) nhưng ở thời điểm bắt đầu cũng phải dựa vào các sản phẩm truyền thống.

Sôcôla Made in Vietnam - Sân nhà không ngọt ngào

Hiện nay, các sản phẩm sôcôla không còn đơn thuần từ cacao nguyên chất mà phải có sự kết hợp với nhiều nguyên liệu như ngũ cốc, trái cây... "DN Việt Nam muốn tìm chỗ đứng và giữ thị trường phải đa dạng hóa sản phẩm, tạo sự khác biệt. Ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, chúng tôi củng cố lại hệ thống phân phối để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường", ông Liêng cho biết.

Ở một góc nhìn khác, bàVõ Thị MỹVân, Chủ thương hiệuBoniva, cho hay, sự gia nhập ngày càng nhiều các thương hiệu sôcôla trên thế giới vào Việt Nam rất đáng ngại cho các DN nội địa. Xét về mẫu mã, chất lượng, giá cả..., rất ít DN Việt có đủ tiềm lực để cạnh tranh.

Vì thế, để có được chỗ đứng trên sân nhà, các DN phải rất cố gắng. Chia sẻ về cách làm của Boniva, bà Vân cho biết, Công ty có lợi thế hơn các DN nhập khẩu và phân phối là chủ động sản xuất tại chỗ, hiểu được thị trường, văn hóa Việt nên thu hút NTD bằng các sản phẩm phù hợp.

"Chúng tôi không bao giờ từ chối các đơn hàng nhỏ, cần làm nhanh từ 1-2 ngày dù nhiều mẫu mã rất phức tạp. Đây được xem là yếu tố linh hoạt, giúp chúng tôi phát triển tốt ở thị trường ngách", bà Vân chia sẻ.

Lê Loan
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn