“Đại phẫu” General Electric

Ông chủ của Tập đoàn GE- Jeff Immelt vừa tuyên bố thoái vốn khỏi GE Capital. Tin này như một cơn địa chấn báo hiệu nhiều thay đổi lớn ở GE.

Trên thị trường tài chính quốc tế, nhiều người am hiểu đều biết mảng tài chính của Tập đoàn General Electric (GE) – GE Capital – là một trong những công ty tài chính lớn nhất nước Mỹ với giá trị tài sản lên tới 500 tỷ USD, tương đương quy mô của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers trước khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008.

Chấn động!

Trước đây, GE Capital tham gia vào mọi lĩnh vực tài chính, từ cho vay tiêu dùng cho đến bất động sản. Với quy mô khổng lồ như thế nên giới tài chính không khỏi sốc khi Jeff Immelt, Chủ tịch GE, tuyên bố vào hôm 10/4/2015 rằng, tập đoàn này sẽ thoái vốn khỏi GE Capital (trong vòng 24 tháng tới) để tập trung vào mảng cốt lõi là công nghiệp. “Tương lai của GE là mảng công nghiệp”, ông khẳng định.

Các ngân hàng lớn chỉ co hẹp quy mô khi gặp khó khăn trong kinh doanh. Còn GE Capital, ngân hàng lớn thứ 7 nước Mỹ, vẫn làm ăn sinh lời (năm 2014, GE Capital đóng góp tới 42% lợi nhuận hoạt động cho GE). Nhiều người thắc mắc tại sao Immelt lại đưa ra một quyết định khó hiểu như vậy?

“Đại phẫu” General Electric

Lợi nhuận trước thuế từ mảng công nghiệp của GE chỉ tăng 3% trong quý cuối cùng của năm 2014

Tuy nhiên, một quyết định lớn luôn có lý do đằng sau. Bộ phận tài chính của GE ra đời vào những năm 1980 và bành trướng mạnh mẽ vào những năm 1990. Năm 2000-2001, mảng tài chính đã mang lại hệ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) 23% và đóng góp tới 41% lợi nhuận của toàn tập đoàn. Nhưng rồi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, khiến cho thanh khoản trên các thị trường nợ ngắn hạn đều cạn kiệt và GE Capital khó có thể đảo nợ đối với số tiền 72 tỷ USD giá trị thương phiếu. Lợi nhuận của mảng tài chính vì thế bị sụp đổ và GE Capital đã buộc phải nhờ đến sự cứu nguy của chính phủ mới thoát khỏi nguy cơ phá sản. Nghĩa là mảng tài chính của GE thực ra không ổn như những con số trên sổ sách.

Quyết định can đảm

Mặc dù hiện tại, GE Capital vẫn đóng góp 42% lợi nhuận hoạt động cho Tập đoàn GE vào năm 2014, nhưng các quy định tài chính khắt khe hơn thời hậu khủng hoảng đang khiến cho mảng dịch vụ tài chính khó mà kiếm được mức sinh lời cao như trước. Các cổ đông cho rằng, với những rủi ro đang gia tăng và khó kiểm soát như vậy, không đáng để GE duy trì GE Capital. Đó là lý do Immelt quyết định thoái vốn khỏi mảng tài chính, vì ông thừa hiểu sẽ chẳng có cách nào đưa tập đoàn khổng lồ này thoát ra khỏi tình trạng giá cổ phiếu lình xình kéo dài mà không từ bỏ các dịch vụ tài chính.

“Đại phẫu” General Electric

GE Capital đóng góp 42% lợi nhuận hoạt động cho Tập đoàn vào năm 2014

Sau khi rút khỏi GE Capital, GE dự kiến sẽ tăng tỷ trọng đóng góp của mảng công nghiệp từ mức 58% của năm 2014 lên 90% trong tương lai. Tỷ lệ 10% còn lại sẽ đến từ một phần nhỏ các bộ phận kinh doanh tài chính mà GE vẫn giữ lại, bao gồm cho thuê máy bay và tài chính năng lượng – các bộ phận hỗ trợ cho hoạt động của mảng công nghiệp. Thoái vốn khỏi GE Capital có nghĩa là GE từ bỏ nguồn đóng góp 1/3 lợi nhuận cho tập đoàn. GE sẽ giảm cú sốc này đối với lợi nhuận mỗi cổ phiếu (EPS) bằng cách mua lại 50 tỷ USD cổ phiếu quỹ. Chủ tịch Immelt cũng cho biết, tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện các thương vụ thâu tóm trị giá 3 – 5 tỷ USD để đẩy mạnh mảng công nghiệp.

Tuy nhiên, Immelt sẽ đứng trước trách nhiệm nặng nề là tạo ra sự tăng trưởng doanh số và lợi nhuận, trong bối cảnh bộ phận điện của GE đang chịu rất nhiều áp lực, cùng với đà lao dốc của giá dầu đang đe dọa các hoạt động vốn chiếm ít nhất 1/5 doanh số mảng công nghiệp của tập đoàn. Quan trọng hơn, Immelt làm cách nào để thuyết phục cả thế giới rằng, những bộ phận còn lại của GE – từ mảng đầu máy xe lửa, thiết bị khoan dầu, lò phản ứng hạt nhân, động cơ máy bay cho đến nhà máy xử lý nước và tất cả các thiết bị cơ điện khác – sẽ làm nên chuyện. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Dấu hỏi về mảng công nghiệp

Quá nhiều dấu hỏi về mảng công nghiệp của GE chưa được giải đáp. Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa rõ GE sẽ như thế nào khi không còn mảng dịch vụ tài chính. Jeff Immelt đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hàng năm đạt hai con số cho đến hết năm 2018. Nhưng lợi nhuận trước thuế từ mảng công nghiệp của GE chỉ tăng 3% trong quý cuối cùng của năm 2014, do giá dầu thấp hơn đã làm ảnh hưởng đến bộ phận năng lượng. Theo ông Deane Dray, chuyên gia phân tích tại RBC Capital Markets, ước tính lợi nhuận từ bộ phận dầu khí của GE có thể giảm tới 23% trong năm nay do giá dầu tiếp tục giảm lâu dài.

“Đại phẫu” General Electric

Lợi nhuận từ bộ phận dầu khí của GE có thể giảm tới 23% trong năm nay do giá dầu tiếp tục giảm lâu dài.

Một nỗ lực củng cố mảng công nghiệp khác là GE đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực động cơ máy bay, bằng việc sản xuất mẫu động cơ mới nhất của mình. Đồng thời đã và đang cắt đi các mảng kinh doanh không mang lại mức sinh lời cao, như mảng thiết bị gia dụng (GE Appliances). Tập đoàn cũng đang nỗ lực hoàn tất thương vụ thâu tóm mảng năng lượng của Alstom trị giá 17 tỷ USD. Các cơ quan quản lý châu Âu đã bước vào giai đoạn 2 trong việc đánh giá thương vụ, để đảm bảo việc GE mua một đối thủ chính sẽ không làm nảy sinh độc quyền trên thị trường thiết bị phát điện. Châu Âu đã kéo dài đợt kiểm tra cho đến ngày 8/7/2015, còn GE cho biết, họ dự kiến sẽ kết thúc thương vụ vào ngày 1/7/2015. Tuy nhiên, Immelt đã có được sự đồng tình của cổ đông cho bước đi được xem là táo bạo nhất trong sự nghiệp điều hành tại GE suốt 14 năm qua. Bằng chứng là sau tuyên bố trên, giá cổ phiếu GE đã tăng 11%, mức tăng cao nhất (trong một phiên) kể từ năm 2009. Điều này cho thấy, nhà đầu tư rất kỳ vọng vào quá trình tái cấu trúc tại GE, theo chuyên gia Deane Dray thuộc RBC Capital Markets.

“Đó không chỉ là sự rút lui khỏi GE Capital, mà còn cho thấy GE giờ đây chú trọng hơn vào mảng công nghiệp. Đó là điều mà mọi người mong muốn từ trước đến nay”, ông nói.

Thành Lợi
Nguồn Doanh Nhân Online