Thị trường mới nổi - "mỏ vàng" của thương mại điện tử
Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển theo những quy luật riêng và đã thiết lập những trật tự mới trên bản đồ kinh tế thế giới. Ở đó, những thị trường mới nổi như ASEAN có nhiều cơ hội phát triển, trở thành thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư hơn các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu.
Nghiên cứu Digital Evolution Index của Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts đã nhận xét rằng, kinh tế thế giới đang trên “chuyến du hành đến thời đại của TMĐT”.
4 xu hướng phát triển TMĐT
Havard Business Review dẫn lại nghiên cứu Digital Evolution Index của Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (kết hợp cùng Mastercard và DataCash), được thực hiện trên 50 quốc gia có lượng người dùng internet cao hoặc có tiềm năng thu hút người dùng trong tương lai cho thấy, mức độ phát triển của TMĐT đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường ASEAN.
Ví dụ, Singapore và Hà Lan đều thuộc top 10 những nước phát triển kinh tế kỹ thuật số nhanh nhất. Tuy nhiên, tình hình phát triển của 2 nước này rất khác nhau.
Trong giai đoạn 2008-2013, Singapore liên tục xây dựng các cơ sở hạ tầng hiện đại đẳng cấp thế giới, thu hút được các quỹ đầu tư mạo hiểm và là điểm đến hấp dẫn cho các start-up.
Trong khi đó, các chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ Hà Lan từ 2010 đã cắt giảm chi phí đầu tư cho hệ sinh thái kinh tế kỹ thuật số khiến nước này không thu hút được những nhà khởi nghiệp.
Nghiên cứu của Fletcher, dựa trên các chỉ số cung, cầu, thể chế và đổi mới trong giai đoạn 2008-2013, đã chia các nước thành 4 xu hướng phát triển TMĐT:
- Stand Out: Đã có nền tảng trong quá khứ và tiếp tục phát triển. Bao gồm: Singapore, Hong Kong, New Zealand, Thụy Sĩ, Israel. Đây là những nước có môi trường kinh tế kỹ thuật số phát triển, được hỗ trợ tốt từ chính phủ và thu hút các start-up.
- Stall Out: Đã phát triển nhưng hiện tại đang dần kém đi và có nguy cơ tụt hậu, bao gồm: Các nước phương Tây và Bắc Âu, Úc, Nhật. Nhóm này cần đổi mới và tìm kiếm – mở rộng thêm thị trường ra nước ngoài. Đây cũng là những nước có dân số già nên việc cho lao động trẻ tuổi nhập cư sẽ giúp giải quyết nhiều khó khăn.
- Break Out: Nhóm có tiềm năng phát triển kinh tế kỹ thuật số mạnh mẽ, bao gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Việt Nam và Philippines. Các nước này đã cải thiện được nền tảng để phát triển kinh tế kỹ thuật số nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong nâng cao cơ sở hạ tầng và kích thích tiêu dùng. Dù tổng điểm vẫn còn thấp nhưng nhóm này phát triển nhanh và sẵn sàng trở thành Stand Out.
- Watch Out: Những nước có nhiều cơ hội phát triển nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm Indonesia, Nga, Nigeria, Ai Cập và Kenya. Đây là những nước có dân số đông, thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhưng còn yếu kém trong thể chế và cải cách nên chưa tạo được sự bứt phá. Tuy nhiên, đây là những nước có triển vọng phát triển trong tương lai.
Như vậy, hầu hết những nước trong khu vực ASEAN đều thuộc nhóm đã và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Theo Bảng xếp hạng các các nước có môi trườngTMĐT tốt nhất thế giới 2008-2013, Singapore dẫn đầu danh sách, vượt qua những nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ... Dù Việt Nam đứng thứ 45 trong bảng tổng sắp nhưng lại là nước có tốc độ phát triển, cải thiện môi trường TMĐT nhanh thứ 7 thế giới.
Mở lối đi riêng
Với tốc độ phát triển nhanh và những thách thức đặt ra nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, những công ty TMĐT đang cố gắng mở rộng thị trường và gia tăng ảnh hưởng.
Không chú trọng đến thị trường Mỹ, Thượng Hải hay Singapore, công ty Rocket Internet của Đức đã mở hàng loạt công ty start-up tại thị trường mới nổi.
Mục tiêu của Rocket Internet là tạo ra một thị trường rộng lớn bên ngoài Mỹ và Trung Quốc để trở thành Alibaba và Amazon của phần còn lại của thế giới. Những công ty start-up của Rocket Internet có độ phủ sóng khá rộng: Jumia – hoạt động ở 9 quốc gia châu Phi, Namshi ở Trung Đông, Lazada và Zalora ở ASEAN, Jabong ở Ấn Độ, Kaymu tại 33 thị trường ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông.
Trong khi đó, Alibaba – người khổng lồ đang “thống trị” thị trường mới nổi đã bắt đầu để mắt đến Mỹ, châu Âu. Và ngược lại, Amazon và Google cũng muốn tăng dần sức ảnh hưởng lên những thị trường mới.
Để tìm được chỗ đứng tại các thị trường mới khai phá, các công ty TMĐT phải nỗ lực để địa phương hóa các dịch vụ của mình. Ví dụ, theo Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, 90% giao dịch ở nước này sử dụng tiền mặt. Thẻ Paypal dùng để chi trả trực tuyến hiếm khi được sử dụng. Vì vậy, để tiếp cận được thị trường đông dân thứ 2 thế giới, Amazon đã cung cấp dịch vụ COD - khách hàng chủ yếu trả tiền trực tiếp khi nhận hàng - điều mà Amazon chưa bao giờ thực hiện trên đất Mỹ.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh, hành vi, thói quen và xu hướng tiêu dùng của khách hàng TMĐT sẽ thay đổi rất nhanh. Đồng thời, những người dùng internet tại thị trường mới nổi sẽ dần cởi mở hơn, chi tiền nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến.
Do đó, để có thể nắm bắt được khách hàng là ai, thói quen và xu hướng mua sắm như thế nào sẽ là bài toán các công ty cần giải để phát triển TMĐT ra các thị trường mới.
Tăng Khánh
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn