Giữ cho hai chân vững đều
Từ thành công vang dội và để lại dấu ấn mạnh mẽ với dòng sản phẩm đông lạnh chế biến sẵn, Saigon Food đặt mục tiêu vững mạnh cả hai thị trường xuất khẩu lẫn nội địa.
Mục tiêu đề ra đến năm 2020 của Saigon Food là phải nâng tỷ trọng doanh thu giữa nội địa và xuất khẩu lên 50-50 thay vì mức 20-80 như hiện nay. Vậy, Saigon Food đề ra chiến lược gì để đạt được mục tiêu này?
Liên tục cải tiến
Thành lập từ năm 2003, thời điểm mà xuất khẩu thủy sản đang tiến triển thuận lợi và đem lại trái ngọt cho nhiều doanh nghiệp trong ngành, nhưng Saigon Food đã tạo cho mình một lối đi riêng, đó là phát triển song song cả thị trường nội địa và xuất khẩu, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu. Ban lãnh đạo của Saigon Food khi đó hiểu rằng, muốn chinh phục thị trường nội địa thì cần tạo ra được sản phẩm ấn tượng, khác biệt và phải vào được hệ thống phân phối hiện đại. Khoảng cuối năm 2003, sản phẩm lẩu đông lạnh của Saigon Food ra đời, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên công ty giới thiệu một sản phẩm được chế biến, bảo quản khá phức tạp là gói nước dùng cô đặc vào kinh doanh. Sản phẩm khi đó được đóng vào thùng xốp và vận chuyển bằng xe máy đến các siêu thị để tiêu thụ.
Ngày đầu tiên ra mắt sản phẩm, toàn bộ lượng hàng nhanh chóng được bán sạch. Mọi người trong công ty đều hào hứng và tin tưởng sản phẩm đã đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, công ty cũng gặp thời khi vào thời điểm cuối 2003, dịch cúm gia cầm bùng phát khiến người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm khác thay thế thịt gà, trong đó có thủy hải sản. “Tết năm đó hàng sản xuất không kịp bán, kho lúc nào cũng trong tình trạng trống trơn, đơn đặt hàng về liên tục nên toàn công ty phải xuống xưởng đóng hàng để bán”, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc công ty nhớ lại. Đến năm 2006, khi việc kinh doanh ngày càng mở rộng, công ty bắt đầu nhập máy móc thiết bị về, dần dần tự động hóa các khâu sản xuất.
Dám đổi mới, Saigon Food đã “vượt mặt” nhiều doanh nghiệp có thâm niên trong ngành, tiếp tục cho ra cháo ăn liền, rau củ quả đông lạnh, và hiện đang vươn lên vị trí thứ 3 trong ngành thực phẩm đông lạnh, chỉ sau Vissan và Cầu Tre.
Đa dạng sản phẩm và mở rộng thị trường
Mặc dù quan tâm phát triển thị trường nội địa, nhưng dòng sản phẩm đông lạnh của công ty vẫn chưa tạo được đột phá như kỳ vọng. Tỷ lệ xuất khẩu so với nội địa vẫn còn chênh lệch quá lớn ở mức 80-20. Tuy nhiên, mong muốn mở rộng thị trường của doanh nghiệp không dễ đạt, vì hệ thống bán lẻ hiện đại chưa phát triển như mong muốn. “Trong khi kênh phân phối hiện đại ở Thái Lan chiếm 70% thì ở Việt Nam con số này mới ở mức 20%”, bà Lâm so sánh.
Theo Saigon Food, tốc độ tăng trưởng của mặt hàng thủy sản đông lạnh dù chậm lại trong năm 2014, nhưng vẫn đạt mức tăng khoảng 15%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của rau củ đông lạnh tăng tới hơn 30%. Chính vì điều đó nên ngay từ năm 2011, công ty quyết định đổi tên từ Công ty cổ phần Hải sản S.G – S.G Fishco thành Công ty cổ phần Thực phẩm Sài Gòn – Saigon Food và công ty cũng điều chỉnh logo nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, dòng sản phẩm đông lạnh vẫn gặp khó khăn lớn khi tiếp cận kênh bán hàng truyền thống như chợ quê. Với nút thắt này, một lần nữa Saigon Food phải tìm ra hướng đi mới cho mình.
Yêu cầu đặt ra là làm sao để công nghệ có thể sản xuất ra cháo tươi, nhưng có thể đóng gói và bảo quản được trong thời gian dài mà không dùng chất bảo quản. Đến năm 2010, Saigon Food làm gia công cho khách hàng một sản phẩm xuất đi Nhật mà theo bà Lâm, dây chuyền đó có thể làm cháo được. Bắt tay vào nghiên cứu suốt hai năm, đến cuối năm 2012, ba sản phẩm cháo đầu tiên của Saigon Food là cháo cá hồi, cháo tôm, cháo hạt sen đã được đưa ra thị trường với mức giá chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Với công nghệ Nhật Bản, sản phẩm cháo này được sản xuất tự động hoàn toàn trong quy trình khép kín. Gạo, nước dùng, gia vị, thịt, rau củ được đóng vào bao gói, hút chân không sau đó mới được nấu chín. Cháo được đóng gói tiện dụng trong bao bì gồm bốn lớp, mỗi lớp có một tác dụng riêng giúp cháo có thể được bảo quản lên tới một năm.
Dù là một sản phẩm tiện dụng, đánh đúng nhu cầu thị trường, nhưng bà Lâm thừa nhận, sản phẩm phát triển trầy trật suốt một năm đầu ra thị trường. “Trong khi sản phẩm của chúng tôi là cháo tươi dinh dưỡng thì người ta lại cứ so sánh giá với cháo sấy nên ngại ngần khi thấy giá bán cao gấp mấy lần. Mãi tới khi có cháo B’fast và cháo Yến Việt ra nhập thị trường, xóa bớt khoảng cách giá cả thì tình hình khá lên”, bà Lâm nói.
Kết quả là năm 2014, sản phẩm cháo đạt mức tăng trưởng gấp hơn 4,5 lần so với năm đầu tiên ra thị trường. “Năm 2015 chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá cho sản phẩm”, bà Lâm chia sẻ.
Săn nhân sự và tái cấu trúc
Tham vọng của Saigon Food là mở rộng thị trường nội địa, đến năm 2020 nâng tỷ lệ giữa xuất khẩu và nội địa lên 50-50. Để hiện thực hóa mục tiêu này, mới đây công ty đã mua thêm 10.000 m2 nhà xưởng, đối diện khu nhà xưởng hiện nay rộng 13.500 m2 tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc – huyện Bình Chánh. Dù không công bố doanh thu từ thị trường nội địa, nhưng bà Lâm tin rằng, doanh số từ thị trường nội địa của Saigon Food không thua kém những doanh nghiệp “lão làng” trong ngành.
Với thị trường xuất khẩu, hiện nay 100% doanh số xuất khẩu đến từ thị trường Nhật. Việc chỉ xuất khẩu tới duy nhất một thị trường khiến rủi ro rất cao, nhưng bà Lâm không tỏ ra lo ngại vì theo bà “văn hóa doanh nghiệp Nhật khá trung thành, họ đã chọn ai thì sẽ đi đường dài. Hơn nữa, Nhật nhập thủy sản về để bán cho cả thế giới chứ không chỉ bán cho dân Nhật”.
Lê Dung
Nguồn Doanh Nhân Online