Bán lẻ: Cửa hàng tiện lợi "so găng" tiệm tạp hóa

Với thị trường ước đoán sẽ lên 100 tỷ USD vào năm 2016, cuộc đua trong ngành bán lẻ đang hướng đến mô hình các cửa hàng nhỏ: tiệm tạp hóa và cửa hàng tiện lợi (CHTL).

Tiện lợi đua mở chuỗi

Chưa có thời điểm nào, mô hình CHTL lại phát triển như hiện nay. Hầu như các thương hiệu bán lẻ bên cạnh phát triển hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại đều đẩy mạnh phát triển phân khúc CHTL. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, trong năm 2014, Saigon Co.op đã mở được 17 CHTL Co.op Food, 30 cửa hàng Co.op.

Chủ trương của Saigon Co.op trong năm 2015 là mở thêm 30 cửa hàng Co.op Food tại TP.HCM và triển khai nhượng quyền thương hiệu (franchise) cho các cá nhân trong nước đủ điều kiện. Dự kiến, trong 30 cửa hàng được mở trong năm nay sẽ có 10 cửa hàng franchise.

Bán lẻ: Cửa hàng tiện lợi so găng tiệm tạp hóa

Hiện nay, trên thế giới, Casino Group đang phát triển các concept về đại siêu thị, siêu thị, siêu thị mini mang thương hiệu mini Big C, cửa hàng giảm giá (DIS) và cửa hàng chuyên doanh về chăm sóc sức khỏe và làm đẹp (Pure).

Tại Việt Nam, Casino Group đặt trọng tâm tiếp tục mở rộng trên cơ sở mô hình kép là các đại siêu thị và CHTL. Trong đó, bên cạnh hệ thống 30 đại siêu thị Big C, thương hiệu bán lẻ lớn của Pháp đang song song phát triển 2 chuỗi cửa hàng New Chợ và C Express.

Ngay như hệ thống CHTL Satrafoods của Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) chỉ mới có mặt 4 năm nhưng đã xây dựng được chuỗi 57 cửa hàng. Trong năm 2014, Satra đã mở 17 Satrafoods và 5 năm tháng đầu năm nay đã khai trương thêm 7 cửa hàng mới.

Nhưng đây chưa phải là con số cuối cùng của thương hiệu này vì chiến lược phủ rộng mạng lưới tại TP.HCM vẫn đang được DN này triển khai. Hiện nay, bên cạnh các cửa hàng ở khu vực nội thành, các CHTL của Satra đang hướng đến các khu vực vùng ven. Mới đây nhất, ngày 27/5, Satra đã khai trương CHTL Satrafoods thứ 57 tại Hóc Môn.

Trong khi đó, "tân binh" của ngành bán lẻ là Vingroup ngay khi tham gia thị trường đã tự tin công bố sẽ triển khai hệ thống 1.000 CHTL Vinmart trong 3 - 4 năm tới. Để chuẩn bị hàng hóa cung cấp cho chuỗi cửa hàng khổng lồ của mình, Vingroup đã làm việc với các hộ nông dân các tỉnh.

Bán lẻ: Cửa hàng tiện lợi so găng tiệm tạp hóa

Mới đây, lãnh đạo của DN này đã làm việc với 11 hộ nông dân thôn Suối Thông 2, xã Đà Ròn, huyện Đơn Dương (Lâm Đông) đặt hàng nguồn cung rau. Hiện các hộ nông dân này đã bắt tay vào việc trồng rau theo tiêu chuẩn Viet GAP để cung ứng các đặt hàng của Vinmart.

Ở những thương hiệu "chuyên trị” CHTL như Shop&Go, FamilyMart, BsMart, Circle K, Mini Stop..., số lượng điểm bán vẫn đang liên tục được "phình to". Báo cáo của Nielsen cho thấy, so với năm 2012, số lượng CHTL đã tăng gấp đôi trong năm 2014, từ 147 cửa hàng lên 348 cửa hàng.

Cùng với CHTL, chuỗi các siêu thị mini cũng tăng từ 863 lên đến 1.452 điểm bán trong năm 2014. Dự đoán, trong 3 năm tới, số lượng CHTL sẽ gấp 3 lần hiện tại, lên 1.500 cửa hàng.

Cũng theo nghiên cứu của Nielsen, hình thức bán lẻ hiện đại (đại siêu thị, siêu thị, CHTL) ngày càng đóng vai trò quan trọng ở Việt Nam. Có đến 34% người tiêu dùng mua sắm tại đại siêu thị và 29% tại siêu thị thường xuyên. Có 22% người tiêu dùng chọn mua hàng tại các CHTL.

Ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam, cho rằng, mô hình CHTL sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới. Bởi hiện nay, số lượng bình quân đầu người trên mỗi cửa hàng tại Việt Nam vẫn rất lớn và vượt xa nhiều nước.

Cụ thể, tỷ lệ này ở Việt Nam là 69.000 người/cửa hàng thì tại Philippines là 36.000 người/cửa hàng, Trung Quốc là 21.000 người/cửa hàng, Thái Lan là 5.556 người/cửa hàng, Hàn Quốc là 1.835 người/cửa hàng.

Bán lẻ: Cửa hàng tiện lợi so găng tiệm tạp hóa

Tạp hóa tăng tiện ích

Một báo cáo khác của Nielsen công bố trung tuần tháng 5/2015, cho thấy, chợ và các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn là kênh mua bán được đa số người Việt yêu thích.

Tuy nhiên, các kênh bán lẻ này đang bị "đe dọa" bởi các kênh mua sắm hiện đại. Năm 2014, lượng khách hàng đến các chợ truyền thống mua sắm giảm 5% so với năm 2012. Trong khi đó, lượng khách mua sắm ở các cửa hàng tạp hóa giảm đến 17% và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Trước áp lực cạnh tranh từ các CHTL, chủ các tiệp tạp hóa phải tăng nhiều tiện ích để thu hút khách hàng. Bà Nguyễn Thị Vĩnh Kim, chủ một tiệm tạp hóa khá lớn tại Thanh Đa cho biết, hơn 1 năm nay, doanh thu cửa hàng giảm mạnh.

Hai năm trước, doanh thu bình quân mỗi ngày tại cửa hàng của bà đạt khoảng 25 - 30 triệu đồng nhưng nay chỉ còn 20 triệu đồng. Nguyên nhân chính vẫn là do siêu thị và các CHTL mọc lên quá nhiều đã chia sẻ khách mua hàng. Trước sự sụt giảm doanh số, bà Kim một mặt thay đổi cách trưng bày tại cửa tiệm, mặt khác tổ chức các hoạt động vui để thu hút khách.

"Hôm thì chúng tôi tổ chức tặng bong bóng xếp hình, lúc lại tặng cây viết, cục gom cho các khách hàng nhí. Nếu khách mua số lượng nhiều chúng tôi cho nhân viên giao hàng đến tận nhà”, bà Kim cho biết.

Tại 4 thành phố lớn, dù CHTL đang phát triển về số lượng nhưng doanh thu từ CHTL mới chiếm 40% thị trường, 60% doanh thu của phân khúc cửa hàng nhỏ đang thuộc về các tiệm tạp hóa.

Không chỉ có bà Kim, hiện nay, các chủ tiệm tạp hóa rất ý thức trong việc trang trí cửa hàng. Không còn để hàng hóa bừa bộn như trước đây, người bán đã sắp xếp hàng đáp ứng tiêu chí "thuận tiện khi tìm và đẹp mắt với khách".

Bà Nguyễn Lưu Thủy, chủ tiệm tạp hóa gần chợ Bàu Cát (Tân Bình), cho biết, ngoài việc trưng bày hàng đẹp mắt, bà thường xuyên nhắc người phụ việc phải nhỏ nhẹ hơn với khách hàng. Không chỉ vậy, "tôi đang cân nhắc việc giảm thêm lãi để giữ khách hàng", bà LưuThủy cho biết.

Dù đang phát triển về số lượng như theo Euromonitor, năm 2013, doanh thu từ các CHTL tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 4% tổng doanh số bán hàng tạp hóa so với tỷ lệ trung bình là 42% cho các nước tại khu vực.

Báo cáo của Kantar Worldpanel ghi nhận tại 4 thành phố lớn cũng cho thấy, dù CHTL đang phát triển về số lượng nhưng doanh thu từ CHTL mới chiếm 40% thị trường, 60% doanh thu của phân khúc cửa hàng nhỏ đang thuộc về các tiệm tạp hóa. "Cũng giống như các cửa hàng điện máy nhỏ, các tiệm tạp hóa sẽ luôn tồn tại song song với các CHTL.

Đơn giản vì các cửa hàng tạp hóa có quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp, dễ quản lý nên giá bán rất cạnh tranh. Hơn nữa, tiệm tạp hóa còn có lợi thế về chăm sóc khách hàng bằng sự nhiệt tình, thân thiện của chính chủ cửa hàng được xây dựng từ nhiều năm qua", ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc Marketing Trung tâm điện máy Thiên Hòa nhận định.

Minh Hào
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn