Đấu trường... bia Việt!

Thị trường bia Việt hiện đang được chiếm lĩnh bởi 3 “ông lớn” là Sabeco (bia Sài gòn), VBL (bia Heineken và Tiger) và Habeco (bia Hà Nội), trên 80% thị phần.

Cuộc chiến tranh giành thứ hạng giữa 3 DN này hiện vẫn chưa ngã ngũ. Liệu sự có mặt của Aneuser Busch Inbev (AB InBev) Việt Nam (bia Budweiser), cuộc chiến sẽ như thế nào?

Vũ khí nào cho AB InBev Việt Nam sẽ đối đầu với các ông lớn trong cuộc đua giành thị phần? ông Ricardo Vasques, Tổng giám đốc AB InBev Việt Nam rất tự tin: “Điểm đặc biệt nhất của bia Budweiser chính là chất lượng, hương vị tuyệt hảo và đồng nhất,nhờ vào quy trình ủ bia rất tinh tế, phức tạp, trải qua nhiều công đoạn, và nguồn nguyên liệu ủ bia được nhập khẩu từ nước ngoài. Thêm vào đó, nhà máy đang được vận hành tại Bình Dương, có nghĩa là người tiêu dùng VN luôn uống được loại bia tươi nhất, tận hưởng được hương vị, chất lượng nhất đảm bảo theo tiêu chuẩn Budweiser toàn cầu”.

Đấu trường... bia Việt!“Người mới” xuất chiêu

Sự kiện AB InBev Việt Nam khánh thành nhà máy bia Budweiser có công suất 100 triệu lít/năm tại Bình Dương vào cuối tháng 5 vừa qua được đánh giá là một trong những hành động khẳng định sự hiện diện của bia Budweiser trong ngành hàng thức uống có cồn đang tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam. Mặc dù cái tên Budweiser không quá mới đối với người sành bia Việt, song việc thay đổi bao bì mẫu mã, gắn với hình ảnh chú ngựa hoàng gia Clydesdale to lớn và oai vệ nhất thế giới, với bước chạy hùng dũng đã tạo nên điểm nhấn chính để chính thức ra mắt cho hãng bia này tại thị trường Việt Nam. Được biết, Anheuser-Busch InBev là tập đoàn bia đa quốc gia có trụ sở tại Bỉ. Hãng hiện là nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới với 25% thị phần trên toàn cầu. Anheuser Busch InBev có tới 14 trên tổng số 200 thương hiệu mang lại doanh thu hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Nổi tiếng nhất là Budweiser, Corona, Stella Artois, Beck's và Brahma. Tại Việt Nam, nhà máy sản xuất bia AB InBev được xây dựng trên diện tích rộng 100.000 m2 tại tỉnh Bình Dương với công suất lên đến 100 triệu lít bia/năm, và còn có khả năng mở rộng năng lực sản xuất lớn hơn trong tương lai. Đây là nhà máy bia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á của AB InBev với nhãn hiệu bia Budweiser.

Theo ông Ricardo Vasques, với lượng tiêu thụ cho dòng bia cao cấp ngày càng tăng lên, Việt Nam lại đang trở thành một trong những thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhất thế giới - nước tiêu thụ bia nhiều nhất Đông Nam Á, và đứng thứ 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc) với sản lượng đạt 3 tỷ lít/năm. Hiện AB InBev Việt Nam đang phát triển hoàn thiện mạng lưới phân phối cũng như các dịch vụ trước và sau khi bán hàng trong khu vực, giúp phục vụ tất cả thị trường ở Việt Nam. Trên thực tế, AB Inbev Việt Nam đã lên kế hoạch, chiến lược thăm dò, thị trường Việt Nam từ lâu. Cũng cần phải nhắc lại, đầu năm 2013, thương hiệu bia Budweiser đã chi hàng tỷ đồng để tài trợ chính cho giải đấu bóng đá có tên "Budweiser 6V6 2013" với quy mô lớn ở TP HCM, tổ chức giải bóng đá phong trào rồi chọn đội vô địch đưa sang Anh Quốc thi đấu giao lưu. Hoặc tổ chức chương trình “thưởng thức cúp FA cùng Budweiser” để người tiêu dùng Việt Nam để ý tới nhãn hiệu Budweiser.

Đấu trường... bia Việt!

Tháng 9/2014, với hơn 80 nhân viên của AB InBev Việt Nam đến viếng thăm các siêu thị ở TP HCM và tỉnh Bình Dương để tổ chức “ngày hội uống bia có trách nhiệm toàn cầu” với mục tiêu tiếp cận ít nhất 100 triệu lượt người trưởng thành để truyền đạt thông điệp về việc không uống các sản phẩm có cồn khi chưa đủ tuổi. Đồng thời, cung cấp thông tin về trách nhiệm không bán các loại nước uống có cồn như bia rượu cho người không đủ tuổi đến ít nhất 1 triệu người bán và người phục vụ. Ngoài ra, AB InBev Việt Nam còn đặt ra mục tiêu tiếp cận ít nhất 500 triệu lượt người tiêu dùng trong độ tuổi uống bia hợp pháp để tuyên tuyền về tầm quan trọng của việc không uống bia rượu khi lái xe.

Ngay tại lễ khánh thành nhà máy bia Budweiser, ông Michael Kreamer, chuyên gia ủ bia của Budweiser chia sẻ: “Bia Budweiser ra đời từ năm 1876 và vẫn giữ vững hương vị thượng hạng nguyên bản và đồng nhất không đổi. Trong 139 năm qua, bia Budweiser đã tiến dần thành một thương hiệu danh tiếng toàn cầu. Người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có thể mong đợi một sản phẩm chất lượng giống như những sản phẩm chúng tôi đang bán ra cho hơn 80 quốc gia trên thế giới - một loại bia đạt tới độ cân bằng tuyệt hảo của hương và vị”.

“Kẻ cũ” so găng

Trong khi “người” mới gia tăng các chiến lược tiếp thị gây bão trên thị trường thì “kẻ” cũ cũng không ngừng mở rộng đầu tư để tăng thêm “lực” để bành trướng càng khiến cho cuộc đua trên thị trường bia ngày càng sôi động hơn.

Trước sự xuất hiện đình đám của bia Budweiser, qua trao đổi với báo DĐDN, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Cty CP Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho rằng, dù đang dẫn đầu thị phần trên thị trường bia ở phân khúc bia phổ thông và không chỉ là cuộc chiến của ba “ông lớn” nói trên khi thị trường đã có sự gia nhập của những sản phẩm mới. Tình hình hiện nay đã thay đổi, không phải là “cá lớn nuốt cá bé” nữa mà là “Cá nhanh sẽ tiêu diệt cá chậm. Cá lớn mà chậm thì cũng sẽ chết”. Ông đưa ra ví dụ để dẫn chứng như Huda Huế hiện khá thành công dù chỉ bán tại miền Trung, hay bia Sư Tử Trắng cũng linh hoạt dù thị phần chỉ ở miền Tây... “Vì thế, thời gian tới, bia Sài Gòn sẽ biến mình thành những con cá nhanh nhẹn, linh hoạt hơn để len lỏi vào từng thị trường nhằm tránh nguy cơ bị cá bé rỉa hết thị phần”. Ông Tuất ví von.

Hiện, thị trường bia Việt Nam được chia ra nhiều phân khúc khác nhau, song mỗi phân khúc đều có những ông lớn nắm giữ thị phần chủ đạo. Dòng bia cao cấp chiếm 7% thị phần, với sự thống trị của các hãng bia ngoại như Heineken, Tiger, Sapporo…, dòng bia phổ thông chiếm 60% thị phần, đều do các hãng nội nắm giữ như Habeco, Sabeco, bia Đại Việt…, thị phần còn lại chia đều cho các hãng bia mới. Và cùng với những chiến lược cạnh tranh “gay gắt” của các hãng bia lớn nhỏ đưa ra, thị trường bia thời gian tới chắc chắn sẽ ngày càng “sủi bọt” hơn…

Với xu hướng tiêu dùng ngày nay yêu cầu cao về chất lượng, việc các hãng bia tập trung chiến lược cho các dòng bia cao cấp, vốn chỉ chiếm 7% thị phần đang được xem là hướng đi đúng. Điển hình như hãng bia Habeco đẩy mạnh chiến lược nâng cao chất lượng các loại bia, tiếp tục đưa ra sản phẩm mới và mở rộng kênh phân phối, chính sách marketing cho dòng bia cao cấp Trúc Bạch, thì Sabeco tập trung đầu tư nâng công suất các nhà máy lên gần 2 tỷ lít. Đồng thời không ngần ngại lấn sân sang dòng bia cao cấp để cạnh tranh trực diện với các hãng ngoại khi tung ra nhiều dòng sản phẩm bia cao cấp như: Saigon Special, Saigon Large, Saigon Gold… Việc đầu tư này cho thấy tiềm năng và nhu cầu thực tế của phân khúc này trong tương lai là rất lớn.

Đấu trường... bia Việt!

Đa dạng các loại bia đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng đủ các phân khúc

Trong khi đó, Heineken với hệ thống các Cty liên doanh của mình có khả năng sản xuất 1,4 triệu lít/năm và hãng bia Sapporo Việt Nam nâng công suất từ 40 triệu lít/năm lên 100 triệu lít/năm, sau khi đã chạy hết công suất thiết kế từ cuối năm qua cho thấy việc “góp mặt” của bia Budweiser chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam đồng nghĩa với việc các hãng bia nội, ngoại ngày càng bị cạnh tranh quyết liệt trên sân nhà.

Trước đó, sự xuất hiện của bia Sư Tử Trắng, được sản xuất từ nhà máy Bia Phú Yên của Tập đoàn Masan… đã gây ồn ào trên thị trường bia, với nhiều chiêu quảng bá, tiếp thị ấn tượng để cạnh tranh trực tiếp với bia Tiger. Rõ ràng, tiềm năng của thị trường bia tại Việt Nam đang được các hãng bia trong nước và nước ngoài khai thác khá triệt để. Hành trình cạnh tranh của các DN giành thị phần từ phân khúc thấp đến cao không gì hơn là tạo thêm cơ hội để người tiêu dùng thỏa sức lựa chọn.

Quốc Chánh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp