Từ "More fun in the Philippines", làm sao để "Vui hơn ở Việt Nam"?
Du lịch Việt Nam và Philippines có khá nhiều điểm tương đồng. Từ lượng khách du lịch còn ít, ngân sách dành cho việc quảng bá du lịch chưa cao cho tới lượng người dùng Internet đông đảo. Chúng ta hoàn toàn có thể học tập nước bạn.
Năm 2011, Philippine đón 3.9 triệu lược khách du lịch so với con số 25 triệu của Malaysia, 19 triệu của Thái Lan và Việt Nam là 6 triệu.
Hằng năm, cả Thái Lan và Malaysia đều đầu tư trên 75 triệu USD cho việc quảng bá du lịch với những thông điệp ấn tượng và đồng nhất. Với ngân sách để quảng bá du lịch khá khiêm tốn (dưới 10 triệu USD) so với các nước trong khu vực, chính phủ Philippine cần một chiến dịch quảng bá ít tốn ngân sách mà vẫn hiệu quả.
Bộ du lịch Philippine đã chọn công ty quảng cáo thuộc hàng uy tín nhất Philippine là BBDO Guerrero để thực hiện chiến dịch quảng bá du lịch. Và thông điệp được đưa ra không thể… đơn giản hơn: “It’s more fun in the Philippines” tạm dịch là “Vui hơn ở Philippines”. Sau một năm chiến dịch, lượng du khách đến Philippine tăng 9% và chiến dịch này trở thành một hiện tượng mạng xã hội toàn cầu. Chiến dịch này được nhiều giải thưởng lớn về quảng cáo sáng tạo trên thế giới cũng như là một trong những chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội thành công điển hình.
Vậy đâu là bí quyết thành công của chiến dịch này?
Có 2 bài học lớn
1. Thông điệp: Đủ rộng và đủ hay
Chúng ta thường mãi loay hoay với một thông điệp cụ thể, khác biệt để thể hiện được hết những gì hay nhất của đất nước mình. Không nước nào cũng may mắn như Malaysia khi có được sự giao thoa văn hóa nên tạo ra thông điệp vô cùng độc đáo như “Truly Asian”.
Ngay cả Việt Nam chúng ta cũng tổ chức cuộc thi viết câu khẩu hiệu rồi cố gắng đi tìm câu nào đặc trưng nhất cho mình. Tôi không cho rằng đây là cách làm hợp lý.
Thay vì đi tìm đặc trưng của đất nước mình, Philippine chọn cảm xúc mà du khách có được khi đến đây. Đó là niềm vui. Đến đây, ai đó sẽ bảo rằng thông điệp này không khác biệt, sai quy tắc để xây dựng thương hiệu. Nhưng ai đi du lịch mà chẳng mong được vui hơn.
Thực tế, theo những nghiên cứu mới nhất về việc xây dựng thương hiệu, thương hiệu không cần quá khác biệt nhưng cần tạo ra “độ rộng” cho thương hiệu, nghĩa là tạo ra càng nhiều lý do cho người tiêu dùng nhớ và tìm đến thương hiệu càng tốt.
Câu “It’s more fun in the Philippines” chỉ là vế sau. Còn vế đầu thì có cả ngàn ý tưởng bạn có thể gắn vào.
Going upstairs. More fun in the Philippines
Status updates. More fun in the Philippines
Commuting. More fun in the Philippines
First love. More fun in the Philippines
Boxing. More fun in the Philippines
…
Vô vàn ý tưởng có thể viết đằng trước thông điệp More fun in the Philippines
Nghĩa là dù bạn là ai, dù bạn làm gì đi nữa thì cũng sẽ tìm thấy niềm vui và vui hơn khi ở Philippines. Thông điệp không quá khác biệt nhưng đủ rộng và hay để thu hút nhiều loại du khách khác nhau.
2. Kênh: Con người là kênh truyền thông tốt nhất
Với một thông điệp rộng như vậy, Philippines không chọn các kênh truyền thông đại chúng mà tập trung vào một kênh rất mới lạ… chính mỗi con người Philippines và du khách.
Với hơn 30 triệu người thường xuyên dùng mạng xã hội, hơn 10 triệu người Philippines sống ở nước ngoài cùng khả năng tiếng Anh xuất sắc, chiến dịch này nhắm đến lòng yêu nước và biến mọi người dân Philippines trở thành một đại sứ du lịch.
Với ứng dụng đơn giản là tải hình nền và nhập thông điệp, hơn 40 ngàn thông điệp “Vui hơn ở Philippine” khác nhau do cả người Philippine và du khách tạo ra đã được đưa lên mạng xã hội một cách đồng nhất.
Chính người dân Philippine là kênh truyền thông để giới thiệu bạn bè mình đến với đất nước của mình. Và chính họ cũng là người tạo ra niềm vui cho du khách.
Bài học cho Việt Nam
Việt Nam và Philippine có khá nhiều điểm tương đồng. Lượng khách du lịch đến cả 2 nước đều thấp so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia. Ngân sách dành cho việc quảng bá du lịch không cao. Lượng người dùng internet và mạng xã hội cao… Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể học tập từ Philippine.
Trước hết, Tổng cục Dụ lịch cần phải thay đổi cách làm việc và lựa chọn những đối tác quảng cáo chuyên nghiệp.
Thành công của chiến dịch “It’s more fun in the Phillipines” không thể không kể đến sự đóng góp chiến lược và sáng tạo của công ty quảng cáo BBDO Guerrero, một nhánh của BBDO toàn cầu. Cần nên nhớ, một quảng cáo hay không chỉ dừng ở câu thông điệp mà cần sự đầu tư thẩm mỹ và chất lượng sản xuất chuyên nghiệp. Và nó cần những con người chuyên nghiệp.
Thứ hai, cần phải hiểu rằng chuyện quảng bá du lịch không phải là chuyện riêng của Tổng cục Du lịch mà là câu chuyện của toàn dân, toàn xã hội.
Thực tế cho thấy, chính người dân và du khách còn có thể tạo ra những đoạn phim về du lịch Việt Nam đẹp hơn cả phim do Tổng cục làm. Với ngân sách hạn hẹp, chúng ta chỉ cần tạo ra thông điệp chủ đạo, còn những nội dung khác, chúng ta khuyến khích chính người dân Việt Nam làm ra để quảng bá cho vùng đất của mình.
Thứ ba, tận dụng mạng xã hội như là một kênh quảng bá chính.
Với dân số trẻ, năng động, mỗi người Việt Nam sẽ đóng góp và lan truyền thông điệp. Nhưng để có được sự đóng góp này, chính chúng ta cũng phải cần khơi dậy lại niềm tin, niềm tự hào của người Việt Nam về đất nước, văn hóa và con người Việt. Người Việt Nam không thờ ơ với đất nước, chỉ cần cho họ lý do đủ hay và niềm cảm hứng đủ lớn.
Cuối cùng, sự tham gia của mỗi người Việt Nam đó không chỉ dừng lại ở việc quảng bá mà còn việc tạo ra trải nghiệm.
Chính chúng ta phải chịu trách nhiệm cho việc “du khách ra đi không trở lại”. Hãy làm cho người Việt Nam tự hào giới thiệu về đất nước mình cũng như tự hào khi tiếp đón du khách đến đây.