FPT và “con bài bán lẻ”
Với việc chia cổ tức 25% cho đợt hai của năm 2014, cổ phiếu của Cty CP Phát triển Đầu tư Công nghệ - FPT (Mã FPT - HoSE) khiến cổ đông hào hứng. Tuy nhiên, giới đầu tư lại cho rằng, nếu cứ tiếp tục chú trọng lĩnh vực phân phối, bán lẻ điện thoại, cơ cấu doanh thu của FPT có chiều hướng khó bền vững trong những năm tới.
Là một doanh nghiệp (DN) đa ngành nghề, các mảng hoạt động chính của FPT được chia thành 4 khối: khối công nghệ (FPT Software, FPT IS và FPT Services), khối Viễn thông (FPT Telecom và FPT Online), khối phân phối, bán lẻ (FPT Trading và FPT Retail), khối giáo dục (FPT Edu).
Doanh số cao, lợi nhuận thấp
Năm 2014, doanh thu toàn Tập đoàn FPT ước tính đạt 35.114 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2013, đạt 110% kế hoạch năm. Mục tiêu năm 2015 FPT sẽ đạt doanh thu 39.600 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2014.
Tuy FPT đạt mức tăng trưởng doanh thu tốt, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 2% so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông Cty mẹ ước đạt 1.628 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.735 đồng. Lý giải về sự sụt giảm này, FPT cho biết, việc thu hẹp hoạt động mảng kinh doanh trò chơi trực tuyến và những khó khăn của thị trường CNTT trong nước đã ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng lợi nhuận chung năm 2014.
Tại Đại hội cổ đông mới đây, cổ đông FPT đã nhất trí thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 với doanh thu dự kiến đạt 39.600 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 2.850 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2014.
Với số lượng lưu hành là 343.894.224 cổ phiếu, tỉ suất lợi nhuận/cổ phần (EPS) đạt 5.384 đồng/CP, mức chi trả cổ tức năm 2015 dự kiến là 35%. Cổ tức còn lại của năm 2014 được chia với tỷ lệ 25%, dự kiến sẽ được FPT chi trả vào quý 2/2015.
Theo báo cáo tài chính vừa mới công bố của sàn HoSE, trong quí 1/2015, Tập đoàn FPT ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu hợp nhất đạt 9.564 tỷ đồng, tăng 30%, lợi nhuận sau thuế đạt 425 tỷ đồng, tăng 17%, EPS đạt 1.235 đồng. Theo Ban Lãnh đạo FPT, để đạt được kết quả trên chủ yếu nhờ khối công nghệ và khối phân phối, bán lẻ. Khối công nghệ ghi nhận doanh thu 1.468 tỷ đồng. Khối phân phối và bán lẻ có doanh thu tăng trưởng vượt bậc 60%, đạt gần 7.000 tỷ đồng. Như vậy, trong bối cảnh một số mảng kinh doanh gặp khó khăn, khối phân phối, bán lẻ (được ví là nghề tay trái của FPT) bỗng bất ngờ trở thành khối tăng trưởng mạnh nhất. Số liệu trong năm 2014 cũng cho thấy, với doanh thu toàn khối đạt 22.730 tỷ đồng, thì doanh số từ phân phối, bán lẻ chiếm tỷ lệ áp đảo. Khối này gồm 3 nhóm chính là: phân phối điện thoại, phân phối sản phẩm CNTT và hệ thống bán lẻ kỹ thuật số.
Chú trọng bán lẻ: tức thời hay dài hơi ?
Nếu không có chiến lược dài hơi và quyết sách đúng đắn, FPT sẽ mất đi nhiều cơ hội.
Tăng trưởng đến từ cả 2 mảng phân phối, bán lẻ, nhưng đáng kể nhất là mảng bán lẻ của FPT Retail với doanh thu tăng tới 78% và lãi 41 tỷ đồng năm 2014, trong khi năm 2013 lỗ 32 tỷ đồng. Chuỗi cửa hàng FPT Shop của FPT Retail hiện đứng trong top 3 chuỗi cửa hàng lẻ kỹ thuật lớn nhất cả nước.
Trong 2 năm gần đây, mảng thương mại luôn chiếm từ 60 - 70% tổng doanh thu hàng năm của FPT. Chính vì điều này mà sàn HoSE phân FPT vào nhóm ngành bán buôn, bán lẻ. Tuy nhiên, với cách phân loại này FPT đã phản đối kịch liệt và luôn muốn được gọi là Cty công nghệ.
Theo cách lý giải của một chuyên gia chứng khoán, bất cập không đơn thuần ở việc phân ngành cho FPT mà câu chuyện đằng sau đó là tính chất rất khác biệt giữa hoạt động kinh doanh thương mại với những lĩnh vực hoạt động khác của FPT. Đơn cử là hoạt động thương mại dù có doanh số cao, nhưng tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Mảng phân phối, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ là 3% và mảng bán lẻ mới bắt đầu có lãi từ năm 2014 với tỷ suất lợi nhuận là 0,8%. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận của các mảng còn lại đều trên 20%. Do vậy, nếu không có tầm nhìn xa trông rộng và tiếp tục sa lầy vào bán buôn, phân phối điện thoại thì dù có doanh số cao, nhưng tỷ suất lợi nhuận kém thì FPT có nguy cơ mất đi cơ hội là DN hàng đầu của VN trong lĩnh vực công nghệ, vị chuyên gia này khẳng định.
Sức ép từ cổ đông lớn
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2015, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã đề cập đến khả năng bán bớt hoặc tách mảng phân phối, bán lẻ thành Cty độc lập với phần còn lại của FPT. Tuy nhiên, việc này hiện mới dừng ở mức chủ trương.
Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình nhận định rằng mảng bán lẻ, phân phối hiện vẫn tăng trưởng nhưng về lâu dài thì lĩnh vực này không thể tăng trưởng tốt như các mảng công nghệ, viễn thông - những lĩnh vực mà FPT dành nhiều tâm huyết và kỳ vọng. Nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng 2 chữ số trong các năm tới, việc tách mảng thương mại là cần thiết. Và hai mảng này đang kinh doanh tốt nên việc bán lúc này sẽ được giá cao, thu lợi cho cổ đông.
Theo ông Nguyễn Văn Hải - cổ đông FPT, sở dĩ Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình tính đến việc tách mảng kinh doanh phân phối bán lẻ có thể một phần đến từ sức ép của các cổ đông lớn nước ngoài. Dường như các cổ đông nước ngoài không mặn mà gì với việc một Cty công nghệ lại kinh doanh mảng không phải là sở trường của mình.
Ngoài sức ép từ cổ đông thì lý do cho chủ trương tách mảng của Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình, theo các chuyên gia là do hai lĩnh vực Telecom và xuất khẩu phần mềm (nằm trong mảng thương mại) mang lại tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng doanh thu toàn Tập đoàn FPT.
Lĩnh vực Telecom ở VN hiện nay đang là cuộc chiến của 3 tên tuổi lớn: VNPT, FPT Telecom (nay đổi thành TCty Viễn thông FPT) và Viettel Telecom, chiếm tới 96% thị phần. Còn lại 4% thị phần thuộc về các DN khác. Như vậy, đối thủ cạnh tranh thực tế của FPT trong lĩnh vực này chính là VNPT và Viettel Telecom, trong đó, Viettel Telecom đang có khả năng áp đảo VNPT về thị phần và có thể đánh bật FPT trong vài năm tới với tốc độ phát triển như vũ bão. Đây hoàn toàn là một điều có thể xảy ra. Trong khi FPT chỉ tập trung vào phân khúc thị trường tại TP Hà Nội, HCM, và mới đây là Hải Phòng thì 2 đối thủ của FPT đã kịp "phủ sóng" toàn bộ 64 tỉnh thành, trong đó Viettel dường như có lợi thế hơn.
Về xuất khẩu phần mềm, FPT Software hiện đang là Cty đứng đầu VN về gia công, xuất khẩu phần mềm, gần như chưa có đối thủ cạnh tranh thực sự trong lĩnh vực này. Những hợp đồng gia công, xuất khẩu phần mềm lớn đều rơi vào tay FPT.
Như vậy, hoạt động kinh doanh của FPT bị phân tách làm hai mảng riêng biệt: mảng có bản chất ít dính dáng tới công nghệ là phân phối điện thoại di động với tỷ suất lợi nhuận thấp, mảng kia vừa có hàm lượng công nghệ cao, vừa mang lại lợi nhuận lớn, đó là các công việc liên quan tới phần mềm. Kinh doanh phần mềm và Telecom có thể trở thành mảng kinh doanh chủ chốt góp phần thúc đẩy cả Tập đoàn và có đủ khả năng bù đắp những suy giảm về doanh số cũng như lợi nhuận từ những mảng kinh doanh khác.
Rõ ràng, doanh thu và lợi nhuận của một DN ảnh hưởng rất lớn tới giá trị thị trường của cổ phiếu Cty vì nó tác động trực tiếp tới mức sinh lời kỳ vọng của nhà đầu tư. Do vậy, nếu không có chiến lược dài hơi và quyết sách đúng đắn, cứ phân vân giữa ngã ba đường bán lẻ phân phối hay kinh doanh phần mềm… FPT sẽ mất đi nhiều cơ hội.
Phương Hà
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp