Phương pháp định giá Coca-Cola của Warren Buffett
Lúc 6 tuổi, Buffett đã có được tỷ suất thu nhập hấp dẫn 20% từ Coca-Cola. Khi trưởng thành, ông còn làm tốt hơn thế. Mức lãi kép 54,3% trong vòng ba năm đã làm tăng 1,02 tỷ đô la từ số vốn ban đầu nhanh chóng lên thành 3,75 tỷ đô la biến khoản đầu tư vào Coca-Cola được xem là một trong những thành tích vang dội của Warren Buffett.
Không xuôi theo dòng nước
Mùa thu năm 1988, tập đoàn Coca-Cola phát hiện ra rằng có ai đó đang thu mua mạnh cổ phiếu của mình. Cổ phiếu của công ty đã giảm 25% sau khi thất bại với dòng sản phẩm New Coke, còn nhà đầu tư này lại đang thu vào hàng đống cổ phiếu cùng một lúc.
Sau khi biết được người môi giới đang đại diện thực hiện các lệnh bán đến từ vùng Trung Tây, công ty bắt đầu biết được bí danh của nhà đầu tư này. Đó chính là Warren Buffett, một hình mẫu điển hình cho vùng Trung Tây, Omaha.
Cho đến mùa xuân sau đó một năm, Buffett đã mua được số cổ phiếu trị giá 1,02 tỷ đô la, chiếm 7% cổ phần của công ty Coca-Cola, với giá trung bình 6,5 đô la một cổ phiếu.
Các chuyên gia phân tích của phố Wall gọi khoản đầu tư vào Coca-Cola là “cổ phiếu quá đắt đỏ”. Bởi với mức giá mua trung bình 6,5 đô la, Buffett đã trả gấp 15,5 lần mức thu nhập hiện tại của cổ phiếu. Gía trị sổ sách là 1,18 đô la, vì thế giá mua cao gấp 5,5 lần giá trị sổ sách.
Người thầy của Buffett, Benjamin Graham với phương pháp định lượng của mình có thể sẽ không ngồi chung thuyền với ông. Graham sẽ không mua cổ phiếu Coca-Cola vì giá của công ty này không hấp dẫn nếu xét theo phương pháp định lượng truyền thống.
Phố Wall cười nhạo quyết định đầu tư của Buffett. Cả người thầy cũng không đồng tình với ông. Vậy thì điều gì đã thôi thúc Buffett trở thành người sở hữu lớn nhất của Coca-Cola? Điều gì đã thôi thúc Buffett đầu tư nhiều hơn, đặt cược rất nhiều vào Coca-Cola so với tất cả các cổ phiếu trước đó?
Coca-Cola cuốn hút Buffett qua lăng kính “định tính”
Như nhiều khoản đầu tư nổi bật trước đây, thời điểm Buffett bắt đầu mua khi một doanh nghiệp tốt đạng gặp phải thời điểm khó khăn, tựa như một đám mây giông đang đi qua trên đầu nhưng không tồn tại lâu. Ông đầu tư vào Washington Post, khi tờ báo này đang gặp rắc rối với chính phủ và vì thế được bán với giá chỉ bằng một phần nửa giá thanh lý của công ty.
Đối với khoản đầu tư vào GEICO, ông mua với giá gần như cho không, là một món cực hời nếu biết trước được rằng công ty đang gặp vấn đề lúc đó vẫn có thể tiếp tục hoạt động. Cả hai trường hợp trên, ông có thể định giá bằng phương pháp định lượng. Nhưng với Coca-Cola thì hoàn toàn khác.
Buffett không thể định giá công ty này dựa trên bảng cân đối kế toán. Ông không thể định giá toàn bộ giá trị của Coca-Cola bằng phương pháp định lượng của thầy Graham. Nhưng ông lại có thể hình dung ra giá trị của công ty qua phương pháp định tính.
Cha đẻ của phương pháp này là Phil Fisher có một tiêu chí để định giá doanh nghiệp là liệu sản phẩm của công ty có đủ tiềm năng thị trường để mở rộng doanh thu trong vài năm tới không? Khi áp dụng vào Coca-Cola, công ty đang dẫn đầu thị trường về sản phẩm nước ngọt có gas, nhưng mới chạm đến 2% doanh số toàn cầu, thì rõ ràng tiềm năng thị trường của sản phẩm sẽ còn rất lớn.
Buffett bắt đầu mua cổ phiếu này sau khi công ty thất bại với sản phẩm New Coke, giá đã giảm 25% so với mức trước đó. Điều này càng làm Coca-Cola thêm hấp dẫn ông, nhưng đó không phải là lý do để ông đầu tư vào công ty.
Trước khi Buffett đầu tư, mảng kinh doanh nước ngọt có gas từ lâu đã mang lại doanh thu cao cho công ty. Tuy nhiên, công ty lại không tập trung khai thác tiềm năng của dòng sản phẩm này mà đa dạng hóa các sản phẩm không Cola như nước tinh lọc, rượu, tôm nuôi, chất dẻo, đồ uống dinh dưỡng, hoa quả và rau xanh.
Dù Coca-Cola đã bao phủ toàn thế giới, nhưng với chiến lược kinh doanh trên đã đẩy công ty vào tình tràng trì trệ. Lợi nhuận hàng năm trên vốn cổ phần của Coca-Cola trong những năm 1970 bế tắc ở mức thảm hại là 1%.
Sự thay đổi trong ban điều hành vào đầu những năm 1980 của Coca-Cola đã phát huy tác dụng khi công ty bắt đầu loại bỏ những dự án không Cola để tập trung khai thác tiềm năng của dòng sản phẩm nước ngọt có gas, đồng thời chú ý hơn tới việc tiếp thị sản phẩm ở các thị trường nước ngoài.
Với chiến lược kinh doanh mới toanh này, công ty đã thu được những thắng lợi đáng kể. Doanh số bán hàng từ năm 1984 đến năm 1987, trước khi Buffett đầu tư bùng nổ với mức tăng trưởng 34% mỗi năm.
Bên cạnh đó, ban điều hành bắt đầu dùng tiền mặt dư thừa của công ty để mua lại cổ phiếu. Đây là một cách tiếp cận mà Buffett rất thích bởi việc này chứng minh công ty bắt đầu nhận thấy cổ phiếu đang được giao dịch với giá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng dự đoán được trong dài hạn.
Kết hợp tất cả các yếu tố hấp dẫn này trong một cổ phiếu đã thôi thúc Buffett đầu tư vào Coca-Cola. Một trong những khoản đầu tư thành công nhất trong sự nghiệp của ông.
Đinh Lộc
Nguồn Trí Thức Trẻ