Công cuộc tái cấu trúc Vinaphone

Ngành viễn thông những ngày này đang có nhiều thay đổi lớn. Tái cấu trúc nhân sự là một trong những nội dung cốt lõi để chuẩn bị cho chiến lược kinh doanh mới khi Tổng Công ty VNPT (Vinaphone) dự kiến sẽ được thành lập trong tháng 6 tới.

Điều đó đồng nghĩa với việc không ít nhân sự ngấp nghé tuổi 50 được khuyến khích nghỉ hưu non.

Trò chuyện với chúng tôi, một chuyên viên đã có hơn 25 năm làm việc cho ngành viễn thông thuộc VNPT TP.HCM và kinh qua các vị trí khác nhau tại Vinaphone cho biết chị được khuyến khích nghỉ hưu sớm theo chế độ khi vừa bước sang tuổi 50. Gói nghỉ hưu của chị, ngoài các khoản thông thường, sẽ có thêm “khoản khuyến khích” từ 80-90 triệu đồng. “Tôi có thể sẽ quyết định nghỉ sớm mặc dù còn 5 năm nữa mới tới tuổi hưu”, chị nói.

Ðây là một trong hàng trăm trường hợp thuộc diện tái cơ cấu nhân sự ở ngành viễn thông thuộc VNPT TP.HCM đã và đang diễn ra - một bước chuẩn bị cho chiến lược kinh doanh đột phá từ năm 2015 của Vinaphone.

Công cuộc tái cấu trúc Vinaphone

Tổng Công ty VNPT (Vinaphone) dự kiến sẽ được thành lập trong tháng 6 tới.

Thế trận chông chênh

Chiến lược phát triển ngành viễn thông di động của Chính phủ từ 3 năm trở lại đây là khá rõ ràng. Theo đó, 3 nhà mạng di động lớn nhất là Vinaphone, Mobifone và Viettel hiện nắm giữ hơn 93% thị phần cả nước sẽ tạo ra thế chân vạc để tiếp tục củng cố và phát triển tại thị trường nội địa lẫn quốc tế. Tuy nhiên, thế chân vạc này có xu hướng đang nghiêng nhiều hơn về phía Viettel và Mobifone.

Hiện Viettel sở hữu gần 57,5 triệu thuê bao cả nước, còn Mobifone là hơn 40 triệu thuê bao so với chỉ hơn 26 triệu thuê bao của Vinaphone. Đáng chú ý, cách đây 10 năm, Vinaphone từng ở vị trí dẫn đầu thị trường, nhưng nay lại bị tụt hạng trước sự lớn mạnh của Viettel và Mobifone.

Đối với Viettel, nhà mạng này đang thắng lớn ở thị trường trong lẫn ngoài nước. Năm qua, Viettel đạt doanh thu trên 197.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 42.000 tỉ đồng, dẫn đầu thị trường nội địa. Ở nước ngoài, Viettel đã hoạt động tại 9 quốc gia với tổng dân số 175 triệu dân. Tổng doanh thu từ thị trường ngoài nước đạt 1,2 tỉ USD và lợi nhuận trước thuế 156 triệu USD, tăng 32% so với năm 2013. Năm nay, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng sang thị trường Congo, Colombia và Myanmar.

Không kém cạnh Viettel, sau khi tách khỏi VNPT, Mobifone tiếp tục triển khai tiến trình cổ phần hóa được dự kiến sẽ kết thúc trước tháng 7.2016. Khi ấy, Mobifone sẽ có được thế và lực mới với sự tham gia của cổ đông chiến lược cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khi cổ phiếu của nhà mạng này được niêm yết.

Công cuộc tái cấu trúc Vinaphone

Thế chân vạc nắm giữ hơn 93% thị phần cả nước nhưng xu hướng đang nghiêng nhiều hơn về phía Viettel và Mobifone.

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về cổ phần hóa Mobifone được tổ chức gần đây, phân tích của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy thị trường di động Việt Nam có 4 yếu tố cơ bản để hấp dẫn nhà đầu tư. Thứ nhất, thị trường di động Việt Nam với cơ cấu thuận lợi khi có tới 93% thị phần thuộc về 3 mạng di động lớn nhất là Viettel, Mobifone và Vinaphone.

Tiếp đến, tỉ lệ sử dụng dịch vụ di động hiện ở mức 78%, nghĩa là vẫn còn hơn 20% dân số chưa sử dụng dịch vụ này. Doanh thu dịch vụ dữ liệu của Việt Nam vẫn thấp với lượng thuê bao 3G mới đạt 29%, nghĩa là vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Sau cùng, Việt Nam vẫn có tiềm năng bắt kịp với các nước trong khu vực về mức độ sử dụng dữ liệu và doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao. Đây chính là các tiêu chí mà đối tác chiến lược trong tương lai của Mobifone nhắm tới.

Trong quý I/2015, lượng thuê bao mới của Mobifone đã tăng 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những chiến lược của nhà mạng này là sẽ triển khai thử nghiệm UMTS 900 MHz để hỗ trợ mở rộng vùng phủ sóng 3G trên cả nước. Ðây là động thái cho thấy Mobifone tiếp tục muốn dẫn trước trong việc cung cấp dịch vụ 3G chất lượng cao.

Vinaphone bắt buộc phải tái cơ cấu toàn diện thì mới có thể duy trì được mức doanh thu và lợi nhuận gần bằng với thời còn Mobifone.

Vinaphone phản công

“Chỉ còn đường tiến” là thông điệp mà ông Cao Duy Hải, Giám đốc Ðiều hành Vinaphone, tuyên bố khi nói về chiến lược phát triển của nhà mạng này trong năm nay nhằm đương đầu với sức ép từ Viettel và Mobifone.

Trước đây, trong tổng cơ cấu doanh thu của VNPT, Mobifone chiếm hơn 30% doanh thu, 70% lợi nhuận. Sau khi Mobifone ra riêng, chắc chắn VNPT sẽ gặp không ít khó khăn. Vì vậy, chiến lược khả dĩ nhất là Vinaphone bắt buộc phải tái cơ cấu toàn diện thì mới có thể duy trì được mức doanh thu và lợi nhuận gần bằng với thời còn Mobifone.

Tất nhiên, sự hỗ trợ của Chính phủ và cụ thể từ Bộ Thông tin Truyền thông là rất cần thiết trong quá trình lội ngược dòng của Vinaphone. Theo đề án tái cơ cấu VNPT đã được phê duyệt, vào giữa năm nay, nhà mạng Vinaphone sẽ chính thức thành lập Tổng Công ty VNPT (Vinaphone) nhằm tập trung toàn lực cho mảng kinh doanh trên cả nước theo hướng chuyên sâu.

Cụ thể, hệ thống kinh doanh của các viễn thông tỉnh - thành (đang tách hẳn khỏi khối kỹ thuật) và bộ phận kinh doanh tại các công ty dọc sẽ được sáp nhập vào VNPT - Vinaphone theo hướng kinh doanh xuyên suốt toàn Tập đoàn VNPT. Chiến lược này là nhằm biến VNPT - Vinaphone thành con gà đẻ trứng vàng cho VNPT để dần thay thế khoản doanh thu và lợi nhuận đã bị mất sau khi Mobifone ra đi. Quy mô nhân sự của VNPT - Vinaphone cũng khá lớn với hơn 17.000 nhân viên kinh doanh trong cả nước. Điều này cho thấy tầm quan trọng của mảng kinh doanh mà VNPT đang đặt kỳ vọng vào.

Công cuộc tái cấu trúc Vinaphone

Chiến lược mới là nhằm biến VNPT - Vinaphone thành con gà đẻ trứng vàng cho VNPT

Ông Phạm Đức Long, tân Tổng Giám đốc VNPT, cho biết chiến lược kinh doanh mới của VNPT - Vinaphone là tích hợp đầy đủ các dịch vụ để khách hàng có thể truy nhập tùy thích mọi lúc mọi nơi, ở các kênh khác nhau. Với sự tích hợp này, công tác quản trị hệ thống để cung cấp dịch vụ chắc chắn sẽ được cải thiện triệt để. Đơn vị này cũng sẽ có các giải pháp tối ưu về xây dựng hệ thống tổ chức các kênh bán hàng và các giải pháp đầu tư trọng điểm từng vùng, địa điểm, dịch vụ.

Về mặt kinh doanh, từ nay Vinaphone sẽ có chính sách linh hoạt, chứ không như cũ là 63 tỉnh thành chỉ áp dụng chung một chính sách. Quan trọng hơn, chính sách đầu tư phải gắn chặt với chính sách kinh doanh trong dài hạn.

Tiếp đến, để có thể tạo ra doanh thu tối đa và quản trị chi phí hoạt động ở mức hiệu quả nhất, VNPT cũng sẽ triển khai quản trị chiến lược, quản trị nguồn nhân lực, quản trị kinh doanh, hệ thống quy trình và công nghệ thông tin.

Sau cùng là việc triển khai mô hình giảm các cấp quản lý trung gian và tăng cường mô hình điều hành trực tuyến. Theo đó, Tập đoàn sẽ không điều hành trực tiếp đơn vị thành viên, mà chủ yếu là quản trị chiến lược, quy hoạch, tài chính... dựa trên thông tin từ khách hàng trong ngắn và dài hạn.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư