Thị trường thực phẩm đóng hộp, đóng gói: Cuộc chiến trụ hạng

Thị trường thực phẩm đóng hộp được “hâm nóng” với sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Mỹ... trên quầy kệ siêu thị cũng như cửa hàng, điểm bán lẻ.

Theo báo cáo của Datamoniter, thị trường thực phẩm đóng hộp, đóng gói ở VN luôn tăng trưởng ở mức hai con số, bình quân khoảng 12,9%/năm, trong đó thịt đóng hộp các loại dẫn đầu, chiếm 50,5% thị phần. Kế đó là cá hộp chiếm 28%, còn lại là các dòng sản phẩm rau, củ, quả đóng hộp. Năm 2014 doanh số thị trường này đạt hơn 1.300 tỉ đồng và dự kiến sẽ tăng lên 1.500 tỉ đồng vào năm 2016.

Từ cuộc đua trên kệ...

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT, hệ thống Saigon Co.op cho biết, hiện có hơn 60 nhà cung cấp các mặt hàng thực phẩm đóng hộp, đóng gói. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng nhà cung cấp tăng lên thêm 15%. Theo đánh giá của ông Hòa, nhóm hàng này đang thực sự có sức hút với nhiều doanh nghiệp. Số lượng và chủng loại sản phẩm cũng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, góp phần làm phong phú thêm cho thị trường này. Ông Hòa cho biết thêm, hiện các quầy hàng này trong chuỗi siêu thị của Co.opmart có đến 100 nhãn hàng với doanh số tăng đều mỗi năm từ 20% trở lên và luôn đứng top các ngành hàng có tỷ lệ tăng trưởng cao.

Thị trường thực phẩm đóng hộp, đóng gói: Cuộc chiến trụ hạng

Mặt hàng thực phẩm đóng gói của Saigon Food đang có lợi thế chiếm lĩnh cả hai kênh bán hàng hiện đại và kênh truyền thống

Với lợi thế là nước có thế mạnh về nông nghiệp, nguồn nguyên liệu dồi dào, các doanh nghiệp trong ngành nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng nhưng vẫn chưa khai thác đúng mức. Chính vì vậy, bắt đầu bằng những cuộc khảo sát, nghiên cứu mức độ quan tâm của người tiêu dùng, từng đối tượng, độ tuổi… các doanh nghiệp đã tìm mọi cách để cho ra thị trường nhiều sản phẩm chuyên biệt. Không chỉ vậy, nhiều nhà sản xuất đã bước vào cuộc chạy đua "công nghệ”, ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến để bảo quản sản phẩm trong thời gian lâu nhưng không có chất bảo quản. Chính điều này đã giúp cho ngành hàng này không chỉ có mặt ở kênh bán hàng hiện đại mà còn xâm nhập dễ dàng ở kênh bán lẻ truyền thống.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, thị trường còn được “hâm nóng” bởi sự góp mặt ngày càng nhiều các sản phẩm nhập khẩu từ các nước như Thái Lan, Indonesia, Mỹ... trên quầy kệ siêu thị cũng như cửa hàng, điểm bán lẻ cho thấy, hơn 70% đồ hộp bán tại đây là hàng sản xuất trong nước. Nhìn chung, đồ hộp nội có giá chỉ bằng 2/3 đến 1/2 so với hàng nhập ngoại cùng trọng lượng, trong khi chất lượng không thua kém và chủng loại khá phong phú.

Đặc biệt, nếu như các dòng sản phẩm ở phân khúc cao cấp vẫn “thầm lặng” thì trong phân khúc bình dân, giá thấp lại đang xảy ra cuộc tranh đua khá dữ dội giữa hàng trong nước và nhập khẩu. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó TGĐ Saigon Food phân tích, tuy các doanh nghiệp sản xuất trong nước có lợi thế là am hiểu khẩu vị của người tiêu dùng và có giá thành thấp. Nhưng nếu nhìn sang các nước ASEAN, chỉ Thái Lan mới có khả năng trở thành “đối thủ” của VN, vì trước đó họ đã đầu tư sẵn các nhà máy chế biến thực phẩm tại nước ta. Trong đó, Thái Lan đã lên kế hoạch thâu tóm những siêu thị, đại lý phân phối sản phẩm nên họ có khả năng vừa sản xuất, vừa bán được hàng của mình ngay tại thị trường VN. Ngoài ra, một khi rào cản thuế quan được dỡ bỏ thì giá sẽ cạnh tranh ngang ngửa với hàng nội, ai sẽ “trụ hạng” là điều không thể tiên đoán được.

Thị trường thực phẩm đóng hộp, đóng gói: Cuộc chiến trụ hạng

Đồ hộp nội có giá chỉ bằng 2/3 đến 1/2 so với hàng nhập ngoại cùng trọng lượng, trong khi chất lượng không thua kém và chủng loại khá phong phú.

Sức ép của các sản phẩm ngoại nhập buộc các doanh nghiệp trong nước phải xây dựng nhiều chiến lược kết hợp như chiến lược tiêu thụ theo vùng, sản phẩm trọng tâm của từng phân khúc thị trường, khai thác các thị trường có dư địa lớn. Bên cạnh đó là nâng cấp dịch vụ khách hàng đáp ứng nhu cầu thị hiếu tiêu dùng dịch chuyển từ sản phẩm trung cao cấp sang cao cấp, cận cao cấp với bao bì đẹp, theo nhu cầu từng khu vực địa phương, để dễ dàng xâm nhập mạnh mẽ ở cả hai hơn kênh tiêu dùng hiện đại và truyền thống.

Đến thách thức hội nhập

Thách thức lớn đầu tiên đối với các doanh nghiệp ngành thực phẩm đóng hộp, đóng gói sản xuất trong nước bởi cuối năm 2015 khi các hiệp định thương mại tự do (FTA), cộng đồng kinh tế ASEAN và hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết, ngoài vấn đề về thuế suất sẽ giảm mạnh thì việc các sản phẩm khi lưu thông trên thị trường buộc phải truy xuất nguồn gốc theo hướng ATVSTP. Có nghĩa thực phẩm sạch khép kín được hình thành từ “Trang trại đến bàn ăn” và đây là một thách thức cho các doanh nghiệp trong nước. Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm chế biến cho rằng các nhà sản xuất cần phải nỗ lực vươn lên để tăng sức cạnh tranh tốt về mặt công nghệ, giá cả và sản phẩm phải được kiểm soát theo hướng ATVSTP.

Việc Masan mua lại 40% cổ phần của Proconco, thâu tóm Vinacafé Biên Hòa và gần đây là kế hoạch khi muốn sở hữu Cholimex Foods để đạt tham vọng đặt trên bàn ăn người tiêu dùng tất cả các thực phẩm chế biến dưới thương hiệu Masan. Hoặc như Cty C.P Việt Nam, thuộc Tập đoàn CP (Thái Lan) đang có nhiều đầu tư để “hiện thực hóa” chuỗi sản xuất sạch với công thức 3F với 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi theo hệ thống, và đã đưa ra thị trường trong nước từ thịt tươi, trứng đến các sản phẩm chế biến, ăn ngay. Việc doanh nghiệp này công bố sẽ xây dựng chuỗi 10.000 điểm bán lẻ, cửa hàng trên cả nước với tên gọi C.P Freshmart, C.P Shop là bước đi cuối cùng trong việc khép kín quy trình kinh doanh, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất con giống, đầu tư trang trại chăn nuôi, chế biến và phân phối hai dòng sản phẩm là thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến đến tay người tiêu dùng.

Thị trường thực phẩm đóng hộp, đóng gói: Cuộc chiến trụ hạng

Có một “đe dọa” khác với các doanh nghiệp trong ngành hàng này, đó chính là xu hướng phát triển nhãn hàng riêng của các nhà phân phối đang tìm đến các nhà sản xuất để nhờ gia công các nhãn hàng riêng để chủ động phát triển hệ thống của mình.

Để dành thế “thượng phong”, Vissan đang triển khai dự án với số vốn đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng để xây dựng cụm công nghiệp thực phẩm khép kín. Hiện Vissan đã chủ động nguồn nguyên liệu đạt 80%, còn lại Vissan hợp tác với các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, theo dõi và cùng kiểm soát đầu vào. Dự kiến đi vào hoạt động năm 2016. Với việc đầu tư này, Vissan thực hiện sứ mệnh của mình là đón đầu nền công nghiệp chế biến thực phẩm đang phát triển tại VN. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành DN hàng đầu của VN trong lĩnh vực thực phẩm chế biến.

Riêng đối với Saigon Food, bà Lê Thị Thanh Lâm nhận định, việc nâng dần tỉ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa như gạo, bột gạo, rau quả, các loại đậu... không chỉ làm tăng giá trị cho hàng nông sản VN mà còn giúp các doanh nghiệp chủ động được giá cả sản phẩm, khi 95% là nguyên liệu có sẵn trong nước. Đi kèm với quá trình này là việc đổi mới công nghệ sản xuất, giá cả nhiều mặt hàng đến tay người tiêu dùng sẽ rẻ hơn. Saigon Food đã đầu tư xây dựng thêm một kho lạnh và một nhà máy chế biến hàng trong nước để nâng dần tỷ lệ từ 20% lên 50% cho thị trường nội địa vào năm 2020.

Hiện nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận ra lợi ích từ việc thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn. Đây là điều không thể thiếu trong công cuộc hội nhập, nhưng không dễ dàng để triển khai do eo hẹp về tài chính và chuyên môn. Nhất là áp dụng quy trình này trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng. Nhưng thực tế cũng cho thấy, đã có một số DN mạnh dạn với hướng đi này. Có lẽ đây cũng là con đường tất yếu nếu muốn thoát khỏi viễn cảnh thua trên “sân nhà”.

Những tên tuổi khá quen thuộc trong ngành hàng này phải kể tới, như Vissan, Hạ Long, Việt Đức, Cầu Tre, Saigon Food… Tuy nhiên, với lợi thế nắm giữ 100 cửa hàng tiện lợi, 10 cửa hàng tại Hà Nội, 10 cửa hàng ở Đà Nẵng cùng với hàng trăm ngàn điểm bán trải rộng khắp cả nước, Vissan đang trở thành kẻ “bất khả chiến bại” tại thị trường nội địa. Kế đó là Cty CP Sài Gòn Food (Saigon Food), tuy chỉ mới tham gia vào trường này vào năm 2004, nhưng do biết khai thác triệt để kênh bán lẻ hiện đại cùng với việc đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D) nên đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm tiện lợi phục vụ tận bàn ăn cho người tiêu dùng. Ông Văn Đức Mười, TGĐ Cty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản VN (Vissan) cho biết, tổng sản lượng chung của ngành hàng này khoảng 30.000 tấn/năm (cả hàng nhập khẩu và nội địa) thì riêng Vissan đang đứng trong Top dẫn đầu, chiếm 1/3 về sản lượng và chủng loại của ngành hàng này.

Quốc Chánh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp