TGĐ Bosch VN: Muốn phát triển thì phải có tính kỷ luật
Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam, cách đây tám năm, trong bối cảnh nền công nghệ cao của Việt Nam còn khá non trẻ, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa chọn nước ta làm điểm đến đầu tư trong lĩnh vực này thì ông lại quyết định đầu tư và sau đó mở rộng liên tục quy mô làm ăn của mình tại Việt Nam.
Đặc biệt, tập đoàn đã quyết định xây dựng một trung tâm công nghệ và phần mềm và một trung tâm nghiên cứu kỹ thuật ôtô đầu tiên của Bosch tại Đông Nam Á ở TP. Hồ Chí Minh. Đó là nhờ nỗ lực gây dựng niềm tin, bằng tâm huyết đóng góp cho đất nước, tinh thần trách nhiệm và bằng cách làm việc có tính kỷ luật cao. Nói về khoảng thời gian đã qua, từ những ngày mới đưa Bosch về Việt Nam, ông cho biết:
Tám năm về Việt Nam là khoảng thời gian tôi làm việc cật lực nhất nhưng là những tháng ngày có nhiều niềm vui nhất. Khi lô hàng dây đai truyền lực biến đổi liên tục đầu tiên được xuất xưởng từ nhà máy ở Đồng Nai đến với các hãng ôtô trên thế giới, tôi đã thật sự cảm thấy hạnh phúc.
Đến nay, tập đoàn chúng tôi đã đáp ứng các yêu cầu về sản xuất, nghiên cứu phát triển nhằm cung cấp các giải pháp công nghiệp đa ngành “made in Vietnam” cho Bosch trên toàn cầu. Còn gì vui hơn? Riêng tôi thì hầu như ngày nào cũng có những niềm vui nho nhỏ cho mình.
* Ngay cả trong giai đoạn kinh tế ảm đạm hay trong giai đoạn công ty mới thành lập, khó khăn chồng chất?
Khó khăn thì lúc nào cũng có, không chỉ khi nền kinh tế chung thiếu khởi sắc hay khi công ty chỉ mới hình thành, chỉ có khoảng hơn 20 người. Nhưng tôi vốn là người lạc quan, luôn có cái nhìn tích cực đối với mọi chuyện. Người khác nhìn vào một vấn đề có thể cho là khó khăn, còn tôi thường cho đó là thử thách và cơ hội phát triển.
Chẳng hạn như giai đoạn công ty mới thành lập năm 2008, chúng tôi đã tuyển dụng và đào tạo một số nhân viên để chuẩn bị cho nhà máy mới đi vào sản xuất. Nhưng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nên phải lùi thời điểm xây dựng nhà máy, thế là số nhân viên vừa được tuyển dụng bỗng bị “thất nghiệp”.
Tôi đã quyết định giữ họ lại để đào tạo thêm về quy trình sản xuất, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ nhân sự của nhà máy được nâng cao, tạo điều kiện cho việc phát triển sản xuất cũng như mở rộng quy mô về sau.
Từ vài chục người ban đầu, nay tập đoàn đã phát triển số lượng hơn 2.000 người, có những người đã đồng hành suốt tám năm qua.
* Điều gì đã giúp cho những người cộng sự gắn bó với doanh nghiệp lâu năm như vậy?
Đó là nhờ chính sách coi trọng nguồn nhân lực và văn hóa doanh nghiệp. Nhưng trên hết, mọi người cảm nhận được niềm vui trong công việc và ý nghĩa của việc kinh doanh. Chúng tôi vừa nỗ lực phát triển thương hiệu uy tín lâu năm của Đức, vừa đóng góp cho nền công nghiệp nước nhà, đó vừa là hạnh phúc, vừa là niềm tự hào.
Hiện nay chúng tôi đã thành lập hai trung tâm nghiên cứu phát triển với khoảng 800 kỹ sư, nhằm đưa ra những giải pháp công nghệ tiên tiến đa ngành, nhất là ngành ôtô.
Đội ngũ kỹ sư trẻ trong nước có kinh nghiệm và năng lực không thua kém các kỹ sư giỏi trên thế giới. Chính họ đã góp phần sáng tạo và nâng cao chất lượng cho các giải pháp công nghệ mới.
Việc xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này là vô cùng quan trọng vì đó là nền tảng để thu hút các tập đoàn quốc tế công nghệ cao khác đầu tư.
* Việc nghiên cứu phát triển tại sao quan trọng trong thời điểm hiện nay?
Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề nghiên cứu phát triển (R&D) một cách bài bản, sâu rộng lại được đặt ra cấp bách như hiện nay. Nếu chậm chân thì không những chúng ta mất dần thị trường nước ngoài, mà thị trường nội địa cũng không giữ được.
Nghiên cứu phát triển là điểm khởi đầu của bất kỳ sản phẩm hàng hóa nào có hàm lượng chất xám cao, dù trong công nghiệp, nông nghiệp, y dược… Từ nghiên cứu phát triển đến thiết kế, từ thiết kế đến sản xuất, từ sản xuất đến tiêu thụ, đó là chuỗi giá trị của bất cứ sản phẩm nào.
Nếu chúng ta không chú trọng và làm tốt ở ngay khâu đầu tiên thì làm gì có nhiều sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đi vào các hệ thống phân phối toàn cầu?
Cuối năm nay, khi cộng đồng kinh tế ASEAN mở cửa, việc giao thương về sản phẩm công nghiệp cũng như chất xám giữa các nước trong khu vực trở nên dễ dàng và mạnh mẽ thì Việt Nam liệu có thể có được những sản phẩm tốt, con người giỏi để cạnh tranh với các nước trong khu vực hay không?
* Mở rộng giao thương cũng là một cơ hội để Việt Nam thu hút nguồn FDI từ nước ngoài. Theo ông chúng ta có cần cải thiện nhiều hơn về cơ sở hạ tầng hay nguồn nhân lực để thu hút FDI hay không?
Có bốn yếu tố mà giới đầu tư nước ngoài thường cân nhắc trước khi quyết định đầu tư gồm: cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp lý, công nghiệp phụ trợ và nguồn nhân lực. Trong bất cứ lĩnh vực nào thì sự phát triển đồng thời bốn yếu tố này cũng cần được chú trọng để thu hút FDI.
Người Việt Nam giàu sức trẻ, lại hiếu học, thông minh nhưng cần rèn luyện và phát huy tính làm việc theo quy trình, làm việc tập thể, tính kỷ luật để tăng năng suất lao động.
Nếu chúng ta muốn thu hút các đầu tư sản xuất công nghệ cao thì nguồn nhân lực được xem là yếu tố quan trọng nhất, phải làm sao để có thể xây dựng một đội ngũ “thầy ra thầy, thợ ra thợ”. Mà khi nói đến yếu tố nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thì chúng ta lại phải nói đến chuyện cải tổ giáo dục, một vấn đề mang tầm quốc gia đã được bàn thảo quá nhiều nhưng hầu như chưa có thay đổi gì đáng kể.
Theo tôi, một vấn đề mà những người làm giáo dục nên xem lại là việc đào tạo giảng viên. Thông thường, người muốn dạy cho người khác thì cần có kiến thức sâu rộng và nhiều kinh nghiệm.
Ở nhiều nước như: Đức, Mỹ, Anh, Nhật Bản…, giảng viên cao đẳng và đại học phải giàu kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc thực tế, được tích lũy nhiều năm. Ở nước ta, tình trạng một số sinh viên non tay nghề được giữ lại trường làm giảng viên khá phổ biến, như vậy việc dạy học khó đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, Việt Nam nên xây dựng môi trường giáo dục, đào tạo rèn luyện khả năng tư duy độc lập, tư duy phản biện và khuyến khích sự sáng tạo trong giải quyết các vấn đề. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp đại học thì phải rành ít nhất một ngoại ngữ…
Với người thợ thì cần học đến nơi đến chốn, học đi đôi với hành, đúng như câu nói của người xưa: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, một nghề cho “chín” mới thành đạt!
Nếu có điều kiện thì dù thợ hay thầy cũng nên nắm bắt cơ hội được học tập, rèn luyện ở nước ngoài để tiếp thu cả kỹ thuật mới lẫn cách làm việc công nghiệp năng động.
Con người Việt Nam giàu sức trẻ, lại hiếu học, thông minh nhưng cần rèn luyện và phát huy tính làm việc theo quy trình, làm việc tập thể, tính kỷ luật để tăng năng suất lao động. Những điều này thì các bạn trẻ học được dễ dàng hơn khi có cơ hội thực tập hay làm việc ở các công ty đa quốc gia hoặc ra nước ngoài.
* Nhiều người đi du học ở nước ngoài không muốn về, nhất là khi bắt nhịp được cuộc sống ở những nước tiên tiến và nhận thấy nhiều cơ hội để phát triển…
Tôi nghĩ rằng phần đông người Việt ở nước ngoài đều muốn trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, được sống và làm việc trên mảnh đất quê hương và đóng góp chút công sức cho sự phát triển của đất nước. Chẳng hạn như tôi, trên 30 năm xa quê hương, nay được trở về Việt Nam, đó là một cơ duyên mà cũng là niềm hạnh phúc.
Đất nước Việt Nam ngày càng phát triển thì càng có nhiều người trẻ cân nhắc việc trở về sau quá trình du học. Riêng tại Bosch cũng có chính sách lương bổng và các chính sách khác ưu đãi nhằm khuyến khích các bạn du học sinh trở về nước gia nhập công ty.
Gần đây, tôi có nghe một số thông tin về việc chính phủ kêu gọi du học sinh và những người tài gốc Việt trở về nhưng dường như chưa rõ ràng, cần chủ động và cụ thể hơn mới dần cải thiện tình trạng “chảy máu chất xám”.
* Ông vừa nói đến cơ duyên trở về Việt Nam cách đây nhiều năm. Thiết nghĩ một đất nước công nghệ phát triển thì phù hợp để ông phát triển sự nghiệp hơn…
Tôi xa Việt Nam từ năm 18 tuổi khi đất nước còn chiến tranh, cũng mong có ngày trở về khi đất nước hòa bình. Tôi có cơ hội được học tập trong môi trường công nghiệp cơ khí kỹ thuật cao và nặng tính kỷ luật của Đức, rồi được làm việc cho tập đoàn xe hơi nổi tiếng.
Trước thời điểm làm việc cho Bosch vào năm 2007, tôi đã có vài năm đưa dòng xe hơi BMW về Việt Nam lắp ráp và phân phối. Trong thời gian đó, tôi đã muốn về định cư tại quê hương.
Tôi quyết định làm việc cho Bosch khi biết họ muốn tìm kiếm một người có kinh nghiệm quản lý trong công ty đa quốc gia, đồng thời am hiểu văn hóa địa phương. Một người gốc Việt nhiều năm ở nước ngoài như tôi sẽ thuận lợi để xây dựng một doanh nghiệp làm việc theo quy trình, tác phong quốc tế mà vẫn dung hòa được với văn hóa Việt.
Bosch chọn nước ta một phần nhờ vào vị trí địa lý giao thương thuận lợi đến nhiều nước trong khu vực. Chúng ta lại có nguồn nhân lực trẻ, ham học, nếu được đào tạo thêm sẽ thật sự là một yếu tố đắc lực cho sự phát triển. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ và bộ khoa học công nghệ nên việc mở rộng quy mô đầu tư của tập đoàn vào Việt Nam cũng trở nên thuận lợi hơn.
Có cơ hội đưa công nghệ tiên tiến về quê nhà, xây dựng một nhà máy công nghệ hiện đại tại Đồng Nai, hai trung tâm nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh và đầu tư một cơ sở đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người lao động, quả là một hạnh phúc lớn với một người Việt xa quê như tôi!
* Theo ông, chương trình đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp tại Đồng Nai có gì khác so với chương trình đào tạo nghề tại Việt Nam hiện nay?
Chúng tôi đào tạo nghề theo chương trình đào tạo tiêu chuẩn của Đức, tức là 25% lý thuyết và 75% thực hành. Học viên đi học không tốn học phí, được ăn trưa miễn phí, có thu nhập hằng tháng và hưởng các phụ cấp và quyền lợi khác theo chính sách nhân sự của công ty.
Năm cuối, sinh viên làm việc trực tiếp tại nhà máy để nắm quy trình và học được tác phong làm việc chuyên nghiệp. Học viên ra trường sẽ được cấp hai chứng chỉ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức và chứng chỉ nghề của Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ LILAMA2.
Trong học tập lẫn nghề nghiệp, muốn phát triển thì phải có tính kỷ luật. Người lãnh đạo thì càng cần có tính kỷ luật, vì không phải ai cũng có sẵn tố chất lãnh đạo, mà chủ yếu là phải qua đào tạo và rèn luyện.
Họ được khuyến khích trở lại làm việc cho chúng tôi hoặc có thể làm việc ở bất cứ nơi nào trong nước hay nước ngoài. Hy vọng trung tâm đào tạo này sẽ giúp nâng cao tay nghề của những người thợ đúng nghĩa, nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của chúng ta và các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ sẽ luôn xem Việt Nam là “đất lành” để xem xét đầu tư.
Tôi nhận thấy rằng trong đào tạo, chúng ta cần khuyến khích sự năng động, lăn xả ở sinh viên. Ngày trước, vào những năm cuối trung học, ba tôi luôn bắt tôi phải làm việc mới có tiền để mua món đồ tôi thích.
Nếu tôi muốn mua món đồ giá 1 đồng chẳng hạn, ba tôi chỉ cho 50 xu, số tiền còn lại tôi tự kiếm bằng cách làm bất cứ việc gì trong nhà máy của ông. Các bạn trẻ ngày nay cũng vậy, họ cần vừa được học, vừa có cơ hội được thực hành trên máy móc trong nhà máy, xí nghiệp để vừa học về kỹ thuật, vừa học tác phong làm việc với các đồng nghiệp.
Họ cũng cần phải tham gia hoạt động cộng đồng, từ thiện để có cơ hội xây dựng kỹ năng mềm, sáng tạo trong giải quyết vấn đề. Chỉ cần đi vào miền quê vài ngày, người trẻ sẽ học cách thích nghi với môi trường, tận dụng nhiều loại phương tiện sẵn có để vượt qua khó khăn như không có điện, thiếu nước…
* Con ông bây giờ có lẽ cũng được giáo dục như ông trước đây?
Chương trình học tập ở nước ngoài buộc các con tôi phải vừa học vừa thực hành tích cực, các hoạt động ngoại khóa được tổ chức liên tục để nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, làm việc tập thể…
Còn trong gia đình thì từ lúc nhỏ, chúng đã được dạy tiếng Việt và văn hóa Việt, để các con biết nguồn cội. Những dịp về Việt Nam nghỉ hè, những đứa trẻ khác được đi chơi còn các con tôi thì phải đi học ở các lớp mẫu giáo, tiểu học phụ đạo do cô giáo người Việt dạy.
Các con cũng thường theo mẹ đi làm từ thiện và tham gia các hoạt động cộng đồng tại Việt Nam. Đến bây giờ thì các con tôi đã hiểu rằng việc đó thật sự có ích để chúng hiểu thêm nhiều điều thú vị về văn hóa quê cha đất tổ.
Chúng tôi thường dạy các con tôi là việc học không bao giờ chỉ nên gói gọn trong sách vở, trường lớp, mà quan trọng hơn là học ngoài cộng đồng. Mỗi lần đi du lịch đến một miền đất lạ cũng là dịp để học hỏi về văn hóa từng nơi, tập thích nghi để có thể trở thành một công dân quốc tế.
“Học, học nữa, học mãi”, câu nói ấy là đúng trong mọi hoàn cảnh. Cả tôi cũng không thể ngừng học và ngừng cải tiến ở vị trí là người đầu tàu trong công ty.
Cần phải nói thêm rằng cả trong học tập lẫn nghề nghiệp, muốn phát triển thì phải có tính kỷ luật. Người lãnh đạo thì càng cần có tính kỷ luật, vì không phải ai cũng có sẵn tố chất lãnh đạo, mà chủ yếu là phải qua đào tạo và rèn luyện. Nếu không kỷ luật nghiêm khắc với bản thân, quyết chí theo đuổi các định hướng và mục đích đề ra thì khó lãnh đạo, kinh doanh thành công.
* Là một người Việt có nhiều cơ hội giao thương với quốc tế, đâu là điều ông cảm thấy tự hào khi nhắc về đất nước mình?
Việt Nam ta có một nền văn hóa đậm đà bản sắc và có kinh tế phát triển mạnh mẽ trong khoảng hai thập niên trở lại đây. Có lẽ đây là điều mà người Việt Nam ta có thể cảm thấy tự hào. Tuy nhiên, thay vì cứ nói mãi về những điều đáng tự hào trong quá khứ, chúng ta nên nói nhiều hơn về những điều mình chưa đạt được và biết hổ thẹn về những điểm còn thấp kém của mình…
Mỗi ngày, khi mở báo ra, chúng ta có thể thấy rất nhiều thông tin tiêu cực về sự xáo trộn đạo đức, các vấn đề của nền kinh tế, trong vận hành hệ thống quản lý nhà nước và những điểm thua kém so với khu vực và thế giới…
Chúng ta và nhất là những người trẻ cần nói nhiều về những điều đó và bàn thảo nhằm tìm ra cách giải quyết, thay đổi, canh tân để đất nước phát triển trong sạch, vững mạnh và ngày càng cạnh tranh với thế giới. Có như vậy, chúng ta lúc nào cũng có thể ngẩng cao đầu tự hào là người Việt Nam.
* Xin cảm ơn về những chia sẻ thú vị của ông!
Xuân Lộc
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn