Mạng di động ngoại tìm đường sống

Tại sao các công ty viễn thông lớn của nước ngoài lại thất bại ở thị trường Việt Nam?

Trong khi doanh nghiệp nội ở nhiều lĩnh vực ngày càng lo lắng về sự xâm lấn của các doanh nghiệp nước ngoài, điều trái ngược lại đang diễn ra ở thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông di động: Công ty nước ngoài duy nhất trên thị trường Việt Nam hiện tại đang vật lộn và chỉ mong hòa vốn.

Trầy trật tồn tại

Trong báo cáo tài chính năm 2014 mới được công bố gần đây, hãng viễn thông đến từ Hồng Kông là Hutchison Asia Telecommunications (Hutchison Asia), đơn vị hợp tác với Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội để cung cấp mạng di động Vietnamobile tại Việt Nam, cho biết số lượng khách hàng của mạng này đã giảm 5% trong năm 2014.

Mạng di động ngoại tìm đường sống

Cho đến thời điểm cuối năm ngoái, số thuê bao của Vietnamobile chỉ còn khoảng 9,4 triệu thuê bao chứ không phải là 15 triệu thuê bao như báo chí đưa trước đó, theo báo cáo của Hutchison Asia. Trong cuốn Sách trắng Công nghệ thông tin - Truyền thông 2013 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tháng 10 năm ngoái, thị phần dịch vụ viễn thông 2G và 3G của Vietnamobile cũng chỉ chiếm có 4,03%.

Thị phần các mạng di động tại Việt Nam

Sau 6 năm hoạt động với nhiều kỳ vọng ban đầu về một thị trường đầy tiềm năng, tỉ lệ thị phần như trên quả là quá nhỏ bé, nếu không muốn nói là một sự thất bại ban đầu.

“Chiến lược ở Việt Nam bây giờ chỉ là cố gắng quản lý việc kinh doanh nhằm thu hồi và giảm chi phí đầu tư; và chuyển từ hình thức hợp tác kinh doanh sang công ty cổ phần khi có điều kiện thuận tiện,” Hutchison Asia đã nhấn mạnh như vậy trong bản báo cáo tài chính năm 2014 khi nhắc đến thị trường Việt Nam.

Tuyên bố trên có thể gợi ý rằng Hutchison Asia đang cố gắng thu hồi vốn để rút khỏi thị trường Việt Nam, tiếp theo bước chân ra đi của những gã khổng lồ viễn thông nước ngoài như SK Telecom (Hàn Quốc) hay VimpelCom (Nga).

Mạng di động ngoại tìm đường sống

Thất bại của Vietnamobile trong nỗ lực mở rộng thị phần một lần nữa cho thấy, thị trường cung cấp viễn thông di động đầy tiềm năng của Việt Nam chưa có chỗ cho doanh nghiệp nước ngoài, chí ít là đối với doanh nghiệp nhảy vào thị trường thông qua cách thành lập một mạng di động mới.

Trong báo cáo của Hutchison Asia, công ty này giải thích nguyên nhân khiến thuê bao Vietnamobile giảm là do “sự cạnh tranh gia tăng.” Sự cạnh tranh đó đến từ chính các nhà cung cấp mạng di động nội địa. Hiện tại, trên thị trường Việt Nam có 5 nhà cung cấp mạng di động gồm Viettel, Vinaphone, Mobifone, Vietnamobile và Gmobile (trước đây là Beeline do VimpelCom đầu tư nhưng phải đổi tên do nhà đầu tư Nga rút lui vì thua lỗ). Trong đó, riêng 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone đã chiếm hơn 90% thị phần viễn thông di động.

Lợi thế chủ nhà

Thực tế, các công ty nước ngoài từng tham gia cung cấp dịch vụ mạng viễn thông di động ở Việt Nam đều là những tên tuổi lớn, có kinh nghiệm mở rộng thị trường quốc tế. Hutchison Asia, ngoài Việt Nam ra, hiện đang cung cấp dịch vụ tại các nước như Ý, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Áo, Indonesia và Sri Lanka. SK Telecom là công ty cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu ở Hàn Quốc, trong khi VimpelCom là một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới với thương hiệu nổi tiếng Beeline.

Vậy tại sao các công ty có năng lực và giàu kinh nghiệm như vậy lại thất bại ở thị trường Việt Nam? Đó là do các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước có lợi thế hơn về cơ sở hạ tầng so với các công ty nước ngoài. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, cơ sở hạ tầng tốt hơn có nghĩa là chất lượng dịch vụ tốt hơn và độ phủ sóng cũng bao trùm khắp cả nước.

Mạng di động ngoại tìm đường sống

Trong khi đó, do đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông khá tốn kém, nên chất lượng dịch vụ cũng như độ phủ sóng của các mạng như Vietnamobile không thể sánh với Viettel, Mobifone hay Vinaphone. Cả ba nhà mạng này đều là doanh nghiệp nhà nước và được đầu tư rất lớn từ khi thị trường viễn thông di động mới xuất hiện ở Việt Nam.

Kết quả là cho đến nay, Vietnamobile mới chỉ phủ sóng 3G ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với một phần của hai thành phố Cần Thơ và Hải Phòng. Trong khi số người sở hữu những chiếc điện thoại thông minh ngày càng tăng lên và các nhà mạng khác thậm chí còn chuẩn bị cung cấp dịch vụ 4G, rõ ràng diện phủ sóng 3G quá hẹp của Vietnamobile đã là một điểm trừ lớn trong mắt khách hàng. Đó cũng là yếu tố khiến SK Telecom hay VimpelCom phải chịu thua trước sức ép của các doanh nghiệp nội.

Khi con đường thành lập một mạng di động mới ở Việt Nam để thâm nhập thị trường đã có những bài học thất bại, lựa chọn tốt nhất sẽ là gia nhập thị trường thông qua việc nắm cố phần của nhà mạng có sẵn, đặc biệt là những nhà mạng có thị phần lớn nhất. Điều đó lý giải tại sao nhiều công ty đã ngóng chờ kế hoạch cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước Mobifone, Vinaphone hay Viettel từ rất lâu.

Mạng di động ngoại tìm đường sống

Tập đoàn Comviq International của Thụy Điển đã bày tỏ ý định quay trở lại nắm giữ cổ phần của Mobifone

Gần đây, tập đoàn Comviq International của Thụy Điển đã bày tỏ ý định quay trở lại nắm giữ cổ phần của Mobifone ngay sau khi kế hoạch kể phần hóa của tổng công ty này được công bố. Cuộc đua gia nhập vào thị trường viễn thông di động Việt Nam sẽ trở lên căng thẳng hơn khi có một loạt cái tên khác cũng đã bày tỏ ý định mua cổ phần của Mobifone như Vodafone, Singtel và France Telecom. Xét cho cùng, đây cũng là cách nhanh nhất và tốt nhất để doanh nghiệp nước ngoài có thể xâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng này mà không phải chịu thất bại như VimpelCom, SK Telecom và có thể là cả Hutchison Asia.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư