Thương hiệu chứ không phải “logo”
“Làm thương hiệu khó quá!” - ông Trần Thành Trọng, tổng giám đốc Công ty CP BMpower (TP.HCM), thốt lên như vậy tại diễn đàn về thương hiệu VN cuối tuần qua.
Câu chuyện của ông Trọng là về một sản phẩm thương hiệu Việt bị “chầu rìa” trong tất cả dự án của doanh nghiệp lớn, thậm chí doanh nghiệp nhà nước (Tuổi Trẻ ngày 9-4-2015) chỉ vì “made in VN”.
“Chúng tôi sản xuất ra những máy phát điện chất lượng tốt như các hàng ngoại, nhưng nếu không có niềm tin của lãnh đạo tỉnh Bình Dương thì doanh nghiệp chẳng dám sản xuất vì không ai mua một chiếc máy cả triệu USD do VN sản xuất”.
Nói về chuyện làm thương hiệu của mình, ông Trọng cho rằng cách làm hay nhất là bán cho nước ngoài vì nước ngoài khôn lắm, cái nào tốt thì họ “chơi” chứ không đếm xỉa đến thương hiệu. Hoặc bán cho nông dân, nông dân đầu tư trang trại vì họ sẽ chọn giá thành rẻ hơn.
Nhưng cũng từ khi “lên báo”, sản phẩm của ông được quan tâm, doanh nghiệp biết chuyện gọi điện tới đặt hàng liên tục. Lúc này, ông Trọng mới phát hiện không bán được hàng cũng là “lỗi do mình”.
Rõ ràng từ trước đến nay công ty chưa chú trọng đến quảng bá hoặc quảng bá, làm thương hiệu chưa đúng cách.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch Học viện thương hiệu và truyền thông SAGE, nói nhiều năm trước doanh nghiệp vẫn cho rằng thương hiệu chỉ là hương hoa, quan trọng hàng sản xuất tốt là đủ. Nhưng đích đến cuối cùng của các doanh nghiệp là xây dựng một thương hiệu mạnh để nhiều người biết hơn và hàng cũng dễ bán.
Vì sao một ly cà phê Mỹ có giá thành chỉ 3 cent nhưng bán đến tay người tiêu dùng với giá gấp 100 lần song vẫn làm người bỏ tiền cảm thấy sung sướng? Đó chẳng phải vì thương hiệu? Phát triển thương hiệu một cách đơn giản là bán hàng hóa được giá cao hơn.
Từ năm 2008 đến nay, ngày 20-4 hằng năm được chọn là Ngày thương hiệu VN. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp VN đến tận bây giờ khi nói đến sản xuất vẫn nghĩ rằng đó là sản phẩm hình thành trong nhà máy, mà quên mất hình ảnh thương hiệu hình thành trong tâm trí người tiêu dùng như thế nào.
Bối cảnh nay đã khác, doanh nghiệp VN đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trong cạnh tranh thương hiệu với các nước. Khả năng cạnh tranh và chinh phục thị trường của các sản phẩm và dịch vụ không chỉ được quyết định bởi giá thành và chất lượng mà ngày càng phụ thuộc vào giá trị thương hiệu.
Áp lực cạnh tranh không đến từ tài chính, công nghệ mà còn từ hình ảnh, sức mạnh của các thương hiệu nước ngoài. Tâm lý sùng ngoại của người tiêu dùng VN rất mạnh mặc dù tinh thần tiêu dùng hàng Việt đã và đang được khơi dậy, rỉ rả thời gian qua.
Cuộc vận động này còn phải dài dài vì nguyên khí quốc gia đôi lúc phụ thuộc nhiều vào những sản phẩm thương hiệu Việt như thế.
Làm thương hiệu rất khó, vì thế giữ được càng khó hơn. Và muốn giữ được phải hiểu nó, nỗ lực đầu tư hơn nữa để mỗi thương hiệu là một câu chuyện, một dấu ấn riêng chứ không phải chỉ là một cái “logo”.
N.Bình
Nguồn Tuổi Trẻ Online