FMCG Monitor: Thị trường FMCG có dấu hiệu cải thiện nhẹ

Kết thúc Quý 1 năm 2015, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. Trong khi đó, mức tăng Chỉ số Giá Tiêu dùng tiếp tục ở mức thấp do giá xăng dầu giảm.

Báo cáo của Kantar Worldpanel trong 12 tuần kết thúc tháng 3 năm 2015 cho thấy tiêu dùng FMCG ở khu vực Thành thị 4 thành phố chính(1) và Nông thôn Việt Nam có dấu hiệu cải thiện nhẹ. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi vẫn chưa chắc chắn. Ở Thành thị, thị trường ghi nhận một vài dấu hiệu tích cực từ cuối năm 2014 và hiện tại đang tăng trưởng ở mức 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, đợt suy giảm tăng trưởng ở thi trường Nông thôn đang bước vào hồi kết với mức tăng trưởng hiện đang neo tại mức 8%. Về bức tranh các kênh mua sắm, Siêu thị/đại siêu thị đang lấy lại đà tăng trưởng ở thành thị với mức tăng trưởng 7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Ở Nông thôn, Tiệm Tạp hóa tiếp tục giữ vững tăng trưởng trong khi Chợ đang chững lại.

Ở Thành thị, ngành hàng Chăm sóc Gia đình và Thức uống đang dẫn đầu tăng trưởng trong khi ngành hàng Sữa và các sản phẩm từ sữa ở Nông thôn tăng trưởng cao nhất ở mức 18% về giá trị và 13% về khối lượng. Trong số tất cả các ngành hàng FMCG, Nước giặt ở Thành thị đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhất với 22% tăng trưởng về khối lượng nhờ thu hút thêm 41.000 hộ gia đình tiêu dùng mới và tăng 10% về khối lượng tiêu dùng trung bình của mỗi hộ. Ở Nông thôn, Sữa đậu nành đạt mức tăng trưởng 27% nhờ thu hút thêm 600.000 hộ gia đình và tăng 9% khối lượng tiêu dùng trung bình của mỗi hộ.

FMCG Monitor: Thị trường FMCG có dấu hiệu cải thiện nhẹ

Mặc dù mức tăng trưởng không cao bằng dịp Tết 2014, tháng Tết(2) năm nay vẫn giữ được mức tăng cao so với tháng trước Tết(3) ở mức 66%. Thức uống là lĩnh vực tăng trưởng cao nhất trong dịp Tết, trong khi Sữa & Các sản phẩm từ sữa là lĩnh vực duy nhất có mức tăng trưởng khiêm tốn một con số. Năm nay, các hộ gia đình ở Thành thị mua sắm hàng FMCG cho Tết sớm hơn, bắt đầu từ 4 tuần trước ngày Mùng 1 Âm lịch. Trong khi các năm trước đây, mùa mua sắm Tết cho FMCG bắt đầu từ khoảng 3 tuần trước Tết. Trong tháng Tết, người tiêu dùng có xu hướng đến Siêu thị/Đại siêu thị nhiều hơn bình thường do có thể cùng một lúc lựa chọn nhiều ngành hàng và mặt hàng đa dạng cũng như được hưởng ưu đãi từ các chương trình khuyến mãi và thẻ thành viên. Năm nay, thị phần của Siêu thị/Đại siêu thị thậm chí tăng hơn cùng kỳ năm trước, chiếm 17% tổng chi tiêu FMCG trong dịp Tết. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, quà biếu ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong tiêu dùng dịp Tết. Bánh, Nước ngọt có ga và Bia là top những ngành hàng được chọn làm quà Tết phổ biến hơn trước, đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều hộ gia đình chọn các sản phẩm này làm quà năm mới.

Ông David Anjoubault, Tổng Giám Đốc công ty Kantar Worldpanel, nhận định: “Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong văn hóa người Việt, Tết đóng vai trò như một đòn bẩy kích thích một mùa mua sắm lớn trên khắp mọi miền đất nước. Mặc dù Tết mang đậm chất văn hóa truyền thống, hành vi tiêu dùng trong dịp lễ hội đầu năm này đang dần thay đổi cùng với lối sống ngày càng hiện đại hơn của các gia đình Việt. Thấu hiểu được những thay đổi rất tinh vi này sẽ giúp nhà sản xuất và nhà bán lẻ chạm đến trái tim người tiêu dùng và giành được lá phiếu của họ khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng trong dịp lễ quan trọng này”.

(1) Thành thị 4 Thành phố chính bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ
(2) Tháng Tết: 4 tuần trước ngày Mùng 1 Âm lịch (tức 4 tuần kết thúc ngày 22/02/15 đối với Tết 2015 và 4 tuần kết thúc ngày 2/2/2014 đối với Tết 2014)
(3) Tháng trước Tết: 4 tuần trước tháng Tết (tức 4 tuần kết thúc ngày 25/01/15 đối với Tết 2015 và 4 tuần kết thúc ngày 5/1/2014 đối với Tết 2014)

Nguồn Kantar Worldpanel