Phân phối mất, sản xuất nguy

Phân phối được coi là một trong những chiếc bánh béo bở nhất mà rất nhiều nhà đầu tư ngoại “xếp hàng” chờ mua lại các hệ thống phân phối bán lẻ của VN.

Năm 2015, VN cam kết mở cửa thị trường dịch vụ liên quan đến sản xuất, nên nhà đầu tư nước ngoài có thể lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại VN. Vì thế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại để kiểm soát hệ thống phân phối, vốn là “mạch máu” đưa hàng ra thị trường.

Cuộc chơi của kẻ mạnh

Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners, thông tin: “Hiện thông tin nhà đầu tư bán lẻ vào VN để bắt đầu xây dựng siêu thị chưa thấy, ít nhất trong tầm ngắn hạn. Song nhu cầu mua lại các doanh nghiệp nội có sẵn hệ thống phân phối là rất cao”. Tuy nhiên, do bên bán thì ít còn bên mua lại nhiều, nên thị trường mua bán sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ luôn trong tình trạng cầu cao hơn cung rất nhiều.

Phân phối mất, sản xuất nguy

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia vào thị trường bán lẻ - Ảnh: Bạch Dương

Một chuyên gia trong ngành bán lẻ, đồng thời là cựu lãnh đạo Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, nhận xét: “Sau hơn 8 năm gia nhập WTO và hơn 5 năm mở cửa, bán lẻ nội đã dần lộ rõ sức khỏe yếu và sức bền kém không thể nào thắng nổi nhà phân phối ngoại. Không “rơi rụng” hẳn cũng phải hợp tác với đối tác ngoại mới “sống” nổi”. Hiện chỉ có Co.opMart là nhà bán lẻ ở phân khúc trung bình còn lớn mạnh, cũng đã hợp tác đối tác Singapore để mở các đại siêu thị và cạnh tranh tốt ở phân khúc trung bình. Còn lại, các thương hiệu khác nay đã phải bán cho đối tác nước ngoài gần 50% cổ phần, thậm chí, thông tin còn có hệ thống siêu thị sở hữu những mặt bằng rộng trên các tuyến đường lớn của Q.10 và Q.Tân Bình (TP.HCM), sau thời gian cầm cự nay đã được nhà đầu tư ngoại thương lượng mua trọn hoặc hình thức doanh nghiệp nội nắm giữ phần vốn rất nhỏ”.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, làn sóng đầu tư mới và mở rộng hệ thống bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài ở VN sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Trong đó, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc nổi bật nhất khi nhiều công ty phân phối lớn của họ đã vào VN và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư một cách mạnh mẽ, nhanh chóng. Trong tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ đã tương đối phục hồi, bà Lan cho rằng nhà bán lẻ lớn của Mỹ là Wal-Mart, từng có ý định đầu tư vào VN, có thể sẽ trở lại cuộc đua ở VN. Đồng quan điểm, ông Sơn cũng nhấn mạnh một số đại gia bán lẻ từng nhắm đến thị trường VN sau khi VN gia nhập WTO, song do vướng suy thoái kinh tế toàn cầu nay cũng đang nhìn vào thị trường VN một cách lạc quan hơn. “Nếu Wal-Mart vào sẽ có cuộc cạnh tranh lớn, bởi đây là nhà bán lẻ giá rẻ hàng đầu thế giới”, bà Lan nhận định.

“Nếu thị trường hoàn toàn rơi vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài thì chắc chắn một điều, hàng hóa của họ sẽ tràn vào VN, không chỉ nhập khẩu mà ngay cả những nhà đầu tư đồng hương sản xuất ở VN cũng đưa hàng vào”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Trước thông tin có một số nhà bán lẻ “tay ngang” trong nước vẫn tiếp tục tham gia vào sân chơi này, bà Lan cho đây là tín hiệu tốt. “Nếu thị trường hoàn toàn rơi vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài thì chắc chắn một điều, hàng hóa của họ sẽ tràn vào VN, không chỉ nhập khẩu mà ngay cả những nhà đầu tư đồng hương sản xuất ở VN cũng đưa hàng vào”, bà Lan nói.

Cửa hàng tiện lợi là cứu cánh

Bàn về việc khuyến khích đầu tư bán lẻ trong nước, theo bà Lan, nhà nước nên có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực phân phối. Để doanh nghiệp VN còn có chỗ đứng ở thị trường nội địa, một chuyên gia bán lẻ cho rằng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội gặp khó khăn về kiếm mặt bằng do chính quyền một số địa phương chỉ “chuộng” nhà đầu tư ngoại. Bà Lan cũng thừa nhận, chính quyền địa phương vẫn chuộng các nhà đầu tư ngoại, không tạo cơ hội cho nhà đầu tư trong nước.

“Thị trường bán lẻ VN vẫn còn tiềm năng, điều đáng buồn là các doanh nghiệp nội địa rơi rụng dần hoặc kinh doanh bằng mô hình “nhếch nhác” thiếu chuyên nghiệp hoặc thiếu tài lực. Bất luận vì lý do gì, song nếu có nhà đầu tư trong nước khác tiếp tục tham gia, như hình thức “bù vào chỗ trống” của doanh nghiệp nội địa rất cần được khuyến khích. Tuy nhiên, do quỹ đất lớn tại các thành phố không còn nhiều, theo tôi, mô hình cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị nhỏ sẽ là xu hướng trong tương lai”, chuyên gia tư vấn đầu tư Robert Trần nhận định.

Phân phối mất, sản xuất nguy

Bàn về giải pháp “cứu” ngành bán lẻ nội bằng chính sách khuyến khích phát triển siêu thị quy mô nhỏ hoặc cửa hàng tiện lợi trong khu vực dân cư đông, ông Robert Trần nhận xét điều này rất phù hợp với thực tế và hoàn cảnh doanh nghiệp Việt. Bà Lan cũng đánh giá Bộ Công thương đã không có tính toán hợp lý về phân khúc này mà chỉ quan tâm đến đầu tư siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài. “Không phải doanh nghiệp VN không nhìn thấy được tiềm năng to lớn của cửa hàng tiện lợi. Bằng chứng là 10 năm trước Trung Nguyên đã hợp tác với Nhật Bản phát triển phân khúc cửa hàng tiện lợi có tên Ministop.

Không cần mặt bằng tập trung lớn như siêu thị, nhưng cửa hàng tiện lợi lại cần đến khả năng kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm của nhà sản xuất, hệ thống kho hàng… Nếu Trung Nguyên thành công với hệ thống cửa hàng tiện lợi ở VN thì cuộc chiến với các nhà đầu tư nước ngoài đến nay đã khác”, bà Lan nhận xét.

Hở sườn

Các doanh nghiệp nước ngoài đến nay đã thâm nhập sâu vào thị trường VN với lợi thế có sẵn chuỗi cung ứng hàng hóa và hệ thống toàn cầu, nên khó cho doanh nghiệp trong nước bắt đầu từ đầu. “Phân phối nằm trong tay nước ngoài thì hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào VN, hoặc của nhà đầu tư nước ngoài sản xuất ở VN khi theo chân những nhà đầu tư bán lẻ. Khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do, chúng ta chỉ quan tâm đến việc xuất khẩu, nhưng lại hở sườn thị trường trong nước. Một chiến lược để phát triển hệ thống bán lẻ của VN ở VN giờ là quá chậm, nhưng vẫn cần thiết”, bà Phạm Chi Lan nhận xét.

Ng.Nga - Tr.Tâm
Nguồn Thanh Niên