Motorola tạo ra điện thoại di động đầu tiên thế giới như thế nào?
Chính một cảnh sát trưởng là người đã đưa Motorola đến với ý tưởng về một chiếc điện thoại di động và đó cũng là chiếc ĐTDĐ đầu tiên của thế giới. Chiếc ĐTDĐ này khiến Motorola ngập trong tiền bạc, nhưng cũng chính nó đã khiến Motorola bị hủy hoại như ngày hôm nay.
Motorola bắt đầu sự nghiệp với tên Galvin Manufacturing Corporation vào năm 1982, trước cuộc Đại Suy thoái (The Great Depression). The Great Depression là thời kỳ suy thoái kinh tế lớn ở Bắc Mỹ, Châu Âu, và các khu vực công nghiệp khác trên thế giới bắt đầu từ năm 1929 và kéo dài cho đến khoảng năm 1939. Đây là thời kỳ suy thoái lâu dài nhất và tồi tệ nhất từng xảy ra với các nước công nghiệp phương Tây.
Motorola là do Paul Galvin, 33 tuổi, sáng lập. Các văn phòng nhỏ của công ty nằm trên phố West Harrison của Chicago. Chỉ 2 năm sau thành lập, công ty đã có bước đột phá lớn đầu tiên: thương mại hóa thiết bị car-radio bằng cách phát minh ra cách loại bỏ các can nhiễu tiếng ồn dưới mui xe. Nhưng thành công không đến dễ dàng, cháu trai của Paul là Chris Galvin, người điều hành Motorola từ năm 1997 đến 2004, nói. Paul là một doanh nhân dày dạn kinh nghiệm, trước đó ông đã từng 2 lần thất bại. “Thành công của công ty”, Chris giải thích, “được sinh ra từ những thất bại”.
Khi Paul và anh trai Joe của ông xây dựng công ty, họ đã tạo ra một môi trường khuyến khích mọi người sáng tạo và thất bại, rồi lại học hỏi và lại sáng tạo. Motorola trở nên nổi tiếng với nền văn hóa dám đối đầu rủi ro, đầu tư mạnh vào đào tạo và phát triển, tạo ra một cái gì như sự cuồng tín, kính trọng vô điều kiện trong lòng các nhân viên.
Những năm đầu tiên sau khi lập nghiệp là thời gian sáng tạo không ngừng của Motorola. Công ty đã tạo ra nhiều thiết bị điện tử tiêu dùng, trong đó có TV và radio. Nhưng “bánh mì và bơ” của Motorola là những công nghệ và thiết bị bán cho các doanh nghiệp khác, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh công cộng. Radio 2 chiều mà cảnh sát sử dụng, máy bộ đàm mà người lính mang trong chiến tranh thế giới thứ II, hệ thống sóng vô tuyến để các sỹ quan liên lạc – đều được Motorola sáng tạo ra, dưới thời của Paul Galvin.
Martin Cooper, một kỹ sư điện người đã điều hành quá trình phát triển chiếc ĐTDĐ đầu tiên của Motorola, nói rằng an toàn công cộng “chính là những gì mà chúng tôi đã làm”. Làm việc tại Motorola không chỉ là có một công ăn việc làm. Mà đó là nhiệm vụ!
Năm 1942, một bi kịch xảy ra. Vợ của Paul, Lillian bị một kẻ lạ mặt xâm nhập vào căn nhà của họ ở Evanston giết chết. Sau cái chết của vợ, do các vấn đề về thuế thừa kế, gia đình Galvin đã biến Motorola thành công ty đại chúng. Dù vậy Motorola vẫn như một công ty gia đình. Năm 1956, Paul quyết định quyết định từ chức chủ tịch (chức danh mà Motorola dùng lúc đó để nói về người đứng đầu công ty), con trai 34 tuổi của ông, là Robert, đã lên nắm quyền lãnh đạo công ty.
Và Motorola bước sang một trang mới. Những gì người cha xây dựng trên toàn quốc, đã được người con trai phát triển ra toàn cầu. Lôi cuốn, nhìn xa trông rộng và cực kỳ cạnh tranh, Bob Galvin (chính là Robert William "Bob" Galvin) được xem là một trong những nhà công nghiệp lớn nhất của Mỹ thế kỷ 20. Từ năm 1959 đến 1990 (năm Bob Galvin từ chức chủ tịch), doanh thu hàng năm của công ty tăng vọt từ 290 triệu USD lên gần 11 tỷ USD, biến Motorola thành một trong 50 công ty lớn nhất nước Mỹ.
Bob Galvin, và những người kế thừa mà ông đã lựa chọn, tin chắc chắn rằng cạnh tranh đã thúc đẩy hiệu suất. Vì Motorola phải đối mặt với rất ít sự cạnh tranh từ bên ngoài, nên như Chris Galvin giải thích, “chúng tôi phải tạo ra cuộc cạnh tranh từ nội bộ”. Chẳng hạn, các CEO phải cạnh tranh nhau và số tiền thưởng sẽ dành cho những ai làm tốt nhất.
Cuộc cạnh tranh nội bộ đó đã giúp Motorola phát triển hai mảng kinh doanh trong thời đại Bob Galvin và sau đó: đó là mảng bán dẫn và viễn thông. Bộ phận viễn thông của Motorola chuyên làm mạng lưới, radio và điện thoại cho chính phủ và khách hàng doanh nghiệp. Còn bộ phận bán dẫn cung cấp chip cho các đơn vị viễn thông, và cho cả các công ty bên ngoài như Apple.
Ngay từ thời các sản phẩm Nhật Bản đang rất được ưa chuộng trên thế giới, Bob Galvin đã nhận ra một ngày Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản. Vì thế, khi thị trường Trung Quốc bắt đầu cải tổ, ông đã có chiến lược. Các quan chức Trung Quốc đã đồng ý để Motorola thiết lập sản xuất trong nước, với một điều kiện: Motorola phải dạy các nhân viên Trung Quốc và các nhà cung cấp Trung Quốc cách làm ra những sản phẩm tốt cho khách hàng toàn cầu. Bob biết Trung Quốc sẽ từng bước một copy công nghệ của công ty và cạnh tranh với Motorola. Nhưng thị trường Trung Quốc quá rộng lớn, và ông cho rằng, chỉ một miếng bánh nhỏ trong thị trường Trung Quốc thôi cũng rất đáng đầu tư.
Vì thế, Bob khăng khăng Motorola mang công nghệ tốt nhất của hãng đến Trung Quốc và các nhà máy của công ty ở đó sẽ sản xuất theo các tiêu chuẩn khắt khe nhất. Hàng trăm nhà cung cấp Trung Quốc, bao gồm cả những doanh nghiệp nhà nước, học theo cách sản xuất của Motorola. Motorola đã giúp Trung Quốc xây dựng mạng lưới viễn thông quốc gia, sử dụng công nghệ nhảy vọt của Mỹ. Tất nhiên, cùng với đó, Bob đã xây dựng được thị trường rộng lớn ở Trung Quốc.
Bob Galvin được xem như một biểu tượng, một “vị thánh” trong lòng nhiều người Motorola khác. Phil Cerney, người từng làm việc tại công ty từ năm 1959 đến 2009, đã gọi ông là “con người vĩ đại nhất tôi từng gặp, chỉ sau bố tôi”.
Trong số những sáng tạo của Motorola, ĐTDĐ được xem là sáng tạo có sức ảnh hưởng lớn nhất. Orlando Wilson, cảnh sát trưởng của thành phố Chicago từ năm 1960-1967, chính là người mang lại động lực lớn cho Motorola. Ngày đó, tình trạng tội phạm ở Chicago gia tăng nghiêm trọng. Wilson muốn các sỹ quan cảnh sát phải ra khỏi xe ô tô để làm nhiệm vụ, nhưng ông lại không muốn họ đi trên đường phố mà không có cách nào để liên lạc.
Martin Cooper, một lãnh đạo và là nhà nghiên cứu của Motorola, đã đưa ra ý tưởng về một chiếc điện thoại di động sử dụng mạng lưới viễn thông không dây. Bob Galvin nhận ra thị trường cho một thiết bị như vậy sẽ rộng mở, chứ không chỉ giới hạn ở các nhà thực thi pháp luật. Vì thế ông đã bỏ 100 triệu USD phát triển nó. Năm 1973, Cooper đã thực hiện cuộc gọi di động đầu tiên – đến cho một đối thủ ở phòng thí nghiệm Bell Labs của AT&T – bằng một chiếc điện thoại di động mẫu có kích cỡ bằng một chiếc giày.
Thế nhưng phải đến năm 1984, 2 năm trước khi Bob Galvin không làm CEO Motorola nữa, mẫu ĐTDĐ đầu tiên DynaTAC mới sẵn sàng ra thị trường. Sau đó, ngành kinh doanh ĐTDĐ đã bùng nổ.
Motorola “ngập trong tiền” với ngành kinh doanh ĐTDĐ, nhưng cũng chính nó khiến Motorola gặp chia rẽ và bị hủy hoại như ngày hôm nay.
Bảo Bình
Nguồn ICT News