5 sai lầm trong tiếp thị bằng QR code
Bạn có để ý thấy một ô vuông có hai màu trắng đen xuất hiện ở góc phải phía trên trang bìa Báo Doanh Nhân Sài Gòn dạo gần đây không? Đó là QR (Quick Response) code, tức ma trận hai chiều về mã vạch, gồm những ô vuông nhỏ màu đen trên nền trắng.
Để đọc nó, bạn cần có ứng dụng QR barcode reader thường được cài đặt trên điện thoại thông minh (smartphone). Ban đầu, QR code được dùng trong ngành xe hơi, nhưng sau đó nó trở nên phổ biến do khả năng đọc nhanh và lưu trữ lớn so với mã vạch thông thường.
Các nhân viên tiếp thị vẫn đánh giá cao tiềm năng của QR code, nhưng theo một cuộc nghiên cứu trong tháng 4 của Temkin Group (hãng nghiên cứu, cố vấn quản trị, thương hiệu và kinh nghiệm cho khách hàng), chỉ có 24% số người trưởng thành tại Mỹ có sử dụng QR code. Sau đây là 5 sai lầm phổ biến khi tiếp thị bằng QR code:
1. Nội dung nghèo nàn:
Đối với nhân viên tiếp thị, QR code có đặc điểm rẻ tiền, dễ theo dõi và dễ tạo ra. Tuy nhiên, trên thực tế, người dùng phải mất thời gian và nỗ lực khi muốn đọc nó. Họ phải tải một ứng dụng để đọc (nếu chưa có) và không chắc chắn họ sẽ có được thông tin hấp dẫn. Thông thường, có tới khoảng 90% thời gian, vị trí mà họ đạt được lại không thích hợp với điện thoại di động.
* Đề nghị: Bạn hãy cải tiến việc giới thiệu của mình sao cho thuận tiện và đưa ra những biện pháp khuyến mãi, khấu trừ cho khách hàng...
2. Khách hàng nhận thức kém:
Một cuộc nghiên cứu trong sinh viên đại học do Hãng Tiếp thị ArchRival thực hiện cho thấy, có tới 78,5% số sinh viên tham gia cuộc nghiên cứu không biết cách quét (scan) một QR code.
* Đề nghị: Bạn cần bảo đảm người sử dụng có kiến thức về thao tác thực hiện quét QR code và tìm hiểu xem nó có thú vị đối với họ hay không.
3. Giá trị đáng ngờ:
QR code thường liên kết với website của công ty hoặc trang web tạm thời (landing page) nào đó, giúp người sử dụng không phải nhập địa chỉ trang web (URL). Tuy nhiên, hầu hết người sử dụng đều không nắm vững cách sử dụng những mã này, hoặc được hướng dẫn rất ít về những gì sẽ có được khi quét thông tin. Ngoài ra, khi dùng nó, người sử dụng cũng không biết phải quét ra sao để có được nội dung có giá trị.
* Đề nghị: Trước khi thực hiện chiến dịch QR code, bạn hãy xác định xem nó có thật sự tiết kiệm thời gian và công sức cho người sử dụng cũng như có ích lợi hơn so với việc tìm kiếm trên Google hay không.
4. Vị trí nghèo nàn:
Ngày nay, bạn có thể bắt gặp QR code khắp nơi nhưng hiếm khi người ta xem xét vị trí sắp đặt nó.
* Đề nghị: Bạn hãy kiểm tra việc thực hiện trong thế giới thực nhằm bảo đảm QR code được đưa ra có tính mời gọi, thực tiễn và hữu dụng.
5. Mỹ thuật kém:
Bạn có thể dùng phần mềm kỹ thuật xử lý hình ảnh Photoshop để làm cho QR code nhìn bớt xấu xí nhưng không ảnh hưởng tới việc quét tin của nó. Bạn cũng có thể tạo ra QR code bằng cách bỏ bớt 30% phần thừa thãi, có nghĩa là bỏ bớt 30% mã và thay thế bằng một logo hoặc thông tin về những gì mà nó cần tiết lộ ra bên ngoài.
* Đề nghị: Bạn hãy vận dụng một cách sáng tạo và làm cho QR code thật sự hấp dẫn và hữu ích với mọi người.