Tượng đài Sharp của Nhật đang sụp đổ như thế nào?
Tương tự như Sony, nhà sản xuất màn hình LCD Nhật Bản Sharp cũng đang rơi vào tình cảnh làm ăn thua lỗ triền miên. Một cuộc tái cấu trúc hoạt động công ty đang được đưa ra nhằm cứu vớt "con tàu đắm".
Có một thực tế mà các công ty điện tử tiêu dùng Nhật Bản đang phải đối mặt: họ đang gặp muôn vàn khó khăn trong "cuộc chiến sinh tồn". Việc không thể cạnh tranh với các công ty cùng ngành đến từ Mỹ, Hàn Quốc, và Trung Quốc, đang khiến những gã khổng lồ về điện tử tiêu dùng như Sony điêu đứng. Sharp, từng là một trong những nhà sản xuất màn hình LCD lớn nhất Nhật Bản và thế giới, cũng đang đi theo con đường của Sony.
"Vang bóng một thời"
Sharp bắt đầu đầu tư mạnh vào mảng màn hình LCD từ năm 2000. Kameyama, thành phố có 50.000 người ở trung tâm Nhật Bản, bỗng trở nên nổi tiếng khi Sharp bắt đầu sản xuất các tấm nền màn hình LCD ở đó vào năm 2004. Sharp từng thống trị thị trường TV LCD với 22% thị phần, "chịu chơi" đầu tư 6,6 tỷ USD vào Kameyama, xây dựng hai nhà máy cao cấp và tạo ra 3.000 việc làm.
Năm 2009, một nhà máy "hoành tráng" khác được xây dựng, lần này ở thành phố Sakai (phía Tây Nhật Bản). Thời điểm đó, nhà máy của Sharp được đánh giá là nhà máy sản xuất màn hình LCD tiên tiến nhất thế giới, với số tiền bỏ ra để xây dựng lên đến 5 tỷ USD và diện tích đạt 14,4 hecta (144.000 mét vuông). Nhà máy có thể cho sản lượng 324.000 tấm nền LCD mỗi tháng để dùng cho các TV LCD 40 inch. Nếu tăng kích thước TV lên 60 inch, Sharp vẫn có thể cung cấp được tới 144.000 tấm nền.
Cũng không cần phải "lội" về quá khứ xa xôi, chỉ cách đây chưa lâu, những Sony, Panasonic, hay Sharp...vẫn đang được xem là các thương hiệu cao cấp. Họ sản xuất những mặt hàng điện tử tiêu dùng thiết yếu như TV, lò vi sóng, máy nghe nhạc. Các sản phẩm của những công ty này luôn được bán với giá cao. Một chiếc TV LCD 40 inch năm 2004 được bán với giá lên tới 2.700 USD. Năm 2003, doanh số ròng (net sale) của công ty lên tới 16,8 tỷ USD, tổng số nhân viên trên toàn thế giới đạt 46.600 trong đó khoảng một nửa là nhân viên ở nước ngoài (ngoài Nhật Bản). Sharp có 64 cơ sở hoạt động ở 30 quốc gia và sản phẩm của họ được phân phối tới 164 nước trên thế giới. Sharp cũng nằm trong top 100 công ty chi nhiều tiền nhất cho nghiên cứu và phát triển( R&D), trong bài viết xuất bản bởi tạp chí IEEE Spectrum năm 2002.
Triền miên trong thua lỗ
Tình hình xấu đi cho Sharp từ năm 2008, năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới (khủng hoảng bắt nguồn từ Mỹ rồi lan ra toàn cầu). Nhu cầu của thế giới với tấm nền LCD từ các công ty Nhật Bản như Sharp giảm đi đáng kể. Ở thị trường trong nước, cuộc chuyển giao sang TV số (digital TV) hồi giữa 2011 cũng khiến nhu cầu TV LCD tụt giảm. Sharp bị ảnh hưởng nặng nề, nhà máy ở Sakai buộc phải cắt giảm sản lượng. Những con số trong báo cáo tài chính mà Sharp công bố luôn là các số liệu mà lãnh đạo công ty không bao giờ muốn nhớ đến. 2011, Sharp lỗ 1,4 tỷ USD. Sang 2012 - năm đánh dấu cột mốc công ty tròn 100 tuổi, nhưng riêng trong quý I năm này, Sharp lỗ tới 1,2 tỷ USD. Tổng số lỗ cả năm này là 4,7 tỷ USD, khoản lỗ kỷ lục trong lịch sử công ty. Chính bản thân Sharp cũng nói rằng có "sự nghi ngờ hữu hình" về khả năng tồn tại của mình. Fitch Ratings đánh giá nợ của Sharp xuống mức "rác". Đi kèm với những khoản lỗ triền, miên đó, tất nhiên là kế hoạch cắt giảm nhân sự. Năm 2012, Sharp "kêu gọi" hơn 50.000 nhân viên nghỉ hưu tự nguyện. Lương nhân viên bị giảm. Tài sản bị bán, nhà máy và thậm chí cả thủ phủ ở Osaka cũng được dùng để thế chấp cho khoản vay nợ 4,6 tỷ USD.
Năm tài khóa 2014 của Sharp vừa kết thúc vào cuối tháng 3/2015. Trước khi kết thúc năm, công ty lạc quan rằng sẽ có lãi 30 tỷ yen (tương đương khoảng 250 triệu USD). Thế nhưng, khi báo cáo tài chính được công bố, đó hóa ra chỉ là mộng ảo. Mọi thứ bị đảo ngược. Sharp lỗ...30 tỷ yen, năm lỗ thứ ba trong bốn năm gần đây.
Cơn ác mộng chưa hề có dấu hiệu kết thúc. Một báo cáo mới đây từ nhật báo Nikkei, Reuters, và cả Wall Street Journal, cho biết Sharp đang chuẩn bị tách mảng màn hình LCD dành cho smartphone thành bộ phận riêng. Bộ phận bị đồn đoán sẽ tách riêng này là bộ phận chuyên sản xuất màn hình LCD cỡ vừa và nhỏ dùng cho smartphone. Smartphone đang phát triển, nhu cầu về linh kiện này đang tăng cao nhưng Sharp không cạnh tranh được với các đối thủ Hàn Quốc như LG. Thậm chí, họ còn bị cạnh tranh bởi "người nhà" Japan Display, kẻ tỏ ra khôn ngoan hơn khi thực hiện những chiến lược marketing sản phẩm của mình với các công ty smartphone giá rẻ tại Trung Quốc.
Để cứu vớt "con tàu đắm", công ty đang tìm kiếm nguồn tiền từ quỹ đầu tư Innovation Network Corp. of Japan - một quỹ được hậu thuẫn bởi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản lập ra nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp điện tử của quốc gia này. Theo một người đại diện của Sharp, công ty đang cân nhắc giữa nhiều lựa chọn cho việc tái cấu trúc, bao gồm cả việc cơ cấu lại mảng tấm nền LCD cho smartphone, tuy nhiên, "chưa một quyết định cuối cùng nào được đưa ra". Kế hoạch cắt giảm nhân sự cũng đang được chuẩn bị sẵn: 6.000 nhân sự của Sharp trên toàn cầu sắp mất việc (3.000 nhân viên ngoài Nhật Bản), chiếm 10% nhân viên. Sharp dự tính mất 1,7 tỷ để tái cấu trúc công ty.
Đâu là nguyên nhân khiến Sharp rơi vào tình cảnh "bi đát" hiện nay? Đó là do những quyết định sai lầm của công ty, hay những yếu tố bên ngoài là lý do Sharp sụp đổ? Câu trả lời sẽ có ở phần hai của bài viết.
Minh Thống
Nguồn ICT News