Microsoft và cuộc “khủng hoảng tuổi trung niên” (Phần 2)

Bài học từ cuộc khủng hoảng tuổi trung niên của Microsoft dành cho thế hệ doanh nghiệp trẻ sau này là: Đừng quá bảo hộ một sản phẩm trong thời gian dài mà tảng lờ các mối đe dọa ngày càng bành trướng.

Công lớn của sếp mới

Từ khi lên nhậm chức Giám đốc điều hành, ông Nadella tiến hành nhiều thay đổi. Ông cho phép Office chạy trên hệ điều hành của Apple và di động của Android. Ông cũng ngả theo mô hình “freemium”: Miễn phí cho phiên bản tiêu chuẩn cá nhân, nhưng tính phí với các phần mềm phát sinh.

Ngoài ra, Microsoft mềm dẻo với đối thủ hơn. Ví dụ, người dùng Office có thể sử dụng trực tuyến phiên bản Office 365 và lưu file vào server của Box – một công ty phần mềm. “Trước đây, họ từng đối xử với chúng tôi như kẻ thù”, ông Aaron Levie, lãnh đạo Box cho biết.

Ông Nadella cũng đang trẻ hóa văn hóa nội bộ Microsoft, mang tinh thần khởi nghiệp những ngày đầu quay lại.

Microsoft và cuộc “khủng hoảng tuổi trung niên” (Phần 2)

Microsoft thâu tóm các doanh nghiệp khởi sự như Mojang – cha đẻ của trò chơi Minecraft.

Microsoft khuyến khích nhân viên tung các ý tưởng điên rồ nhất lên trong web Garage. Bản thử của các sản phẩm được tải lên cho khách dùng và giúp phát hiện lỗi.

Microsoft cũng thâu tóm các doanh nghiệp khởi sự như Mojang – cha đẻ của trò chơi Minecraft hay Acompli - ứng dụng email đã được đổi tên thành Outlook, chạy được trên cả điện thoại của Apple và Android.

Tuy nhiên thành quả lớn nhất của tân CEO là ông đã mang lại một mục tiêu tổng hòa cho Microsoft khi công ty bước sang thập kỷ thứ 5. Chúng có thể được tóm gọn trong 2 phương châm.

Một là “Ưu tiên trên hết di động và đám mây”, vì đây là những thứ mang lại toàn bộ tăng trưởng.

Hai là “Nền tảng và hiệu suất”. Windows vẫn là nền tảng quan trọng, Office vẫn là bộ công cụ quan trọng. Tuy nhiên Azure đã nổi lên như một nền tảng cơ động hơn.

Trong một loạt các ứng dụng cải thiện hiệu suất mà Microsoft chào mời có Cortana. Đây là cô trợ lý thông minh trên di động giống Siri của Apple và Google Now.

Microsoft và cuộc “khủng hoảng tuổi trung niên” (Phần 2)

Cortana - cô trợ lý thông minh trên di động của Microsoft.

Các chuyên gia đánh giá Cortana có giọng nói tự nhiên, trả lời được các câu hỏi và nhắc người dùng về các sự kiện. Trong tương lai, Cortana sẽ dự đoán nhu cầu của người dùng, ví dụ tự động soạn sẵn tài liệu cần thiết cho một cuộc họp.

Thắc mắc để ngỏ

Ngoài những lời tán thưởng, các nhà quan sát trong lĩnh vực cũng đặt nhiều câu hỏi cho ông Nadella. Đầu tiên là nhân tài.

“Microsoft đã mất nhiều người giỏi”, ông Marco Iansiti, giáo viên trường kinh doanh Harvard nhận xét.

Mặc dù công ty đã chiêu mộ nhân tài trẻ tuổi bằng cách thâu tóm dự án khởi sự, Microsoft còn nhiều việc phải làm trong trận chiến giành các nhà lập trình giỏi nhất.

Tiếp theo là chất lượng phần mềm. Trong quá khứ, Microsoft làm việc cật lực để chứng minh độ tin cậy của phần mềm hãng.

Giờ đây khi được trẻ hóa, Microsoft tung cả những phần mềm đang thử nghiệm ra thị trường, độ tin cậy của chúng có thể bị xói mòn.

Số phận của các mảng kinh doanh khác ra sao, cũng chưa ai biết. Trang tìm kiếm Bing hiện đã làm Microsoft lỗ hàng tỷ USD, tuy nhiên có thể sinh lãi sớm khi nó cung cấp số liệu cho Cortana và các dịch vụ khác.

Microsoft và cuộc “khủng hoảng tuổi trung niên” (Phần 2)

Công ty đã chiêu mộ nhân tài trẻ tuổi bằng cách thâu tóm dự án khởi sự.

Bộ console Xbox đang cạnh tranh khốc liệt với Play Station trên kệ chơi game của các khách hàng trẻ tuổi.

Tuy nhiên Nokia – sản phẩm được Microsoft rước về năm ngoái để cứu vãn dòng Windowsphone cuối cùng – giờ nhìn như một sai lầm.

Nhưng câu hỏi lớn nhất dành cho Microsoft là tài chính. Lực cầu giảm sút khiến doanh thu từ máy tính bàn tiêu giảm. Tính đến quý I/2014, tỷ lệ này giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh số kinh doanh đám mây thương mại tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,5 tỷ USD trong cả năm 2014. Tuy nhiên con số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu, và phân mảng này vẫn đang hoạt động trong thất bát.

Ngoài ra, chuyên gia Rick Sherlund tại ngân hàng đầu tư Nomura tỏ ra hoài nghi về tương lai của nhiều ứng dụng khác, bao gồm cả Cortana. Chúng khó có khả năng trở thành con gà đẻ trứng vàng như Windows và Office, hiện vẫn đóng góp 58% tổng lợi nhuận.

Hệ số biên lợi nhuận gộp (lợi nhuận gộp/doanh thu) của bộ Office là 90%, cao gần gấp đôi so với tỷ lệ 53% của bộ Office 365.

Microsoft và cuộc “khủng hoảng tuổi trung niên” (Phần 2)

Thị phần thị trường công nghệ Mỹ biến đổi qua các năm.

Lợi nhuận của các phân nhóm đám mây khác còn mờ nhạt hơn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Amazon, Google và IBM. Amazon thậm chí sẵn sàng hy sinh lãi đổi lấy tăng trưởng. Ngân hàng Citigroup ước tính lợi nhuận cận biên dịch vụ đám mây của Amazon vào khoảng -2% đến -3%.

Lỗi do ai?

Tóm lại, bài học từ cuộc khủng hoảng tuổi trung niên của Microsoft dành cho thế hệ doanh nghiệp trẻ sau này là: Đừng quá bảo hộ một sản phẩm trong thời gian dài mà tảng lờ các mối đe dọa ngày càng bành trướng.

Bill Gates là người đáng trách nhất trong chuyện này, Ballmer khôn khéo khi hái được tiền từ Windows lâu hơn người ta dự đoán, nhưng lại quá chậm chạp trong việc phản ứng với mối nguy từ di động và đám mây.

Giờ gánh nặng nhường lại cho ông Nadella. CEO mới phải hành động nhanh chóng để xóa tan ấn tượng trong khách hàng, cổ đông và các nhân tài về một Microsoft đã qua thời hoàng kim.

Xem lại Phần 1

Lề Phương
Nguồn BizLive