Ẩn số Vinpro đã mở
Bốn cửa hàng Vinpro đã được khai trương rộng rãi, bước đầu lộ rõ hình ảnh chuỗi cửa hàng bán hàng điện máy và công nghệ của đại gia Vingroup.
Như vậy, Vinpro - 'ẩn số' tiếp theo sẽ tham gia thị trường bán lẻ điện máy và hàng công nghệ tại Việt Nam đã lộ một phần bằng 4 cửa hàng đầu tiên được khai trương. Khác với kỳ vọng của nhiều người, Vinpro không thể hiện tiềm lực tài chính thông qua quy mô cửa hàng, và còn đó những dấu hỏi dành cho đại gia này.
Diện tích "không đủ bề thế"
Một khách hàng đã đưa ra nhận xét như vậy sau khi ghé Vinpro Đồng Khởi (TP.HCM) để mua tủ lạnh. Khách hàng này cho rằng Vinpro khá nhỏ so với các cửa hàng đối thủ như Nguyễn Kim hay Thiên Hòa.
‘Vì diện tích bé nên ít hàng. Đơn cử khi mình đang cần mua cái tủ lạnh thì Vinpro chỉ có một màu’, khách hàng này bình luận trên Facebook.
Nhận xét của khách hàng này có lẽ phản ánh chung cho suy nghĩ của nhiều người quan tâm đến thị trường điện máy nói chung và Vinpro nói riêng. Dựa vào tiềm lực của Vingroup và tuyên bố "VinPro sẽ là mô hình bán lẻ điện máy theo phong cách hoàn toàn mới với những tiêu chuẩn vượt trội". Trước đó, nhiều người kỳ vọng bốn trung tâm Vinpro mới khai trương sẽ "hoành tráng" và có nhiều khác biệt so với những đối thủ khác trên thị trường.
Tuy vậy, cả bốn trung tâm Vinpro mới khai trương lại có mặt bằng khá nhỏ, chỉ xấp xỉ các cửa hàng dienmay.com, và nhỏ hơn nhiều nếu so với các trung tâm điện máy Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Thiên Hòa…
Tại Vinpro Đồng Khởi, trong khi Vinmart – chuỗi siêu thị của Vingroup – được dành hẳn một khu lớn tọa lạc ở tầng 2 và 3 của khu mua sắm Vincom thì Vinpro lại khá nhỏ bé nằm khiêm tốn bên cạnh.
Đầu giờ chiều một ngày giữa tuần, sau ngày khai trương Vinpro không lâu, PV có mặt tại Vinpro Đồng Khởi nhưng không thấy nhiều khách tham quan, có mặt chủ yếu vẫn là nhân viên Vinpro và nhân viên các hãng có vẻ đang đào tạo về sản phẩm cho nhân viên bán hàng của Vinpro. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng cửa hàng Vinpro ở đây được bài trí chuyên nghiệp, nhân viên bán hàng nhiệt tình.
Nhận xét về hệ thống Vinpro mới, một nhà bán lẻ lớn cho rằng Vinpro, Dienmay.com và Nguyễn Kim có thể sẽ tạo thành thế chân vạc trong tương lai.
Vinpro "mắc kẹt" trong chính sách giá?
Theo ước tính của Hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), trong năm 2015, quy mô thị trường điện tử - điện máy Việt Nam sẽ có giá trị khoảng 5,6 tỉ USD. Do đó, "đây vẫn là sân chơi lớn cho các DN mở rộng quy mô và chiếm lĩnh thị phần", như lời nhận xét của ông Ngô Quốc Bảo – Giám Đốc Trung Tâm Phát Triển Kinh Doanh FPT Shop.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Thương – Giám đốc ngành hàng điện máy Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cho rằng, sự xuất hiện của Vinpro hay Vinpro+ ‘sẽ giúp thị trường thêm thú vị. Khách hàng sẽ có thêm lựa chọn, đồng thời cũng có điều kiện cân nhắc, so sánh cho các quyết định mua sắm của mình”.
Tuy nhiên, theo ông Bảo, để đạt hiệu quả và xây dựng được lòng tin của khách hàng, thì nhận diện thương hiệu trong suy nghĩ khách hàng, chất lượng phục vụ, chính sách giá cả, khuyến mãi và chăm sóc sau bán hàng vẫn là các yếu tố cần đặt lên hàng đầu. Năng lực cạnh tranh của bất kỳ một đơn vị bán lẻ nào cũng xoay quanh các yếu tố đó.
"Sức mạnh lớn nhất của Vinpro cũng chính là sức mạnh thương hiệu Vincom từ trước đến nay, đó là ‘giá cao và chất lượng cao hơn’’, ông Thắng nói.
Nhận diện thương hiệu trong suy nghĩ khách hàng, chất lượng phục vụ, chính sách giá cả, khuyến mãi và chăm sóc sau bán hàng vẫn là các yếu tố cần đặt lên hàng đầu.
Tuy vậy, theo một chuyên gia trong ngành, Vincom là điểm mạnh, nhưng cũng là một vấn đề của Vipro vì đa số khách hàng sẽ không nghĩ rằng hàng hoá được bày bán trong các trung tâm mua sắm Vincom (được định vị nhắm vào phân khúc khách hàng cao cấp) lại ‘rẻ tiền’ hơn hàng hoá ở nơi khác mà sẽ nghĩ ngược lại. Đây là bài toán đầu tiên mà ban lãnh đạo Vinpro sẽ phải tính toán.
Nếu Vinpro muốn định giá thấp hơn các chuỗi bán lẻ khác, thì việc này sẽ đi ngược lại chiến lược định vị thương hiệu trước giờ của các trung tâm mua sắm Vincom là phục vụ cho nhóm khách hàng cao cấp, có thu nhập.
"Câu chuyện lúc này không nằm ở ban lãnh đạo Vinpro nữa, mà công ty mẹ của họ liệu có chấp nhận để thương hiệu mình "dính dáng" đến yếu tố bán rẻ, chạy đua giảm giá hay không. Hơn nữa các thương hiệu cao cấp khác từ trước giờ đã xuất hiện ở Vincom sẽ phản ứng ra sao khi trong một trung tâm mua sắm cao cấp mà họ đang thuê gian hàng lại mang tiếng là bán hàng giảm giá?", vị chuyên gia này phân tích.
Cho dù nếu giải quyết hết được bài toán đó đi nữa, thì cơ sở để Vinpro bán rẻ hơn các đơn vị khác là rất khó, vì không nhà sản xuất nào ủng hộ các nhà bán lẻ chạy đua giảm giá, còn các nhà bán lẻ khác với thị phần đang có trong ngành, cũng như với vị thế là các đối tác lâu năm của các nhà sản xuất chắc chắn cũng sẽ có những giải pháp thích hợp.
"Nếu không định vị giá rẻ, thì liệu Vinpro có tận dụng sức mạnh thương hiệu sẵn có của tập đoàn mẹ để nhắm vào phân khúc khách hàng cao cấp, sẵn sàng chi trả hay không?", vị chuyên gia này đặt câu hỏi.
"Bán một sản phẩm cho khách hàng cao cấp không phải là không thể, nhưng khó nhất là phục vụ nhóm khách hàng này thế nào. Rất nhiều khách hàng có thu nhập rất thoải mái trong việc móc hầu bao, nhưng nếu doanh nghiệp phục vụ không tương xứng với số tiền họ bỏ ra, đấy chính là rắc rối lớn nhất của doanh nghiệp".
"Một doanh nghiệp bất kì nào nếu không phục vụ khách hàng tốt hơn các đơn vị khác thì dù giá cả tương đương đã không dễ dàng cạnh tranh. Đằng này nếu giá đắt hơn, khuyến mãi ít hơn mà chất lượng phục vụ không có sự đột phá rõ rệt thì còn khó hơn nữa".
Từ những phân tích trên có thể thấy, Vinpro đang ‘mắc kẹt’ trong chính sách giá khi phải định hình phân khúc khách hàng của mình dưới ‘cái bóng’ quá lớn là Vincom hay Vingroup.
"Khách hàng đang chờ đợi sự đột phá trong chiến lược sản phẩm, chăm sóc khách hàng của Vinpro và tôi tin chắc ban lãnh đạo của Vinpro cũng có kế hoạch riêng của mình", ông Bảo nói.
H.Đ
Nguồn ICTNews