Để có thị trường mì ăn liền tỷ USD
Ngay sau khi Báo DĐDN đăng bài viết: “Vina Acecook có bị “soán” ngôi vua?, ông Lê Văn Hùng - Trưởng phòng Truyền thông - Đối ngoại của Cty CP Acecook Việt Nam đã có cuộc trao đổi xoay quanh chủ đề này.
Theo ông Lê Văn Hùng sự gia nhập của các doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp lớn là một tín hiệu tích cực cho thấy còn nhiều đánh giá triển vọng về thị trường mì ăn liền Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển mạnh, thị trường doanh thu tỷ đô cần nhiều hơn nữa…
Ông Lê Văn Hùng - Trưởng phòng Truyền thông - Đối ngoại của Cty CP Acecook Việt Nam
* Với sức tiêu thụ 5,2 tỷ gói/năm ở 2013, theo thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới và mức tăng trưởng không nhích lên bao nhiêu ở 2014, theo ông có thể nói thị trường mì ăn liền Việt Nam đang đi vào xu thế bão hòa? Liệu đó có phải là nguyên do khiến Vina Acecook giảm thị phần trong năm qua?
Thị trường mì ăn liền ở Việt Nam đã phát triển được hơn 40 năm, rất sôi động ở những năm đầu 2000 và đã trải qua một giai đoạn khá dài. Do đó, thị trường đang đi vào giai đoạn bão hòa. Điều này đã tác động đến các doanh nghiệp ngành mì , trong đó có Vina Acecook. Ngoài ra người tiêu dùng cũng đang trong giai đoạn tâm lí thử mới, tiếp nhận nhiều cái mới và sàng lọc, nhiều doanh nghiệp sẽ thay đổi thị phần là chuyện dễ hiểu.
* Nói như vậy, nếu không làm mới,Vina Acecook sẽ tiếp tục mất thị phần?
Chúng tôi vẫn làm mới mình mỗi ngày. Ngoài làm mới về bao bì, mẫu mã, thông điệp của sản phẩm Hảo Hảo, việc ra mắt các sản phẩm mới như Chíp Chíp với công nghệ ăn liền 1 phút 30s, Thế giới Mì, mì Hít Hà… cũng đã tạo nên tính mới cho thị trường. Bên cạnh đó, đối với thị trường xuất khẩu, Vina Acecook tiếp tục đa dạng hóa gần 50 nhãn hàng cho khoảng 40 thị trường, đáp ứng tốt nhất có thể cho thị trường xuất khẩu. Về mặt thương hiệu, chúng tôi cũng sử dụng các hình thức marketing mới nhằm tương tác với người tiêu dùng nhiều hơn. Qua đó, nhãn hiệu sẽ gắn bó lâu hơn, đạt mức tin cậy tốt hơn với người tiêu dùng.
* Vậy theo ông, là một người xây dựng các chiến lược marketing trong ngành mì ăn liền hơn 10 năm qua, đặc biệt là gắn bó với thương hiệu Hảo Hảo dẫn đầu thị trường, ông có đánh giá như thế nào về xu hướng đầu tư mới cho ngành hàng?
Tôi cho rằng tất cả các ngành hàng không chỉ riêng ngành mì ăn liền luôn luôn cần có sự đầu tư mới, vì nếu không có yếu tố mới thì chắc chắn ngành hàng đó sẽ bị tuột hậu. Liên quan đến vấn đề này, không chỉ riêng Vina Acecook mà với cả thị trường mì ăn liền nói chung, còn rất nhiều việc phải làm. Về phía chúng tôi, Vina Acecook sẽ rà soát lại công tác sản xuất, nguyên vật liệu, hệ thống phân phối, hệ thống quản lý… để nâng cao giá trị sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, tiếp tục tiên phong trong sản xuất sản phẩm mới, làm trẻ hóa hình ảnh một số sản phẩm để phù hợp xu hướng phát triển của thị trường…
Về tổng thể ngành hàng, theo tôi, nỗ lực đầu tư làm mới của một, hai doanh nghiệp là không đủ. Thị trường càng phát triển chậm, càng cần một sự đồng lòng trong cạnh tranh để tạo định vị mới cho ngành. Ngành mì Việt Nam hiện chưa được đánh giá cao về giá trị gia tăng lẫn giá trị đóng góp cho xã hội, trong khi đó điều này chính là yếu tố nâng cao giá trị, không ngừng tăng sức cầu của ngành mì ở các thị trường phát triển như Nhật Bản. Mà để làm được điều này, các DN cần ngồi lại với nhau, cần hạn chế đến triệt tiêu tư duy sử dụng các “chiêu” marketing có thể có lợi cho 1,2 doanh nghiệp nhưng có hại cho toàn ngành. Tôi cho rằng việc xuất hiện Hiệp hội mì ăn liền Việt Nam trong giai đoạn này là vô cùng cần thiết, thực thi vai trò cầu nối cho các doanh nghiệp. Sự đồng lòng sẽ tạo ra một thị trường mì nhiều tỷ đô.
* Xin cảm ơn ông!
“Chìa khóa phụ”
Khi mới bắt đầu ngành hàng này và từ năm 2008, với hàng loạt chiêu PR đánh vào lo sợ của người tiêu dùng như “Mì gói không sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần”, “mì vì sức khỏe” không chứa phẩm màu Tartrazine (E102), mì khoai tây không lo bị nóng…, bất chấp trong quá trình kiểm nghiệm các sản phẩm của chính Masan vẫn dính Transfat hay chỉ chứa 5% khoai tây, Masan đã từng bước khẳng định vị thế “ông trùm” và đã đẩy được các thương hiệu Omachi, Mì Tiến Vua tới nấc thang tiêu thụ mới.
Gần đây, Asia Food cũng tham gia cuộc chiến PR trong thị trường với việc “ăn theo” nhãn Hảo Hảo của Vina Acecook, cho ra sản phẩm mì Hảo Hạng. Trước đó, Mì Gấu đỏ của Asia Food cũng lại gây ầm ĩ với thông điệp “ăn theo” trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. Chưa biết số phận mì Hảo Hạng sẽ ra sao nhưng ít nhất nhờ tiếp thị “kiểu mới”, Mì Gấu Đỏ lên hàng sản phẩm trụ cột của Asia Food và nâng thị phần cho DN.
Mới đây nhất, một loạt các video clip về các sản phẩm mì ăn liền có thể đốt cháy bằng lửa cũng được phát tán trên internet… cho thấy nhiều DN mì đã và đang nỗ lực soán ngôi vương của Vina Acecook và lấn chiếm thị phần bằng mọi cách, kể cả “chơi chiêu” và cạnh tranh… giấu mặt. Rõ ràng, thương hiệu và các “chiêu” PR-Marketing là một chìa khóa phụ nhưng không kém phần quan trọng với các doanh nghiệp ngành mì.
Dù vậy, chìa khóa phụ có thể trở thành chìa khóa vạn năng, mở cửa vị giác và đưa đến quyết định lựa chọn của người tiêu dùng hay không, có lẽ, người tiêu dùng thông minh mới là người phán quyết. “Với bản đồ thị phần đang phân theo nhóm 5-3-2, trong đó Vina Acecook nắm dao động 50%, 3 doanh nghiệp còn lại năm khoảng 30% và các doanh nghiệp khác nắm 20% - thị trường mì ăn liền Việt Nam đang đi theo thế phát triển ổn định và tăng trưởng chậm.
Những đột phá trong một thị trưởng chậm sẽ khó xảy ra và ngành mì cũng còn lâu mới đi vào giai đoạn suy thoái - sau bão hòa. Nhưng để giữ được ngôi vương, bài toán của Vina Acecook sẽ phải tính đến cả việc cân đối sao cho có thêm được nhiều sản phẩm định vị được thị trường riêng như Hảo Hảo, đồng thời không để phụ thuộc doanh thu vào 1,2 nhãn hàng lớn nhất trên thị trường.
Được biết giai đoạn qua Vina Acecook đã đầu tư thêm 10 triệu USD và đưa vào hoạt động nhà máy công suất lớn ở TP HCM. Đây sẽ là lợi thế của người “bạo vì tiền”, có thể giúp DN tiếp tục dẫn đầu trong thời gian tới ”, ông Đỗ Thanh Năm – Chuyên gia Tư vấn Chiến lược nói.
Mỹ Lê
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp