Vụ "chặt cây xanh": Khủng hoảng truyền thông và tầm nhìn lãnh đạo
Liên quan đến diễn biến của vụ "chặt cây xanh Hà Nội", một trong những cụm từ đang trở thành “từ khóa” nóng nhất trong cộng đồng mạng xã hội hiện nay, ở góc độ truyền thông, nhiều chuyên gia đánh giá đây là một cuộc khủng hoảng truyền thông trên diện rộng. Ứng xử với khủng hoảng truyền thông này ra sao là cả một bài toán khó cho chính các nhà quản lý.
Trước hết, phải nói rằng vụ chặt cây xanh với những khủng hoảng thông tin đang diễn ra theo chiều hướng khá tiêu cực, mà các “ứng xử”, “đỡ lời”, “chữa cháy” cho bản chất của vụ khủng hoảng lại đang có những yếu tố nguy hiểm vượt ra khỏi một sự vụ truyền thông bình thường.
“Giọt nước tràn ly”
Nhìn dưới góc độ quản lý, sẽ thấy cuộc khủng hoảng với hệ lụy cho nhiều bên có nguyên nhân sâu xa từ cơ chế quản lý hành chính công. Cụ thể hơn, mới mẻ hơn, đó là quản lý xã hội hoá hay hợp tác công tư PPP (Public- Private Partnership). Diễn biến thông tin cho đến thời điểm này cho thấy sự thụ động của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, và bên cạnh đó là việc không lượng hoá tình hình cũng như mức độ quan trọng của sự vụ mang ý nghĩa sâu rộng, ở cả chiều kích văn hoá và lẫn tầm ảnh hưởng chính trị của giới chức Thủ đô - chưa cần xét yếu tố thời điểm rất nhạy cảm.
Nếu theo tinh thần của các lãnh đạo (hay “tư lệnh”) mẫn cán hơn, thường chúng ta sẽ thấy “người đứng đầu” của các Sở, ngành liên quan sẽ có mặt ngay tại hiện trường. Điều đó không chỉ có hiệu quả về dư luận mà còn “bảo vệ” uy tín của cá nhân lãnh đạo. Tôi là một người yêu Hà Nội và sống ở Hà Nội một thời gian đủ lâu để hiểu các vấn đề, cụ thể như con đường Nguyễn Chí Thanh từ đầu người ta đã quy hoạch khá kỹ, có thể nói đó là con đường tiêu biểu của thời kỳ Đổi Mới đầu thập niên 90s và được biển đồng tôn vinh là Con đường đẹp nhất Việt Nam, trong đó có hàng cây đã bắt đầu phủ bóng mát và toả hương… nghĩa là bắt đầu có “hồn phố”, được kết nạp vào Hà Nội Phố với các cụ kỵ cây si, lộc vừng và xà cừ… Thực tế với sự vụ đã diễn ra, ngành xây dựng quản lý cây xanh Hà Nội đã chứng tỏ họ không hề biết, hay quên rằng họ đang quản lý không chỉ là các cây xanh, các đường phố, mà đang quản ɮ&ucute; và bảo vệ, bảo tồn cả giá trị Văn hoá hồn phố, hồn người Thăng Long Hà Nội nghìn năm.
Nói đúng ra, không cần phải là nhà khoa học, không cần phải là “quan” mới độc quyền kiến thức và quy hoạch cây xanh cho Thủ đô. Xem ra với câu trả lời vô trách nhiệm của vị đại diện quan điểm lãnh đạo Thành phố Hà Nội, đã làm một hình ảnh thương hiệu Hà Nội thủ đô trong trái tim đồng bào cả nước đã bị tổn thương. Trong khi một em bé cũng biết yêu cây xanh, một cụ già cũng chia ra bản chất “lâm tặc” của sự việc.
Sự việc này chấn động dư luận Hà Nội và hiện vẫn còn đang rất nóng. Thiết nghĩ lãnh đạo cao nhất của Hà Nội không nên dùng khái niệm “chỉ đạo” mà phải “xuống đường”, đồng hành cùng quan điểm với dân và chống lại cái ác. Sự việc này tương tự như ứng xử cần thiết và cơ bản nhất đã được giới truyền thông dành cho ông chủ Tân Hiệp Phát, là hãy biết xin lỗi chân thành. Tất cả chúng ta, kể cả là “quan”, đều phải học cách xin lỗi. Chúng ta có thể học người Nhật về văn hoá Hara-kiri hay ít nhất là thái độ xin lỗi trong tư thế cúi gập đầu. Sự cúi đầu đó không làm chúng ta thấp đi mà ngược lại, chúng ta có thể ngẩng đầu cao hơn vì đã tự hào biết tôn trọng người và tôn trọng trách nhiệm bản thân.
Xử lí khủng hoảng với phong thái người Tràng An
Các học giả khác và “người dân như Nhà báo Trần Đăng Tuấn hay giáo sư Nguyễn Lân Dũng và rất nhiều người khác đều đã đề cập, có ý kiến về cách thức xử lí khủng khoảng của giới chức Thủ đô. Mỗi ý kiến đều có giá trị và tâm huyết mà ai cũng cảm nhận được. Cá nhân tôi, nhìn nhận ở góc độ chuyên môn, cho rằng có thể phân biệt ở 3 mức độ xử lí: ra thông cáo báo chí, họp báo và xử lý hiện trường.
Truyền thông phải gắn với bản chất, với tầm nhìn lãnh đạo và với quản trị chuyên nghiệp - chúng tôi gọi đó là truyền thông thương hiệu đích thực.
Thực tế đã xảy ra theo phương án “họp báo bằng thông cáo báo chí” nghĩa là diễn biến một chiều và độc thoại. Ở đây tôi chọn cách “xử lý hiện trường” (như đã nhắc trên đây. Mọi người có thể liên tưởng nhiều đến phong cách xử lý của Bộ trưởng Đinh La Thăng, theo cách gọi của riêng, đó có thể gọi là một CEO một Bộ, ngành đang điều hành với kinh nghiệp và phong cách CEO theo “Chuẩn” chuyên nghiệp, quốc tế. Ông Bộ trưởng làm được, tại sao các Lãnh đạo khác không muốn làm (?) Với phong cách điều hành theo kiểu thực tế, các Lãnh đạo cấp cao như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong thập niên 90, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đặc biệt ở thời lãnh dạo tỉnh Bình Dương và gần đây ông Nguyễn Bá Thanh với Đà Nẵng.. phương cách lãnh đạo xử lý tình huống và truyền thông kết hợp, nói theo ngôn ngữ thông thường là “có Tâm, và có Tầm” cũng chẳng phải là gì xa lạ… theo truyền thống “đối nhân xử thế” của người Việt.
Trở lại với câu chuyện Thủ đô. Có một thời mở cửa, tôi cùng nhiều bạn bè của mình từng tham gia tổ chức các chương trình thể thể thao cao cấp như Golf và Tennis cho lãnh đạo, tôi được chứng kiến tác phong của một vị lãnh đạo thời kỳ đó và thấy ông luôn ứng xử lịch lãm, và có văn hoá cao. Điều đáng tiếc nhất cũng là điều đã xảy ra với một Hà Nội, nơi đất và người đều luôn gắn với phong thái “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”… Và chắc hẳn đó chính là điều gây “shock” với những ai yêu mến người Tràng An. Chính quyền và người dân Hà Nội đã phấn đấu, nỗ lực để có được Hà Nội với bốn, năm vành đai như hiện nay, không lẽ lại ứng xử với công luận và người dân không được như tầm vóc mình đang có…
Ứng dụng mô hình Chính quyền Điện tử
Trong thời đại phát triển công nghệ thông tin vũ bão như hiện nay, chúng ta rất dễ tìm ra những mô hình chính quyền mới mẻ, trong đó có mô hình Chính quyền điện tử. Thật ra đó là mô hình gần gũi. Mọi người cứ hình dung đơn giản là những nhà quản lí chính quyền sẽ có thể gửi cho mỗi công dân của mình một email để xin ý kiến về một vấn đề bất kỳ, thậm chí là sửa ống nước, chặt cây, bán hàng rong hay “cảnh báo móc túi. Email và facebook là những phương tiện quản lý hành chính công phổ biến nhất hiện nay.
Điểm quan trọng là chính quyền, dù mô hình nào cũng phải đứng trên quan điểm của người dân, của cộng đồng (hay khách hàng).
Ở thành phố Rosemead California (Mỹ) cứ mỗi tuần tôi tự động nhận được email của thành phố thông báo đủ thứ, dù tôi chỉ là một người quan tâm, đăng ký email như là một người khách. Cách này hình như là chinh phục khách hàng tiềm năng hay CRM trong marketing cũng không sai.
Ngoài ra, để giảm thiểu sự cố thì chính quyền nên đưa ra các quy chế. Như lúc đầu tôi có đề cập, vấn đề cốt lõi mang tính hệ thống ở đây chính là quy chế quản lý xã hội hoá dịch vụ công. Ở đây chúng tôi thấy người ta cứ “úp úp mở mở” về đơn giá, về chất lượng, về chủng loại, về đấu thầu… Hình như có vẻ có nhưng không biết là có hay không. Và rõ ràng ngay từ những quy định hiện có của chính phủ thì sai phạm đã bộc lộ. Vậy điểm quan trọng là chính quyền, dù mô hình nào cũng phải đứng trên quan điểm của người dân, của cộng đồng (hay khách hàng).
Xây dựng thương hiệu cho địa phương (thành phố, quốc gia, tỉnh...) vẫn là một câu chuyện dài và lý thú. Nhưng ứng dụng cho tới nay tôi thấy mới chỉ là bề nổi. Trong đó có thương hiệu cá nhân lãnh đạo cũng cần được nhìn nhận một cách khách quan và cởi mở. Việc anh là lãnh đạo làm gì cũng phải giống như kỳ vọng và hình dung của người dân, cho nên việc xây dựng gía trị cốt lõi thương hiệu cá nhân về bản chất là xây dựng tính cách và ứng xử đúng, hướng thiện và hướng đến lý tưởng chung mà cộng đồng kỳ vọng. Tôi cho rằng trước đây khi bác Võ Văn Kiệt đánh tennis như một thói quen đó không phải là sở thích cá nhân mà qua quan sát tôi thấy rất có ý nghĩa trong việc tạo dựng mối quan hệ xã hội và phong cách lãnh đạo. Việc anh đi trồng cây phải thực sự làm một người trồng cây (chứ không phải mang giầy đen bóng), giống như ngày xưa chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây vú sữa Nam bộ. Nếu suy xét như vậy thì vấn đề truyền thông nó phải lột tả bản chất của sự việc, và có suy xét kỹ càng…
Quyền được tham vấn của người dân
Chỉ từ một hoạt động điều hành tưởng như không mấy phức tạp của TP Hà Nội, sự việc “chặt cây” đã nhanh chóng trở thành khủng hoảng trong quản trị nhà nước, của một cấp chính quyền TP.
Nguyên nhân nào khiến người dân bức xúc như vậy? Người dân TP Hà Nội vốn tự hào vì được bạn bè quốc tế gọi là TP xanh với những hàng cây có tuổi đời hàng trăm, chí ít cũng vài chục năm. Cây xanh không chỉ là niềm tự hào mà còn là quyền lợi của người dân Thủ đô. Ấy vậy mà, quyền lợi này đã bị xử lý một cách khá tùy tiện thì khó ai có thể chấp nhận được.
Chính vì vậy, khi người dân chưa nhận lời giải thích, hay trả lời thắc mắc thì họ lại nhận được một câu nói rất thiếu chuyên nghiệp. Nếu xét ở góc độ pháp lý câu nói “không phải xin ý kiến dân” được nhiều chuyên gia cho rằng không sai. Vì thực tế, từ trước đến nay, việc trồng cây, thay cây vẫn là một hoạt động bình thường của các cấp chính quyền TP và tại VN chưa có tiền lệ tham vấn cộng đồng với vấn đề như vậy. Nhưng cách trả lời này đúng vào lúc các băn khoăn, thắc mắc của người dân đang ở điểm “nút”, nên nó trở thành một lời thách thức khiến rất nhiều người dân đã trở nên giận giữ, thậm chí nhiều người còn cho rằng như vậy là coi thường dân. Đã vậy, hàng loạt câu hỏi của giới truyền thông đối với lãnh đạo TP tại buổi họp báo sau đó lại không nhận được câu trả lời nào. Hàng loạt những lời phản đối trên các trang mạng, hay phản ứng bất bình tại các nơi công cộng… đều không thấy phản hồi. Với cách điều hành và xử lý thông tin chậm chạp và thiếu chuyên nghiệp. Sự phẫn nộ của người dân lại như “đổ dầu vào lửa”… sự khủng hoảng trong quản trị điều hành của TP đã dần bộc lộ.
Sau nhiều ngày chịu sức ép của dư luận, đến ngày 18/3, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Sở Xây dựng yêu cầu rà soát lại việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên địa bàn. Đến ngày 20/3, Lãnh đạo TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp báo về vấn đề này. Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng mới chính thức thừa nhận TP có một số sai lầm, như việc các đơn vị tổ chức thực hiện thiếu thông tin minh bạch và có sự nôn nóng. Tại buổi hợp của Thường trực Thành ủy Hà Nội liên quan đến việc cải tạo, thay thế cây xanh vừa qua, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, dư luận bức xúc là có lý do chính đáng.
Vụ việc trên đã đặt ra một đòi hỏi về tham vấn cộng đồng từ người dân đối với các cấp chính quyền trước một số quyết sách liên quan đến quyền lợi cộng đồng. Theo chuyên gia PGS TS Phạm Bích San, trên thế giới, nhiều quốc gia vẫn tổ chức tham vấn ý kiến của cộng đồng những việc ảnh hưởng lớn đến lợi ích cộng đồng. Phải chăng đã đến lúc, VN cũng phải đặt một tiền lệ cho hoạt động tham vấn cộng đồng những hoạt động tương tự. Tại Việt Nam việc tham vấn cộng đồng đã được thực hiện đối với công tác xây dựng văn bản pháp luật một cách khá rộng rãi. Chúng ta đã có quy định về tham vấn cộng đồng trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề là với những quyết định nào, mức ảnh hưởng ra sao thì các cấp chính quyền địa phương cần tham vấn?
Bài học về xử lý khủng hoảng cả về chính sách và điều hành đã được đặt ra. Nếu phản ứng nhanh, tổ chức truyền thông tốt thì hậu quả chắc không đến mức khủng hoảng như vậy. Cơ hội để lấp dần những lỗ hổng trong quản trị hành chính đang dần được mở ra.
Bá Tú