Người tiêu dùng Việt chỉ là những kẻ đua đòi?
"Điện thoại không chính hãng tại Việt Nam tăng trưởng do nhu cầu chứng tỏ đẳng cấp".
Đây là một cái tít thông cáo báo chí khá dài của hãng nghiên cứu thị trường IDC Việt Nam phát đi ngày 30/3/2015, dễ gây cho người đọc cảm giác về "người Việt xấu xí" hay đua đòi và bon chen...
Nhìn từ góc độ truyền thông thời… siêu phẳng, thì đó là một cái tít dù dài nhưng lại khá giật gân gây tò mò: Người Việt chỉ biết đua đòi và chơi trội, cái gì mới ra là "tậu" ngay để khẳng định mình mà không cần quan tâm đến khả năng sử dụng, tính hiệu quả hay điều kiện kinh tế, tài chính.
Trong thông cáo có đề cập thêm những con số về sự tăng trưởng của thị trường ĐTDĐ Việt Nam, như Việt Nam nằm trong danh sách các nước ASEAN có tốc độ tăng trưởng smartphone cao nhất trong năm 2014; tổng số smartphone được phân phối tại Việt Nam cán mức 11,6 triệu chiếc trong năm ngoái, đạt tốc độ tăng trưởng 57% so với năm 2013, trong đó smartphone chiếm tỉ lệ 41% trong tổng số ĐTDĐ tại Việt Nam…
Xin không bàn tới tiềm năng thị trường ĐTDĐ Việt Nam cũng như các con số tăng trưởng ngoạn mục của nó. Ở đây tôi chỉ xin bàn đến nhận định của hãng nghiên cứu thị trường IDC khi cho rằng "Điện thoại không chính hãng tại Việt Nam tăng trưởng do nhu cầu chứng tỏ đẳng cấp". Cơ sở để IDC đưa ra nhận định này là kết quả cuộc "Nghiên cứu thị trường nhập khẩu smartphone không chính hãng tại Việt Nam năm 2014", công bố vào cuối tháng 3/2015, nhưng lại có nhận định về thời điểm năm 2013: "…smartphone không chính hãng chiếm 24% về giá trị của tổng thị trường smartphone vào năm 2013".
Thứ nhất, xét về thời điểm từ lúc công bố, trở về thời điểm nghiên cứu của đề tài, cho đến thời điểm được đề cập và nhận định, là khá cách xa nhau. Việc đưa ra nhận định của một thị trường đầy những diễn biến sôi động sau 15 tháng, không chỉ muộn màng mà thậm chí còn dễ trở nên lạc hậu, chính vì thế sự công bố này vô hình trung trở nên khập khiễng.
Nhưng đó cũng chưa phải là cái dở hay cú hớ hênh quan trọng nhất. Cho dù IDC có phỏng vấn hàng trăm người tiêu dùng về việc mua hàng không chính hãng, thì cũng không thể nói lên hết sự đại diện cho nhóm đối tượng cực kì đông đảo này đang chiếm tới 24% giá trị thị trường smartphone mà họ đang sử dụng.
Sự chủ quan, đi đến nhận định một cách áp đặt của một vài chuyên viên nghiên cứu, chứ không phải là chuyên gia, vô hình trung đã tạo ra cái nhìn lệch lạc về người tiêu dùng Việt nói chung và người dùng smartphone không chính hãng (hàng xách tay) nói riêng. Câu hỏi đặt ra là, có phải tất cả các đối tượng người tiêu dùng đang chiếm tới 24% giá trị thị trường smartphone đều xuất phát từ "nhu cầu chứng tỏ đẳng cấp"?
Khó có thể phủ nhận rằng có những đối tượng hay nhóm người tiêu dùng có tư tưởng "chứng tỏ đẳng cấp", song cũng khó có thể khẳng định được tất cả người tiêu dùng Việt đang sử dụng smartphone không chính hãng/xách tay đều có tư tưởng hay suy nghĩ như vậy. Trên thực tế có rất nhiều cơ sở, lập luận giải thích cho điều này.
Hàng smartphone xách tay được người Việt chuộng dùng tập trung phần lớn vào iPhone. Việt Nam chưa bao giờ là thị trường được Apple ưu tiên phân phối iPhone sớm sủa, mà thường sớm nhất cũng phải chậm hơn các thị trường Singapore, Hồng Kông, Mỹ, Nhật… cả tháng. Điều này được thấy quá rõ qua các năm Apple tung ra iPhone 3GS, iPhone 4, 4S, iPhone 5, 5S.v.v…
Chính vì thế, những người dùng Việt yêu thích iPhone, hoặc giả là các iFan, người ta chỉ còn biết tìm đến nguồn hàng xách tay để thoả cơn khát hay niềm yêu thích. Có ai lại cho rằng, mình yêu thích cái gì đó không phải xuất phát từ sự yêu thích mà chỉ thuần do muốn chơi trội hay thể hiện đẳng cấp không? Có thể có, nhưng không thể có tỉ lệ áp đảo.
Người tiêu dùng Việt mua dùng hàng không chính hãng/xách tay xuất phát từ nhiều lí do. Thứ nhất là muốn được tiếp cận sớm. Đối tượng này có thể vì sở thích khẳng định đẳng cấp là trên hết. Thứ hai, và có lẽ là phổ biến nhất, chính là giá cả hàng xách tay. Các đợt iPhone 5, 5S, hay iPhone 6, 6 Plus được tung ra, hàng xách tay ban đầu không hề rẻ, nhưng sau đó nó dần dà giảm mạnh và luôn rẻ hơn hàng chính hãng.
Đây là yếu tố cực kì quan trọng khiến một số lượng rất lớn người tiêu dùng Việt chọn hàng xách tay. Khi đó, mọi sự khẳng định đẳng cấp, hay đua đòi, chơi trội chẳng còn ý nghĩa gì ngoài việc mua món hàng rẻ hơn từ 1 đến 2, 3 triệu đồng, cho dù chính họ biết việc chọn mua và dùng hàng xách tay nhiều khi gặp tình trạng "tiến nào của nấy", hứng chịu hậu quả về quyền lợi không nhỏ, và thậm chí đi đến kết cục "tiền mất tật mang".
Nếu suy nghĩ theo tư tưởng này, thậm chí con số người dùng hàng xách tay chiếm đến 24% giá trị thị trường smartphone kia lại chính là những người "chơi" thiếu đẳng cấp, cũng đồng nghĩa với việc chẳng khẳng định được gì hơn. Ngược lại, để khẳng định đẳng cấp càng phải mua hàng chính hãng mới 100%, được bảo hành từ chính nhà sản xuất và phân phối chính thức trong từ 1-2 năm.
Dùng hàng chính hãng mới đáng để tự hào ngay cả dưới góc độ pháp lí, tài chính hay đẳng cấp. Và đối với nhiều hãng, chính sách bảo hành quốc tế cũng đã xoá nhoà dần phần nào ranh giới hàng chính hãng/xách tay, thì sự chọn lựa mua hàng không chính hãng vì giá rẻ hơn càng là chọn lựa của số đông.
Còn nhớ tháng 12/2012, cũng chính IDC Việt Nam phát đi thông cáo báo chí về thị trường smartphone Việt Nam trong đó "nhốt chung một rọ" các "công ty nội địa như Mobiistar, Q-Mobile và Gionee" khiến không ít người cho rằng IDC nghiên cứu thị trường kiểu… "gà mờ". Người viết bài này sau đó còn bị chính một nhân viên của IDC Việt Nam gọi điện hoạnh hoẹ, đe doạ về việc viết về sự nghiên cứu "gà mờ" đó.
Sự nghiệp kinh doanh của các công ty nghiên cứu thị trường là bán thông tin nghiên cứu, vì vậy thông tin đó không những phải xác đáng mà các nhận định còn phải thể hiện được sự nghiêm túc và trách nhiệm cao nhất. Không thể từ một vài con số, hay ý kiến của một số lượng giới hạn người trả lời khảo sát mà đi đến kết luận/qui kết rằng vài điểm chính là diện rộng.
Thẩm Hống Thủy
Nguồn VNReview