Doanh nghiệp thời trang lao đao
Gặp bà P., chủ một đại lý của hãng thời trang F. tại đường Tùng Thiện Vương, quận 8, TPHCM, bà cho biết cửa hàng của bà là cửa hàng cuối cùng trong chuỗi gần 60 cửa hàng của thương hiệu F. phải đóng cửa vì kinh doanh khó khăn.
“Họ cũng có thương hiệu lắm chứ. Nhiều khách ở Gò Vấp, Tân Bình gọi hỏi thăm hàng hóa nhưng thật thất vọng vì hàng họ không có gì. Còn mình thì coi như xui, bung ra làm ăn giữa thời buổi khó khăn...”, bà than thở.
Đóng cửa
Trước Tết, cửa hàng của bà P. vẫn mở, treo biển giảm giá mạnh để cố bán cho hết hàng tồn. Thế nhưng khách vào rồi ra tay không vì không có hàng mới. Qua Tết, bà đóng cửa hẳn, gửi hàng cho mấy đứa cháu ở chợ Xóm Củi bán dần.
Bà kể chuyện cách đây hơn hai năm, mấy đứa con của bà thấy nhà có mặt bằng để không nên nhận làm đại lý cho thương hiệu F. Lúc đó, thương hiệu này khá mạnh trên thị trường với gần 60 cửa hàng trong hệ thống, chính sách cho đại lý cũng rất tốt. Nhưng rồi, mọi thứ cứ tệ dần. Các cửa hàng lần lượt đóng cửa. Cửa hàng của bà cố duy trì dù ế ẩm vì không tốn chi phí thuê mặt bằng. “Nhưng bây giờ thì đành phải dẹp thôi. Hàng bán chậm đã đành mà đã vài tháng nay, công ty cũng không ra hàng nữa...”, bà nói.
Bà P. lý giải việc kinh doanh không tốt là do khủng hoảng kinh tế, khách hàng tiết kiệm, cắt giảm mua sắm. Bà tự an ủi là “coi như mình xui, bung ra làm ăn không đúng thời điểm”. Nhưng hơn thế, bà tiếc cho một thương hiệu thời trang đã có thời gian dài gầy dựng, đã có vị trí trong lòng người tiêu dùng mà vẫn không giữ được.
Trên trang web của thời trang F. được xây dựng như một trang mua bán trực tuyến, mọi thứ đã gần như ngưng trệ với mục có, mục không. Gọi điện cho người chủ thì nhận được câu trả lời: “Không còn làm nữa”. Cách đây hơn một năm, chủ sở hữu thương hiệu đã từng công bố đầu tư mạnh cho kênh bán hàng trực tuyến, coi đây là kênh phân phối chính trong bối cảnh kinh doanh truyền thống (bán tại cửa hàng trực thuộc và hệ thống đại lý) gặp khó khăn vì nhiều lý do: chi phí thuê mặt bằng quá lớn, chi phí điện nước, lương nhân viên, phải cạnh tranh với hàng nhái giá rẻ... Nhưng có một lý do quan trọng là sức mua trên thị trường rất yếu, yếu đến nỗi doanh số không đủ bù đắp chi phí dù cửa hàng liên tục chạy các chương trình khuyến mãi.
Lay lắt
Những thương hiệu thời trang khác cùng phân khúc thị trường, phát triển cùng thời với thương hiệu F. cũng không khá hơn là bao. Hệ thống cửa hàng tuy được duy trì (với số lượng đã giảm rất nhiều so với thời hưng thịnh) nhưng người chủ đã phải làm mọi cách, trong đó có cả cách tìm đối tác đầu tư tài chính để giữ thương hiệu.
Như thương hiệu B., các cửa hàng treo biển giảm giá quanh năm. Phần lớn sản phẩm có giá bán chỉ từ vài chục ngàn đồng đến hơn một trăm ngàn đồng mỗi chiếc, khác với trước kia, giá sản phẩm vào khoảng vài trăm ngàn đồng. Và để giảm bớt chi phí, các cửa hàng cũng đã phải cắt giảm sử dụng máy lạnh, nhân viên.
Những thương hiệu thời trang Việt Nam ở “trạng thái vừa vừa”, chất lượng không quá tốt, kiểu dáng không đặc biệt, giá cũng không rẻ nên không được người tiêu dùng lựa chọn.
Hay như thương hiệu N. có hệ thống cửa hàng hiện còn hơn 50 điểm, bằng gần phân nửa so với con số 130 thời hoàng kim. Tuy nhiên, đằng sau sự lấp lánh, hào nhoáng của các cửa hàng nằm tại các trung tâm thương mại, các trục đường lớn là sự đìu hiu của tình hình kinh doanh. Thậm chí, tòa nhà văn phòng của công ty tại quận 3, TPHCM cũng đã được bán đi. Tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và là một nhà đầu tư chuyên tìm mua các công ty cho biết chủ sở hữu thương hiệu N. đang rao bán cổ phần để có tiền đầu tư trở lại. Trước đó, công ty của người chủ này đã từng bán 20% cổ phần cho một quỹ đầu tư và cũng đã trải qua một số lần khó khăn tưởng chừng sụp đổ.
Vì đâu nên nỗi?
Một chuyên gia trong ngành bán lẻ đang làm giám đốc tiếp thị cho một hệ thống kinh doanh điện máy và giảng dạy tại một số trường đại học cho rằng sự sa sút rồi đi đến đóng cửa, biến mất của nhiều thương hiệu thời trang trong nước có nguyên nhân chính nằm ở sức cạnh tranh yếu ớt trước các thương hiệu nước ngoài tầm trung và các cửa hàng, điểm kinh doanh hàng Việt Nam xuất khẩu. Ông cho rằng những thương hiệu thời trang Việt Nam ở “trạng thái vừa vừa”, chất lượng không quá tốt, kiểu dáng không đặc biệt, giá cũng không rẻ nên không được người tiêu dùng lựa chọn. Lượng hàng bán ra không như mong đợi, không thể bù đắp chi phí bán hàng, chi phí quảng cáo, tiếp thị quá lớn và cuối cùng phải đóng cửa.
Cũng theo ông này, hiện trên thị trường vẫn còn một số thương hiệu trụ lại được và có tiềm năng phát triển. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp “chết” không hẳn vì khủng hoảng kinh tế, người dân cắt giảm chi phí mà còn vì những lý do nội tại. Thời trang khác với các ngành bán lẻ khác, nó đòi hỏi sự sáng tạo mạnh mẽ để tạo ra những sản phẩm khác biệt. Bên cạnh đó, việc định vị khách hàng, giá sản phẩm là rất quan trọng. Xác định đúng thì mới có thể tồn tại và phát triển.
Minh Tâm
Nguồn The Saigon Times