Cắt phí quảng cáo, giá sữa vẫn "trên trời"
Mặc dù từ ngày 1-3 các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi đều bị cấm quảng cáo, nhưng giá sữa vẫn không giảm.
Từ ngày 1-3-2015, tất cả sản phẩm sữa, thức ăn bổ sung... dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi đều bị cấm quảng cáo, theo nghị định 100 của Chính phủ.
Bên cạnh mục đích khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, người tiêu dùng cũng hi vọng nghị định này sẽ giúp kéo giảm giá sữa nhờ chi phí quảng cáo được cắt giảm, không còn tính vào giá thành. Tuy nhiên, các hãng sữa vẫn cho rằng chi phí quảng cáo chỉ là một yếu tố nhỏ (?), chưa đủ để tác động doanh nghiệp điều chỉnh giá.
Lách bằng các sản phẩm mới
Gần một tháng kể từ khi nghị định đi vào cuộc sống, thị trường sữa đã có cách để thích nghi trong điều kiện mới khi các hãng sữa đã nhanh nhẹn tung ra các sản phẩm mới.
Bà Hà, chủ cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông (Q.3), cho biết thời gian gần đây cửa hàng có bán thêm một số dòng dành cho trẻ từ 1-2 tuổi như Enfa của Mead Johnson dành cho trẻ 1-2 tuổi hộp 900 gam là 415.000 đồng, trong khi trước đây sản phẩm này chỉ có loại dành cho bé 1-3 tuổi, hiện dòng 2 tuổi trở lên của hãng này 370.000 đồng/hộp.
“Tuy vậy loại 1-2 tuổi mới bán chạy, sữa dành cho bé càng ít tuổi bán càng nhanh dù giá cao hơn. Các dòng bước 4 dành cho bé từ 3 tuổi trở lên tình hình tiêu thụ chậm hơn” - bà Hà cho biết.
Theo bà Hà, các dòng 1-2 tuổi ở cửa hàng còn có Anpha Gold của Vinamilk, sữa Tò Mò của Hãng Dutch Lady... Các sản phẩm sau khi tách ra không khác biệt về công thức, điều này được thể hiện rõ trên bao bì nhưng giá mới của những sản phẩm mới vẫn cao hơn.
Lâu nay các sản phẩm sữa thường được chia độ tuổi 1-3 và 3-6, chưa phân độ tuổi 1-2, vì vậy theo các hãng sữa, để phù hợp với quy định mới cấm quảng cáo đối với sản phẩm cho trẻ dưới 2 tuổi trở xuống, hãng sữa đã phân lại độ tuổi.
Theo lý giải của đại diện Mead Johnson, việc đưa ra thị trường dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 1-2 tuổi này chỉ dành riêng thị trường VN nhằm thích nghi với quy định mới có nhiều cải tiến về chất lượng.
“Dù mới tung ra thị trường nhưng sự chuẩn bị đã thực hiện từ hai năm trước, ngay khi dự thảo ra đời”, đại diện Mead Johnson nói thêm.
Dạo quanh thị trường sữa, khuyến mãi theo hình thức tặng quà là phổ biến nhất. Nhiều điểm bán cho biết từ sau tết đến nay, sức mua thị trường sữa vẫn chưa nhiều khởi sắc cho dù giá sữa từ năm ngoái đến nay không biến động nhiều, một vài dòng có giảm 20.000-30.000 đồng/hộp.
Ngân sách quảng cáo gắn liền với doanh số bán được. Một khi doanh số đi xuống, chi phí dành cho quảng cáo cũng sụt giảm theo.
Chị Thanh, một khách hàng mua sữa có con vừa tròn 1 tuổi, cho biết dù có hai con nhỏ nhưng từ trước đến nay chọn sữa theo “truyền miệng” giữa các bà mẹ. “Mình kết hợp nuôi con bằng sữa mẹ giặm thêm sữa ngoài.
Thật ra sữa công thức đều có thành phần giống nhau, chẳng qua bé hợp vị nào thôi nên đến cửa hàng, nhân viên bán hàng tư vấn hoặc có khuyến mãi gì hấp dẫn thì sẽ cân nhắc” - chị Thanh nói.
Ông Vũ Quốc Tuấn, trưởng phòng thông tin đối ngoại Nestlé VN, cho biết từ cuối năm ngoái công ty đã ngừng quảng cáo các sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 2 tuổi trở xuống chứ không phải đợi đến ngày 1-3-2015.
“Ngay khi nghị định mới ra đời, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã dừng cấp phép cấp mới quảng cáo nên nhiều công ty sữa cũng đã ngừng quảng cáo sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi” - ông Tuấn cho biết.
Phụ trách đối ngoại một công ty sữa cũng thừa nhận với nghị định 100, nhà sản xuất gần như không có một hoạt động tiếp thị nào để tiếp cận người tiêu dùng với những sản phẩm dành cho trẻ dưới 2 tuổi.
“Ngay cả nhân viên tiếp thị bán hàng cũng không được tư vấn, việc tặng những cuốn cẩm nang cũng bị cấm vì cho đó là hình thức quảng cáo tờ rơi. Theo quy định này, người tiêu dùng chỉ tiếp nhận thông tin dựa trên lời khuyên của các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng. Như vậy người tiêu dùng sẽ tự quyết định loại sữa cho mình chứ không được tư vấn các thành phần trong sữa như trước” - ông này cho biết.
Theo các chuyên gia, về nguyên tắc quy định này sẽ tạo điều kiện sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi rẻ hơn vì không phải bị đội giá do chi phí quảng cáo. Nhưng các hãng sữa cho rằng người tiêu dùng cần tiếp cận nghị định 100 “ở góc độ khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ chứ không nên mong chờ giá sữa giảm”.
Đại diện một nhãn hàng sữa nước ngoài cho rằng ngân sách quảng cáo gắn liền với doanh số bán được. Một khi doanh số đi xuống, chi phí dành cho quảng cáo cũng sụt giảm theo. “Giá thành sản phẩm được quyết định bởi nhiều yếu tố đầu vào như bột sữa (chiếm 30%), xăng, điện, chi phí hàng tồn, kho bãi, nhân công... Các yếu tố này chiếm tỉ lệ lớn nhưng ít bị tác động.
Hiện sức mua đang thấp kéo những chi phí này tăng cao nên chúng tôi chưa nghĩ đến việc giảm giá” - ông này cho biết.
Quyền lợi người tiêu dùng bị bỏ quên
Bà Gift Samabhandhu, tổng giám đốc Mead Johnson Nutrition tại VN, cũng cho rằng mặc dù nghị định có hiệu lực từ ngày 1-3 nhưng hiện tại các công ty sữa đang chờ thông tư hướng dẫn để thực hiện.
Bản thân công ty cũng hi vọng việc giảm giá sữa sẽ kích được người tiêu dùng sử dụng sữa nhiều hơn, nhưng thực tế không phải vậy. Từ năm ngoái đến nay khi Nhà nước áp dụng quy định trần giá sữa, sức mua thị trường sữa không những không tăng mà còn giảm về cả số lượng lẫn doanh số.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng cách lý giải của các hãng sữa như vậy không thuyết phục. Từ trước đến nay, chi phí quảng cáo luôn là cái cớ để hãng sữa neo giá cao, chiếm đến 20%, thậm chí 30% giá thành sản phẩm sữa.
Hiện nay chi phí này được cắt đi không tính vào giá thành, hãng sữa phải tính toán sòng phẳng với người tiêu dùng. “Các cuộc thanh tra trước đây đều cho thấy giá sữa đội cao do chi phí bán hàng, marketing... của hãng sữa quá cao. Bây giờ Nhà nước đã có công cụ kiểm soát giá, nếu không có biện pháp chế tài thực hiện, quyền lợi của người tiêu dùng tiếp tục bị bỏ rơi” - ông Long nói.
Quảng cáo nhiều, người tiêu dùng chịu thiệt
Các hãng sữa cho rằng việc cấm quảng cáo sữa dành cho bé đến 2 tuổi là hơi mạnh tay vì sữa cũng có nhiều dòng, một số cho trẻ em hay bị dị ứng, trẻ bị tiêu chảy, một số cho trẻ kém ăn, biếng ăn... Người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi vì bị thiếu thông tin khi chọn sữa.
Tuy nhiên, đứng trên khía cạnh người tiêu dùng, bà Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, cho rằng nghị định 100 cấm các quảng cáo sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 2 tuổi trở xuống nhằm mục đích khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, vì vậy không thể nói điều này là thiệt thòi cho người tiêu dùng vì sợ họ thiếu thông tin khi lựa chọn sữa.
“Thậm chí quảng cáo nhiều, dồn dập như trước đây mới là thiệt thòi cho người tiêu dùng. Các mẩu quảng cáo sữa thường thổi phồng gấp nhiều lần so với thực tế. Sữa nào cũng được quảng cáo có chứa chất này chất kia giúp trẻ thông minh, cao lớn vượt trội làm người tiêu dùng, nhất là các bà mẹ, rơi vào ma trận quảng cáo” - bà Thu nói.
Theo bà Thu, sản phẩm sữa là mặt hàng thiết yếu, việc cấm quảng cáo sẽ không gây tác hại đến mức nhà sản xuất không bán được hàng. Chưa kể doanh nghiệp sữa đã được dỡ bỏ trần quảng cáo theo luật số 71, các công ty sữa vẫn được quảng cáo theo chiến lược của mình, chỉ trừ dòng cho trẻ đến 2 tuổi.
- ★ -
Phải loại chi phí quảng cáo để giảm giá bán
Từ ngày 15-4, theo yêu cầu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa phải loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi theo đúng nghị định số 100.
Ngoài ra, các sở tài chính phải yêu cầu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa kê khai lại giá sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, trong đó loại trừ chi phí quảng cáo để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Ngọc Tuyến, phó chánh thanh tra Bộ Tài chính, cho biết qua nhiều đợt thanh tra, kiểm tra giá sữa trong các năm qua, kết quả cho thấy nhiều doanh nghiệp sữa chi phí cho quảng cáo vượt mức quy định là 10%. Do đó nếu doanh nghiệp nào nói chi phí cho quảng cáo sữa rất ít là hoàn toàn không chính xác.
Dẫn kết quả thanh tra giá sữa tại năm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa chiếm thị phần lớn nhất (Vinamilk, Công ty TNHH dinh dưỡng 3A VN, Công ty TNHH Nestlé VN, Công ty TNHH Friesland Campina VN, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition VN), được Bộ Tài chính và Bộ Công thương thực hiện cách nay một năm, ông Tuyến cho biết trong năm 2013 và ba tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp đã chi quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị cho các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi vượt mức quy định, trong đó có công ty có số chi vượt tới 249 tỉ đồng.
Thậm chí có công ty chi cho hoạt động này lên tới hơn 811 tỉ đồng, chiếm đến 21% giá thành. Đây là nguyên nhân chính khiến giá thành, giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tăng tương ứng từ 2,18% - 16,39%.
L. Thanh
Như Bình
Nguồn Tuổi Trẻ Online