Tim Cook có "lãng quên" Steve Jobs?
Khi giới truyền thông "dựng chuyện" rằng đã có "5 điều Apple làm trái ‘ý chỉ' của Steve Jobs" từ sau khi ông này qua đời ngày 5/10/2011 thì cũng được hiểu rằng có không ít người muốn "gia cố" vị trí của… cố CEO Steve Jobs trong lòng Apple.
Thế nhưng trong một thế giới có quá nhiều thay đổi khi "thời gian đi xám mặt đỉnh đồng" (thơ Nguyễn Duy), thì chính Apple đã thay đổi trước tiên bằng sự cần thiết phải làm trái "thánh ý" của Jobs.
Thận trọng như… Cook!
Những "tín đồ" của "táo khuyết" lãng quên được Steve Jobs đã khó; với những "người Apple", để lãng quên "thánh" CEO của họ càng khó hơn.
Với đương kim CEO Tim Cook, việc "lãng quên" cố lãnh đạo của ông hẳn cũng khó khăn như việc ông phải công khai giới tính thứ ba của mình. Nhưng Tim Cook đã làm như không thể làm khác để bảo vệ cá nhân ông, bảo vệ vị trí quyền lực của ông tại Apple, và trên hết là bảo vệ "vương quốc táo" đứng đầu trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (với giá trị doanh nghiệp hơn 700 tỉ USD).
Thực tế trong 5 điều Apple/Tim Cook làm trái "ý chỉ" của "thánh" Jobs, thì hầu hết là sự làm trái cần thiết và mang lại hiệu quả. Chỉ cần nêu ra 2 hạng mục mà Tim Cook làm được giúp cho giá cổ phiếu Apple tăng ào ạt để trở thành doanh nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới, đó là sản phẩm iPad mini và iPhone 6, iPhone 6 Plus.
Sinh thời, Jobs nói không với iPad màn hình nhỏ hơn 9 inch. Nhưng 1 năm 19 ngày sau khi Jobs mất, chính Tim Cook giới thiệu iPad mini trên sân khấu hoành tráng. Và chính iPad mini tạo ra làn gió mới giúp cho doanh số máy tính bảng của Apple tăng mạnh. iPad mini ra đời cho thấy một sự thay đổi đầy nhạy cảm và tinh tế khi tâm lí nhàm chán bắt đầu cộng với sự mỏi mệt của đôi tay khi sử dụng lâu iPad 10 inch hàng ngày.
Sinh thời, Jobs cười khẩy với các ý tưởng iPhone màn hình lớn (phablet) và cho rằng chẳng ai mua những smartphone vượt quá cỡ bàn tay. Tim Cook đã không dám "lãng quên" ngay người tiền nhiệm với bằng chứng là các dòng iPhone 4S và iPhone 4S "kéo dài" (iPhone 5, iPhone 5S) sau đó không có gì đột phá, và đặc biệt là không đúng như mong đợi của số đông người tiêu dùng. May mà, "Táo" bảo thủ thì "Sung" cũng "thúc thủ" ở dòng Samsung Galaxy S5, nhờ đó iPhone 5S dù không xuất sắc nhưng cũng đã đạt được doanh số khả quan.
Với những gì Tim Cook dẫn dắt và làm được tại Apple đến thời điểm ra mắt iPhone 5S chắc chắn khó mà quật ngã được gã khổng lồ Samsung. Phải đến iPhone 6 và iPhone 6 Plus, Tim Cook mới thực sự "lãng quên" Steve Jobs, điển hình ở hai kích cỡ màn hình căng rộng ra 4.7 inch và 5.5 inch. Một câu hỏi đặt ra là: Vì sao Cook sớm bỏ ngoài tai "thánh ý" về iPad cỡ nhỏ (sau 1 năm Steve Jobs mất) nhưng phải mất đến 3 năm mới dám lãng quên "thánh ý" về iPhone màn hình lớn?
Thứ nhất, iPhone vẫn là dòng sản phẩm chủ lực đóng góp khoảng 70% doanh số và 80% lợi nhuận của Apple. Việc thử nghiệm làm trái "thánh ý" mà chọn dòng sản phẩm chủ lực, nếu xảy ra rủi ro thì hậu quả khó lường. Trong khi đó, sản phẩm iPad mini ngay thời điểm Apple cho ra mắt thì trên thị trường đã có dòng máy tính bảng Galaxy Tab 7 inch của Samsung từng bước khẳng định sự hợp thời nhờ kích cỡ nhỏ gọn và nhẹ nhàng; hơn nữa nếu có xảy ra rủi ro thì hệ lụy cũng nhẹ gánh hơn. Thứ hai, việc thử nghiệm "lãng quên" Steve Jobs với sản phẩm iPad mini cũng đồng thời để thăm dò thị trường và dư luận về sự làm khác với quan điểm của Steve Jobs đối với sản phẩm iPhone. Kinh doanh là vậy, nếu phải mất thì thà mất 1 chứ không để mất 10.
Thứ ba, với iPhone 6 và iPhone 6 Plus, nhỡ như màn hình 4.7 inch vẫn được xem là nhỏ thì đã có màn hình 5.5 inch đáp ứng. Cook mang đến cho người tiêu dùng 2 sự lựa chọn, thể hiện sự linh hoạt trong kinh doanh và được tiếng là trân trọng iFan lắng nghe người tiêu dùng. Nhánh iFan "bảo thủ" có thể giữ cảm tình với Apple qua iPhone 6, còn nhánh "cấp tiến" lại có thể hồ hởi với 6 Plus. Nhưng sâu xa hơn, đó là một nước cờ đầy tính toán của Cook. Ông đã "lãng quên" người tiền nhiệm của mình theo một cách thận trọng, còn chừa đường lui và vớt vát, thua cái này còn được cái kia.
Sự "lãng quên" nở hoa
Quý cuối năm 2014 với sự công phá thị trường của hai khẩu "đại pháo" iPhone 6 và iPhone 6 Plus, theo nhiều hãng nghiên cứu, đã giúp cho Apple "rửa hận" Samsung sau 3 năm bị soán ngôi "hãng smartphone số 1 thế giới".
Nếu Jobs còn sống và tiếp tục áp đặt các "thánh ý" bảo thủ đến cay nghiệt, hay nói cách khác là nếu Tim Cook không dám "lãng quên" Steve Jobs dù với từng bước thận trọng, thì chưa chắc Apple có được quả ngọt vào cuối năm 2014 với 74,5 triệu iPhone được bán ra trong quí IV và đặc biệt là khoản lợi nhuận quí đạt mức kỉ lục vô tiền khoáng hậu 18 tỉ USD.
Thế thì sự "lãng quên" hay trái "thánh ý" của Tim Cook đối với Steve Jobs cũng là việc cần làm và cần thiết phải làm. Song cần xác định rõ rằng, dư luận lâu nay hay nhầm lẫn về giá trị đóng góp cơ bản nhất của cố CEO Apple.
Những giá trị tích cực nhất, bền vững nhất mà "thánh" Jobs mang lại cho ngành ĐTDĐ nói chung và smartphone nói riêng, mang lại cho thế giới này và thị trường - người tiêu dùng, chính là những triết lí về chuẩn mực thiết kế và chất lượng sản phẩm, chứ không phải những quan niệm/quan điểm cá nhân bảo thủ đến nghiệt ngã mà vì nó Apple đã mất "ngôi vương" smartphone vào tay Samsung thời điểm cuối năm 2011.
Tim Cook đã lãng quên và thực sự đã bỏ ngoài tai những quan niệm/quan điểm lạc hậu, bảo thủ của Steve Jobs. Đó là điều tất yếu xảy ra. Bởi lẽ trên thực tế, cả hai có cùng một triết lí về chất lượng thể hiện qua các thế hệ iPhone và iPad trước và sau khi Steve Jobs qua đời; nhưng về tính cách, sở thích, quan niệm/quan điểm thì lại có nhiều khác biệt.
Jobs không ưa người đồng tính và cấm "léng phéng" vấn đề này tại trụ sở Apple, còn Cook thì tự nhận mình là người đồng tính. Jobs giàu sụ nhưng không hứng thú với việc làm từ thiện, còn Cook thì thích thú với công tác này. Jobs muốn phần mềm trên iOS được thiết kế giống với cuộc sống thực nhưng Cook thì không, một năm sau khi Jobs qua đời, Scott Forstall - Giám đốc điều hành phần mềm từng là cánh tay đắc lực thiết kế phần mềm theo "thánh ý" của Jobs - bị sa thải.
Tim Cook "lãng quên" Steve Jobs một cách thận trọng nhưng khéo léo không làm cho những "người Apple" hay iFan cảm thấy sự thay đổi của ông là một sự đạp đổ bức tượng đài người tiền nhiệm. Ông thay đổi Apple và thị trường smartphone theo hướng hướng đến người tiêu dùng và đã đạt được kết quả ngoài mong đợi mà không cần hùng hồn tuyên bố như câu nói "Change, we can believe in" (Chúng ta tin vào sự thay đổi) như khi Obama tranh cử tổng thống nhiệm kì đầu tiên năm 2008.
Và như thế, Tim Cook đã dần từng ngày khẳng định hình ảnh, vị trí và quyền lực của mình tại Apple và trong làng smartphone thế giới.
Thẩm Hồng Thụy
Nguồn VnReview