Chuyện “con ruồi” và sự thái quá của truyền thông

Vụ việc "con ruồi" diễn ra vừa qua đã bộc lộ sự không ổn trong ứng xử của cả ba phía (người tiêu dùng, DN và truyền thông mạng) đã dẫn đến hậu quả không nhỏ.

1. Trong khi vụ việc "con ruồi trị giá nửa tỷ đồng" xảy ra ở Tiền Giang mà người đòi "giải quyết" vụ việc... 1 tỷ đồng đang bị công an tạm giam, chưa có hồi kết thì những ngày vừa qua, thông tin về một số sản phẩm đồ uống của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát có vật thể lạ lại liên tiếp xuất hiện ở tỉnh này tỉnh kia và đồng thời với đó cũng liên tiếp xuất hiện trên báo chí, truyền thông với lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm này. Và việc Hội Bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng, Cà Mau, Khánh Hòa... nhận được phản ánh về chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát "có vấn đề" cho thấy, dường như người tiêu dùng đã có cách ứng xử khôn ngoan sau vụ việc ở Tiền Giang.

Mặc dù vậy, dư luận vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn rằng câu chuyện "con ruồi" trong chai nước ngọt của Hãng Tân Hiệp Phát cùng những dư âm sau đó có gì đó... không hề bình thường.

Chuyện “con ruồi” và sự thái quá của truyền thông

Trước hết, phải khẳng định chuyện sản phẩm có lỗi lưu thông trên thị trường là không hiếm với bất kỳ một nhà sản xuất nào trên thế giới, vấn đề cần nói là doanh nghiệp (DN) đó xử lý, khắc phục sự cố thế nào mà thôi. Người Việt Nam cũng đã quen với việc thi thoảng báo chí lại đưa tin các "đại gia" như Toyota, Ford, thậm chí cả BMW, Audi... thông báo thu hồi một lô ô tô cả triệu chiếc có lỗi ở một bộ phận nào đó để khắc phục. Đơn cử như tháng 4-2014, Toyota thu hồi hơn 6,39 triệu xe trên toàn cầu do lỗi ở hệ thống lái và ghế ngồi. Trước đó, Hãng Chrysler cũng thu hồi gần 870.000 xe dòng thể thao do lỗi ở hệ thống phanh. Trong lĩnh vực thực phẩm, đầu tháng 2 vừa qua, lãnh đạo chuỗi nhà hàng McDonald's tại Nhật Bản đã phải lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng vì vụ phát hiện... mẩu răng người trong sản phẩm khoai tây chiên tại một nhà hàng ở Osaka! Tương tự, báo Japan Times hồi tháng 1 đưa tin Công ty Asahi Holdings phải thu hồi 120.000 túi thực phẩm trẻ em sau khi một khách hàng phát hiện một con dế bên trong một túi thực phẩm. Sau khi điều tra, Asahi Holdings xác nhận túi thực phẩm này được đóng gói tại nhà máy của công ty ở thành phố Kazo và lãnh đạo công ty đã phải xin lỗi khách hàng... Có thể thấy sự cầu thị, tôn trọng người tiêu dùng đã giúp các DN vượt qua khủng hoảng, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và bảo vệ được thương hiệu của mình. Ở Việt Nam, sản phẩm Coca Cola đã nhiều lần bị khiếu kiện um xùm vì chất lượng không bảo đảm, có vật lạ, tuy nhiên sau đó những vụ việc này thường rơi vào im lặng, có thể do hai bên đã tự thỏa thuận, dàn xếp ổn thỏa hoặc là vì một lý do nào đó... Sự việc Tổng Giám đốc Pepsico Việt Nam phải xin lỗi khách hàng hồi tháng 7-2011 vì sự cố hàng loạt chai nước tinh khiết Aquafina bị phát hiện lắng cặn là một ví dụ hiếm hoi về "văn hóa xin lỗi người tiêu dùng" của cộng đồng DN ở nước ta.

Trở lại với nghi án "con ruồi trong chai nước", rõ ràng vị khách hàng ở Tiền Giang nhận 500 triệu đồng (trước đó đòi 1 tỷ đồng) để đổi lấy sự im lặng, bản chất là hành vi tống tiền, chiếm đoạt tài sản công dân. Tuy nhiên, về phía DN sau khi thỏa thuận không được, thay vì lập biên bản, mời cơ quan giám định độc lập, nếu đúng sản phẩm của mình bị lỗi thì xin lỗi, thu hồi và khắc phục, xử lý sự cố, thì "đại gia" này lại ứng xử một cách quá cứng nhắc: ban đầu là thảo luận chuyện tiền nong, sau đó là báo cơ quan công an; rồi luôn chứng minh dây chuyền sản xuất của DN hiện đại không thể có chuyện vật lạ lọt vào chai... Hệ quả là một người lâm vào vòng lao lý, còn nhà sản xuất bị hứng "gạch đá" của truyền thông mạng, đến nỗi đại diện Tân Hiệp Phát phải ngậm ngùi kêu rằng "bị chơi xấu, bị cạnh tranh không lành mạnh", và "nếu truyền thông không ủng hộ thì vài năm nữa chúng tôi sẽ phá sản...".

Chuyện “con ruồi” và sự thái quá của truyền thông

2. Công bằng mà nói: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát là một DN nội được đánh giá đủ sức đối chọi với DN nước ngoài trên thị trường nước giải khát vốn đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Tân Hiệp Phát đã trở thành thương hiệu mạnh với nhiều sản phẩm bán khắp trong Nam ngoài Bắc, chiếm tới 58% thị phần, đóng góp đáng kể cho ngân sách và tạo việc làm cho nhiều lao động. Trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay thì những DN như Tân Hiệp Phát được kỳ vọng sẽ là điểm sáng trong cộng đồng DN Việt Nam.

Về nguyên tắc thì người Việt Nam chúng ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm khuyến khích, bảo vệ cho DN Việt Nam và hàng Việt Nam phát triển. Đó là hành động cụ thể để thể hiện lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc. Việc ưu tiên tiêu dùng hàng nội sẽ khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, đồng thời góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng sính hàng ngoại, giảm nhập khẩu và giảm lệ thuộc vào nước ngoài. Nhìn ở tầm vĩ mô, chắc chắn chúng ta không thể xây dựng một quốc gia giàu mạnh, kinh tế phát triển vững chắc, tự chủ tự cường nếu không có cộng đồng DN trong nước phát triển, với những thương hiệu mạnh, hàng hóa chất lượng. Cũng cần nói thêm là ở các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng từng có cuộc vận động ưu tiên dùng hàng nội địa để giúp đất nước họ nhanh chóng vượt qua khó khăn về kinh tế. Hàn Quốc đã có thời kỳ yêu cầu các quan chức dùng xe công sản xuất trong nước, tự giác tiêu dùng hàng hóa nước mình ở trong nước và cả khi ra nước ngoài, coi đây là tiêu chí đánh giá phẩm chất của người lãnh đạo, quản lý... Xu hướng hiện nay ở các nước, dù tham gia hay không tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng đều có những động thái cần thiết (hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá...) để hạn chế hàng ngoại, tạo điều kiện cho hàng hóa trong nước cạnh tranh, phát triển. Ở Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương, giải pháp đúng đắn để phát triển hàng Việt Nam. Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cùng những chính sách kích cầu đã lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo người dân hưởng ứng, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam và DN Việt Nam phát triển.

Chuyện sản phẩm có lỗi lưu thông trên thị trường là không hiếm với bất kỳ một nhà sản xuất nào trên thế giới, vấn đề cần nói là doanh nghiệp đó xử lý, khắc phục sự cố thế nào mà thôi.

Song, nói như thế không có nghĩa là chúng ta chấp nhận cả những sản phẩm hàng nội kém chất lượng, thực phẩm nội có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Một trong những mục tiêu của cuộc vận động là sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, bên cạnh việc động viên, khuyến khích những DN năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đầu tư đổi mới tư duy quản lý và công nghệ, sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng về chất lượng và mẫu mã, thực hiện đúng cam kết dịch vụ sau bán hàng... chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh, phê phán, xử lý nghiêm minh những DN có tư tưởng làm ăn chụp giật, chạy theo lợi nhuận, cố tình sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm bẩn, kém chất lượng. Điều đó là thái độ ứng xử không hề thay đổi của Nhà nước cũng như người tiêu dùng.

3. Khuyến khích hàng nội có chất lượng hay đấu tranh xử lý hàng nội kém chất lượng thì truyền thông có vai trò cực kỳ quan trọng. Ở nước ta hiện đang tồn tại hai loại hình truyền thông: Ngoài truyền thông chính thống là hệ thống báo chí của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp (bao gồm cả báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử), còn có loại hình mạng xã hội. Về nguyên tắc thì hai loại hình này bổ trợ cho nhau. Tuy nhiên, nếu như loại hình truyền thông chính thống được quản lý chặt chẽ bởi Luật Báo chí và những quy định khác của pháp luật thì mạng xã hội hiện vẫn chưa có sự kiểm soát phù hợp. Vì vậy, bên cạnh mặt tích cực thì trong nhiều trường hợp cụ thể, mạng xã hội (thậm chí kể cả một số cơ quan truyền thông) đã bộc lộ không ít hạn chế, tiêu cực như đưa thông tin không kiểm chứng, "ném đá tập thể", lợi dụng phê phán khuyết điểm để vùi dập, tạo scandal nhằm "đánh" đơn vị này, cá nhân kia. Cách đây vài năm từng có chuyện một "nhà báo" chứng kiến người dân một xã ở huyện Đông Anh (Hà Nội) rửa trứng gà bằng dung dịch pha nước rửa bát (để cho sạch, bảo đảm mẫu mã trước khi xuất ra thị trường) đã biến thành sự kiện "trứng gà ngâm tẩm hóa chất" rùm beng trên truyền thông mạng; hậu quả là trong 6 tháng liền mỗi ngày các hộ chăn nuôi ở Đông Anh thiệt hại khoảng 650 triệu đồng (!)... Với vụ việc "con ruồi" trong chai nước ngọt của Tân Hiệp Phát và những dư âm của nó, có vẻ ban đầu truyền thông đấu tranh cho lẽ phải, phê phán hàng hóa kém chất lượng, thế nhưng trong khi cơ quan chức năng chưa có kết luận, đúng - sai chưa rõ ràng thì sự vùi dập của truyền thông đã dẫn đến nguy cơ một thương hiệu DN nội bị "sứt mẻ" nghiêm trọng, không những không mang lại lợi ích gì cho xã hội mà còn giúp một số kẻ "đục nước béo cò", cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi đó, chỉ trong vòng khoảng gần một tháng mà hàng trăm tài khoản mới trên facebook, hàng trăm trang mạng mới xuất hiện chỉ để "đánh" Tân Hiệp Phát và kêu gọi tẩy chay sản phẩm của DN này. Như vậy đâu có phải là chuyện bình thường! Và có ai đã và đang "ném đá tập thể" đó dám khẳng định rằng mình không có tâm lý đám đông, thậm chí khẳng định rằng mình hoàn toàn trong sáng !?

Chuyện “con ruồi” và sự thái quá của truyền thông

Rõ ràng là vụ việc "con ruồi" diễn ra vừa qua đã bộc lộ sự không ổn trong ứng xử của cả ba phía (người tiêu dùng, DN và truyền thông mạng) đã dẫn đến hậu quả không nhỏ. Đây sẽ là lời cảnh báo sâu sắc không chỉ cho người tiêu dùng trong việc phải hiểu và sử dụng đúng quyền và lợi ích chính đáng của mình như luật pháp quy định, mà còn cho cộng đồng DN Việt về kinh nghiệm ứng xử với sự cố (nhất là trước "sân chơi" lớn mà những hiệp định thương mại tự do đã và đang đặt ra). Đồng thời cũng là dịp để truyền thông rút ra bài học về việc "ném đá tập thể" một cách thái quá sẽ dẫn đến nguy cơ làm hỗn loạn thị trường, khiến người tiêu dùng mất lòng tin, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường quản lý chặt, xử lý nghiêm nhằm chấn chỉnh tình trạng thái quá của truyền thông mạng, kiên quyết ngăn chặn hiện tượng lợi dụng công cụ truyền thông, tự do ngôn luận để phục vụ mục đích cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Đối với những thông tin phản ánh về chất lượng sản phẩm của DN, các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương kiểm tra, làm rõ, nếu có vi phạm về chất lượng thì phải xử lý nghiêm nhà sản xuất, công khai kết quả trên cơ quan truyền thông để người tiêu dùng biết. Mặt khác, nếu có những hành vi dùng thủ đoạn "xã hội đen", "luật rừng", kể cả việc lợi dụng truyền thông nhằm mục đích triệt hạ DN làm ăn nghiêm túc, thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật... Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng nhà sản xuất làm ăn gian dối, ngăn chặn tình trạng cạnh tranh trái pháp luật, làm lành mạnh xã hội, đồng thời bảo vệ, khuyến khích các DN trong nước phát triển, sản xuất ra hàng hóa Việt Nam có chất lượng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Lê Đức Hải
Nguồn Hà Nội Mới