Quản trị doanh nghiệp Việt: Tồn tại hay không tồn tại?
Nhìn từ quy định của pháp luật cũng như việc thực thi, có thể thấy quản trị doanh nghiệp (QTDN) ở Việt Nam chưa hiệu quả, còn lạc hậu, cần được cải thiện nhiều mặt.
Xếp hạng 22/25
Trong báo cáo mang tên "Cân bằng giữa nguyên tắc và sự linh hoạt" đề cập tính minh bạch, khả năng thực thi và một số công cụ trong QTDN đang được áp dụng tại 25 thị trường, trong đó có Việt Nam, do Công ty Kiểm toán và Tư vấn KPMG và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) công bố vào cuối tháng 1/2015 vừa qua, bộ công cụ QTDN của Việt Nam xếp thứ 22/25, chỉ đứng trên Myanmar, Brunei, Lào và thấp hơn Campuchia (thứ 20) cũng như cách biệt khá xa so với Thái Lan (thứ 11).
Xét số lượng các quy định về QTDN ở Việt Nam, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, ngoài Thông tư 121/2012 quy định về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng mang tính bắt buộc và hướng dẫn thực thi QTDN theo nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mang tính tự nguyện, Việt Nam còn có những hoạt động, dự án liên quan đến QTDN như xuất bản "Sổ tay quản trị công ty", dự án "Báo cáo thẻ điểm quản trị công ty" (2009 - 2012) của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)...
Tuy nhiên, ông John Ditty, Giám đốc Tư vấn của KPMG ở Việt Nam đánh giá, so với mức trung bình 4 quy định và luật về QTDN ở 25 nước tham gia khảo sát, Việt Nam có rất ít quy định liên quan đến QTDN. Bà Anh Đào thừa nhận: "Quản trị công ty của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần cải thiện".
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá, mức độ cập nhật quy tắc QTDN của Việt Nam còn chậm chạp so với biến động thực tế. Trong khi các nước đều cập nhật quy tắc QTDN hằng năm thì Việt Nam vẫn sử dụng các quy định ban hành từ 2 - 3 năm trước đó.
Đi vào chi tiết, báo cáo của KPMG và ACCA tập trung vào 4 yếu tố chính, gồm: lãnh đạo và văn hóa công ty, chiến lược tạo hiệu quả, giám sát và tuân thủ, sự tham gia của các bên liên quan.
Báo cáo cũng lấy bộ quy tắc QTDN của OECD làm cơ sở so sánh, tham chiếu, đánh giá việc thực thi. Kết quả, dù các chỉ số nghiên cứu cho thấy Việt Nam đã và đang thực hiện khá tốt một số yếu tố then chốt như tính độc lập của giám đốc, vai trò của ban quản trị và quyền lợi của cổ đông, nhưng vẫn còn một số lĩnh vực cần cải thiện.
Trong khi các nước đều cập nhật quy tắc QTDN hằng năm thì Việt Nam vẫn sử dụng các quy định ban hành từ 2 - 3 năm trước đó.
Cụ thể, ở yếu tố lãnh đạo và văn hóa công ty, nhóm cổ đông lớn vẫn tác động mạnh đến công ty. Quy tắc hành xử của các thành viên hội đồng quản trị vẫn còn nhiều điểm phải điều chỉnh; hay mức độ tuân thủ nguyên tắc của OECD của Việt Nam trong vấn đề thù lao cho hội đồng quản trị, lương, hệ thống đánh giá hiệu quả công việc hầu như rất thấp, ở mức 4%.
Việt Nam cũng không có nhiều hướng dẫn để đảm bảo việc tuân thủ QTDN. Đặc biệt, quản trị rủi ro luôn là điểm yếu của phần lớn DN Việt Nam.
Cải thiện xu hướng tất yếu
Theo các chuyên gia, dù QTDN không phải là lời giải cho mọi vấn đề về quản trị công ty nhưng việc nhìn nhận đúng đắn và thực thi nghiêm túc các quy chuẩn trong QTDN sẽ giúp DN nâng cao tính minh bạch, tạo sự tin tưởng nơi nhà đầu tư, thu hút dòng vốn và chiếm lĩnh thị trường kinh doanh.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG, còn nhấn mạnh: "Nếu không QTDN tốt, công ty sẽ khó phát triển bền vững, khó vươn ra thế giới, khó cạnh tranh toàn cầu và khó đạt mức lợi nhuận tối đa".
Hiện tại, như đã phân tích, bộ quy chuẩn về QTDN của Việt Nam chưa hoàn thiện. Vì thế, bà Anh Đào cho biết, trong năm 2015 và các năm tiếp theo, HOSE nói riêng và phía quản lý sẽ thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các quy định, quy chế về QTDN nhằm tăng cường áp dụng các thông lệ tốt trên thế giới về quản trị công ty cho các DN.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý sẽ tổ chức nhiều hội thảo, nhiều buổi trao đổi để giúp gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của QTDN hiệu quả trong công ty.
Về phía DN, đại diện một DN chia sẻ, quan trọng là người lãnh đạo DN phải nhìn thấy được cái lợi của QTDN tốt và thấy được xu hướng tất yếu phải thực thi QTDN tốt, từ đó cam kết mạnh mẽ và quyết tâm thực hiện.
Trên thực tế, để có thể đảm bảo tuân thủ và thực thi các quy định về QTDN, các công ty sẽ phải dành thêm thời gian, tài chính và cả đào tạo nhân sự. Chẳng hạn, liên quan đến công tác tài chính, QTDN tốt đòi hỏi công ty phải tuân theo các chuẩn mực IFRS, nhưng đây là chuẩn mực kế toán yêu cầu nhiều kỹ năng chuyên môn và tính liêm chính phải cao.
Nếu DN không ý thức từng bước tự hoàn thiện vì sự phát triển lâu dài, thì sẽ khó tự nguyện triển khai QTDN tốt. DN sẽ chỉ thực hiện QTDN theo cách đối phó, dừng ở mức độ tuân thủ tối thiểu các quy định bắt buộc. Khi đó, theo các chuyên gia, QTDN trong công ty không còn nhiều ý nghĩa và không đạt được hiệu quả.
Ngọc Thủy
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn