Giám đốc điều hành Zalora: Càng cạnh tranh càng có lợi
Giám đốc điều hành Zalora Việt Nam chia sẻ: Càng nhiều doanh nghiệp tham gia làm thương mại điện tử thì càng có lợi
Tự nhận mình nhân viên đã gắn bó với Zalora Việt Nam lâu nhất, Giám đốc điều hành Nguyễn Phương Anh chia sẻ, thương hiệu này không chỉ là công việc mà còn là niềm tự hào, tâm huyết của chị.
Từ khi đảm nhận vị trí giám đốc điều hành, chị đã nghiên cứu nhiều về thị trường thương mại điện tử (TMĐT) và đã có những chia sẻ thú vị về hướng phát triển của thị trường được cho là sẽ cực kỳ sôi động này.
Mong có nhiều cạnh tranh
* Mới xuất hiện gần đây, lại tham gia vào một thị trường còn rất mới tại Việt Nam, nhưng cái tên Zalora đã ngày càng trở nên quen thuộc. Đâu là bí quyết khiến Zalora được khách hàng nhanh chóng biết đến?
Trong khi những trang web bán hàng trực tuyến khác bày bán nhiều sản phẩm như điện thoại, laptop, máy lạnh, thời trang…, thì 100% sản phẩm của Zalora là thời trang. Đó chính là điểm khác biệt lớn nhất.
Đồng thời, Zalora cũng là trang web TMĐT thời trang duy nhất tại Việt Nam có sản phẩm do chính công ty thiết kế và sản xuất chứ không chỉ là đơn vị phân phối, bán lẻ sản phẩm của các thương hiệu khác.
Zalora tập trung một ngành hàng thời trang nhưng đa dạng về kiểu dáng, phong cách nên có thể tạo dấu ấn riêng. Và đó là cách để khách hàng khi cần mua sắm quần áo họ sẽ nhớ đến Zalora.
* Lĩnh vực thời trang vốn có sự cạnh tranh rất lớn. Có phải Zalora chọn đi một con đường quá khó khăn?
Một đàn anh đã nói với tôi rằng: “Khi làm kinh doanh mà không thấy ai cạnh tranh với mình, nghĩa là mình đang đi sai đường rồi”. Vì thế, nếu bạn cảm thấy bạn đang chịu sức ép cạnh tranh cực lớn đồng nghĩa với việc thị trường đó rất hấp dẫn và tiềm ẩn nhiều cơ hội để bạn thành công.
Mặt khác, TMĐT Việt Nam chỉ mới chập chững những bước đi đầu tiên, nên khi có càng nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia vào lĩnh vực này thì sẽ tạo ra cú hích, kích thích thị trường và các dịch vụ liên quan phát triển.
Ví dụ, càng nhiều đơn hàng, giá dịch vụ giao nhận sẽ giảm xuống, tạo nhiều việc làm hơn, bắt đầu mọc lên những công ty đào tạo nhân sự phục vụ cho các dịch vụ của TMĐT như giao hàng, tư vấn, chăm sóc khách hàng… Tất cả tạo nên sự hoàn thiện của thị trường, khắc phục những khó khăn của TMĐT hiện nay.
Nếu bạn cảm thấy bạn đang chịu sức ép cạnh tranh cực lớn đồng nghĩa với việc thị trường đó rất hấp dẫn và tiềm ẩn nhiều cơ hội để bạn thành công.
Theo số liệu tôi biết được thì Việt Nam có khoảng 44 triệu người dùng internet, nhưng chỉ khoảng 10 triệu người đã từng mua hàng online. Tuy nhiên, khi TMĐT trở nên phổ biến và thân thuộc hơn, nhiều khách hàng sẽ thay đổi thói quen từ mua hàng truyền thống sang mua hàng online, thị trường sẽ được mở rộng hơn...
Với tình hình đó, tôi cho rằng cạnh tranh không phải là khó khăn mà là thuận lợi. Càng nhiều người làm TMĐT thì không chỉ riêng Zalora mà bất cứ công ty TMĐT nào cũng sẽ được hưởng lợi.
Định vị bằng thế mạnh cốt lõi
* Cũng có nhiều trang web TMĐT kinh doanh mặt hàng thời trang, làm sao để khách hàng nhớ đến Zalora mỗi khi muốn mua sắm?
Tôi có nói đùa với một người bạn rằng, Zalora bán giày cho những phụ nữ đã có rất nhiều giày. Đặc điểm của phụ nữ là luôn luôn cần đồ mới, vì thế khi bạn gần gũi họ, hiểu được nhu cầu của họ, bạn sẽ có cơ hội được họ nhớ đến.
Zalora đồng hành cùng khách hàng như một người bạn, thân thiết với họ và trở thành nơi mua sắm tin cậy của họ.
Điều đó có nghĩa là, một DN TMĐT muốn tồn tại và phát triển thì phải tìm ra giá trị cốt lõi của mình, lấy đó làm năng lực cạnh tranh khiến khách hàng nhớ đến mình, chọn mình mà không phải ở nơi khác.
*Vậy theo chị, các DN TMĐT Việt Nam đã làm được việc này chưa?
Có thể nói, TMĐT tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu, chưa hình thành một cách hoàn thiện. Các DN vẫn đang tìm kiếm và định hình giá trị cốt lõi cho mình. Ví dụ, Thế Giới Di Động chọn việc chăm sóc khách hàng làm yếu tố cạnh tranh và đó có thể trở thành điểm cạnh tranh mạnh nhất của họ.
Một hướng phát triển khác của TMĐT là “cá lớn nuốt cá bé”. TMĐT đòi hỏi phải chi rất nhiều tiền để làm marketing, kéo lượt view cho trang web của mình. Việc hiển thị ở top đầu trong kết quả tìm kiếm trên Google là lựa chọn rất phổ biến của các DN TMĐT. Nhưng việc làm Digital Marketing rất cầu kỳ, đòi hỏi nhiều nhân lực có chuyên môn. Vì vậy, các công ty nhỏ nếu muốn tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này thì cần phải hợp thành một cộng đồng để hỗ trợ nhau, nếu không muốn bị thâu tóm bởi những công ty lớn với nguồn lực tài chính mạnh.
Nói chung, trong tương lai khoảng 2 -3 năm nữa thị trường sẽ rất thú vị, khi các DN đã xác định được hướng phát triển, tức xây dựng được thế mạnh cốt lõi của mình, tạo nên bức tranh TMĐT hoàn thiện hơn, đa sắc hơn.
* Là CEO của thương hiệu đa quốc gia, chị có cơ hội nắm bắt được tình hình TMĐT thế giới và khu vực. Vậy theo chị, thị trường TMĐT Việt Nam hiện nay như thế nào so với thế giới?
Khoảng 2 -3 năm nữa thị trường sẽ rất thú vị, khi các DN đã xác định được hướng phát triển, tức xây dựng được thế mạnh cốt lõi của mình,
So với các nước, doanh thu Zalora Việt Nam còn rất thấp. Khoản tiền của người Việt dành cho thời trang, quần áo chỉ bằng ¼ so với Zalora Singapore. Tuy nhiên, số lượng đơn hàng, tốc độ phát triển của Zalora Việt Nam lại khá tốt. Điều này có nghĩa là thị trường Việt Nam đang có nhiều tiềm năng khi kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng lên.
Dù vậy, thực tế là hình thức mua bán này còn quá mới mẻ ở Việt Nam. Người Việt chưa quen thanh toán trực tuyến. Khách hàng thích chi trả bằng tiền mặt nên dù đặt hàng trực tuyến thì đến khi nào cầm được hàng trên tay, khách mới trả tiền.
Điều đó gây ra khó khăn cho DN, bởi chưa thanh toán thì đơn hàng sẽ dễ bị hủy, thậm chí hàng được giao đến tận địa chỉ mà khách hàng yêu cầu rồi nhưng khách không nhận hàng nữa, đôi khi chỉ vì… hết thích rồi.
Thế nhưng, việc phát triển của TMĐT là tất yếu, đặc biệt trong thế giới kinh doanh phẳng, nhu cầu và đời sống của người dân ngày càng cao.
Nếu như trước đây khách hàng ở những thành phố nhỏ, không phát triển về thời trang đã rất vất vả để tìm được trang phục phù hợp thì nay, dù bạn ở bất cứ đâu, chỉ cần bạn thích món hàng đó, bạn chỉ cần chọn mua, được giao hàng tận nơi theo yêu cầu. Nhìn chung, TMĐT tạo ra sự thuận lợi cho tất cả khách hàng trên toàn thị trường.
Xây dựng cộng đồng
* Được biết, Zalora có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp thông qua dự án Marketplace. Cụ thể, Zalora sẽ làm những gì?
Đúng vậy! Marketplace nằm trong dự án hỗ trợ những thương hiệu nhỏ, mới khởi nghiệp, hoàn toàn miễn phí. Zalora tạo điều kiện đưa những sản phẩm của các đối tác này lên trang web, để nhiều khách hàng có thể biết đến hơn. Đồng thời, Zalora cũng sẽ giúp các nhà khởi nghiệp làm marketing, giao hàng, chăm sóc khách hàng để các bạn có thể yên tâm tập trung cho việc sản xuất, đầu tư phát triển thương hiệu.
Những bạn trẻ khởi nghiệp với số vốn và nhân lực ít, khó có thể sở hữu được những công cụ đo lường chuyên nghiệp. Trong khi đó, với kinh doanh TMĐT, số liệu liên quan đến sản phẩm, tình hình mua bán là yếu tố cực kỳ quan trọng để doanh nghiệp đánh giá hiệu quả kinh doanh và xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh phù hợp.
Với Marketplace, Zalora có thể cung cấp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp những số liệu như: bao nhiêu người truy cập trang, lượt xem từng món hàng, bao nhiêu người ra quyết định mua hàng… Từ đó, các nhà khởi nghiệp có cái nhìn bao quát hơn, hiểu rõ hơn thị trường mà mình đang theo đuổi.
* Điều này có làm ảnh hưởng đến “dấu ấn” của Zalora hiện nay trên thị trường, như chị đã chia sẻ là “sản phẩm do chính công ty thiết kế và sản xuất chứ không chỉ là đơn vị phân phối, bán lẻ sản phẩm của các thương hiệu khác”?
Chất lượng sản phẩm phải được xem là tiêu chí quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp kinh doanh TMĐT nào cũng phải đề cao, chú trọng.
Đặc trưng của TMĐT là khách hàng mua sắm dựa vào niềm tin, do không được trực tiếp trải nghiệm sản phẩm. Vì thế, việc tạo dựng niềm tin, uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng là rất quan trọng.
Chỉ cần một sản phẩm kém chất lượng đến tay khách hàng, thương hiệu của bạn sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, vì không chỉ chính khách hàng đó sẽ không quay trở lại trang web của bạn mà cả người thân, bạn bè của họ cũng sẽ có ấn tượng xấu với thương hiệu của bạn.
Do đó, chất lượng sản phẩm phải được xem là tiêu chí quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp kinh doanh TMĐT nào cũng phải đề cao, chú trọng.
Mọi sản phẩm của các doanh nghiệp hợp tác, bán hàng trên trang web của Zalora sẽ đều được chúng tôi kiểm tra chất lượng trước khi đưa đến tay khách hàng. Công đoạn này khiến Zalora mất thêm một chút thời gian, có thể khiến khách hàng nhận được sản phẩm chậm hơn khi mua ở các trang web TMĐT khác, nhưng sẽ đảm bảo 100% hàng hóa bán ra với thương hiệu Zalora đều đạt chất lượng, giữ gìn uy tín và hình ảnh công ty.
* Theo cách đó, Zalora dần dần sẽ có nhiều doanh nghiệp đăng ký cùng hợp tác, bán hàng trên website của mình. Liệu hướng phát triển này có tạo ra một Alibaba tại Việt Nam không?
Tại Trung Quốc, người dân tìm kiếm trên Alibaba nhiều hơn trên Google. Vì thế, một lẽ tất nhiên là những thương hiệu thời trang lớn cũng tập trung trên website của Alibaba. Vì vậy, sự cạnh tranh, tìm chỗ đứng của các thương hiệu nhỏ, mới khởi nghiệp là rất khắc nghiệt.
Hiện tại, các công ty nhỏ hợp tác với Alibaba đều đã… chết hết. Vì họ không đủ chi phí quảng cáo để khách hàng biết và có thể tìm đến mình giữa một số lượng khổng lồ các cửa hàng, thương hiệu hiện có trên Alibaba.
Đối với Zalora, chúng tôi không tính tiền quảng cáo mà sẽ hỗ trợ các thương hiệu nhỏ, cung cấp cho họ lượt xem và xu hướng mua hàng của khách. Từ đó, thương hiệu hợp tác sẽ có thể điều chỉnh về mặt sản phẩm, hình ảnh, giá cả… sao cho thu hút hơn.
Thứ hai, Zalora cũng sẽ họp bàn và hướng dẫn các nhà khởi nghiệp biết cách lựa chọn các món hàng phù hợp để bán online. Cần biết, không phải món nào bán offline được thì cũng bán online được.
Từ những định hướng, góp ý bằng thực tế đo lường, Zalora sẽ hỗ trợ được cho các bạn khởi nghiệp, thương hiệu nhỏ phát triển đúng hướng hơn, tập trung vào các điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của mình.
* Để tham gia Marketplace, các nhà khởi nghiệp cần đáp ứng điều kiện gì, thưa chị?
Có 2 tiêu chí quan trọng nhất mà các nhà khởi nghiệp cần đáp ứng: Thương hiệu có giấy phép kinh doanh và không phải “hàng nhái”.
Trong từng trường hợp cụ thể, Zalora sẽ tiếp xúc, xem hàng hóa để có quyết định phù hợp.
Trong tương lai, Zalora sẽ có thêm lĩnh vực thời trang trẻ em, đồ thể thao và có thêm cơ hội hợp tác với nhiều bạn khởi nghiệp hơn.
*Cảm ơn chị đã chia sẻ, và mong rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang nhận được sự hỗ trợ từ Zalora.
Tăng Khánh
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn