Bà chủ sơn Kova: Cuộc đời tôi là 3 lần liều
Ở tuổi gần 70, bà chủ sơn Kova vẫn làm việc không nghỉ. Giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp chia sẻ: “Sơn làm ra chưa kịp bán cô đã gọi chúng tôi, khoe tiếp sản phẩm mới".
Nhận giải thưởng Kovalevskaya, giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ năm 1993, năm 2005, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, chủ tịch Tập đoàn sơn Kova có mặt trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình.
Ăn mì gói, ngủ cầu thang suốt 2 tháng ở trời Tây
Sinh ra trong gia đình nghèo ở Nghệ An, bà trở thành sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội khi đã có 3 con nhỏ. “Có lẽ đó là cái liều đầu tiên và lớn nhất trong cuộc đời tôi. Vừa đi học, vừa mò cua bắt ốc, một nách nuôi 3 con thơ. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi rèn cho mình khả năng và ý chí cho 2 lần liều sau này”, bà Hòe nói.
Tốt nghiệp, bà được giữ lại trường làm giảng viên. Việc được giữ lại trường cũng đồng nghĩa với cánh cửa nghiên cứu khoa học đã mở cho bà. Năm 1986, bà chuyển về Đại học Bách khoa TP HCM tiếp tục các đề tài nghiên cứu. Để có tiền làm khoa học, bà phải bán đi căn nhà đang ở. Song với bà, chỉ có con đường nghiên cứu khoa học đúng nghĩa mới thoát nghèo. Và với đề tài nghiên cứu về sơn chống thấm cùng nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu sơn, năm 1993, PGS-TS Nguyễn Thị Hòe được trao tặng giải thưởng Kovalevskaya, giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ.
Tháng 9/1993, bà Hòe sang Mỹ nhận giải thưởng. Từ đây, bà quyết định kinh doanh những sản phẩm mình làm ra. Sơn chống thấm do bà nghiên cứu được đặt tên là Kova, chữ viết tắt của giải thưởng bà được nhận.
"Ban đầu, tôi bán sơn bằng can, không biết cách in tên thương hiệu lên vỏ hộp. Tất cả đều rất thô sơ. Mãi đến lần sang Mỹ tiếp theo, tôi mới xách về một vỏ thùng, đưa cho một xí nghiệp bao bì ở quận 6, TP HCM làm mẫu. Rồi mất hai năm mới ra được vỏ thùng", nhà khoa học kể lại ngày đầu kinh doanh sơn của mình.
Đến năm 1996, bà mở liên doanh với Vinaconex, thành lập liên Kova - Vinaconex Hà Nội với tư cách là trung tâm nghiên cứu.
Cùng thời điểm này, một hãng sơn của Mỹ đã mời bà về để giúp nhiệt đới hóa sản phẩm sơn của họ. Hợp tác khoa học thành công, bà Hòe được đối tác chuyển giao công nghệ mới cho nhà máy sơn Kova tại Việt Nam.
Thời điểm năm 2000, bà ký một hợp đồng với Mỹ hợp tác nghiên cứu công nghệ sơn mới trong 2 tháng. Để có tiền sang Mỹ, bà phải vay mượn khắp nơi với lãi suất cao. Và dù đã bán luôn chiếc xe máy duy nhất, bà cũng chỉ gom góp được vỏn vẹn 500 USD làm lộ phí.
Sang Mỹ, hành trang nhà khoa học mang theo là một vali 25 kg với những mẫu gạch ngói, đất đá và mỳ tôm. "Những ngày trên đất Mỹ, gia tài của tôi là 500 USD để tiêu và 20kg mỳ gói ăn suốt 2 tháng ròng. Thiếu tiền, tôi phải ngủ tạm dưới cầu thang sân bay. Tôi phải tiết kiệm hết mức có thể để nghiên cứu. Đây chính là lần liều thứ 2 trong đời tôi", bà Hòe kể.
Đặt cược với thị trường Singapore
Thời điểm 1998, nhận thấy thị trường sơn tại Singapore rất tiềm năng, do công trình ở đây bắt buộc phải sơn mới lại sau mỗi sau 5 năm, bà Hòe quyết định sang Singapore tìm khách hàng. Quyết định mang sản phẩm vào đảo quốc sư tử được bà gọi là lần thứ 3 liều lĩnh.
Ít vốn và cũng không biết làm quảng cáo, bà chọn cách đưa sản phẩm vào trung tâm kiểm nghiệm hàng đầu của Singapore. Song chỉ riêng chi phí này đã khiến sơn Kova tốn hàng tỷ đồng. “Kiểm nghiệm một mẫu ở Việt Nam chỉ vài triệu đồng. Còn tại Singapore, một mẫu với 17 thông số tốn hết 3.300 USD. Mất một năm tôi mới kiểm nghiệm xong các sản phẩm của sơn Kova tại Singapore”, bà kể.
Có giấy tiêu chuẩn, bà Hòe bắt đầu tìm đến các buổi đấu thầu công trình. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng sơn Kova cũng được thử nghiệm ở một dự án. Nhưng phải đến khi tham gia vào dự án sơn lại Trung tâm Thương mại Vivo City vào năm 2009 thì sản phẩm của bà mới bắt đầu tạo được dấu ấn.
Trung tâm này vốn nằm gần cảng, ngay trục đường cao tốc và bãi đậu xe, nên mảng tường bên ngoài bám bụi rất nhiều, cứ 6 tháng đến 1 năm, chủ đầu tư phải cho sơn lại. Yêu cầu đặt ra lần này là lớp sơn mới phải chống được bụi, có khả năng tự làm sạch.
Yêu cầu quá khó khiến các hãng sơn nổi tiếng từ Đức, Mỹ, Nhật tại Singapore không đáp ứng được đã tạo cơ hội cho bà Hòe. Sau thời gian dùng thử, chủ đầu tư và nhà thầu Nhật đều ưng ý. Từ dự án khó tính Vivo City, hiện 90% công trình của nhà thầu Nhật này ở nhiều quốc gia đang dùng sơn của Kova.
Sơn Kova cũng đã tham gia vào nhiều công trình lớn tại Singapore, như hệ thống giao thông, bệnh viện, trường học, sân bay và một số tòa nhà của Chính phủ. Công ty cũng vừa cung cấp sản phẩm sơn kháng khuẩn cho một hệ thống bệnh viện mới có chi phí xây dựng gần 1 tỷ USD.
Gần đây nhất, sơn nước Kova được chọn để thử nghiệm, thay thế cho loại sơn nhiệt dẻo đang dùng để sơn đường ở đất nước này. Hiện Kova và các cơ quan chức năng Singapore đang xúc tiến làm mẫu những tuyến đường đầu tiên tại Singapore.
Bà Hòe tự nhận mình thuộc số ít phụ nữ chỉ có đam mê duy nhất là nghiên cứu. Gần 70 tuổi, bà vẫn di chuyển liên tục từ TP HCM đến Hà Nội rồi Singapore, Campuchia, Malaisia… để điều hành việc sản xuất tại các nhà máy. Phần còn lại dành hết cho phòng thí nghiệm. Sản phẩm mới mà bà nghiên cứu vì thế cũng liên tục ra đời.
Ông Nguyễn Duy, giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Kova chia sẻ: “Cứ vài ngày chủ tịch lại gọi tôi vào cho xem sản phẩm mới và yêu cầu chúng tôi bán. Sản phẩm mới ra liên tục đến mức nhân viên không làm kịp kế hoạch kinh doanh”.
Hiện nay, bên cạnh các sản phẩm sơn truyền thống, bà Hòe còn ra mắt các sản phẩm độc đáo như sơn giả đá, sơn nano chống cháy, sơn chống đạn, sơn kháng khuẩn và chống gỉ… được sản xuất từ vỏ trấu, lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới.
Ông Nguyễn Duy chia sẻ thêm, mức tăng trưởng của sơn Kova hiện đạt trung bình 20%/năm. Mục tiêu doanh nghiệp phấn đấu là sẽ đạt doanh thu 100 triệu USD trong 2-3 năm tới. Công ty cũng đang lên kế hoạch cho 4 dự án hợp tác tại châu Âu, với đối tác là các hãng tàu biển, khách sạn 5 sao...
30 năm nghiên cứu khoa học và 20 năm làm doanh nhân, PGS.TS Nguyễn Thị Hoè xây dựng được một thương hiệu sơn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với 12 công ty, 7 nhà máy sản xuất, 8 văn phòng đại diện và hơn 1.000 đại lý trong và ngoài nước. Cả 3 người con của bà đều là những nhà nghiên cứu giống mẹ. Họ vừa làm khoa học, vừa chia nhau quản lý hoạt động của các công ty tại Singapore, Lào, Campuchia và Việt Nam.
“Hãy luôn nghĩ về mọi người, nghĩ đến cái chung. Cả đời gắn với công tác khoa học, tôi nghĩ chỉ nên nghiên cứu những gì xã hội cần, có thể ứng dụng được, từ đó mới có thể thương mại hóa những thành quả nghiên cứu ấy. Nếu nhà khoa học chỉ nghiên cứu mà không ứng dụng sản xuất thì không thành công”, TGS.TS, doanh nhân Nguyễn Thị Hòe chia sẻ.
Hà Linh
Nguồn Zing News