Ngoại giao thời Twitter
Những va vấp đáng tiếc trên mạng xã hội không khiến công cụ ngoại giao đắc lực này trở nên kém hấp dẫn hơn đối với giới chức ngoại giao toàn cầu.
Nội dung nổi bật:
- Có nhiều bằng chứng cho thấy, sự thay đổi lạnh lùng của các mạng xã hội như Twitter, Facebook… tới nghề ngoại giao truyền thống - vốn đòi hỏi không ít nguyên tắc cũng như sự cẩn trọng trong mỗi câu từ.
- Các nhà ngoại giao trên thế giới ngày càng “sáng đèn” trên mạng xã hội nhiều hơn.
- Tuy trở thành công cụ đắc lực trợ giúp truyền tải thông điệp của một quốc gia nhưng Twitter cũng chứng kiến không ít sự xộc xệch trong ngôn ngữ ngoại giao.
Vào những năm 1840, sau khi nhận bức điện tín đầu tiên, Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ - ông Lord Palmerston - đã thốt lên: “Chúa ơi, phát minh này đã đặt dấu chấm hết đối với ngành ngoại giao!”.
Nhanh như mạng xã hội
Sau khi những loạt đạn bắn vào cửa sổ quán cà phê Krudttonden ở thủ đô Copenhagen hôm 15-2 và cướp đi sinh mạng của ít nhất 1 người, Đại sứ Pháp tại Đan Mạch François Zimeray gần như ngay lập tức đăng đàn mạng xã hội Twitter và thông báo: “Tôi vẫn còn sống và đang ở phòng mình”.
Rõ ràng, ngành ngoại giao đã không chết theo hướng mà ông Palmerston lo ngại. Tuy nhiên, những công cụ đưa tin mới như các mạng xã hội Twitter, Facebook có vẻ đang đe dọa phong cách văn bản ngoại giao truyền thống vốn cẩn trọng tới từng chữ.
Lời thông báo ngắn gọn của ông Zimeray nhận được 2.000 phản hồi. Đối với nhiều người theo dõi tài khoản Twitter của vị đại sứ, đây là thông tin đầu tiên họ tiếp cận về vụ xả súng gây rúng động này. Vụ tấn công xảy ra ngay tại buổi tranh luận về Hồi giáo và tự do ngôn luận có sự tham gia của họa sĩ Thụy Điển Lars Vilks - tác giả các bức tranh hoạt hình châm biếm đấng tiên tri Mohammed của người Hồi giáo, từng gây tranh cãi trên khắp thế giới vào năm 2007.
Tuy nhiên, một số người cho rằng kiểu thông tin “lạy ông tôi ở bụi này” của Đại sứ Zimeray có thể tiềm ẩn nguy cơ về an ninh. “Sẽ ra sao nếu những kẻ khủng bố đọc được thông tin này?” - GS Gorden Barrass thuộc Trường Kinh tế London, cũng từng là một nhà ngoại giao, đặt câu hỏi.
Đại sứ quán Pháp ở Đan Mạch từ chối bình luận về sự việc và cũng không cho phép ông Zimeray trả lời phỏng vấn báo giới. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định: “Khi giới chức ngoại giao Pháp đăng bất cứ điều gì trên tài khoản mạng xã hội dưới tên riêng, họ thường chấp hành theo hướng dẫn tương tự đăng tải của Bộ Ngoại giao nhưng cách đặt vấn đề mang tính chất cá nhân hơn”.
Tuy trở thành công cụ đắc lực trợ giúp truyền tải thông điệp của một quốc gia nhưng Twitter cũng chứng kiến không ít sự xộc xệch trong ngôn ngữ ngoại giao
Khuynh hướng khó cưỡng
Câu chuyện của Đại sứ Zimeray chính là một ví dụ điển hình lột tả sự thay đổi lạnh lùng của các mạng xã hội như Twitter, Facebook… tới nghề ngoại giao truyền thống - vốn đòi hỏi không ít nguyên tắc cũng như sự cẩn trọng trong mỗi câu từ.
Đại sứ Mỹ tại Nga giai đoạn 2012-2014 Michael McFaul nhận định với báo The Wall Street Journal: “Công việc ngoại giao không có gì phải bí mật và Twitter đã giúp các nhà ngoại giao lan truyền thông điệp của mình. Trước khi trở thành đại sứ, tôi không hề biết Twitter. Nhờ sự chỉ dẫn của Ngoại trưởng Mỹ (lúc bấy giờ) Hillary Clinton - người luôn nhấn mạnh về việc phát huy Twitter như một công cụ làm việc - tôi đã học được cách sử dụng nó một cách khá tích cực”.
Các nhà ngoại giao trên thế giới ngày càng “sáng đèn” trên mạng xã hội nhiều hơn. Hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkēvičs dùng mạng xã hội để công khai bản thân đồng tính, trong khi thủ tướng (tương lai) của Ấn Độ Narendra Modi đăng tải ảnh “tự sướng” sau cuộc bầu cử.
Bên cạnh những ví dụ cho thấy mạng xã hội đã mang lại cầu nối hữu hiệu giữa các chính khách và cộng đồng, cũng không ít các va vấp đáng tiếc do thiếu suy xét đáng tiếc đẩy nhiều nhà ngoại giao vào tình cảnh nước sôi lửa bỏng. Hồi đầu tháng 2-2015, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman yêu cầu đình chỉ công tác 3 nhà ngoại giao nước này vì đã chỉ trích Thủ tướng Benjamin Netanyahu trên Twitter.
Bộ ngoại giao nhiều nước trong những năm gần đây đã mở rộng hoạt động trên mạng xã hội của các đại sứ, đại sứ quán và các sứ mệnh ngoại giao. Theo một báo cáo hồi tháng 12-2014 mang tên “Ngoại giao Twitter” của công ty quan hệ công chúng hàng đầu thế giới Burson-Marsteller có trụ sở ở Mỹ, hơn 3.500 đại sứ quán và các đại sứ đang hoạt động trên mạng xã hội. Kể từ năm 2013, tất cả đại sứ quán của Thụy Điển đều có hồ sơ trên Twitter và Facebook, trong đó có cả tài khoản ở văn phòng tại biên giới Triều Tiên - nơi tiếp cận được internet là cả một thách thức lớn.
Ngôn ngữ xộc xệch
Tuy trở thành công cụ đắc lực trợ giúp truyền tải thông điệp của một quốc gia nhưng Twitter cũng chứng kiến không ít sự xộc xệch trong ngôn ngữ ngoại giao, theo Burson-Marsteller. “Thời đại của sự tế nhị đã qua rồi” - Matthias Lüfkens, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật số của Burson-Marsteller, thẳng thắn.
Hồi tháng 8-2014, chỉ vài tháng sau khi bán đảo Crimea sáp nhập Nga, phái đoàn Canada tại NATO đột nhiên chọc giận Moscow bằng một tấm bản đồ đăng trên Twitter, trong đó Ukraine được chú thích là “Not Russia” (tạm dịch là “không phải Nga”). Chỉ 24 giờ sau đó, phái đoàn Nga ở NATO cũng đáp trả trên Twitter bằng tấm bản đồ thể hiện rõ ràng Crimea là một phần của Nga cùng thông điệp khá châm chọc: “Giúp đỡ các bạn Canada hiểu địa lý hiện đại của châu Âu”.
Đến đầu tháng 2 vừa qua, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner phải xin lỗi sau khi bị cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ vì châm chọc cách phát âm tiếng nước ngoài của người Hoa trên trang Twitter cá nhân trong lúc thăm Bắc Kinh.
Đỗ Quyên
Nguồn Người Lao Động