Việt Nam bùng nổ smartphone, Huawei hưởng lợi

Con đường của Huawei cho thấy cách các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang tiếp cận thị trường Việt Nam.

Thị trường chật cứng

Sau một thời gian dài làm đối tác OEM (Original Equipment Manufacturer - nhà sản xuất gốc) cho các nhà mạng Việt Nam, Tập đoàn công nghệ Huawei đã chính thức tham gia vào thị trường smartphone Việt Nam bằng việc ra mắt hai sản phẩm Ascend P7 Arsenal và Mate 7 hồi đầu năm 2015.

Theo ông Shawn Shu, Tổng giám đốc mảng Khách hàng tiêu dùng của Huawei Việt Nam, đây là cột mốc cho biết hãng sẽ tập trung vào đối tượng là người dùng cuối thông qua việc phát triển các đối tác bán lẻ và đẩy mạnh tiếp thị trong thời gian tới.

Theo chiến lược trong năm nay, ông Shawn cho biết Huawei sẽ đưa các sản phẩm ra thị trường với nhiều mức giá, từ vài triệu cho đến hơn chục triệu đồng. Công bằng mà nói, nếu Huawei gia nhập thị trường Việt Nam sớm hơn vài năm thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn cho hãng vì hiện nay sự cạnh trong thị trường smartphone đang diễn ra rất khốc liệt.

Việt Nam bùng nổ smartphone, Huawei hưởng lợi

Bởi cứ nhìn vào thị trường smartphone hiện nay ai cũng dễ dàng thấy sự chen chúc của các hãng để giành thị phần. Như ở phân khúc dưới 4 triệu đồng, cách đây 2 năm là sân chơi của phần lớn các hãng điện thoại Việt Nam, Trung Quốc thì nay đã có thêm Microsoft. Theo ông Satya Nadella, Giám đốc Điều hành Microsoft, Windows Phone sẽ sớm được sáp nhập vào thị phần Windows 10.

Chính vì thế, không khó đoán sau khi mua lại thương hiệu Nokia, mẫu điện thoại đầu tiên của Microsoft thuộc phân khúc phổ thông để dễ bán, như mẫu Lumia 535 hiện đang được bán ở Việt Nam với giá khoảng 3,5 triệu đồng và nhắm vào các thị trường trọng điểm của Hãng, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó ở phân khúc dưới 8 triệu đồng, Huawei sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ nặng cân mà điển hình là Asus. Ông Jeff Lo, Tổng giám đốc ASUS, mới đây công bố Hãng đang chiếm thị phần đứng thứ ba về smartphone (với 10,4%) ở Việt Nam với dòng ZenFone dù mới gia nhập thị trường này được một năm.

Còn ở phân khúc cao cấp, tức trên 10 triệu đồng là "cuộc chiến" giữa hai nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới hiện nay là Samsung và Apple. Đó là chưa kể Huawei phải cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc đã có tên tuổi ở Việt Nam như Lenovo hay OPPO.

Cơ hội nào cho những thương hiệu như Huawei?

Việt Nam bùng nổ smartphone, Huawei hưởng lợiKhá cởi mở, ông Shawn cho biết, trên thực tế đây không phải là lần đầu Công ty tham gia vào thị trường có mật độ cạnh tranh cao như ở Việt Nam.

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường IDC, Huawei chiếm 6,9% thị phần smartphone toàn cầu trong quý II/2014, tăng mạnh so với 4,3% cùng kỳ năm trước, tiêu thụ được 20,3 triệu smartphone và đạt được tốc độ tăng trưởng tới 95,1%, cao nhất trong số những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực này.

Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp Huawei nắm giữ vị trí này. Còn theo thống kê gần đây nhất, theo Gartner hồi quý III/2014, có gần 16 triệu smartphone của Huawei được bán trên toàn cầu, chiếm 5,3% thị phần thế giới. Con số này tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm yếu nhất của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc là thương hiệu yếu khiến họ không được tin tưởng như những nhà sản xuất lớn khác, nhất là khi mang thương hiệu "made in China".

Điểm yếu lớn nhất của Huawei ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiện nay, theo ông Shawn là chưa mạnh trong truyền thông, tiếp thị, do tập trung nhân lực trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng như nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng trong một thời gian dài.

Như Oppo vào thị trường Việt Nam chỉ mới một thời gian ngắn, sau Oppo Find 5, hãng này tiếp tục tung ra thị trường Việt Nam 2 dòng sản phẩm mới nữa, kéo theo đó là các hoạt động truyền thông, quảng bá khá rầm rộ.

Tuy nhiên, Oppo, Huawei, cũng như các thương hiệu Trung Quốc khác đều không thể "đốt cháy giai đoạn" trong nỗ lực xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, đã qua thời các sản phẩm giá rẻ Trung Quốc "ăn khách" tại thị trường Việt Nam khi các thương hiệu lớn như Samsung, Nokia, Microsoft cũng tấn công phân khúc bình dân.

Việt Nam bùng nổ smartphone, Huawei hưởng lợi

Ghi nhận từ các hệ thống bán lẻ điện tử cho thấy smartphone Trung Quốc hiện chiếm khoảng 15-20% lượng điện thoại bán ra. Tuy vậy, điểm yếu nhất của các nhà sản xuất này là thương hiệu yếu khiến họ không được tin tưởng như những nhà sản xuất lớn khác, nhất là khi mang thương hiệu "made in China".

"Việt Nam là một trong 15 thị trường quan trọng nhất của Huawei trên thế giới. Chính vì thế chúng tôi sẽ đầu tư mạnh vào việc phát triển thương hiệu tới người tiêu dùng trong thời gian tới", ông Shawn nói.

Nhiều khả năng, trong năm nay, cái tên Huawei sẽ được gắn liền với các chương trình tài trợ thể thao, mà cụ thể là bóng đá. Đây là chiến lược gắn liền với chiến dịch "Make it Possible" mà Hãng đã khởi xướng từ năm 2013.

Nói về thị trường Việt Nam, ông Shawn cho biết, có hai yếu tố sẽ tạo ra cơ hội cho Huawei. Thứ nhất, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là một trong những thị trường smartphone có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới và cùng với xu hướng này sự phát triển của các nền tảng để phát triển truyền thông xã hội, các mô hình kinh doanh thương mại trực tuyến trên di động.

Việt Nam bùng nổ smartphone, Huawei hưởng lợi

Kế đến, Việt Nam là một quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, đặc điểm của lớp khách hàng này là thích kết nối và yêu thích công nghệ mới. Cả hai yếu tố này sẽ sớm thúc đẩy Việt Nam tiến lên hạ tầng mạng 4G LTE để đảm bảo việc kết nối.

Ông Shawn cho biết, thời gian tới, Huawei sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm tích hợp khả năng kết nối và các công nghệ mới nhất của Hãng vào thị trường Việt Nam, một trong số đó là mẫu Honor 6+. "Làn sóng 4G LTE sắp tới ở Việt Nam sẽ là cơ hội của chúng tôi.", ông Shawn nói.

Công Sang
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn