Du lịch trực tuyến & mối đe dọa từ Amazon

Du lịch trực tuyến & mối đe dọa từ Amazon

Mặc dù thị trường dịch vụ du lịch trực tuyến hiện rất chật chội với nhiều cái tên đình đám như TripAdvisor, Expedia, Kayak và Priceline (công ty chủ quản của trang Booking.com), nhưng xem ra Amazon rất quyết tâm để biến bộ phận Amazon Local, vốn đang hoạt động như một trang bán coupon du lịch, thành một cổng thương mại điện tử thực thụ.

Amazon lấn sân dịch vụ khách sạn

Theo Skift, công ty chuyên nghiên cứu về lĩnh vực du lịch, thì từ cuối năm ngoái, Amazon đã bắt đầu làm việc với một số khách sạn ở New York, Los Angeles và Seattle. Chủ khách sạn sẽ sử dụng Amazon như trang quảng bá chính thống của mình. Họ đăng thông tin, hình ảnh và giá phòng trên đó và trả Amazon một khoản hoa hồng là 15%. Khách hàng sẽ thanh toán thông qua Amazon và Amazon sẽ thanh toán phần 85% cho chủ khách sạn thành hai đợt.

Du lịch trực tuyến & mối đe dọa từ AmazonSo sánh với mức hoa hồng thông thường của Expedia là 25%, rõ ràng con số của Amazon đưa ra hấp dẫn hơn nhiều. Chưa kể các chủ khách sạn có cơ hội bán các sản phẩm khác hoặc sản phẩm cao cấp hơn cho khách hàng của Amazon. Với 20 triệu thành viên của Amazon Prime, Amazon tự tin vào sức mạnh của mình. Đồng thời, với giá trị lên đến 154 tỉ USD, Amazon cũng thừa sức thực hiện các thương vụ thâu tóm các đối thủ tiềm năng.

Andrew Vaterlaus-Staby, chuyên gia phân tích của hãng tư vấn PSFK, cho biết “Người sử dụng các dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến thường quan tâm nhiều nhất đến giá cả trong khi với khả năng của mình, Amazon có thể đảm bảo khách hàng thường xuyên nhận được những mức giá ưu đãi nhất, thay vì phụ thuộc vào may rủi hay từng thời điểm cụ thể như trước đây”.

Hiện tại Amazon chưa có nhiều chương trình và đối tác nhưng đổi lại, mức khuyến mãi mà người dùng có thể nhận được có thể lên đến 52% như tại chuỗi khách sạn The Lodge at Sedona tại bang Arizona.

Thị trường quen mà lạ

Được biết Amazon đã tham gia lĩnh vực du lịch từ năm 2001 thông qua việc hợp tác với Expedia và SideStep (đã được Kayak mua lại vào năm 2007). Tuy vậy, Amazon chưa bao giờ quyết tâm dấn thân trong lĩnh vực du lịch như tại thời điểm này.

Robert Cole, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực khách sạn, hiện làm việc cho hãng RockCheetah, cho biết ông tin tưởng Amazon sẽ góp phần phá vỡ những tập quán trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhất là về dài hạn, bởi phá bĩnh chính là thuộc tính của hãng này trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh doanh sách.

Theo giới phân tích, động thái này của Amazon phần nào hé lộ trọng tâm chiến lược mới của Hãng trong năm 2015 là tập trung phân phối các dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh lĩnh vực du lịch, Amazon cũng cung cấp dịch vụ giao hàng cho các nhà hàng tại Seattle và cạnh tranh với các công ty trong thị trường này như Seamless/GrubHub và Eat24. Và không sớm thì muộn, Amazon có thể sẽ lấn sân sang lĩnh vực bán vé máy bay và dịch vụ cho thuê xe.

Du lịch trực tuyến & mối đe dọa từ Amazon

Trước thông tin Amazon gia nhập thị trường du lịch, James Liang, Tổng Giám đốc của Ctrip, công ty du lịch chuyên về thị trường du lịch Trung Quốc, cho biết ông không bất ngờ trước động thái của Amazon, nhất là sau khi Alibaba dấn thân vào lĩnh vực này với dịch vụ Alitrip.

Trong khi đó, Dara Khosrowshahi, Tổng Giám đốc của Expedia, cũng hoan nghênh chào đón Amazon vào bữa tiệc vui này. “Đây là một thị trường lớn, với doanh thu toàn cầu lên đến hàng ngàn tỉ USD. Thị trường này luôn giàu tính cạnh tranh và liên tục tăng trưởng, thế nên, tôi chẳng ngạc nhiên khi những công ty như Amazon gia nhập,” Khosrowshahi cho biết.

Nhận xét về khả năng cạnh tranh của Expedia và Amazon, Khosrowshahi chia sẻ: “Tôi không thấy có rào cản nào cho Amazon, tuy vậy, chúng tôi hoàn toàn có thể cạnh tranh bằng mạng lưới hơn 300.000 khách sạn trên khắp thế giới. Phải mất rất nhiều công sức và thời gian để một công ty có thể đạt được quy mô toàn cầu như vậy, thế nên, chúng tôi rất tự tin vào năng lực cạnh tranh của mình”.

Du lịch trực tuyến & mối đe dọa từ Amazon

Theo Ken Sena, trưởng bộ phận nghiên cứu bất động sản của hãng Evercore ISI, có vẻ trong cuộc chiến này, Amazon đã chậm chân nếu so sánh với một đối thủ sừng sỏ khác là Booking.com của Priceline Group, đã hoạt động được hơn 10 năm và có hệ thống địa điểm lưu trú hơn 550.000 điểm trên thế giới. Thế nhưng, có vẻ như đối thủ thực sự của các trang dịch vụ du lịch chính là Google và Apple. Bởi lẽ, công cụ tìm kiếm Goolge ngày càng thông minh hơn, người dùng có thể dễ dàng tìm được thông tin cần thiết trong khi Apple cũng có nhiều ứng dụng về du lịch mà công ty này giữ bản quyền để khai thác độc quyền.

Ngoài ra, những công ty mới nổi khác như Buuteeq (hiện đã được Priceline Group mua lại), Duetto và Seekda cũng đang tung ra nhiều giải pháp quản lý giá phòng và kết nối người dùng với mạng lưới khách sạn, địa điểm lưu trú rộng lớn khác.

Do vậy, để thành công, Amazon cần phải giải quyết được bài toán về kinh tế, trong đó, mức hoa hồng 15% được xem là thành công bước đầu của Hãng. Bên cạnh đó, nếu Amazon có thể giữ chân hơn 20 triệu thành viên trung thành của Amazon Prime bằng các dịch vụ khách sạn giá rẻ thì đây sẽ là lợi thế không thể xem thường.

Du lịch trực tuyến & mối đe dọa từ Amazon

Sự xuất hiện của Amazon trong thị trường dịch vụ du lịch cũng được giới chủ khách sạn, địa điểm lưu trú chào đón. Theo Max Rayner, quản lý cấp cao của hãng tư vấn lữ hành Hudson Crossing, nhận định: “Những công ty như Amazon sẽ giúp thị trường có thêm sự sàng lọc và nhờ quá trình cạnh tranh lành mạnh, các chi phí cho bên trung gian sẽ được tinh giản. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với lĩnh vực du lịch-nhà hàng-khách sạn, khi mà tốc độ tăng chi phí đang vượt tốc độ tăng doanh thu”.

Hoàng Trung
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư