Camry mới hay chiến lược kinh doanh mới?

Trước thềm Triển lãm ôtô Việt Nam 2012, lần đầu tiên trong nhiều năm, chỉ trong vòng một tháng (tháng 8), thị trường đón nhận liên tiếp hai phiên bản thế hệ mới của hai mẫu xe chiến lược thuộc hai phân khúc quan trọng hàng đầu ở Việt Nam: Honda Civic thế hệ mới và Toyota Camry thế hệ mới.

Camry mới hay chiến lược kinh doanh mới?

Với 982 triệu đồng là người tiêu dùng sở hữu được chiếc Camry đẳng cấp hàng đầu trong dòng xe du lịch hạng trung: phiên bản đặc biệt 2.0E, động cơ 2.0L, hộp số tự động bốn cấp

Nếu như Civic thế hệ mới được nâng cấp để trở lại cuộc đua đến vị trí số 1 trong phân khúc compact sedan (vì đã để rơi lại vào tay đối thủ Corolla Altis đã ba năm) thì Camry mới thể hiện sự điều chỉnh chiến lược nhằm tiếp cận khách hàng một cách khôn ngoan và linh hoạt của Toyota.

Thay đổi đến từ chiến lược khách hàng So với mẫu xe Camry thế hệ mới được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 8/2011 trên thị trường lớn nhất của chiếc xe này là Bắc Mỹ, chiếc Camry mới được giới thiệu tại Việt Nam (cũng như tại khu vực Đông Nam Á) có một số khác biệt khá rõ, mà một trong những điều đáng chú ý nhất là động cơ.

Tại thị trường Bắc Mỹ, thế hệ mới của chiếc xe sedan hạng trung bán chạy nhất này có nhiều sự lựa chọn động cơ hơn so với thế hệ trước đó, bao gồm phiên bản động cơ hoàn toàn mới 2.5L, phiên bản động cơ 3.5L V6 và phiên bản hybrid 2.4L, bốn xilanh. Tại thị trường Việt Nam, Toyota đã quyết định cắt bỏ phiên bản cao cấp nhất là 3.5L, V6, thay vào đó là bản động cơ 2.5L hoàn toàn mới và lại còn có thêm bản động cơ 2.0L không thuộc thế hệ động cơ mới nói trên.

Trước đó, sự có mặt của Camry 3.5Q (thế hệ trước) từng được xem là “làm thay đổi quan niệm thị trường” của Toyota khi mẫu xe này tiếp cận được với phân khúc xe sang cả về trang thiết bị cao cấp và giá bán. Tuy nhiên, trên thực tế, phiên bản 3.5Q không được đánh giá là thành công. Năm 2011, chỉ có 178 chiếc Camry 3.5Q được tiêu thụ tại Việt Nam, trong khi phiên bản 2.4G lại bán được những 2.643 chiếc.

Việc từ bỏ phiên bản cao cấp cho thấy quyết định điều chỉnh chiến lược của Toyota Việt Nam là đưa Camry về đúng phân khúc thị trường vốn có của nó: dòng sedan hạng trung, với thế hệ động cơ mới 2.5L tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Bên cạnh đó, việc tung ra phiên bản động cơ 2.0L với hộp số tự động bốn cấp trong hình hài chiếc Camry thế hệ mới giúp Toyota hạ giá bán Camry xuống dưới 1 tỷ đồng để cạnh tranh trực tiếp với Hyundai Sonata 2.0L nhập khẩu, đang được chào bán với giá 959 triệu đồng (mức giá thấp nhất của phân khúc này so với các đối thủ cùng hạng trên thị trường).

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, mức tiêu thụ trên thị trường giảm sút, lại có sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới thì sự điều chỉnh này được xem là có tính chiến lược, thể hiện tư duy linh hoạt và khôn ngoan của nhà sản xuất số 1 Nhật Bản.

Với lợi thế về giá và phụ tùng thay thế do được lắp ráp trong nước, xem ra Camry mới khó có đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc. Honda Việt Nam hiện đang phân phối chiếc Accord nhập khẩu nguyên chiếc với giá 1,435 tỷ đồng (phiên bản 2.4) và 1,780 tỉ đồng (phiên bản 3.5), trong khi Nissan Teana 3.5L nhập khẩu nguyên chiếc có giá tới 2,425 tỉ đồng.

Vẫn là số 1 ở những thị trường lớn

Tại thị trường lớn nhất của Camry hiện nay là Bắc Mỹ, trong vòng 14 năm trở lại đây, Camry luôn là chiếc xe bán chạy nhất ở phân khúc sedan hạng trung phổ thông nhờ những ưu thế trong thiết kế, chất lượng, giá cả và các dịch vụ hậu mãi.

Sau khi trải qua cuộc khủng hoảng kép là phải thu hồi hơn chục triệu chiếc xe tại Mỹ hồi năm 2009, tiếp đó là thảm họa kép động đất - sóng thần tại Nhật Bản và lũ lụt tại Thái Lan năm 2011, Toyota đang cố gắng lấy lại vị trí nhà sản xuất xe hơi số 1 thế giới. Chiếc đòn bẩy giúp tạo đà hồi phục mạnh mẽ cho nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản này không gì khác hơn là Camry.

Chỉ tính riêng Camry, trong năm 2010, Toyota đã tiêu thụ được 327.804 chiếc và trong năm 2011 là 308.510 chiếc. Đến nửa đầu năm nay, chỉ tại khu vực Bắc Mỹ, Toyota đã bán được khoảng gần 200 ngàn chiếc Camry thuộc thế hệ thứ 7 (cùng đời với chiếc Camry vừa ra mắt người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam).

Camry mới hay chiến lược kinh doanh mới?

Camry thế hệ mới tại Việt Nam cao cấp nhất là phiên bản 2.5Q gắn động cơ thế hệ mới cùng hộp số tự động sáu cấp, ghế phía trước và hàng ghế phía sau đều điều khiển bằng điện, có hệ thống rèm cửa sau và hai bên, đầu DVD màn hình cảm ứng, điều hòa ba vùng khí hậu

Trước đó, ngôi vị của Camry từng bị đe dọa bởi sự tăng tốc của “tân binh” Hyundai Sonata, nhưng sự điều chỉnh về thiết kế và chính sách giá của Toyota đối với Camry thế hệ mới (thế hệ thứ 7 tại thị trường Bắc Mỹ) đã mang lại hiệu quả.

Camry mới được các chuyên gia xe hơi thị trường Bắc Mỹ đánh giá là gọn gàng hơn, trẻ trung hơn, nhiều sự lựa chọn động cơ hơn và tương ứng với nhiều sự lựa chọn về giá, thậm chí có phiên bản còn rẻ hơn phiên bản Hyundai Sonata tương đương.

Những thay đổi như vậy nhằm mục đích mở rộng phân khúc khách hàng của Camry tới các đối tượng khách hàng trẻ. Nhờ vậy, với phiên bản mới tại Bắc Mỹ, Camry gần như tiếp tục làm bá chủ trong phân khúc sedan cỡ trung, bỏ xa các đối thủ Honda Accord, Nissan Altima, Ford Fusion, Chevrolet Malibu, Hyundai Sonata, Kia Optima.

Tất nhiên, Camry sẽ vẫn phải chịu áp lực mới từ các đối thủ khi nhiều mẫu xe trong phân khúc sedan hạng trung có sự chuyển giao thế hệ trong năm 2012 và sang năm 2013, phân khúc này sẽ có thêm chiếc Mazda6 đời mới. Dù sao thì các chuyên gia nghiên cứu thị trường vẫn nhận định rằng trong thời gian trước mắt, Toyota Camry 2012 sẽ duy trì được tốc độ bán chạy nhất tại khu vực Bắc Mỹ.

Ở thị trường châu Á, Camry ít chịu áp lực hơn so với thị trường Bắc Mỹ, nhất là tại khu vực Đông Nam Á và Úc. Camry dường như đã trở thành sự lựa chọn đầu tiên của những gia đình trung lưu tại Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam.

Tại các nước Đông Á và Đông Nam Á, những chiếc Camry có cấu hình cao (phiên bản Camry 3.5Q của thế hệ trước) còn được xem là xe sang, cao cấp. Lượng tiêu thụ của Camry vẫn luôn dẫn đầu phân khúc mặc dù có thời kỳ bị suy giảm vì chịu ảnh hưởng bởi những thảm họa thiên nhiên.

Tại Thái Lan, chiếc Camry 2012 (thế hệ thứ 5 tại nước này) vừa mới trình làng đã ngay lập tức được giới báo chí ca ngợi là một sản phẩm sẽ làm nên sự đột phá trong phân khúc sedan hạng trung phổ thông nhờ thiết kế trẻ trung, năng động, thể thao hơn, khiến nhiều khách hàng hài lòng.

Camry mới hay chiến lược kinh doanh mới?

Camry 2012 - thế hệ thứ 5 tại Thái Lan

Toyota Camry 2012 đang có một lợi thế lớn tại thị trường hàng đầu Đông Nam Á vì những đối thủ của nó vẫn chưa đến lúc nâng cấp thế hệ, ví dụ Nissan chưa sẵn sàng đưa ra chiếc Altima, còn Honda phải đợi đến hết năm 2012 mới giới thiệu chiếc Accord mới ra thị trường.

Có cơ may thành công khá chắc chắn ở Bắc Mỹ, Úc và châu Á, nhưng Camry lại không được ưa chuộng tại châu Âu và Nhật Bản. Dường như Toyota không coi trọng phát triển chiếc sedan này tại châu Âu, bằng chứng là họ không sản xuất cũng như bán nó tại đây từ lâu.

Thay cho vị trí của Camry, Toyota sử dụng một chiếc sedan nhỏ hơn, mang tên Avensis. Tuy nhiên, hằng năm Toyota vẫn duy trì một lượng nhỏ (khoảng 25 ngàn chiếc Camry 2012) tại St. Petersburg để cung cấp cho thị trường Nga và các nước lân cận.

Sự yếu thế của Camry và thị trường xe hơi nói chung ở châu Âu một phần cũng do khủng hoảng nợ công và suy thoái kéo dài tại khu vực này. Phân khúc sedan cỡ trung tại đó đã thuộc về những chiếc xe Hàn Quốc như Hyundai Sonata và Kia Optima với giá rẻ và chất lượng ngày càng được cải thiện.

Có vẻ như ngược lại với chiến lược “Một Ford” của hãng xe hơi Mỹ, Toyota chọn chiến lược mềm dẻo và linh hoạt hơn cho các thị trường khác nhau, sẵn sàng hy sinh những thị trường hoặc phiên bản không hiệu quả để tập trung cho những khu vực có khả năng thành công lớn hơn. Chiến lược này liệu có thành công với Camry mới ở Việt Nam hay không, có lẽ chỉ cần chờ vài tháng là thấy được kết quả.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn